Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Nghiên cứu bút tích thơ xưa khắc đá vùng hoa lư và đèo Tam Điệp

Thứ Ba, 20/02/2024

Hóa công bao đời mài chuốt đã ban tặng cho vùng đất Hoa Lư và đèo Tam Điệp những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, với những dãy núi đá vôi thuộc dải Trường Sơn trùng điệp và hệ thống sông suối chằng chịt, tạo nên bức tranh thủy mặc “Sơn thủy hữu tình”. Gắn liền với dãy núi đá vôi trùng điệp là hệ thống hang động và thung lũng kỳ vĩ, mà cách đây hàng vạn năm người Việt cổ đã chọn làm nơi cư trú, sinh sống của bầy đàn và người xưa đã chọn các vị trí trên để xây dựng chùa chiền, miếu mạo, kinh thành… với dấu ấn đậm nét trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đó là sự hiện hữu một kinh đô Hoa Lư - Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt độc lập tự chủ, một quốc gia phong kiến tập quyền thống nhất đầu tiên trong lịch sử dân tộc, với sự ngự chế của các triều đại Đinh, Tiền Lê và thời kỳ đầu của triều Lý… Đã góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp văn hóa và thiên nhiên nơi đây, mà minh chứng hùng hồn là khu lõi vùng Hoa Lư với quần thể di tích và danh thắng Tràng An đã được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp Quốc công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới…

Việc hệ thống hóa hệ thống bia thơ chạm khắc đá vùng Hoa Lư và đèo Tam Điệp, trên cơ sở xác định bản gốc là ký tự khắc trên mặt bia để tìm ra dị bản. Hiệu đính những sách, tài liệu lưu hành có câu, chữ chép khác bia gốc chạm khắc đá. Công bố nội dung những tấm bia vừa mới phát hiện, góp phần bổ sung thêm vào kho tàng văn học cổ điển Việt Nam. Thu thập thông tin, số liệu một cách đầy đủ hơn, chính xác hơn và có hệ thống hơn để khi có điều kiện kiến nghị với các cơ quan chức năng Việt Nam xây dựng hồ sơ, trình tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp Quốc công nhận hệ thống văn bia chạm khắc đá trên núi Dục Thúy là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời, nêu các phương án bảo tồn bia đá, đối với những tấm bia đang bị lão hóa hoặc bị xâm phạm.

Núi Dục Thúy nơi có nhiều Bài thơ khắc đá cổ

Tác giả nghiên cứu chủ yếu về những bài thơ ra đời trong thời đại phong kiến (từ năm 1945 trở về trước) được chạm khắc trên bia đá, ở vùng Hoa Lư và đèo Tam Điệp. Trên cơ sở các bài thơ xưa chạm khắc trên bia đá trên vách núi thời phong kiến mà các Nhà Hán học, Túc Nho trước đây đã chép chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ, tiến hành đối chiếu với các tài liệu đang lưu hành, từ đó tìm ra và xác định sự khác biệt giữa tài liệu hiện hành với bia khắc đá, đánh dấu bằng những ký tự quy ước a, b, c… để chỉnh lý và hiệu đính những khác biệt đó so với nguyên bia. Đồng thời bổ sung những bài thơ chạm khắc đá của người xưa, mà tác giả mới phát hiện thêm ở vùng Hoa Lư và đèo Tam Điệp vào kho tàng văn học cổ điển của dân tộc.

Tác giả đã sử dụng phương pháp phân tích tài liệu, phương pháp phân tích

lịch sử, phương pháp so sánh với các văn bản đang được lưu hành, tìm ra những câu, chữ ở văn bản đang lưu hành chép khác so với nguyên bia. Đồng thời, sắp xếp các bài thơ xưa chạm khắc trên bia đá theo một hệ thống thống nhất. Xác định tiêu chí một bài thơ xưa khắc đá phải là bài thơ chạm khắc độc lập trên mặt bia đá, mà không phải là bài minh trong một bài ký. Lời tịnh dẫn và phần lạc khoản chỉ nhằm mục đích làm rõ thêm lý do chạm khắc bài thơ, danh tính tác giả, thời điểm tạo lập bia…

Các tấm bia chạm khắc bài thơ xưa phải đạt các tiêu chí trên, tác giả đã tiếp cận ghi chép, chụp hình và đo đếm cụ thể, chi tiết đến từng con chữ trên mặt bìa. Theo đó, mỗi tấm bia được xác định địa danh chạm khắc, mô tả khái quát về vị trí, kích thước, độ nông sâu, mặt phẳng, diềm bia và hệ thống ký tự. Trên cơ sở hệ thống ký tự trên mặt bia như đầu đề và nội dung bài thơ; phần lạc khoản: chạm khắc phía phải hoặc phía trái hoặc cả phía trước và phía sau bài thơ… Tác giả đã khai thác triệt để phần lạc khoản để biết thêm thông tin của từng tấm bia: Thông thường nội dung một tấm bia đá bao giờ cũng có phần lạc khoản, nhưng những tài liệu đang lưu hành không chú trọng ghi chép hoặc bỏ trắng phần lạc khoản này… Đồng thời, sưu tầm những bản dịch thơ đã công bố hoặc bản chép tay của các tác giả, để bạn đọc cùng suy ngẫm.

Ngoài ra, tác giả đã khám phá, thể hiện thêm một số bia khắc đá: theo hướng nghiên cứu của công trình này, hơn thập niên qua trong quá trình tiếp cận bút tích của từng tấm bia vùng cố đô Hoa Lư và đèo Tam Điệp, tác giả đã khám phá thêm một số bài thơ xưa khắc đá, mà từ trước đến nay chưa có ai ghi chép chữ Hán, Nôm, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ. Những tấm bia chạm khắc thơ xưa, mới được khám phá, một số bia đã được tác giả công bố, giới thiệu trên các kênh thông tin của Trung ương và địa phương, trong sách “Thơ Ninh Bình ngàn năm trên vách đá”, tác giả Trần Lâm Bình, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2010 và ghi chép đầy đủ hơn trong công trình nghiên cứu “Bút tích thơ xưa khắc đá vùng Hoa Lư và đèo Tam Điệp”.

Khi công trình nghiên cứu “Bút tích thơ xưa khắc đá vùng Hoa Lư và đèo Tam Điệp” hoàn thiện, in ấn và xuất bản đã nêu bật được nội dung giữa bản gốc là nguyên bia đá đang hiện hữu trên vách núi so với một số văn bản, tài liệu, tập sách hiện đang lưu hành có rất nhiều dị bản… để bạn đọc, những nhà nghiên cứu đối chiếu và so sánh. Đồng thời, giúp người dân vùng Hoa Lư và đèo Tam Điệp nhận thức đầy đủ, một cách hệ thống hơn các văn bia trên khắc vách đá của ông cha mình để lại, từ đó niềm tự hào về quê hương đất nước ngày càng lan tỏa, quý trọng những tấm bia chạm khắc đá hơn, trở thành lực lượng tại chỗ để bảo vệ những di tích danh thắng vô giá này, thúc đẩy tiến trình xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Minh Nguyệt

Các tin khác