Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Người thiết kế chế tạo thành công tàu cuốc, hút bùn và cát đa địa hình

Thứ Ba, 08/11/2011
Tàu cuốc Đại Nam do Công ty cổ phần thương mại đầu tư Đại Nam  thiết kế, chế tạo  đã khắc phục được những nhược điểm của các tàu hút hiện có tại Việt Nam

Từ cái khó, ló cái khôn:
      Năm 2003, Công ty cổ phần thương mại đầu tư Đại Nam đã nhận thi công cung cấp cát san nền đường cao tốc Cầu Rẽ - Ninh Bình đoạn qua xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, trong quá trình thi công, công ty  gặp phải khó khăn “Không có đường cho xe ô tô trọng tải lớn chở cát vào làm nền đường”. Trước tình hình đó, Giám đốc Phạm Anh Công và  Kỹ sư Phạm Mạnh Cường đã gặp Ban quản lý dự án, đề xuất giải pháp thay thế việc: dùng ô tô vận chuyển cát bằng dùng máy hút cát từ Sông Đáy đẩy vào khu vực mặt bằng nền đường” và được Lãnh đạo Ban quản lý dự án đồng ý.
       Dạo quanh tìm hiểu thị trường máy cả hai mới vỡ lẽ : “Tàu cuốc có công suất lớn thì không hút  được cát vì thiết kế chỉ để hút bùn ở dưới sông chứ không hút được cát ở trong khoang tàu và nhận thấy trên thị trường có loại máy hút bùn, cát nhỏ chạy bằng động cơ D24 của Trung Quốc do các cơ sở cơ khí chế tạo thì tuy hút được cát nhưng công suất nhỏ và lực đẩy gần. Vậy nguyên nhân nào làm máy bơm lại có hiệu suất kém vậy? qua nghiên cứu cả hai nhận ra rằng nguyên nhân chính do: “Tốc độ vòng quay cánh quạt hút không ổn định thường là chậm nên hiệu suất hút đối với cát rất kém” và “Máy bơm” việc hút đẩy phụ thuộc vào bơm.
    Trên thị trường hiện nay, phần lớn các bơm hút bùn được chế tạo dựa trên thiết kế “Máy bơm  nước” nên khi dùng để bơm cát, sức đẩy và hiệu suất yếu, độ mài mòn khi hút rất nhanh, lực đẩy hạn chế, dễ vỡ khi hút phải gạch, đá… 
         Không thể để mất uy tín khi đã nhận hợp đồng và đề xuất ý tưởng với Ban quản lý dự án, cho nên: “ Phải chế tạo cho được máy bơm hút cát từ khoang tàu về đến tận công trình (cách 4 -5 km)” là ý nghĩ luôn luôn canh cánh trong lòng hai anh. Bằng lý luận đã học được dưới mái trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cùng với kinh nghiệm từng trải cuối cùng Giám đốc Phạm Anh Công và Kỹ sư Hàng hải Phạm Mạnh Cường bước đầu đã chế tạo thành công và đưa ngay “Máy bơm” vào hoạt động có hiệu quả.
         Niềm vui chưa kịp lắng thì khi đang thi công lại vấp phải khó khăn lớn là: “Bơm mài mòn rất nhanh phải thay thế liên tục”, gây tốn kém cho công trình. Lại một khó khăn nữa được đặt ra: Tại sao những chiếc lốp xe ô tô chạy trên đường chịu được áp lực và ma sát rất lớn, lốp xe lại chịu được ít mài mòn ? Từ suy nghĩ và cách đặt vấn đề nhu thế, hai anh đã “Lấy những lốp xe cũ để bọc mặt trong của bơm”, kết quả: Bơm chịu được mài mòn, áp lực tốt, không bị vỡ khi hút phải gạch, đá và giá thành rẻ. Nhờ sáng tạo đó,  công trình đã được hoàn thành đúng tiến độ và yêu cầu công trình đặt ra.
       Thành công nối tiếp Thành công:
       Thành công trong chế tạo máy bơm cát đã tiếp thêm động lực, thúc đẩy hai anh tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về công nghệ tàu cuốc. Thực tế địa lý Việt Nam cho thấy, nước ta là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều hay bị lụt lội vì hệ thống thoát nước của các sông, ngòi đã trở nên quá tải và xuống cấp, thêm nữa các cửa sông, cửa biển qua nhiều năm bị bồi lắng, khan cạn. Xét thấy nhu cầu cần thiết của việc khơi thông dòng chảy phục vụ thoát lũ và vận tải đường thuỷ trong ngoài tỉnh rất lớn, hai anh đã quyết tâm nghiên cứu sản xuất và chế tạo ra loại “tàu cuốc Đại Nam” có nhiều tính năng, ưu việt hơn, phù hợp với thực tế sông ngòi Việt Nam.
          Năm 2009 công ty đã nhận thi công các công trình nạo vét, san lấp, hút cát tỉnh Phú Thọ, chiếc tàu chế thử ban đầu còn thô sơ nhưng kết quả hoạt động rất tốt, hiệu quả cao. Sau sản phẩm chế thử cả hai đã bắt tay vào chỉnh sửa thiết kế và tổ chức đóng mới hai tàu hút hoàn thiện hơn, dựa trên nguyên lý “máy hút cát ban đầu đã chế tạo”. Chiếc tàu cuốc có công suất 200m³/h ra đời, hiện đang được rất nhiều đơn vị quan tâm, ký hợp đồng nạo vét, san lấp mặt bằng và đặt mua tàu.
   Những hạn chế của tàu cuốc nước ngoài hiện có ở việt nam :
Tại Việt Nam một số Công ty tàu cuốc đã và đang thực hiện các công trình nạo vét sông, ngòi và các khu neo đậu tàu thuyền bằng tàu của nước ngoài như: Trung Quốc, Hà Lan, Đức, Nga…đã có một số cơ sở gia công, chế tạo theo kiểu tàu của Nga, Trung Quốc nhưng hiệu quả kém, có nhiều nhược điểm:
      Về thiết kế cấu trúc:  Thiết kế cồng kềnh, di chuyển trên sông phải kéo, không vận chuyển được bằng đường bộ. Thi công địa hình hẹp rất khó khăn, tháo lắp mất rất nhiều thời gian, thiết bị nặng nề.
       Về tính năng: Chỉ hút được bùn không hút đ¬ược cát hoặc hút được cát thì không hút được bùn.  Không hút đ¬ược cát to và sỏi nhỏ. Khi gặp phải đất sét thì kém hiệu quả. Độ chính xác trong khi thi công hút không cao (có nhiều sai số về mặt bằng thi công).  Khả năng đẩy xa khoảng 300 - 400m. Tiêu hao nhiều nhiên liệu. Sử dụng nhiều công nhân. Các chi tiết chịu mài mòn kém, thường xuyên phải thay thế. Việc thay thế phải đúc hoặc nhập từ nước ngoài nên chi phí rất đắt, thời gian chậm.
       Về kinh tế:  Giá bán của tàu Trung Quốc có cùng công suất giá là: 7 tỷ đồng. Tàu Hà Lan, Đức giá thành còn cao hơn, thêm nữa động cơ sản xuất từ Trung Quốc nên không được bền, vòng quay thấp, hiệu quả hút không cao. Máy phát điện Trung Quốc nguồn điện không ổn định, độ bền kém. Các trang thiết bị trong hệ thống điện như: Máy phát, môtơ...tính năng hoạt động không cao. Đặc biệt vòng quay của lưỡi dao chỉ có một cấp nên khi thi công không hiệu quả.
     Công trình giải pháp sáng tạo:
Tàu cuốc Đại Nam do Công ty cổ phần thương mại đầu tư Đại Nam  thiết kế, chế tạo về  cơ bản đã khắc phục được những nhược điểm của các tàu hút hiện có tại Việt Nam với những ưu điểm, sau:
        1. Về Cấu tạo: Được thiết kế theo kiểu tầu cuốc có chiều dài 17,8m, chiều rộng: 3,53m; chiều cao 1,00m được chia làm 3 khoang (có ảnh minh hoạ).
        2. Tính mớ,i tính sáng tạo:
a. Sáng tạo:   Buồng áp: Được bọc bằng cao su lốp xe ô tô tận dụng chống mài mòn rất tốt. Lưỡi xén đa địa chất. Cần thả neo: Tự động và luôn giữ thăng bằng khi tàu hoạt động. Neo được lắp vào hai đầu cần và thả neo tự động (không phải dùng thuyền để thả neo).
b. Tính mới: Trụ neo: luôn giữ cố định cho tàu hoạt động xoay chuyển 3600
          3. Về tính năng và khả năng áp dụng:
          a. Tính năng: Công suất: 200 m³/h... Khả năng đẩy xa: 1.500-2.000m. Tỷ khối: 60%.Thi công ở độ sâu khoảng 12m.Tiêu hao nhiên liệu:bằng 2/3 so với các tàu khác.
            b. Khả năng áp dụng:
- Tàu cuốc Đại Nam có thể áp dụng trên nhiều địa hình khác nhau như: biển, sông, ngòi…
- Tháo, lắp, di chuyển dễ dàng.
- Đã áp dụng tại các công trình: hút cát Sông Thao Tỉnh Phú Thọ, hút cát khu công nghiệp Khánh Phú tỉnh Ninh Bình, san lấp nền nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, hút cát nền nhà máy xăng sinh học huyện Tam Nông - Phú Thọ….
Các công trình nạo vét chuẩn bị thi công: Công trình cảng neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tỉnh Quảng Trị, dự án khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tỉnh Hà Tĩnh, dự án Sông Đà Rằng tỉnh Phú Yên.
 Hiện nay, nhiều đơn vị đang đến liên hệ hợp đồng thi công các công trình: Dự án mặt bằng nền nhà máy nhiệt điện tỉnh Trà Vinh, san lấp khu đô thị mới thành Phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, làm mặt bằng thành phố Tia Sáng Phú Yên ...Công ty chúng tôi cũng đang tìm nguồn vốn đầu tư để chế tạo tàu quốc cỡ lớn thi công ngoài biển.
          4. Hiệu quả:
         * Hiệu quả kinh tế:
- Tàu được lắp động cơ đường bộ và máy phát điện của Nhật sản xuất nên bền hơn củaTrung Quốc. Chi phí toàn bộ cho thiết kế, chế tạo tàu cuốc Đại Nam công suất 200m³/h hết 4,6 tỷ đồng. So với tàu cuốc Trung Quốc có cùng công suất chi phí 7,0 tỷ đồng. Tiết kiệm nhiên liệu: 01 giờ  tiêu hao hết 30lít x 15.000đ/lít= 450.000đ. So với các tàu khác: 01giờ  tiêu hao hết 45 lít x 15.000đ/lít= 675.000đ.  Tiết kiệm được: 225.000đ/h
- Tiết kiệm lao động: Để vận hành tàu hút Đại Nam 02 người/ca.
- Các tàu khác: 05 người/ca.
- Tiết kiệm chi phí hao mòn: Bơm Đại Nam hao mòn= 1/2 so với bơm khác (50.000m3 thay thế hết 500.000 đồng). Tàu khác 25.000m3 thay 01 bơm hết 20.000.000 đồng. Tiết kiệm được: 39.500.000 đồng.
- Thi công tàu khác: Độ sai số ± 10%. Tàu Đại Nam độ sai số ± 5%
           Bảng so sánh hiệu quả
        *Hiệu quả xã hội: Việc chế tạo thành công tàu cuốc tại Việt nam đã giúp cho các doanh nghiệp chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh. Việc điều khiển bằng hệ thống điện giảm cường độ lao động đảm bảo sức khoẻ cho người lao động.  Sử dụng tàu cuốc cho các dự án, nạo vét, san lấp mặt bằng là công nghệ tiến bộ các vật liệu đi trong ống kín không gây ô nhiễm môi trường trong khi thi công.
    Vừa qua, tại nhà hát lớn Hà Nộithiết kế với chế tạo thành công “tàu cuốc hút bùn, cát đa địa hình” của Giám đốc Phạm Anh Công và Phạm Mạnh Cường, đã đoạt giải Nhì toàn quốc, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học – Công nghệ Việt Nam 2010. Được Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen, kèm theo 25 triệu đồng, cùng biểu trưng vàng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam. Ngoài ra cả hai đã được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Đây là Giải thưởng trao tặng cho các tác giả có những công trình khoa học công nghệ có giá trị khoa học - kinh tế - xã hội lớn, đang được thực hiện tại Việt Nam nhằm khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống nhằm công nhận sự đóng góp nổi bật của các nhà khoa học, công nghệ.
      Có thể nói niềm vui trên của hai anh bắt nguồn từ niềm say mê nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất./.

                                                                                                                                                                 Vũ Đình Tụy
 

Các tin khác