Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Tạo cơ hội cho các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập

Thứ Sáu, 09/12/2016
Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), giáo dục, đào tạo, y tế và các dịch vụ công cộng khác, huy động rộng rãi mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) luôn quan tâm phát triển các tổ chức KH&CN trực thuộc, hoạt động theo mô hình tự chủ, tự hạch toán.

Gần 500 tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam là các tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, Thông tư số 03/2014/TT-BKHCN. Đây là các tổ chức KH&CN có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ.

Mặc dù các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam là các tổ chức ngoài công lập, phải tự bươn trải, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm về tài chính và hoạt động, nhưng với sự tăng lên đều đặn của các tổ chức KH&CN trong nhiệm kỳ vừa qua đã chứng tỏ nhu cầu rất lớn của cộng đồng xã hội đối với sự có mặt của các tổ chức KH&CN trong hàng ngàn chương trình, dự án, khẳng định vai trò của các nhà khoa học trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào đời sống. Mặt khác, cơ chế, thủ tục hành chính của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng đổi mới, tạo điều kiện tối đa cho các nhóm trí thức đủ điều kiện tham gia thành lập và phát triển các tổ chức KH&CN. Có thể khẳng định sự phát triển của mạng lưới các tổ chức KH&CN ngoài công lập nhiều năm qua là một trong những thành tựu quan trọng, ghi dấu ấn của Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng và sự nghiệp quản lý, phát triển KH&CN ở nước ta nói chung.

Theo cơ chế hoạt động tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm, do vậy, các tổ chức KH&CN ngay từ khi thành lập đã phải xác định tinh thần chủ động và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và vận động nguồn kinh phí.

Hoạt động của các tổ chức KH&CN hiện nay trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều sáng kiến, dự án được triển khai đa dạng, áp dụng vào nhiều cộng đồng, địa phương từ nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học & công nghệ vào sản xuất và đời sống đến các chương trình cụ thể như xoá đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phổ biến kiến thức. Hoạt động của các tổ chức KH&CN gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể và đã đạt được những kết quả đáng kể, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Có thể nêu một vài ví dụ như: Trung tâm phân tích AND và công nghệ di truyền đã thực hiện các nghiên cứu đầy đủ và toàn diện tần số của các gen đa hình ở người Việt làm cơ sở cho việc xác định huyết thống. Không chỉ xác định huyết thống theo nhu cầu của xã hội mà Trung tâm còn tham gia vào việc giám định AND miễn phí để tìm những người thất lạc trong chiến tranh cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.

Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống (Life) có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, đặc biệt lên quan đến vấn đề vận động bình đẳng giới và phòng chống HIV/AIDS. Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) đã cùng một số tổ chức KH&CN xây dựng mạng lưới ứng phó biến đổi khí hậu với hoạt động chủ yếu tập trung vào mảng truyền thông và phổ biến kiến thức cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo và phát triển cộng đồng. Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tiến hành nhiều hoạt động tại hiện trường nhằm cung cấp các giải pháp, mô hình thực tiễn, khoa học trong lĩnh vực quản trị tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững. Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hóa sinh đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu để sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp…

Bên cạnh những thành tựu đạt được, các tổ chức KH&CN đã góp phần đáng kể vào việc đóng góp nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho một bộ phận không nhỏ người lao động, thu hút và sử dụng hiệu quả được nguồn kinh phí từ các tổ chức tài trợ trong nước và quốc tế.

Mặt thuận lợi của tổ chức KH&CN ngoài công lập là bộ máy tổ chức thường gọn nhẹ, linh hoạt, mô hình quản lý dựa trên tiêu chí hiệu quả công việc là chính chứ  ít khi bị ràng buộc theo mô hình quản lý hành chính, đội ngũ cán bộ cơ hữu và cộng tác viên có trình độ cao, nhiệt tình công tác, ban lãnh đạo các tổ chức thường là các nhà khoa học có trình độ, uy tín, tâm huyết với ngành, nghề… Ngoài ra, từ phía khách quan có thể thấy chính sách và cam kết của Chính phủ về phát triển bền vững ngày càng mạnh mẽ và đi vào thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức KH&CN ngoài công lập có điều kiện hoạt động và vận động tài trợ, đặc biệt có thể chủ động tiếp cận với các dự án viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam ở trong nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thuận lợi các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam gặp không ít khó khăn, trong đó, khó khăn chính liên quan đến kinh phí hoạt động. Cũng do kinh phí hạn chế, các tổ chức khó duy trì nguồn nhân lực thường xuyên, ổn định khi luôn phải đối mặt với các vấn đề trả lương, thu nhập, đảm bảo điều kiện làm việc và cuộc sống cho cán bộ. Bên cạnh đó còn có khá nhiều khó khăn, rào cản khi các tổ chức KH&CN khi tiếp cận và nhận được các nguồn kinh phí trong nước như: ngân sách địa phương, ngân sách các bộ, ngành, các quỹ phát triển KH&CN. Thị trường KH&CN ở Việt Nam chưa phát triển nên việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Thực tế hoạt động của tổ chức KH&CN và doanh nghiệp còn chưa tìm được nhiều tiếng nói chung để doanh nghiệp đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Cơ sở vật chất còn hạn chế nên nhiều tổ chức phải thuê hoặc mượn trụ sở và thường xuyên phải thay đổi trụ sở gây nhiều khó khăn trong giao dịch và tổ chức hoạt động. Ngoài ra, phải kể đến một số chủ trương, chính sách hiện tại của Nhà nước chưa thực sự tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN ngoài công lập hoạt động tốt, đặc biệt là chính sách về đăng ký dự án, quản lý viện trợ còn khá phức tạp, còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà về quy trình thực hiện.

Từ trước tới nay, các tổ chức KH&CN hoạt động dựa trên các nguồn tài chính đa dạng, đó là vận động tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài, kinh phí thông qua đấu thầu, đề xuất các nhiệm vụ với cơ quan nhà nước, phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ như tư vấn, đào tạo nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ…

Nhiều năm qua viện trợ nước ngoài là một trong những nguồn kinh phí khá quan trọng đối với các tổ chức KH&CN ngoài công lập. Trong những năm qua, đã có nhiều tổ chức KH&CN huy động được viện trợ nước ngoài với tổng tài trợ lên đến vài chục triệu USD. Một số tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam hoạt động khá hiệu quả, có uy tín và trở thành đối tác tin cậy của nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, có thể kể đến như: ISDS, Life, COHED, SRD, COHED, PHAD,  RTCCD, CCIHP… Các tổ chức này nhận tài trợ nước ngoài để thực hiện các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế, giáo dục, dân chủ ở cơ sở, nâng cao năng lực và phát triển sinh kế cho nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghèo, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, người nhiễm HIV, xây dựng và nhân rộng các mô hình làng sinh thái, mô hình phát triển sinh kế…

Việc các nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của các tổ chức KH&CN thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam (khoảng 20% số tổ chức KH&CN). Bản thân các tổ chức KH&CN đang nhận viện trợ sẽ phải xây dựng chiến lược để có thể hoạt động trong thời gian tới, khi mà viện trợ quốc tế bị cắt giảm ngày càng nhiều hơn đặc biệt là xây dựng chương trình, kế hoạch huy động các nguồn tài chính trong nước và tham gia dịch vụ KH&CN. Về phía Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tích cực đóng vai trò đầu mối làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điểu kiện cho các tổ chức KH&CN được tiếp cận với nguồn ngân sách nhà nước, tham gia thực hiện các dịch vụ công do nhà nước đặt hàng, xây dựng cơ chế chính sách đối với các tổ chức KH&CN và phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam. Nhà nước cũng cần mở rộng hơn cơ hội và tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập tiếp cận với nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã cùng nhau tâm huyết thành lập các tổ chức KH&CN với mục tiêu: tập hợp, phát huy tài năng và tri thức của các nhà khoa học thực hiện xã hội hoá hoạt động KH&CN, tạo việc làm và nguồn thu nhập hợp pháp cho các nhà khoa học và thực hiện vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các phong trào quần chúng tiến hành các hoạt động KH&CN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thanh Khê

Các tin khác