I. Khái niệm về nông nghiệp sạch và nông sản sạch
Trên các phương tiện truyền thông, có các ý kiến khác nhau về khái niệm nông sản sạch. Nhiều người cho rằng nông sản sạch là nông sản không bị “nhiễm bẩn” bởi các tác nhân độc hại, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng và nông sản sạch đồng nghĩa với nông sản an toàn (ví dụ, rau an toàn được gọi tắt là rau sạch). Một số người khác lại cho rằng nông sản sạch là nông sản hữu cơ, được sản xuất theo phương pháp hữu cơ không dùng hóa chất tổng hợp như phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, chât bảo quản, vật liệu biến đổi gen…
Trên Thế giới, đặc biệt là tại một số nước phát triển cao như Mỹ, EU… nơi mà an toàn thực phẩm luôn được đảm bảo tốt cũng có các khái niệm tương tự, đó là “clean food” (thực phẩm sạch), “clean eating” (ăn sạch). Từ những năm 1990, tại các nước này đã xuất hiện một trào lưu sử dụng “clean food”, nhiều khách sạn, nhà hàng chuyên cung cấp “clean food” với giá cao hơn bình thường. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn hiểu khác nhau về khái niệm “clean food - thực phẩm sạch”. Những người hiểu theo nghĩa hẹp thì cho rằng thực phẩm sạch là thực phẩm giữ được chất lượng tự nhiên vốn có của nó, không nhiễm các hoá chất của quá trình chế biến, bảo quản, kể cả các hoá chất này được pháp luật cho phép sử dụng và không bị lạm dụng. Nhiều người khác hiểu theo nghĩa rộng lại cho rằng ngoài các yêu cầu nói trên thực phẩm sạch còn phải có tính nhân văn, được sản xuất bởi những người có “lương tâm sạch” (chấp hành tốt pháp luật, có ý thức bảo vệ môi trường, vì lợi ích người tiêu dùng…). Người mua trả giá cao hơn cho người sản xuất thực phẩm sạch không phải chỉ vì thực phẩm sạch an toàn hơn và tốt hơn cho sức khoẻ của người tiêu dùng mà còn có ý nghĩa nhân văn, đó là muốn góp phần bảo vệ môi trường và khuyến khích những người thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Gần đây, cụm từ “nông nghiệp sạch” đã được sử dụng trong một văn bản pháp quy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đó là Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp. Văn bản này đã xác định danh mục các dự án nông nghiệp sạch bao gồm các dự án đáp ứng một trong số các tiêu chí sau:
- Dự án thực hiện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
- Dự án của doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp được cấp Giấy chứng nhận VietGAP;
- Dự án đầu tư mới vào sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế tương đương (VietGAP, GlobalGAP…).
Căn cứ văn bản nói trên của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có thể thấy rằng nông sản sạch (kết quả của sản xuất nông nghiệp sạch) là “nông sản an toàn được sản xuất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao hoặc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt”. Đặc điểm chung của nông sản sạch, trong đó có nông sản thực phẩm là đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Như vậy, có nhiều cách thức khác nhau để sản xuất ra nông sản sạch và khái niệm về nông sản sạch hiện nay ở Việt Nam vẫn chủ yếu nhấn mạnh đến khía cạnh an toàn thực phẩm.
II. Thực trạng vấn đề an toàn thực phẩm và sản xuất nông sản sạch ở Việt Nam
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ sức khoẻ người dân hiện tại và tương lai. Nhà nước, các bộ, ngành, các địa phương và toàn xã hội luôn quan tâm, ưu tiên tập trung nguồn lực và ban hành nhiều chính sách, pháp luật để cải thiện tình hình, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra liên quan đến an toàn thực phẩm. Ngày 27/7/2016, Quốc hội khoá XIV đã ban hành Nghị quyết số 14/2016/QH14 về “Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017”, theo đó Quốc hội đã chọn giám sát chuyên đề đầu tiên là về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”. Có thể nói, kết quả giám sát của Quốc hội vừa qua đã phản ánh đầy đủ và cập nhật về thực trạng công tác an toàn thực phẩm ở nước ta.
Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ và kết quả khảo sát thực tế tại 21 tỉnh/thành phố, Đoàn giám sát của Quốc hội đã đánh giá có 8 kết quả chính đáng ghi nhận trong công tác an toàn thực phẩm ở nước ta thời gian qua gồm:
1. Đã xây dựng và ban hành được hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ để phục vụ quản lý an toàn thực phẩm;
2. Hệ thống tổ chức quản lý an toàn thực phẩm bước đầu đã được từng bước hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương;
3. Công tác quản lý an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm tăng, nhiều tỉnh có vùng sản xuất thực phẩm an toàn;
4. Công tác thanh, kiểm tra được triển khai đồng bộ , chế tài xử phạt mạnh hơn làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn;
5. Nhận thức và hành động của các cấp chính quyền và người dân về an toàn thực phẩm đã có sự chuyển biến đáng kể;
6. Công tác tổ chức sản xuất thực phẩm an toàn được đổi mới, đẩy mạnh theo hướng hiện đại, quy mô lớn, kiểm soát theo chuỗi sản phẩm;
7. Việc kiểm soát môi trường, điều kiện sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn đã được tăng cường;
8. Môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cải thiện đáng kể, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định đáng khích lệ, công tác thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn bộc lộ những tồn tại và yếu kém. Theo đánh giá của Đoàn Giám sát của Quốc hội thì vấn đề an toàn thực phẩm ở nước ta thời gian qua có lúc, có nơi đã đến giới hạn đỏ - giới hạn báo động. Có 9 tồn tại, yếu kém chủ yếu được nêu ra như sau:
1. Việc ban hành, hướng dẫn các văn bản pháp luật còn chậm, thiếu cụ thể, chồng chéo, tính khả thi chưa cao;
2. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, bộ máy quản lý an toàn thực phẩm còn một số bất cập cả về tổ chức, nguồn lực và cơ chế phối hợp;
3. Việc thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm còn thụ động, chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe và thực thiu nghiêm pháp luật, mức xử phạt còn thấp;
4. Đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế;
5. Chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm sản xuất từ khu vực kinh doanh nhỏ lẻ, thủ công; biện pháp, công cụ quản lý còn hạn chế;
6. Việc quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm còn chưa được dựa trên việc giám sát nguy cơ và bằng chứng khoa học; việc phân tích, đánh giá nguy cơ đối với an toàn thực phẩm chưa được chú trọng, ngộ độc thực phẩm vẫn ở mức cao;
7. Yếu tố môi trường, điều kiện sản xuất kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức;
8. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm chưa thường xuyên, kết quả còn hạn chế;
9. Công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được chú trọng đúng mức.
Theo báo cáo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm tập trung chủ yếu trên các loại nông sản thực phẩm chính có trong bữa ăn hàng ngày của người dân như: rau, củ, quả tươi, thịt, cá…
Đối với nhóm thực phẩm nguồn gốc thực vật nguy cơ cao tập trung trên rau, củ, quả tươi với nguyên nhân chính là do việc lạm dụng hoá chất bảo vệ thực vật. Kết quả của Chương trình giám sát Quốc gia cho thấy, trong giai đoạn 2011-2016, tỷ lệ mẫu rau, củ, quả tươi và sơ chế có tồn dư hoá chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47%, trong đó tỷ lệ mẫu có chất cấm là 0,34%. Theo kết quả điều tra của Cục Bảo vệ thực vật thì nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do người dân không thực hiện nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là không thực hiện đúng thời gian cách ly và số lần phun thuốc. Tỷ lệ người sản xuất vi phạm các quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn ở mức cao: trên 16%.
Đối với sản phẩm chăn nuôi, nguy cơ mất an toàn thực phẩm chủ yếu do việc sử dụng hoá chất, chất cấm và nhiễm vi sinh vật.. Tỷ lệ mẫu thịt tươi các loại có tồn dư hoá chất vượt ngưỡng cho phép là 1,59%, tỷ lệ mẫu có chất cấm là 1,27%. Ngoài ra, do không đảm bảo các điều kiện giết mổ, tỷ lệ mẫu thịt bị nhiễm vi sinh vật vượt mức cho phép rất cao: trên 19%.
Đối với thuỷ sản, sử dụng các chất cấm và nhiễm vi sinh vật là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm nghiệm giai đoạn 2011-2016 cho thấy tỷ lệ mẫu thuỷ sản chứa chất cấm là 1,82%; tỷ lệ mẫu nhiễm vi sinh vật trên 4%.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến đầu năm 2017 có 43 tỉnh có quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với diện tích đến năm 2010 là trên 120 ngàn ha và có 07 tỉnh có quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả an toàn. Hiện có khoảng trên 1500 cơ sở sản xuất rau theo các tiêu chuẩn GAP với diện tích trên 12 ngàn ha. Tính đến cuối năm 2016 có 599 cơ sở sản xuất rau với trên 3.700 ha và 706 cơ sở sản xuất quả với diện tích trên 12 ngàn ha được chứng nhận VietGAP.
Trong chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai nội dung tái cơ cấu tổ chức chăn nuôi theo các chuỗi liên kết trong sản xuất gắn doanh nghiệp chế tiêu thụ sản phẩm chăn nuô