Sau hơn 14 năm thi hành, BLHS năm 1999 đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, sau 14 năm thi hành, BLHS đã bộc lộ những bất cập, hạn chế chủ yếu như:
BLHS chưa thể chế hoá được những quan điểm, chủ trương mới của Đảng về cải cách tư pháp được thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002; Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005; Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005; Sự phát triển của Hiến pháp năm 2013 về việc ghi nhận và đảm bảo thực hiện các quyền con người, quyền công dân đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cả hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự với tính cách là công cụ pháp lý quan trọng và sắc bén nhất trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân; BLHS 1999 chưa cập nhật được đầy đủ, kịp thời các hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, nguy hiểm cao cho xã hội: các hành vi lạm dụng lao động trẻ em; chiếm đoạt, mua bán trái phép nôị tạng, các bộ phận cơ thể người…; Chưa phản ánh được những đặc điểm và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện hội nhập quốc tế, chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm…
Do đó, ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua toàn văn dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Với quan điểm chỉ đạo nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện đúng tinh thần và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đấu tranh chống tham nhũng đồng thời bảo đảm mọi người được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh; Việc xây dựng Bộ luật phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành BLHS; kế thừa, phát triển các quy định còn phù hợp của BLHS hiện hành; bổ sung những quy định mới để giải quyết những vướng mắc, bất cập đang đặt ra trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự nhằm bảo đảm tính thống nhất nội tại của BLHS và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo của BLHS; Đổi mới nhận thức về chính sách hình sự mà trọng tâm là đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, về chính sách xử lý đối với một số loại tội phạm và loại chủ thể phạm tội, đồng thời tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp hình sự của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là đối với những quy định mới; Tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm; nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, bảo vệ và thúc đẩy kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.
Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm có 26 chương với 426 điều, được thiết kế thành 03 phần, Phần thứ nhất: Những quy định chung (gồm 12 Chương, từ Điều 01 đến Điều 107); Phần thứ hai: Các tội phạm (gồm 14 Chương, từ Điều 108 đến Điều 425); Phần thứ ba: Điều khoản thi hành (gồm 01 Chương và 01 điều - Điều 426). So với Bộ luật Hình sự 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 có bổ sung mới 02 chương ở Phần những quy định chung (Chương IV - Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự và Chương XI - Quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội). Một số chương của Bộ luật như chương 8, 12, 18, 21 và 23 được thiết kế theo các mục, trong mỗi mục là nhóm các nội dung quy định các vấn đề có tính chất tương đối giống nhau. Như vậy, trong tổng số 426 điều, có 72 điều mới được bổ sung, 362 điều được sửa đổi, bổ sung, 17 điều giữ nguyên, và 07 điều bãi bỏ.
I. Những điểm mới cơ bản của Bộ luật Hình sự năm 2015:
1. Bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân thương mại (tại các điều: Điều 2, Điều 6, Điều 8, Điều 33, các điều từ Điều 74 đến Điều 89; đồng thời xác định cụ thể điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại (Điều 75) và quy định 31 tội phạm thuần túy là các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 76).
2. Bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình cụ thể như sau:
Thứ nhất, bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội, trong đó có 05 tội là bỏ hoàn toàn gồm: Tội hoạt động phỉ; Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399); 03 tội bỏ hình phạt tử hình trên cơ sở tách ra từ các tội có quy định hình phạt tử hình trước đó gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252);
Thứ hai, bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử (Điều 40 khoản 2, điểm c);
Thứ ba, mở rộng thêm 02 trường hợp không thi hành án tử hình gồm: người từ đủ 75 tuổi trở lên và Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (điểm b, c khoản 3 Điều 40). Quy định cụ thể trong trường hợp này sẽ chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân (Điều 40 Khoản 4 và Điều 63 Khoản 6) nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế .
3. Hoàn thiện chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi
Thứ nhất, bổ sung nguyên tắc, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải “bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên” (khoản 1 Điều 91 Bộ luật);
Thứ hai, quy định nguyên tắc: “khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa” (khoản 4 Điều 91).
Thứ ba, quy định rõ hơn trách nhiệm hình sự người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, cụ thể: xử lý trách nhiệm hình sự ngay đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi thực hiện một trong 07 tội phạm; quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với một số tội cụ thể (Khoản 2 Điều 12 các điểm a,b,c,d,e BLHS 2015);
Thứ tư, bổ sung 03 biện pháp có tính chất giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội khi họ thực hiện tội phạm mà cơ quan có thẩm quyền xét thấy không cần thiết phải xử lý hình sự đối với họ gồm: khiển trách (Điều 93), Hòa giải tại cộng đồng (Điều 94), Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95).
4. Bộ luật đã thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù theo hướng:
- Phạt tiền là hình phạt chính không chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng như quy định của BLHS năm 1999 mà cả trường hợp phạm các tội nghiêm trọng. Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với tội rất nghiêm trọng (Điều 35).
- Bộ luật cũng đã mở rộng nội hàm của hình phạt cải tạo không giam giữ, theo đó, trong trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ với thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong một tuần. Biện pháp này không áp dụng đối với người già yếu, phụ nữ có thai (Điều 36).
- Đối với hình phạt tù, Bộ luật khẳng định nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý (khoản 2 Điều 37).
5. Thay thế Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế
Để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các tội danh hiện có trong Chương XVIII - Các tội xâm phạm trật tự kinh tế (gồm 38 điều), Bộ luật Hình sự đã thay thế Điều 165 BLHS hiện hành bằng 09 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; bồi thường thu hồi đất, quy định cụ thể tại các điều: 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224 và Điều 230 của Bộ luật Hình sự.
6. Những nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới
Thứ nhất, bổ sung 03 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, cụ thể: Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ và Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên tại các Điều 24, 25 và Điều 26 Bộ luật Hình sự;
Thứ hai, sửa đổi chính sách xử lý đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội theo hướng hạn chế hơn việc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời bổ sung trường hợp thành lập, tham gia nhóm tội phạm là một trong những hành vi chuẩn bị phạm tội (Điều 14);
Thứ ba, cụ thể hóa các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29) theo hướng: phân biệt trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự; bổ sung một số trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay (Khoản 2 Điều 29);
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (chương XVIII) theo hướng: 1) phi hình sự hóa đối với 04 tội: báo cáo sai trong quản lý kinh tế; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Tội không chấp hành các quyết địn hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; 2) bổ sung một số tội mới trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, cạnh tranh (các Điều 212 - 216); 3) tăng hình phạt tiền với tính cách là hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường (chương XIX) theo hướng: 1) cụ thể hóa các hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại (các Điều 235, 236); 2) tăng mức phạt tiền (cả phạt chính và phạt bổ sung) đối với các tội phạm về môi trường; 3) quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 09 tội thuộc chương này;
Thứ sáu, Bộ luật về cơ bản đã cụ thể hóa các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn” là các tình tiết định tội, định khung tăng nặng hình phạt của các Điều luật có quy định các tình tiết này, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng các quy định này hiện nay.
7. Bộ luật hình sự đã nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn bị phạm tội theo hướng bổ sung thêm hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm cụ thể (Điều 14) nhằm tạo điều kiện chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xảy ra, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, phù hợp với tinh thần của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà nước ta là thành viên.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung tội mua bán người, tội mua bán trẻ em trên tinh thần Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em dưới 16 tuổi mà nước ta là thành viên (các Điều 150, 151).
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung tội rửa tiền nhằm đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu của các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) về phòng, chống rửa tiền (Điều 324).
Thứ tư, bổ sung vào cấu thành của một số tội phạm về chức vụ hành vi tham nhũng trong khu vực tư nhằm xử lý hành vi tham nhũng trong khu vực này; bổ sung hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài hoặc công chức đang làm việc trong các tố chức quốc tế công tại các điều 353, 354, 364, 365 nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
II. Thi hành Bộ luật Hình sự 2015
Cùng với việc thông qua BLHS, ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 cũng đã thông qua Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS (Nghị quyết số 109/2015/QH13), trong đó xác định rõ 02 mốc thời gian áp dụng các quy định của Bộ luật, cụ thể là:
1. Kể từ ngày BLHS được công bố (ngày 09/12/2015):
- Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình cũng như không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình đối với họ nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của BLHS năm 2015, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
- Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm nhưng BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính. Nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
- Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và các điểm b, c khoản 2 Điều 14 của BLHS năm 2015; nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
- Những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại theo quy định trên thì đương nhiên được xóa án tích.
2. Kể từ ngày BLHS có hiệu lực thi hành (ngày 01/07/2016):
a. Tất cả các điều khoản của BLHS năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 ngày 01/7/2016.
b. Các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích;
c. Tội phạm mới quy định tại các điều 147, 154, 167, 187, 212, 213, 214, 215, 216, 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 230, 234, 238, 285, 291, 292, 293, 294, 297, 301, 302, 336, 348, 388, 391, 393 và 418 của Bộ luật hình sự năm 2015; các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2016 để giải quyết;
d. Quy định tại điểm b và điểm c cũng được áp dụng đối với các điều luật mới quy định tội được tách ra từ các tội ghép trong Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự năm 1999);
e. Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn” đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2016 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
f. Đối với hành vi hoạt động quy định tại các Điều 83, 149, 159, 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án, thì không được căn cứ vào việc Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định tội danh các hoạt động quy định tại các Điều trên để kháng cáo, kháng nghị. Trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về các tội tại các Điều trên đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2016 để giải quyết; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 ngày 01/7/2016 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại các Điều 83, 149, 159, 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng;
g. Đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2016, thì không được căn cứ vào những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm; trong trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước 01/7/2016 thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
i. Các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại tại các Điều 188, 189, 190 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245 và 246 của Bộ luật Hình sự năm 2015 không áp dụng đối với những hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2016.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 27/6 đã họp khẩn với các vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khoá 13 để trao đổi một số vấn đề liên quan đến Bộ luật này. Sau cuộc họp, UBTVQH đã gửi ðến các ÐBQH khóa 13 phiếu biểu quyết về nội dung hoãn thời gian có hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015 đến ngày 1/1/2017. Trong thời gian đó, Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn có hiệu lực thi hành. Nếu kết quả bỏ phiếu cho thấy đa số các ĐBQH đồng ý theo phương án được trình, Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017. Trong thời gian hoãn thi hành, QH khóa 14 sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung phát hiện có sai sót trong Bộ luật Hình sự tại kỳ họp thứ 2.
Đặc biệt, đang có nhiều lo ngại về một tội danh hình sự mới tại điều 292: “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”. Điều 292 được cho là có nội dung gần như tương tự với tội danh “kinh doanh trái phép” đã được bãi bỏ, nhưng áp dụng với những dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Theo điều 292 Bộ luật Hình sự 2015, người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau: (i) Kinh doanh vàng trên tài khoản; (ii) Sàn giao dịch thương mại điện tử; (iii) Kinh doanh đa cấp; (iv) Trung gian thanh toán; (v) Trò chơi điện tử trên mạng; và (vi) Các loại dịch vụ khác theo quy định của pháp luật trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép thì có khả năng bị truy tố hình sự.
Với quy định trên, điều luật 292 sẽ làm ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách khuyến khích khởi nghiệp, thúc đẩy công nghệ thông tin của Chính phủ. Điều này cũng trái ngược với tinh thần khuyến khích để Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố gần đây. Điều luật trên cũng có khả năng kìm hãm sự phát triển của các ngành nghề cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số trên mạng máy tính, trong khi những ngành nghề này đang được mong đợi và tin tưởng là hướng phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Cuộc họp của các trưởng đoàn đại biểu quốc hội vào ngày 29/6 là để bàn các biện pháp để khắc phục những sai sót nghiêm trọng trong lỗi kỹ thuật, biên tập, và những hạn chế khác trong Bộ luật Hình sự../.
Thu Hằng (Nguồn Chinhphu.vn)
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật hình sự năm 2015
2. Bộ luật hình sự năm 1999
3. Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về việc thi hành Bộ Luật hình sự
4. Những nội dung mới của BLHS 2015 của TS Trần Văn Dũng.