Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ Hai, 26/11/2018
Trong những năm gần đây, vận tải đường bộ phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Thực tế khẳng định, vận tải đường bộ là phương thức vận tải chủ đạo ở nước ta. Vận tải đường bộ đảm nhiệm trên 90% tổng số hành khách, trên 70% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển. Dịch vụ vận tải đường bộ có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là cầu nối giữa các vùng kinh tế trong nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Ninh Bình, tuy đã có nhiều cố gắng trong tổ chức quản lý vận tải nói chung và vận tải đường bộ nói riêng nhưng hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao, chất lượng phục vụ còn thấp, quan trọng nhất là còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước là một yêu cầu cấp bách tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển ổn định và bền vững của vận tải nói chung và vận tải đường bộ nói riêng. Nhóm tác giả Lê Trọng Thành, Đỗ Hoàng Phúc, Nguyễn Văn Hanh, Hoàng Mạnh Hùng, Phạm Quốc Chính, Dương Hồng Nam, Tô Xuân Trường, Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Quốc Tuấn, Đặng Thị Phương Nga đang công tác tại Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Ninh Bình đã nghiên cứu công trình đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

- Mục đích nghiên cứu:

Nghiên cứu hiện trạng vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về vận tải đường bộ tại Ninh Bình trong những năm gần đây (2011-2015), tìm ra những vấn đề bất cập, tồn tại trong quản lý nhà nước, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong vận tải đường bộ ở Ninh Bình.

- Đối tượng nghiên cứu: là công tác quản lý nhà nước về vận tải đường bộ bằng ô tô (vận tải hàng hóa và vận tải hành khách).

- Nhiệm vụ nghiên cứu:

+ Phân tích làm rõ thực trạng vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh.

+ Đánh giá đúng thực trạng, những thành tựu, hạn chế và hiệu quả quản lý nhà nước về vận tải ô tô tại tỉnh Ninh Bình.

+ Đề xuất quan điểm định hướng và các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về vận tải ô tô tại tỉnh Ninh Bình.

- Phương pháp nghiên cứu:

Để đạt được mục tiêu đề ra, đề tài sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau đây:

+ Phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh: Dựa trên các tài liệu được thu thập từ số liệu thống kê (Niên giám thống kê tỉnh Ninh Bình, số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải...), các báo cáo của Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô để phân tích, làm rõ những thành tựu và hạn chế của Quản lý nhà nước về vận tải đường bộ bằng xe ô tô.

+ Phương pháp thu thập số liệu qua khảo sát thực tế, đếm xe, điều tra xã hội học:

Tiến hành điều tra, khảo sát số liệu thực tế các công trình hạ tầng giao thông (cầu, đường, bến xe, bãi đỗ xe…) trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những tuyến giao thông huyết mạch, có lưu lượng giao thông cao, có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; khảo sát thực trạng cơ cấu tổ chức, hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Điều tra xã hội học bằng phiếu điều tra khoảng 1.200 người với 04 đối tượng có liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ từ những vai trò khác nhau:

(1) Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ bằng ô tô

(2) Những người trực tiếp điều khiển phương tiện vận tải

(3) Những người sử dụng dịch vụ vận tải là những hành khách thường xuyên sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng

(4) Những người chịu tác động của hoạt động vận tải là những người dân sống bên các tuyến quốc lộ và các tuyến vận tải chủ đạo.

Nội dung khảo sát cũng tập trung vào các hoạt động quản lý nhà nước, kết quả quản lý và các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động quản lý đó. Do vậy, kết quả sẽ phản ánh được hiệu lực, hiệu quả thực tế của công tác quản lý nhà nước.

Tổ chức đếm xe trên một số tuyến quốc lộ có vai trò quan trọng trên địa bàn tỉnh trong thời gian 30 ngày đêm.

+ Phương pháp chuyên gia: Lấy ý kiến của các Nhà khoa học, những người đã và đang làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải đường bộ

* Kết quả nghiên cứu:

- Đề tài đã phân tích, đánh giá tổng thể thực trạng năng lực vận tải đường bộ, thực trạng quản lý nhà nước về vận tải đường bộ bằng xe ô tô; nghiên cứu nhiều yếu tố của hoạt động vận tải và quản lý nhà nước về vận tải. Đề tài đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, những vấn đề tồn tại, bất cập, các nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trong quản lý nhà nước về vận tải đường bộ bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

- Tổng hợp kinh nghiệm của một số địa phương trong nước qua tài liệu, sách báo và qua trao đổi, làm việc trực tiếp tại tỉnh Quảng Ninh theo các nội dung quản lý và nhóm vấn đề chủ yếu để tìm ra những ưu điểm, những giải pháp hiệu quả nhằm áp dụng tại Ninh Bình.

- Đề tài đã đề xuất 04 nhóm giải pháp là: Giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về áp dụng Khoa học kỹ thuật, giải pháp về mô hình quản lý và nhóm giải pháp khác. Đề tài đã làm rõ các điều kiện để thực hiện giải pháp, lộ trình thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý vận tải đường bộ bằng xe ô tô. Đề tài đã giải quyết được một số tồn tại như: phương án để quản lý hoạt động vận tải hàng hóa, quản lý phương tiện vận tải hàng hóa, kiểm soát chặt chẽ phương tiện chở quá tải trọng, xây dựng mô hình quản lý hiệu quả, hiện đại, chính xác, minh bạch, tiết kiệm nhân lực…

* Hiệu quả của công trình:

Kết quả nghiên cứu của đề tài được sử dụng tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình sử dụng trong việc định hướng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển vận tải đường bộ, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

- Sở Giao thông vận tải Ninh Bình và các đơn vị trực thuộc như: Thanh tra giao thông, Xí nghiệp Bến xe khách Ninh Bình, Bến xe khách các huyện, thành phố, Trung tâm đăng kiểm phương tiện... sử dụng trong quá trình quản lý nhà nước trực tiếp vận tải đường bộ.

- Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh sử dụng để nâng cao năng lực, hiệu quả vận tải.

* Hiệu quả về khoa học và công nghệ:

- Đề tài đề xuất các giải pháp ứng dụng khoa học như: Lập bản đồ số về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh để quản lý trên hệ thống điện tử; giám sát, quản lý phương tiện bằng hệ thống giám sát hành trình, định vụ GPS, giao dịch vận tải hàng hóa trên sàn giao dịch điện tử...khi được áp dụng vào thực tế, những giải pháp sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nhân lực, đảm bảo chính xác, công bằng...

- Đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trong lĩnh vực vận tải đường bộ.

* Hiệu quả về kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác:

- Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh có tính khả thi cao.

- Công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần tác động đến nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý. Giúp cho cơ quan quản lý nhận thấy rõ những kết quả của quá trình quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải đường bộ, những tồn tại, hạn chế còn gặp phải để rút ra bài học kinh nghiệm, có những điều chỉnh cho phù hợp, đạt hiệu quả cao.
- Kết quả nghiên cứu của đề tài có tác động đến nhận thức của đối tượng là Lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lái xe. Đề tài đã cho thấy những tác động tích cực, tiêu cực của hoạt động vận tải đối với đời sống dân sinh, cũng như sự quan tâm của khách hàng đối với hoạt động vận tải. Từ đó giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe đối với an toàn giao thông, đối với chất lượng dịch vụ vận tải.

- Kết quả nghiên cứu của đề tài nhất là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách đã đóng góp quan trọng trong việc dự báo, định hướng xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về vận tải đường bộ trên cả nước và xây dựng các cơ chế đặc thù của tỉnh.

Với công trình này, nhóm tác giả đã đạt giải C Giải thưởng khoa học và công nghệ Hoa Lư tỉnh Ninh Bình lần thứ II.

Đinh Liên

Các tin khác