Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn hiện nay

Thứ Sáu, 23/10/2020
Xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là mối quan tâm, trăn trở của toàn xã hội. Xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức là vấn đề quan trọng nằm trong mối quan tâm của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình. Tại Nghị quyết TW 7 (khóa X) của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định, nhấn mạnh và thể hiện những quan điểm rõ ràng trong việc xây dựng đội ngũ trí thức những năm tới: “Trí thức là những người lao động bằng trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”.

Đội ngũ trí thức Ninh Bình có cơ quan đại diện là Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Với mục đích nhằm phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình (Liên hiệp hội) được thành lập từ năm 1998 chính là chiếc cầu nối, là địa chỉ đáng tin cậy tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức Khoa học công nghệ (KHCN).

Từ khi được thành lập và đi và hoạt động ổn định, với chức năng đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức, Liên hiệp Hội tỉnh luôn coi việc củng cố và phát triển tổ chức nhằm tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thực hiện tư vấn phản biện và giám định xã hội là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật đã thu được những kết quả đáng khích lệ:

Từ nhiều năm nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản, chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhất là trong lĩnh vực KH-CN. Đặc biệt, từ năm 2016, Liên hiệp Hội đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11-QĐ/UBND ngày 17/5/2016 của UBND tỉnh “về hoạt động Tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình”. Có thể nói đây là điều kiện tiên quyết, thuận lợi để đơn vị huy động đội ngũ trí thức KHCN thực hiện hiệu quả hơn hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội những năm tiếp sau.

Từ năm 2017 đến nay, Liên hiệp Hội đã tổ chức thành công 08 Hội thảo tư vấn, phản biện do các sở ban ngành chủ trì soạn thảo như: đề án“Chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long”; “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” giai đoạn 2018 -2023; “Đề án Xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ Đô thị thông minh tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2018 - 2023, định hướng đến năm 2030”; “Đề án cho thuê dịch vụ môi trường rừng”;“Quy hoạch phân khu khu vực trung tâm Ninh Hải-Ninh Thắng (khu 4-1) trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”...

Tháng 6 vừa qua, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Liên hiệp Hội tỉnh đã tổ chức thành công hội thảo đóng góp ý kiến vào ngày 18/6/2020 và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao.

Những nội dung tư vấn, phản biện và giám định xã hội và ý kiến đề xuất, kiến nghị của Hội đồng tư vấn phản biện đã kịp thời cung cấp thông tin về cơ sở luận cứ khoa học độc lập, khách quan, giúp cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có góc nhìn tổng quan, để xem xét trước khi quyết định phê duyệt đề án, dự án.

Tư vấn phản biện hiện vẫn còn là hoạt động mới đối với Ninh Bình, tuy còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng bước đầu đã phát huy được vai trò của Liên hiệp Hội tỉnh trong việc huy động đội ngũ trí thức thực hiện tư vấn phản biện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhìn nhận thực tế quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội thấy còn không ít khó khăn, hạn chế:

- Các ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp hội hoạt động chủ yếu là kiêm nhiệm, còn dành ít thời gian tham gia đề xuất triển khai các nhiệm vụ tư vấn, phản biện.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kinh phí dành cho hoạt động của Liên hiệp hội nói chung và dành cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nói riêng còn hết sức hạn hẹp, chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ.

- Mặc dù đã có Quyết định số 11 hướng dẫn về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình, tuy nhiên một số cơ quan, đơn vị còn chưa nhận thức đầy đủ về mục đích của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhằm cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền thêm cơ sở, luận cứ khoa học độc lập, khách quan trong việc đề xuất, xây dựng, thẩm định, phê duyệt để thực hiện có hiệu quả đối với các đề án, dự án trong thực tiễn. Nên còn chưa chủ động phối hợp đề xuất, kiến nghị xem xét tư vấn, phản biện đối với các nhiệm vụ thuộc diện bắt buộc phải có ý kiến tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.

- Tuy rằng đội ngũ trí thức trong tỉnh ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, song lại phân bố không đồng đều trên các lĩnh vực. Đội ngũ này tập trung chủ yếu ở lĩnh vực Y tế, Giáo dục và đào tạo, còn lĩnh vực khoa học và kỹ thuật thì lại chưa nhiều các chuyên gia đầu ngành, gây khó khăn trong quá trình tập hợp chuyên gia để liên hệ mời tham gia Hội đồng tư vấn phản biện.

Để phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức tỉnh, ngoài trách nhiệm tự thân của đội ngũ trí thức, đòi hỏi cần tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan. Tức là xã hội phải tạo cơ chế, chính sách và điều kiện đảm bảo cho trí thức được phát huy vai trò của mình.

Một là, tỉnh cần có chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, với những chương trình, đề án có tính chiến lược, dài hạn.

Hai là, xây dựng và thực hiện cơ chế tôn trọng, tiếp thu các kết quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong các cấp, các ngành, các cơ quan, kể cả các kết quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội do trí thức chủ động đề xuất độc lập

Ba là, tăng cường, bảo đảm nguồn lực cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội về cả 2 mặt: kinh phí cho nhà khoa học, chuyên gia và cơ sở vật chất. Ngoài những đề án do các cơ quan, đơn vị lấy ý kiến hoặc đặt hàng đã có kinh phí bố trí cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; đối với các đề án do Liên hiệp Hội, các tổ chức hội chủ động đề xuất tư vấn, phản biện, giám định, cần có nguồn kinh phí đảm bảo (nguồn ngân sách, nguồn huy động khác…) để trí thức có điều kiện phát huy tính chủ động sáng tạo trong chuyên môn của mình.

Bích Đào

Các tin khác