Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Những sự kiện nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình năm 2021

Thứ Hai, 11/04/2022

Năm 2021 trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát ở nhiều tỉnh thành phố trong cả nước đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/17 chỉ tiêu kế hoạch với những kết quả nổi bật sau:

Một là, đã tập trung lãnh đạo tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,57%.

Hai là, Chủ động kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt, phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả. Thực hiện tốt mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; ứng phó kịp thời khi xảy ra ca nhiễm trong cộng đồng. Huy động các nguồn lực và tổ chức tốt công tác tiêm phòng vắc xin, nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng. Ninh Bình luôn là tỉnh vùng an toàn và là một trong những tỉnh dẫn đầu, sớm tiêm phòng vắc xin: Đã tiêm phòng đủ 2 mũi cho 93,8% đối tượng từ 18 tuổi trở lên đang có mặt tại Ninh Bình; tiêm phòng đủ 2 mũi cho 92,71% đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi; hiện đang triển khai tiêm mũi thứ 3.

Thứ ba, Trên lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, đã đạt được kết quả quan trọng, kinh tế từng bước phục hồi trong trạng thái bình thường mới, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 5,71%, gấp hơn 2,2 lần mức bình quân cả nước. Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Sản xuất nông nghiệp được mùa, phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đạt nhiều kết quả và đi vào chiều sâu; toàn tỉnh có 117/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 98,3%), có 17 xã nông thôn mới nâng cao, 11 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 5 huyện, thành phố được công nhận chuẩn nông thôn mới. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 22.094 tỷ đồng, vượt 18,7% dự toán và có chuyển biến tích cực về cơ cấu thu, số thu nội địa từ sản xuất kinh doanh 13.129 tỷ đồng, vượt 20,1% dự toán, chiếm tỷ trọng 59,4%; xếp thứ 16 toàn quốc về số thu nội địa.

Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao tiếp tục đạt kết quả tích cực; năm thứ 5 liên tiếp  tỉnh Ninh Bình xếp thứ 3 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông; công tác y tế được quan tâm đầu tư, nhiều kỹ thuật cao trong khám, điều trị bệnh được đưa vào áp dụng tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện; các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thực hiện kịp thời; theo tiêu chí cũ tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,44%, tỷ lệ hộ cận nghèo 2,05%; theo chuẩn nghèo mới tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 3,07%, hộ cận nghèo 3,48%. Trong điều kiện khó khăn, chúng ta đã quyết định và tổ chức thành công Lễ khai mạc năm Du lịch quốc gia năm 2021.

Công tác Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả, kết quả công tác cải cách hành chính của tỉnh tiếp tục xếp trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất cả nước, xếp hạng chuyển đổi số đứng thứ 8 toàn quốc.

Những kết quả đạt được trong năm 2021 là hết sức cơ bản và có ý nghĩa to lớn, khẳng định tinh thần quyết tâm, đoàn kết của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của nhân dân; sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, quyết liệt, bản lĩnh, dám nhìn thẳng vào khuyết điểm, hạn chế, giải quyết, tháo gỡ khó khăn để phát triển.

Một số thách thức, khó khăn mà tỉnh Ninh Bình cần khắc phục, cụ thể:

- Việc thu hút đầu tư vào địa bàn còn khó khăn; những bất cập trong thu hút đầu tư chưa được giải quyết triệt để, nhất là các dự án chậm tiến độ; không gian, dư địa thuận lợi cho thu hút dự án lớn, nhất là thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đô thị có giá trị gia tăng cao còn hạn chế.

- Thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa thật sự bền vững;

- GRDP bình quân đầu người mới đạt 71,8 triệu đồng, mới bằng khoảng 85% toàn quốc (GDP bình quân đầu người năm 2021 cả nước là 3.600 USD). Tăng trưởng kinh tế đạt 5,71%, cách rất xa mục tiêu nhiệm kỳ đã đề ra tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22.

- Nợ xây dựng cơ bản còn lớn. Phương án xử lý đối với một số dự án đầu tư công chậm tiến độ, kéo dài còn nhiều vướng mắc, khó dứt điểm

- Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp. Tăng trưởng chỉ xếp thứ 10/11 các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 xếp thứ 58/63 tỉnh thành trong cả nước, là một trong 6 địa phương có chỉ số PCI thấp nhất.

- Công tác quy hoạch nhìn chung còn chậm, chất lượng chưa đảm bảo cho sự phát triển chiến lược của tỉnh./.

Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh

Các tin khác