Banner chính
Thứ Sáu, 29/03/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Tản mạn chuyện hiền tài

Thứ Hai, 05/03/2012
     Cách đây  570 năm (1442), Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”.

      Lịch sử hào hùng của dân tộc ta đã chứng minh rằng nhân tài không thiếu trong mỗi thời đại, có ở khắp mọi miền Tổ quốc trên mọi lĩnh vực khác nhau. Việc trọng dụng hay ruồng rẫy nhân tài ở mỗi thời kỳ có liên quan đến sự phồn vinh hay suy yếu của đất nước.
     Ý thức được điều đó, Chủ tịch Hồ chí minh và Đảng ta luôn quan tâm phát hiện nhân tài và trọng dụng hiền tài; không phân biệt trình độ lẫn nguồn gốc xuất thân, miễn là họ hết lòng vì dân, vì nước. Chính nhờ đó, Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước ta từ không có tên trên bản đồ của Chủ nghĩa thực dân, đế quốc, bỗng chốc những từ Việt Nam, Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ trở nên thân quen trìu mến trong lòng bầu bạn năm châu, trở thành niềm tự hào, động viên, cổ vũ mọi dân tộc bị áp bức đứng lên đoàn kết, cùng đấu tranh giải phóng giai cấp, dân tộc, thoát khỏi cảnh áp bức nô lệ. Từ khi có Đảng đến nay, nhân tài được phát hiện, đào tạo ngày càng nhiều hơn và tiếp tục được Đảng, cách mạng không ngừng chăm lo bồi dưỡng, dìu dắt để cống hiến, trưởng thành và tỏa sáng.
    Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, Đảng ta luôn quan tâm đến việc phát hiện và trọng dụng hiền tài. Nhưng do nhiều nguyên nhân, thời gian qua, ở nơi này, nơi kia, vẫn còn tình trạng hiền tài chưa được phát hiện chính xác và trọng dụng đúng mức. Cần phải đặt ra một số tiêu chí hay định nghĩa hiền tài để ta nhận dạng cho đúng, tránh nhầm lẫn hay trọng dụng “sai địa chỉ”.
     Đã là hiền tài thì không thể   nào chỉ lo cho bản thân mình một cách ích kỷ nhỏ nhoi mà phải biết hết lòng vì sự nghiệp của Đảng (nếu là đảng viên), của dân tộc, đất nước (nếu là quần chúng), biết cảm thông và tận tụy phục vụ nhân dân dù trong hoàn cảnh khó khăn. Hiền tài không tham quyền cố vị mà luôn quan tâm phát hiện người giỏi để chăm lo, bồi dưỡng, dìu dắt họ thành hiền tài cùng phụng sự đất nước như mình.
     Hiền tài phải có dũng khí đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực của xã hội để giành sự công bằng, không được phép chọn con đường “vinh thân phì gia”, bỏ mặc cho người dân trong cảnh khốn khó.
Hiền tài cũng là người biết cách khắc phục khó khăn, vượt lên số phận, tự khẳng định mình bằng sáng tạo, phát minh có ích cho mình và cho đời, biết tự tạo cho mình điều kiện làm việc để không ngừng sáng tạo, cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân.
      Như thế hiền tài không nhất thiết phải có học hàm giáo sư, tiến sĩ hay phải được đào tạo chính quy ở nước này, nước nọ, mà chỉ cần họ có thiện chí, chịu khó tu thân, rèn luyện tài năng bằng mọi con đường học vấn để có được những phát minh sáng chế, đề xuất được điều gì đó ích nước, lợi dân. Hiền tài phải có một tâm hồn vô tư trong sáng, không vì lợi ích của bản thân mình.
     Theo quan niệm xưa, hiền tài phải có đầu óc kinh bang tế thế, giúp vua tranh giành và giữ được ngôi vị. Ngày nay cần phải quan niệm rộng hơn, hiền tài không nhất thiết phải văn võ song toàn mà điều cốt yếu phải biết suy nghĩ, sáng tạo có ích để đóng góp cho dân, cho nước. Không phân biệt cán bộ bề trên hay cán bộ bình thường, miễn họ hoàn thành tốt chức trách với chất lượng ngày một cao hơn là đáng trân trọng. Thậm chí những người nông dân, chăm chỉ, kiên trì, miệt mài sáng tạo ra những máy móc, công cụ nào đó hữu ích, giải phóng được sức lao động cho bản thân và người khác như máy gặt đập, máy sên bùn, máy phun thuốc, máy diệt chuột,… cũng có thể được xem là hiền tài. Còn những vị giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ sang trọng đầy đủ tiện nghi làm việc mà chẳng có suy nghĩ, sáng tạo gì tốt để lại cho đời, thậm chí còn nghĩ cách vơ vét làm giàu riêng thì cũng nên xem lại có còn xứng đáng gọi là hiền tài ?
      Hiền tài thực sự mà không được trọng dụng lại bị ruồng bỏ là sự lãng phí vô cùng lớn, tạo ra nhiều nguy cơ. Nhưng nếu dùng người không đúng thì sẽ phát sinh bất công, từ đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn tiêu cực ngay trong bộ máy, trong đội ngũ, càng không có lợi. Mặt khác, nếu chỉ phát hiện, trọng dụng hiền tài theo kiểu”nâng trứng hứng hoa” thì cũng chưa đủ. Hiền tài sẽ không được bền vững, bởi nếu không được rèn luyện, thử thách, cứ sống trong điều kiện tiện nghi, họ sẽ không có điều kiện kích thích sáng tạo. Phải để cho họ tự khắc phục khó khăn trong điều kiện nhất định, thì họ mới thấy được ý nghĩa của sự cống hiến mà trau dồi phát triển tài năng. Nếu sống trong điều kiện thừa thãi tiện nghi, xa cách với cuộc sống người dân lao động nghèo, thì sẽ sinh ra tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”. Hiền tài lúc đó sẽ không còn “hiền” nữa, sẽ bị mai một dần tài năng và sẽ không tránh khỏi  tình trạng bị tha hóa, thành mối họa cho đất nước, cho nhân dân.
 

Trần Minh

Các tin khác