Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Phản biện xã hội không có chỗ cho sự thỏa hiệp

Thứ Sáu, 11/11/2016
Phản biện xã hội không phải là sự phủ định sạch trơn. Phản biện xã hội là một hoạt động khoa học song lại không đơn thuần là phản biện khoa học. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội với đội ngũ trí thức nhất là với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ là hoạt động xã hội phi lợi nhuận vì vậy không mang tính áp đặt, mà chỉ thuyết phục thông qua các luận cứ khoa học và chứng cứ thực tiễn.

Hoạt động phản biện xã hội có nhiều kiến giải khác nhau. Và thực tế cuộc sống đã khẳng định, phản biện xã hội là nhân tố quan trọng của sự phát triển. Trong xã hội dân chủ, phản biện xã hội phải được coi là nét văn hóa, là nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Phản biện như một hành vi có chất lượng khoa học của phê phán. Một xã hội tổ chức phản biện tốt sẽ góp phần tạo ra sự đồng thuận cho phát triển, giảm được tối đa sự phản kháng không cần thiết của dân chúng. Giáo sư Ngô Bảo Châu từng đã rất quyết liệt khi trả lời “Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng”!

Trong xã hội, suy cho cùng mọi mục tiêu dù mục tiêu thiên nhiên kỷ hay mục tiêu trước mắt thì cái đích cuối cùng cũng là vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia dân tộc. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách đưa ra phải hợp lòng người, phải phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước. Vậy nên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người phản biện quan trọng nhất chính là quần chúng nhân dân (tức mọi giai tầng xã hội). Song thực tế, xưa nay tham gia phản biện nhiều vẫn là kẻ sĩ (trí thức). Bởi với bản chất tốt đẹp vốn có của trí thức chân chính, là người có tri thức; là người ý thức cao trách nhiệm công dân, nên luôn mong muốn đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vào nhiệm vụ chung của đất nước; không chịu ngồi yên để các giá trị tốt đẹp của cuộc sống bị vi phạm, để những cái chưa đúng chưa trúng có cơ hội len lỏi vào cuộc sống, định hình quy tắc ứng xử của xã hội… Chính những phẩm chất ấy đã định ra cho trí thức vai trò phản biện xã hội như một điều tất nhiên.

Nhân dân chính là thực tiễn sinh động, trí thức phải nhìn thực tiễn để qua lăng kính của người có tri thức mà soi chiếu vào sự việc, để thấy cái đúng - sai, cái phù hợp - cái chưa phù hợp để có thể có sự phản biện kịp thời, chính xác. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X: “Xây dựng đội ngũ trí thức là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị…”. Không chỉ trao cho người trí thức trọng trách lịch sử, mà có thể nói, khó có đánh giá nào cao hơn thế đối với đội ngũ trí thức. Và phản biện là sở trường, là lợi thế đặc biệt của lực lượng trí thức, nhất là trí thức khoa học công nghệ. Nếu khoa học không có chỗ đứng cho sự gian dối thì phản biện xã hội không có chỗ cho sự thoả hiệp và vùng cấm nguy hiểm nhất là vùng không có tri thức. Nhà triết học René Descartes đã từng nói “Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại”, nếu không có tri thức thì sẽ không có sự tư duy và điều đó đồng nghĩa với sự không tồn tại.

Mặt khác, phản biện xã hội phải là sự tổng hoà các nguồn tri thức. Cùng nhìn nhận một sự vật sự việc, nhưng dưới con mắt của nhà khoa học lịch sử sẽ khác khi nhìn nhận với con mắt của nhà quy hoạch, cũng sẽ khác với con mắt phân tích của nhà văn hoá… Vì vậy phản biện phải được nhìn dưới mọi góc độ, đa ngành nghề  và bên cạnh việc phải luôn trân trọng các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, thực hiện phản biện xã hội rất cần một đội ngũ trí thức làm vai trò tổng hợp, phân tích, chọn lọc các ý kiến truyền tải một cách đầy đủ nhất, trung thực nhất đến nơi có thẩm quyền giải quyết.

Phản biện xã hội cũng không có chỗ cho sự phản ánh chung chung kiểu “Kính nhi viễn chi”. Phản biện xã hội là một kiểu đối thoại đặc biệt. Lịch sử cho thấy, sự độc quyền kéo dài thường là nguyên nhân chính của sự trì trệ. Lý do đơn giản của kiểu xã hội chỉ quen độc thoại chứ không chấp nhận đối thoại. Không thể chậm hơn khi sự mở cửa giao lưu với thế giới bên ngoài, sự hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế đã là một đòi hỏi tất yếu không cho phép chúng ta bảo thủ. Việc hạn chế phản biện xã hội hay duy trì sự phản biện chất lượng kém, phản biện tư vấn theo kiểu “chung chung”, theo kiểu chỉ “để có” để đủ thủ tục sẽ dễ đẩy xã hội vào vòng xoáy của chuyên chế, độc tài sẽ kìm hãm sự phát triển của chính xã hội ấy.

Thời gian qua, dấu ấn phản biện của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ ở các dự án lớn như “đường sắt cao tốc”, “bauxite Tây Nguyên”, “điện hạt nhân”, “quy hoạch Thủ đô”, “động đất Sông Tranh” hay gần đây là “bảo tồn cầu Long Biên”… Cuối năm 2013, một tin vui đến với đội ngũ trí thức khi Ban chấp hành Trung ương ban hành Quyết định số 127/2013/QĐ-TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Đây là cơ sở để đội ngũ trí thức phát huy tối đa khả năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội của mình.

Hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của trí thức là hoạt động minh bạch, dân chủ, công khai, không có thỏa hiệp. Vậy nên, đòi hỏi đầu tiên của hoạt động tư vấn, phản biện là độc lập, khách quan, khoa học, trung thực. Nhưng hoạt động sao cho phản biện xã hội có hiệu quả. Khi mà quá trình thu thập và đánh giá thông tin không phải lúc nào cũng thuận lợi, trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam quả thực cũng có nhiều cái khó để tiến hành một cuộc phản biện theo đúng quy trình.

Thịnh Nam

Các tin khác