Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Những vấn đề chung khi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP

Thứ Sáu, 22/09/2017
1. Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất
Vùng sản xuất rau, quả áp dụng theo VietGAP phải được khảo sát, đánh giá sự phù hợp giữa điều kiện sản xuất thực tế với quy định hiện hành của nhà nước đối với các mối nguy gây ô nhiễm về hóa học, sinh học và vật lý lên rau, quả. Là vùng được nhà nước công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.

2. Giống

Giống phải có nguồn gốc rõ ràng. Giống có chất lượng tốt nhất nên mua giống từ các công ty, cơ sở cung cấp có uy tín.

3. Phân bón

Cần lựa chọn phân bón trong quá trình sử dụng nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm lên rau, quả. Chỉ sử dụng các loại phân bón có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (ủ hoai mục).

Nơi chứa phân bón hay khu vực để trang thiết bị phục vụ phối trộn và đóng gói phân bón, chất phụ gia cần phải được xây dựng và bảo dưỡng để đảm bảo giảm nguy cơ gây ô nhiễm vùng sản xuất và nguồn nước. Lưu giữ hồ sơ phân bón khi mua (ghi rõ nguồn gốc, tên sản phẩm, thời gian và số lượng mua).

4. Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật

Để sản xuất rau an toàn cần phải tham gia các lớp tập huấn về phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp sử dụng bảo đảm an toàn. Trường hợp cần lựa chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật và chất điều hòa sinh trưởng cho phù hợp, cần có ý kiến của người có chuyên môn về lĩnh vực bảo vệ thực vật.

Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng cho từng loại rau, quả tại Việt Nam. Chỉ nên mua thuốc bảo vệ thực vật từ các cửa hàng được phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Nên áp dụng các biện pháp quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Khi sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật phải đúng theo sự hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc hoặc hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất và sản phẩm.

Thực hiện đúng thời gian cách ly đảm bảo theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ghi trên nhãn hàng hóa.
Kho chứa hóa chất phải đảm bảo theo quy định, xây dựng ở nơi thoáng mát, an toàn, có nội quy và được khóa cẩn thận.

5. Nước tưới

Nước tưới dùng cho sản xuất và xử lý sau thu hoạch rau, quả phải đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn mà Việt Nam đang áp dụng.

Cần có đánh giá nguy cơ ô nhiễm hóa chất và sinh học từ nguồn nước sử dụng cho tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật, để có biện pháp khắc phục.

Không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, nước phân tươi, nước giải chưa qua xử lý trong sản xuất và xử lý sau thu hoạch.

6. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP

Cần có thiết bị, vật tư và dụng cụ chứa để thu hoạch rau. Thiết bị, thùng chứa hay vật tư phải đảm bảo chắc chắn và vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng.

Sản phẩm sau khi thu hoạch không được để tiếp xúc trực tiếp với đất và hạn chế để qua đêm.

Phải có biện pháp xử lý rác thải nhất là phế phẩm nông nghiệp và hệ thống thoát nước nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm đến vùng sản xuất và nguồn nước.

7. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc

Quá trình sản xuất rau, quả theo VietGAP phải ghi chép và lưu giữ đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký về bảo vệ thực vật, phân bón, bán sản phẩm, v.v…phải tự kiểm tra hoặc thuê kiểm tra viên kiểm tra nội bộ xem việc thực hiện sản xuất, ghi chép và lưu trữ hồ sơ đã đạt yêu cầu chưa. Nếu chưa đạt yêu cầu thì phải có biện pháp khắc phục.

8. Kiểm tra việc thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP

Quá trình sản xuất rau, quả phải được tự  kiểm tra rút ra các vấn đề khó khăn gặp phải để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Thu Trà

Các tin khác