Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Những nội dung mới tại Thông tư số 55/2023/TT-BGTVT hướng dẫn một số nội dung dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại Hợp đồng kinh doanh - quản lý đường bộ cao tốc

Thứ Tư, 24/07/2024

Ngày 31/12/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BGTVT hướng dẫn một số nội dung dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng kinh doanh - quản lý đường bộ cao tốc. Thông tư số 55/2023/TT-BGTVT hướng dẫn một số nội dung dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP), loại hợp đồng kinh doanh - quản lý đường bộ cao tốc (sau đây gọi tắt là dự án O&M đường bộ cao tốc) trong phạm vi cả nước và sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 01 tháng 03 năm 2024.

Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án O&M đường bộ cao tốc trong phạm vi cả nước. Thông tư số 55/2023/TT-BGTVT bao gồm có 4 chương 16 điều. Ban biên tập xin được giới thiệu nội dung toàn văn như sau

Chỉ tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội

1. Chỉ tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án bao gồm: giá trị hiện tại ròng kinh tế (ENPV); tỷ số lợi ích trên chi phí về kinh tế (BCR); tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR). Việc tính toán các chỉ tiêu trên thực hiện theo quy định tại Phần IV mẫu số 01 Phụ lục II và Phần IV mẫu số 01 Phụ lục III kèm theo Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Nghị định số 35/2021/NĐ-CP).

2. Việc xác định các yếu tố chi phí và lợi ích về mặt kinh tế - xã hội của dự án theo các nhóm yếu tố:

a) Nhóm yếu tố có thể định lượng và quy đổi được thành tiền, bao gồm: lợi ích thu được từ việc nhận giá trị nộp ngân sách nhà nước; lợi ích thu được do nhà nước không phải bố trí vốn ngân sách hàng năm cho công tác quản lý, vận hành khai thác, bảo trì dự án đường bộ cao tốc;

b) Nhóm yếu tố có thể định lượng nhưng không định giá được, bao gồm: lợi ích do thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng việc làm;

c) Nhóm yếu tố chỉ có thể định tính, bao gồm: lợi ích do nhà nước không phải tổ chức bộ máy để trực tiếp quản lý, vận hành khai thác, bảo trì dự án đường bộ cao tốc.

3. Đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi có thể bổ sung các yếu tố khác ngoài các yếu tố nêu tại khoản 2 Điều này, bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của từng dự án, công trình và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Trường hợp không đủ điều kiện xác định các yếu tố lợi ích có thể định lượng và quy đổi được thành tiền theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, đơn vị chuẩn bị dự án có thể đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án trên cơ sở các nhóm yếu tố còn lại.

Chỉ số đánh giá chất lượng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp dự án cung cấp

Chỉ số đánh giá chất lượng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp dự án cung cấp được xác định như sau:

1. Việc đánh giá chất lượng các hạng mục xây dựng phục vụ công tác kinh doanh - quản lý do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án xây dựng (nếu có) thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng;

2. Việc đánh giá chất lượng quản lý, vận hành khai thác theo quy định pháp luật về quản lý, vận hành khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc;

3. Việc đánh giá chất lượng bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo chất lượng thực hiện.

Một số nội dung trong phương án tài chính dự án O&M

1. Phương án tài chính của dự án O&M thực hiện theo quy định tại Mục 1, Chương II Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Nghị định số 28/2021/NĐ-CP).

2. Tổng mức đầu tư dự án thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

3. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định trên cơ sở khung lợi nhuận theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

4. Chi phí trong thời gian vận hành của dự án thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

5. Phương án thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

6. Chi phí trong suốt vòng đời dự án bao gồm tổng mức đầu tư dự án theo quy định tại Điều 6 Thông tư này và chi phí trong thời gian vận hành của dự án theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

7. Giá tối thiểu nộp ngân sách nhà nước tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi được xác định trên cơ sở tính toán phương án tài chính.

8. Thời gian thực hiện dự án không vượt quá thời hạn giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và được tính toán trên cơ sở:

a) Hiện trạng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án;

b) Yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ của từng loại công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, thời gian cần sửa chữa định kỳ hoặc thời gian sử dụng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng theo quy định của pháp luật;

c) Phương án tài chính, giá trị nộp ngân sách nhà nước tối thiểu.

Sơ bộ tổng mức đầu tư và tổng mức đầu tư dự án

1. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là ước tính chi phí đầu tư của dự án được xác định phù hợp với các nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án được tính toán trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ của dự án và suất vốn đầu tư (nếu có) hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, quy mô, tính chất dự án đã hoặc đang thực hiện, có điều chỉnh, bổ sung những chi phí cần thiết khác, bao gồm các khoản mục chi phí theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổng mức đầu tư dự án là toàn bộ chi phí đầu tư của dự án được xác định cụ thể phù hợp với báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Nội dung chi tiết các chi phí làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư dự án O&M  đường bộ cao tốc bao gồm:

a) Chi phí đầu tư xây dựng các hạng mục để phục vụ công tác kinh doanh, quản lý dự án O&M (nếu có) theo quy định của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết;

b) Giá trị tối thiểu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Thông tư này;

c) Chi phí chuẩn bị dự án của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị chuẩn bị dự án PPP; chi phí tổ chức thẩm định của Hội đồng thẩm định dự án PPP và đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định dự án PPP; chi phí tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng của cơ quan có thẩm quyền, bên mời thầu;

d) Chi phí thiết bị gồm chi phí mua sắm thiết bị và thiết bị công nghệ, chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có), chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh và các chi phí có liên quan khác;

đ) Chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế và các loại phí, chi phí liên quan khác;

e) Các thành phần chi phí khác.

Khung lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư

1. Căn cứ quy định pháp luật, điều kiện kinh tế - xã hội và đặc thù dự án, đơn vị chuẩn bị dự án đề xuất mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tại phương án tài chính trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi đảm bảo đồng thời các điều kiện sau đây:

a) Mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu không thấp hơn mức trung bình lãi suất tiền gửi có thời hạn 12 tháng cho khách hàng tổ chức của ít nhất 03 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước, được xác định tại thời điểm gần nhất trong vòng 03 tháng trước thời điểm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi;

b) Mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối đa bằng mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu theo điểm a khoản 1 Điều này cộng tỷ lệ lạm phát.

Tỷ lệ lạm phát được xác định trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình trong 10 năm gần nhất theo công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong đó xem xét loại trừ các năm có CPI biến động lớn.

2. Căn cứ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án theo quy định tại mục IV Mẫu số 01 Phụ lục II về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP, mục IV Mẫu số 01 Phụ lục III về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP ban hành kèm theo Nghị định số 35/2021/NĐ-CP , đơn vị chuẩn bị dự án đề xuất tỷ lệ vốn chủ sở hữu, vốn vay trong phương án tài chính phù hợp, bảo đảm dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính.

Chi phí trong thời gian vận hành của dự án

1. Chi phí trong thời gian vận hành của dự án là chi phí quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình.

2. Chi phí quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình: thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng; quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý vận hành khai thác, bảo trì công trình đường bộ và định mức quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ; các chi phí khác (nếu có) căn cứ quy trình bảo trì của công trình đường bộ cao tốc, quy định pháp luật về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc.

Phương án thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư

1. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có quyền thu giá hoặc phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc theo quy định pháp luật và quy định hợp đồng đã ký kết.

2. Trường hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được thu các khoản thu khác (nếu có) theo quy định pháp luật, doanh thu của khoản thu phải được cập nhật vào phương án tài chính dự án.

3. Đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi xác định doanh thu của dự án qua từng năm, bao gồm: doanh thu ở mức căn bản, doanh thu ở mức tối đa và doanh thu ở mức tối thiểu.

4. Doanh thu dự kiến được xác định trên cơ sở:

a) Mức thu; đối tượng thu; dự kiến lộ trình tăng giá, phí theo quy định pháp luật PPP, pháp luật về giá, phí;

b) Kết quả dự báo lưu lượng giao thông.

Kết quả dự báo lưu lượng giao thông được xác định trên cơ sở: kết quả điều tra, khảo sát lưu lượng giao thông tại thời điểm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi; kết quả thu thập số liệu về lưu lượng và thành phần giao thông đã có từ cơ sở dữ liệu của các tổ chức quản lý khai thác đường và các số liệu lưu trữ khác (nếu có) trên các tuyến đường thuộc dự án và các tuyến đường đang khai thác có liên quan; số liệu hiện trạng và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, mạng lưới giao thông vận tải, hệ thống giao thông tĩnh, hệ thống vận tải công cộng, quy hoạch kết nối và quy hoạch mạng lưới giao thông; điều kiện cụ thể và tính chất dự án và các nội dung khác có liên quan.

Đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi lựa chọn phương pháp dự báo giao thông đưa ra các kết quả dự báo theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế cao, trung bình và thấp để làm căn cứ so sánh và lựa chọn.

Thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án

Việc thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP. Tư vấn thẩm tra phải bảo đảm một hoặc một số nội dung cụ thể thuộc nhiệm vụ thẩm định, bao gồm nội dung nhiệm vụ về tài chính, kỹ thuật theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị thuê tư vấn thẩm tra.

Nguyên tắc áp dụng phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu

Việc đánh giá hồ sơ dự thầu dự án O&M đường bộ cao tốc thực hiện theo quy định sau đây:

1. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu: thực hiện theo quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu tại Mục 3 Chương III Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), Chương IV Nghị định số 35/2021/NĐ- CP, Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án đầu tư có sử dụng đất;

2. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu: thực hiện theo quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Tiêu chuẩn đánh giá phải công khai trong hồ sơ mời thầu. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu phải tuân thủ tiêu chuẩn đánh giá nêu trong hồ sơ mời thầu.

Nguyên tắc áp dụng mẫu loại hợp đồng O&M đường bộ cao tốc

Hợp đồng O&M đường bộ cao tốc ký kết giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thực hiện theo mẫu loại hợp đồng O&M đường bộ cao tốc quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Trong quá trình đàm phán, hoàn thiện hợp đồng, các bên có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng đảm bảo không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP và không trái với quy định của hồ sơ mời thầu, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định của pháp luật có liên quan.

Hợp đồng O&M đường bộ cao tốc

1. Doanh nghiệp dự án O&M phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án theo quy định tại Điều 48 Luật PPP.

2. Hợp đồng O&M đường bộ cao tốc bao gồm: văn bản thỏa thuận của các bên về hợp đồng, điều kiện chung của hợp đồng, điều kiện cụ thể của hợp đồng và phụ lục hợp đồng (nếu có).

a) Văn bản thỏa thuận của các bên về hợp đồng

Văn bản thỏa thuận của các bên về hợp đồng bao gồm: căn cứ pháp lý ký kết hợp đồng dự án; thông tin chung về các bên ký kết hợp đồng dự án (cơ quan ký kết hợp đồng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án); hồ sơ hợp đồng và thứ tự ưu tiên pháp lý; thời hạn hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

b) Điều kiện chung của hợp đồng

Điều kiện chung của hợp đồng bao gồm các nội dung chung được quy định trong các hợp đồng O&M đường bộ cao tốc.

c) Điều kiện cụ thể của hợp đồng

Điều kiện cụ thể của hợp đồng làm rõ các nội dung tương ứng với điều kiện chung của hợp đồng O&M đường bộ cao tốc khi áp dụng đối với dự án cụ thể.

d) Phụ lục hợp đồng

Phụ lục hợp đồng là một bộ phận cấu thành của hợp đồng dự án. Trường hợp cần thiết, hợp đồng có thể có phụ lục hợp đồng kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng.

3. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc theo quy định pháp luật và hợp đồng đã ký kết. Kinh phí quản lý, vận hành khai thác và bảo trì do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Giá trị và thời hạn nộp ngân sách nhà nước

1. Giá trị nộp ngân sách nhà nước tại hợp đồng dự án căn cứ quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

2. Thời hạn thanh toán giá trị nộp ngân sách nhà nước:

a) Trường hợp giá trị nộp ngân sách nhà nước dưới 1.000 tỷ: nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thanh toán tối đa 02 lần; trong đó lần 1 thanh toán tối thiểu bằng 50% giá trị nộp ngân sách nhà nước trong vòng 01 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, lần 2 thanh toán toàn bộ giá trị nộp ngân sách nhà nước còn lại trong vòng 03 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực;

b) Trường hợp giá trị nộp ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ: nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thanh toán tối đa 03 lần; trong đó lần 1 thanh toán tối thiểu bằng 40% giá trị nộp ngân sách nhà nước trong vòng 02 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, lần 2 thanh toán tối thiểu 30% giá trị nộp ngân sách nhà nước trong vòng 04 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, lần 3 thanh toán toàn bộ giá trị nộp ngân sách nhà nước còn lại trong vòng 12 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực;

c) Hợp đồng dự án quy định cụ thể tiến độ, giá trị nộp ngân sách nhà nước.

3. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải giải ngân vốn chủ sở hữu có giá trị tối thiểu bằng 15% tổng mức đầu tư dự án trong lần thanh toán đầu tiên. Việc giải ngân vốn chủ sở hữu trong các lần tiếp theo (nếu có) thực hiện theo hợp đồng dự án.

4. Xử lý đối với việc chậm thanh toán giá trị nộp ngân sách nhà nước

a) Hợp đồng dự án quy định cụ thể phương án xử lý trong trường hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chậm thanh toán giá trị nộp ngân sách nhà nước, bao gồm việc phạt tiền chậm thanh toán và các biện pháp khác theo quy định pháp luật.

b) Việc phạt tiền chậm thanh toán được thực hiện như sau: mức tính tiền chậm thanh toán bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm thanh toán; thời gian tính tiền chậm thanh toán được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm thanh toán đến ngày liền kề trước ngày số tiền đã thanh toán vào ngân sách nhà nước.

5. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được coi là vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện nghĩa vụ quy định tại hợp đồng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 52 Luật PPP trong trường hợp không thanh toán đủ toàn bộ giá trị nộp ngân sách nhà nước trong 03 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực trong trường hợp giá trị nộp ngân sách nhà nước dưới 1.000 tỷ; trong 12 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực trong trường hợp giá trị nộp ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ

Ngoài ra Thông tư số 55/2023/TT-BGTVT còn  sửa đổi, bổ sung thêm Điều 1 Thông tư số 09/2022/TT-BGTVT ngày 22 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số nội dung về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư và mẫu loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao thuộc ngành giao thông vận tải như sau “Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư (trừ phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng kinh doanh - quản lý đường bộ cao tốc) và mẫu loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (sau đây gọi là hợp đồng BOT) thuộc ngành giao thông vận tải.”./.

Tiến Lợi

Các tin khác