Từ trước đã có một số sưu tập, biên chép về thơ văn ở núi, hoặc nói về núi Non Nước, như cuốn Thúy Sơn thi tập của tác giả Trần Văn Cận, Thúy Sơn ngâm thảo của Trần Tú Tuấn, Dục Thúy sơn thi lục của Trần Văn Giáp và Nguyễn Qúy Liêm, Văn bia núi Non Nước - Luận văn tốt nghiệp khoa Lịch sử Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia của Lê Thị Liên... Nhưng các công trình này đều chưa được xuất bản thành sách, chủ yếu là bản viết tay, bằng chữ Hán, Nôm, quốc ngữ; nằm rải rác trong nhiều tập sách, hoặc nằm chung trong một tác phẩm viết về vùng đất Ninh Bình nói chung (như cuốn Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên). Điều quan trọng là các tác phẩm đó còn nhiều thiếu sót, sai khác khi so sánh với văn bia hiện còn trên núi, hoặc so với thác bản (bản rập văn bia) của chúng, hoặc so với các văn bản gốc... Và chỉ giới thiệu các bài thơ, hầu hết phần văn xuôi đều không được sưu tập. Vì vậy, những người quan tâm tìm hiểu về núi Non Nước thật là vất vả mà cũng không thỏa mãn khi muốn hiểu biết một cách đầy đủ về những giá trị văn hóa xã hội, giá trị về di tích lịch sử của núi Non Nước...
Xuất phát từ bối cảnh đó, công trình Núi Non Nước (Ninh Bình) - văn khắc và văn viết từ năm 1945 về trước ra đời, là sự tập hợp toàn bộ văn bia và các bài viết về núi đã có, bổ sung những văn bia còn thiếu, những văn viết chưa có trong các tác phẩm hoặc đã được xuất bản hoặc đang nằm trong thư viện của các cơ quan ở địa phương và trung ương, hay trong kho sách cá nhân...
Công trình Núi Non Nước (Ninh Bình) - Văn khắc và văn viết từ năm 1945 về trước, như tên sách, đã giới hạn thời gian của đề tài từ năm 1945 về trước, tức thơ văn có niên đại từ thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) cho đến thời Nguyễn, giới hạn cuối cùng là năm 1945 (từ thời Lý về trước chưa sưu tầm được tài liệu nào, năm 1945 cũng không có tác phẩm nào - có lẽ năm này sục sôi cách mạng, các tác giả chủ yếu là vua quan phong kiến thực dân đang nằm trong vòng xoáy của biến cố, tâm trí đâu mà có hứng sáng tác thi ca - còn từ năm 1946 trở đi, các tác phẩm văn học liên quan chủ yếu được viết bằng chữ quốc ngữ và đã được giới thiệu hầu hết trên các phương tiện thông tin đại chúng).
Sách gồm hai nội dung chính là văn khắc (bia đá khắc vào vách núi) và văn viết (tức các tài liệu khác được viết lên các chất liệu giấy, vữa...). Ngoài ra, trước khi đi vào nội dung chính, công trình có Lời nói đầu, bài Nước Non chùa tháp xa xưa tóm lược lịch sử ra đời và quá trình thay đổi tên gọi của núi Non Nước, lịch sử ra đời và tồn tại của chùa tháp nói chung, thời Trần nói riêng, cũng như chùa tháp núi Non Nước; tiếp đến là Quy định biên soạn; cuối sách là phần Phụ lục giới thiệu một số vấn đề có liên quan với nội dung chính.
- Nội dung chính thứ nhất, công trình đã giới thiệu (chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, chú thích) 57 văn khắc (bia vách đá núi Non Nước).
- Nội dung chính thứ hai, tập hợp, giới thiệu (chữ Hán, Nôm, phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, chú thích) 132 bài văn viết.
Tổng hợp cả hai phần, công trình đã giới thiệu 119 tác giả và nhóm tác giả, trong đó có 9 vị vua chúa, 110 vị quan lại và nhóm quan lại với 189 bài tất cả (57 văn khắc, 132 văn viết). Chia theo thời đại thì ta có:
Thời Trần: 13 tác giả (2 ông vua, 11 ông quan, dân), 15 bài (10 văn khắc, 5 văn viết).
Thời Lê: 17 tác giả (5 vua chúa, 12 quan), 25 bài (9 văn khắc, 16 văn viết).
Thời Nguyễn: 89 tác giả (2 vua, 87 quan), 145 bài (34 văn khắc, 111 văn viết).
Tổng hợp lại có tất cả 119 tác giả và nhóm tác giả, 133 bài thơ, 49 văn xuôi, 1 thơ + văn xuôi.
Trong tập sách còn có 61 trang ảnh không đánh số trang, với 84 ảnh chụp văn bia, thác bản (bản rập) văn bia, phong cảnh núi sông Non Nước... trong đó có những ảnh tư liệu về núi Non Nước và núi Hồi Hạc, chùa Non Nước đầu thế kỷ XX rất quý giá.
Phần Phụ lục gồm 11 bảng thống kê về văn khắc, văn viết đang còn, đã mất; các bài thơ chia theo thể loại thơ 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ..., theo loại chữ Hán, Nôm, quốc ngữ; chữ Nôm thời Trần, chữ húy thời Trần, hệ thống các cấp hành chính thời Trần, các đơn vị đo diện tích và chiều dài thời Trần; cách ghi tứ chí (giáp giới các thửa ruộng thời Trần); tên người xuất hiện trên các văn khắc thời Trần...
Đánh giá về tác phẩm này, PGS.TS. Đinh Khắc Thuân thuộc Viện nghiên cứu Hán Nôm - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam viết trong Lời giới thiệu như sau, xin trích:
Nhìn chung, công trình Núi Non Nước (Ninh Bình) - văn khắc và văn viết từ năm 1945 về trước của Đặng Công Nga là một bộ sưu tập, giới thiệu di sản Hán Nôm về núi Non Nước hết sức công phu và giá trị. Đây là một kho tàng tư liệu phong phú, góp phần nghiên cứu nhiều mặt về lịch sử, văn học, cũng như văn hóa xã hội vùng đất căn bản của Cố đô nghìn tuổi. Đồng thời đây cũng là quà tặng quý giá đối với du khách khi đến thăm viếng danh thắng Cố đô Hoa Lư cổ kính.
Bích Đào