Dự án sản xuất giống và dược liệu Đinh lăng lá nhỏ thuộc chương trình nông thôn miền núi thuộc cấp Nhà nước, đơn vị chủ trì thực hiện là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn dược liệu Vũ Gia rộng khoảng 30ha được triển khai tại thôn 4, xã Gia Lâm, đây là khu vực được bao quanh là hệ thống núi đá vôi. Toàn bộ quy trình nuôi ươm, sản xuất giống, trồng trọt, thu hái, sơ chế cây Đinh lăng lá nhỏ được thực hiện theo tiêu chuẩn GACP-WHO.
Vườn giống Đinh lăng lá nhỏ được trồng trong nhà lưới
Trên diện tích này trước đây người dân chỉ trồng các loại cây như ngô, lạc, do chất đất xấu cộng với hệ thống thủy lợi kém chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn nên năng suất cây trồng không cao. Kể từ khi triển khai dự án, nơi đây được đầu tư hệ thống ao hồ, kênh mương phục vụ tưới tiêu, đất và nước được cải tạo loại bỏ tạp chất, đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Do được triển khai trồng đại trà trên diện tích rộng, do vậy trong quá trình làm đất, đơn vị triển khai dự án đã áp dụng cơ giới hóa, đầu tư hệ thống máy móc, đảm bảo độ tơi xốp cho đất.
Công ty đã đâu tư khu nhà lưới với diện tích gần 02 ha được xây dựng để phục vụ cho việc nuôi ươm cây Đinh lăng giống theo công nghệ Nhật Bản. Với kết cấu khung thép có khả năng chống chịu bão cấp 12, mái dạng vòm bằng nilon và được trang bị hệ thống lưới cắt nắng giúp cho cây giống không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi của thời tiết và hạn chế sự phá hoại của các loại sâu bọ, côn trùng, từ đó tạo ra những cây giống thực sự khỏe mạnh, hệ thống tưới tự động tại vườn đã giúp giảm công lao động và điều tiết độ ẩm một cách phù hợp.
Đinh lăng là loại cây lâu năm, có thể sống đến vài chục năm, ưa ẩm, ưa sáng, chịu hạn tương đối, chịu bóng, nhưng nếu bị ngập úng, cây sẽ bị héo úa và chết đi. Loại cây này có thể phát triển trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất là đất pha cát, phát triển mạnh khi nhiệt độ dưới 28 độ C. Cây Đinh lăng được ươm bằng cành, cành sau khi được cắt sẽ xử lý thuốc nấm và thuốc kích rễ trước khi cắm bầu; bầu được bọc túi nilon có kích thước 11x12cm, bên trong là đất màu phơi ải, trộn trấu. Do được ươm nuôi trong nhà màng và được chăm sóc đúng kỹ thuật nên tỷ lệ sống của cây giống đạt cao. Sau khi hoàn thành việc dâm cành cây phải được giữ ẩm, bổ sung dinh dưỡng qua lá và đảo bầu để tránh tình trạng rễ cây ăn sâu xuống đất trong khu vườn ươm. Giai đoạn ươm kéo dài trong khoảng thời gian 3 tháng. Cũng trong giai đoạn này cần lưu ý phòng trừ một số loại bệnh, nhất là nấm trên cây giống. Mùa Thu và mùa Xuân cây phát triển nhanh nhất, theo kinh nghiệm thì nên tiến hành trồng loại cây này vào mùa xuân, từ tháng 1 đến tháng 4 trong năm.
Luống trồng cây Đinh lăng cao tối thiểu 20cm, độ rộng tùy thuộc vào đặc điểm ruộng trồng, Giữa các luống phải có rãnh để đảm bảo khả năng thoát nước tốt, không bị ứ đọng, ngập úng. Khoảng cách trồng giữa các cây phải đảm bảo là 50x60cm. Mật độ 25.000-27.000 cây/ha hoặc có thể từ 10.000 đến 15.000 cây/ha với diện tích trồng xen canh các cây trồng khác. Trước khi trồng Đinh lăng cần tiến hành bón lót phân hữu cơ hoai mục, vôi bột, phân vi sinh, super lân và một chút NPK. Khi trồng dùng dao lam rọc bỏ túi bầu, đặt cây giống vào hốc đã chuẩn bị từ trước, ấn chặt đất xung quanh gốc. Sau khi trồng xong, phủ phụ phẩm nông nghiệp lên mặt luống để giữ độ ẩm và tạo mùn cho đất tơi xốp, tưới nước giữ ẩm thường xuyên.Giai đoạn cây mới trồng cần kiểm tra, dặm cây đảm bảo mật độ và khoảng cách trồng. Việc tưới nước cần phải duy trì hàng ngày để đảm bảo gốc cây đủ ẩm và thoát nước tốt, khi cây đã bén rễ thì mức độ tưới ít đi. Cây Đinh lăng ít sâu bệnh, nên hầu như không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ năm thứ 2 trở đi cần tỉa bớt cành và lá, mỗi năm 2 đợt vào tháng 4 và tháng 9, mỗi gốc chỉ để 2-3 cành to là được. Tận dụng những cành tỉa để chọn ươm cây giống, kết hợp làm cỏ với bón thúc để cây có điều kiện sinh trường và phát triển tốt.
Hiện nay, tại mô hình này đang tiến hành trồng xen canh cây Đinh lăng với một số cây dược liệu khác có tán lá cao hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hỗ trợ Đinh lăng chống chịu nắng trực xạ và rét đậm. Một số loại sâu bệnh hại có thể xuất hiện trên cây Đinh lăng như rệp sáp, phấn trắng, nấm làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây. Khi có dấu hiệu sâu hại nên áp dụng biện pháp phòng như giảm lưới cắt nắng, giảm tưới, dùng sản phẩm thảo dược để phun trừ. Việc sử dụng các loại thuốc, chế phẩm cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng. Cây Đinh lăng lá nhỏ sau khi trồng, tối thiểu 3 năm có thể cho thu hoạch. Năng suất dự kiến 10 tấn tươi/ha tương đương 02 tấn khô/ha; sản lượng dự kiến đạt 50 tấn tươi/03 năm tương đương 10 tấn khô/3 năm. Dự án hiện đã xây dựng được khu vườn giống gốc 1,5ha để cung cấp giống chuẩn đáp ứng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu của công ty và sản xuất sản phẩm. Hiện tại, ngoài 20ha cây Đinh lăng lá nhỏ được trồng tại mô hình, nhiều hộ dân trong khu vực xã Gia Lâm và khu vực lân cận của huyện Nho Quan cũng đã mở rộng diện tích trồng cây Đinh lăng.
Đinh lăng lá nhỏ được trồng tại xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình
Doanh nghiệp là đơn vị chủ trì triển khai dự án, người nông dân được tham gia vào toàn bộ quy trình sản xuất vừa góp phần tăng thu nhập xoá đói giảm nghèo bên cạnh đó còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đối với các hộ dân tiến hành sản xuất riêng lẻ, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dược Liệu Vũ Gia cam kết thu mua hết sản lượng Đinh lăng theo hợp đồng ký kết ngay từ đầu vụ sản xuất. Đồng thời, đơn vị còn phối hợp với các công ty khác như: Công ty cổ phần Traphaco, Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Công ty cổ phần Mediplantex; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nam Dược… để cung cấp các sản phẩm dược liệu ra thị trường. Quá trình triển khai thực hiện đề án đơn vị đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh Ninh Bình và các cơ quan chức năng có liên quan.
Hiện nay, nhu cầu dược liệu Đinh lăng ngày càng tăng, diện tích Đinh lăng trồng ở Việt nam chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành dược. Chính vì vậy trồng Đinh lăng phục vụ sản xuất dược liệu ngày càng được người dân quan tâm do tính lợi nhuận cao so với các cây trồng khác. Rất cả các bộ phận của loại cây này đều có thể dùng chế biến thuốc (cao, thuốc, trà...), do đó thị trường tiêu thụ rất rộng mở. Thời điểm hiện tại, giá của cành và lá Đinh lăng dao động từ 22.000-30.000 đồng/kg tươi, khoảng 100.000đ/kg khô. Củ Đinh lăng được coi là “nhân sâm của người nghèo”, vì chứa nhiều hợp chất saponin có giá cao hơn tùy thuộc vào năm tuổi của cây, cây từ 3-5 tuổi giá 100.000-120.000 đồng/kg; cây lâu năm có thể lên tới 1 triệu đồng/kg. Chính vì vậy, người dân thường bán lá, cành trước, ít khi bán cả cây, để thời gian nuôi củ lớn bán với giá cao. Những cây từ 15-20 năm tuổi, trọng lượng củ thường là 10-20 kg/mang lại nguồn thu không nhỏ cho người trồng.
Để nâng cao chất lượng dược liệu, mô hình cũng đã tiến hành xây dựng nhà xưởng, áp dụng máy móc kỹ thuật cao trong quá trình chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu Đinh lăng lá nhỏ. Song song với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chế biến đơn vị cũng phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân.
Quy trình trồng và chăm sóc cây Đinh lăng lá nhỏ của dự án được đầu tư ở mức độ thâm canh cao so với các quy trình thông thường áp dụng cho những khu vực có điều kiện tương tự. Các tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” GACP-WHO được áp dụng, dự án đầu tư hệ thống tưới tự động cho toàn bộ diện tích trồng, sử dụng nước mặt và nước giếng khoan ở quy mô công nghiệp có kiểm soát. Phân bón được sử dụng tại dự án là loại thuộc thế hệ chuyên dùng cho các cây trồng ở vùng đồi núi, đất dốc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và thời gian bón phân mà không phụ thuộc vào điều kiện khí hậu thời tiết, giảm chi phí nhân công trong việc bón phân, cũng như không bị các đối tượng cây trồng khác cạnh tranh dinh dưỡng. Việc xây dựng dự án sản xuất giống và dược liệu Đinh lăng lá nhỏ tại xã Gia Lâm huyện Nho Quan đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con nông dân nơi đây. Với những thành công bước đầu của dự án, hiện tại cây Đinh lăng lá nhỏ đang tiếp tục được nhân rộng với mục tiêu đưa vào sản xuất đại trà theo chuỗi giá trị và từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Từ một vùng đất khô cằn, sỏi đá chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, giá trị cây trồng thấp. Chỉ sau hơn 3 năm thôn 4, xã Gia Lâm đã được khoác lên mình một diện mạo mới với màu xanh mướt bởi cây dược liệu Đinh lăng lá nhỏ. Sự đổi thay ấy từ chủ trương trồng và phát triển cây dược liệu được triển khai tại Ninh Bình. Quy trình, kỹ thuật trồng cây Đinh lăng lá nhỏ đang hứa hẹn thành công, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Như vậy, dự án “Ứng dụng Khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ tại tỉnh Ninh Bình” thành công sẽ mở ra cơ hội mới cho người dân vùng núi huyện Nho Quan và các địa phương khác trong tỉnh phát triển kinh tế và làm giàu. Đồng thời cũng góp phần vào công tác xây dựng quy hoạch và phát triển vùng trồng dược liệu toàn tỉnh, cung cấp các loại nguyên liệu dược liệu đạt tiêu chuẩn cho các đơn vị sản xuất chế biến thuốc trong và ngoài nước.
Đông Hà