Các chuyên gia về thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) lập luận rằng họ có thể loại trừ những biến thể ti thể - vốn có thể gây rối loạn chức năng đa cơ quan cũng như các bệnh về tim, gan, cơ gây chết người - bằng cách loại bỏ những gene khiếm khuyết và thay chúng bằng ADN khỏe mạnh của một cá nhân.
Thủ thuật nói trên, vốn bị những người phản đối cho là “đầy nguy hiểm”, sẽ đảm bảo cho phụ nữ bị vấn đề di truyền nghiêm trọng không truyền bệnh cho con mình. “Điều này sẽ có nghĩa là chúng ta sẽ sử dụng gene của 3 cha mẹ”, báo Daily Telegraph dẫn lời Giáo sư Peter Illingworth thuộc chương trình dịch vụ thụ thai hỗ trợ IVF Australia. Ông này bảo vệ thủ thuật nói trên, khẳng định nó đã không được hiểu đúng mức và “không ảnh hưởng đến cấu trúc di truyền của đứa trẻ”.
Các gene quyết định hành vi và dáng vẻ đến từ nhân tế bào, chứ không phải các ti thể
Theo Giáo sư Illingworth, các gene quyết định hành vi và dáng vẻ đến từ nhân tế bào, chứ không phải các ti thể. “Chúng tôi muốn gỡ bỏ ti thể xấu của phụ nữ và thay nó bằng ti thể khỏe mạnh thông qua IVF. Chúng tôi biết những phụ nữ có ti thể khiếm khuyết di truyền tính trạng này sang cho con mình. Ở Úc, bình quân mỗi tuần có 1 trẻ em chào đời bị khiếm khuyết này”, nhà nghiên cứu Úc nhấn mạnh.
Ở Úc, các nhà khoa học bị cấm sử dụng ADN của hơn 2 người trong bất kỳ cuộc nghiên cứu nào. Nhưng chính quyền liên bang đang xem xét lại đạo luật nghiên cứu bao gồm phôi người sau khi một báo cáo được trình lên quốc hội hồi năm ngoái. Giáo sư Illingworth cho biết các nhà khoa học hy vọng chính phủ sẽ sửa đổi luật trên nhằm “bật đèn xanh” cho hoạt động nghiên cứu về cấy truyền phôi. Tháng trước, các nhà khoa học tại Đại học Newcastle (Anh) đã được cấp 6,5 triệu AUD để nghiên cứu về thủ thuật này.
IVF Australia muốn thay thế các gene ti thể trong trứng bằng gene ti thể của một phụ nữ khác. Nhưng Giáo sư Carolyn Sue thuộc Viện Nghiên cứu y khoa Kolling và Đại học Sydney cho rằng thủ thuật này không hiệu quả mà lại “đầy nguy hiểm”. Trong khi đó, các nhóm vận động chính sách và tổ chức tôn giáo lại đang ra sức phản đối việc sửa đổi đạo luật nói trên.
Theo khoahoc.com.vn