Xác định rõ điều đó, trong chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 Đảng ta đã coi “… phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp trọng tâm; đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá”. Để bảo đảm cho giáo dục, đào tạo thực sự là “quốc sách hàng đầu”, Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII đã khẳng định: “Khâu then chốt để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục là phải đặc biệt chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn hoá đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ quản lý giáo dục cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Ưu tiên xây dựng các trường sư phạm và có chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”, sử dụng giáo viên đúng năng lực, đãi ngộ theo tài năng và cống hiến với tinh thần ưu đãi và tôn vinh nghề dạy học”.
Chúng ta đều biết rằng: giáo dục là con đường chủ yếu nhất để tạo ra nguồn lực con người có chất lượng cao. Việc phát huy được tính tích cực, lòng nhiệt tình, khả năng sáng tạo của nhân tố con người trong công tác giáo dục sẽ là cách làm hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. Bác Hồ đã nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chính vì vậy, giáo dục - đào tạo và người thầy giáo có một vai trò vô0 cùng quan trọng.
Trong lý luận và thực tiễn đội ngũ giảng viên luôn được xem là lực lượng nòng cốt, một trong những yếu tố quyết định đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo. Đây là xương sống của nhà trường, là cơ sở tạo lập nên chất lượng dạy và học, công việc của họ sẽ để lại dấu ấn trong xã hội tương lai. Phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn và sự phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của sinh viên không chỉ phụ thuộc vào chương trình giáo dục và sách giáo khoa và nhân cách của sinh viên, mà còn phụ thuộc vào phẩm chất đạo đức, chính trị, trình độ chuyên môn và khả năng tay nghề của giảng viên - “nhân vật chủ đạo” trong nhà trường. Mặc dù sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và những phương tiện dạy học có tinh xảo, hiện đại đến đâu đi chăng nữa, cũng hoàn toàn không thể thay thế được vai trò của người giảng viên. Không có gì vẻ vang hơn nhà giáo - những người mang trên vai trách nhiệm nặng nề là đào tạo thế hệ công dân đáp ứng được yêu cầu của đất nước. Nhà giáo dục vĩ đại Cômenski đã từng ca ngợi: “Dưới mặt trời không có chức vụ nào ưu việt hơn!”.
Nhận thức được điều đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương khoá VIII đã xác định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh. Giáo viên phải có đủ đức, tài”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Bác Hồ thăm ngành giáo dục
Người thầy giáo là cán bộ của cách mạng, cần phải mẫu mực nêu tấm gương sáng về đạo đức. Bởi vì, người thầy giáo không chỉ có vai trò truyền thụ kiến thức, nâng cao trình độ văn hoá mà còn có nhiệm vụ giáo dục góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Người thầy giáo cần phải có đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng không ở đâu khác mà nền tảng của nó nằm ngay trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Sinh thời Bác rất quan tâm đến giáo dục và người thầy giáo, Bác nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất”. Bác còn nhấn mạnh: “Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huy chương, song những thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Lời dạy của Bác đã nhắc đến yêu cầu về phẩm chất đạo đức, và đây cũng chính là lời nhắc nhở các nhà giáo về một lẽ sống khiêm nhường, thanh cao của nhà giáo Việt Nam. Theo Bác thì đạo đức gắn liền với năng lực, tài năng. Có đức mà không có tài không thể phục vụ tốt nhiệm vụ cách mạng. Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, sẽ không mang lại hiệu quả đích thực. Như vậy, theo Bác đức và tài gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đức phải có tài, trong tài phải có đức, trong đó đức làm gốc. Chính nhờ có đạo đức cách mạng mà mỗi người tự phấn đấu để hoàn thiện mình, hình thành những năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực hiện đạo đức người thầy giáo theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên để làm được việc này, cần phải quan tâm đến một số giải pháp như:
Thứ nhất, người thầy giáo phải thường xuyên rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng.
Đạo đức cách mạng như Bác Hồ đã dạy: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”1. Đạo đức cách mạng của người giáo viên thể hiện trên lĩnh vực giáo dục hàng ngày đó là sự say mê với công việc giảng dạy, nghiên cứu; là trung thành với khoa học; là lao động sáng tạo và không biết mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục của Đảng; là lấy tự phê bình và phê bình để phát huy ngày càng cao những ưu điểm và sửa chữa những khuyết điểm; là khiêm tốn, thật thà, trung thực, giản dị nhưng thể hiện đầy đủ phong cách mô phạm của một người thầy, là sự tôn trọng, quý mến học sinh, sinh viên của mình, là đức tính cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư như Bác Hồ đã dạy.
Tu dưỡng đạo đức cách mạng phải gắn với nhiệm vụ được giao, với thực tiễn của nhà trường và xã hội, kiên trì, bền bỉ ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Ngoài những phẩm chất đạo đức chung mà mỗi người phải có, người thầy giáo còn phải rèn luyện phẩm chất đạo đức của người thầy, đạo đức nghề nghiệp xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Người thầy giáo phải nêu cao tấm gương về đạo đức cho học sinh, phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm, có như vậy mới thuyết phục được học sinh, học sinh mới tin vào người thầy mà nỗ lực phấn đấu học tập. Người thầy giáo phải rèn luyện ý chí, tình cảm, có lòng yêu nghề, yên tâm, tận tình trong công tác.
Thứ hai, người thầy giáo phải phấn đấu giữ gìn đạo đức, nhân cách, lối sống lành mạnh, trong sáng, yêu thương và tôn trọng học sinh, sinh viên.
Đối với người thầy giáo, người cán bộ quản lý giáo dục, trước hết, phải thể hiện một tâm hồn trong sáng, lối sống lành mạnh, có sự yêu thương học sinh, sinh viên và đồng nghiệp. Chính nhờ lối sống lành mạnh, tâm hồn, lòng yêu thương đối với học sinh, sinh viên mà mỗi lời giảng của thầy mới dễ thấm sâu vào tâm hồn của học sinh, sinh viên khắc sâu vào tâm trí họ những hình ảnh đẹp trong hành trang bước vào đời của mỗi người. Lòng yêu thương của thầy phải gắn với sự tôn trọng con người. Tôn trọng con người theo tư tưởng đạo đức của Bác: “Trong trường cần có dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò”.
Bác Hồ với thiếu nhi Hà Bắc
Thứ ba, người thầy giáo phải có ý thức đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực; sự tín nhiệm của đồng nghiệp, học sinh và nhân dân; có tinh thần đoàn kết trung thực trong công tác và quan hệ đồng nghiệp; tích cực thực hiện cuộc vận động “chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục với 4 nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, chống vi phạm đạo đức nhà giáo và chống tình trạng học sinh không đạt chuẩn lên lớp. Phải lên án mạnh mẽ những hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo như: chưa tuân thủ quy chế chuyên môn; cố ý đánh giá sai kết quả của học sinh; xâm hại thân thể, xúc phạm danh dự của học sinh; đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện vi phạm quy định Điều 75 của Luật Giáo dục năm 2005 về các hành vi nhà giáo không được làm. Xây dựng đội ngũ nhà giáo phải gắn liền với phong trào thi đua khen thưởng, tuyên dương những tấm gương người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, để người thầy giáo thật sự là người thầy giáo có vinh dự lớn lao trong sự nghiệp “trồng người”.
Thứ tư, người thầy giáo phải không ngừng học tập để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ và tin học để phục vụ cho công tác và hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và chuẩn cán bộ quản lý giáo dục với nhiệm vụ được giao, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong quá trình công tác, người thầy giáo cần phải khắc phục khó khăn, có kế hoạch tự học và ý chí vươn lên rèn luyện kỹ năng, phương pháp tự học, tự nghiên cứu để trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học - kỹ thuật và nghiệp vụ sư phạm.
Quá trình tự học, tự rèn luyện đòi hỏi người thầy giáo phải xác định được động cơ, thái độ đúng đắn trong học tập, phải biến động cơ đó thành tình cảm, niềm tin, ý chí, phát huy cao độ tính tự chủ, tự giác, độc lập, vượt qua những khó khăn, gian khổ để học tập. Đồng thời, việc học tập muốn có hiệu quả cao cần phải xây dựng được kế hoạch học tập một cách khoa học, chủ động bố trí thời gian cho tự học, tự rèn luyện một cách hợp lý, có như vậy việc học tập nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ và tin học của người thầy giáo mới đạt hiệu quả cao.
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi thầy cô giáo và cán bộ quản lý ngành Giáo dục và đào tạo tích cực rèn luyện, tu dưỡng để xứng đáng là tấm gương cho học sinh, sinh viên noi theo. Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, là dịp nhắc nhở đội ngũ thầy, cô giáo luôn nghĩ về phẩm cách của mình trong sự nghiệp trồng người. Bởi trong hành trang vào đời ở mỗi người, dù ở cương vị nào, lứa tuổi nào thì hình ảnh người thầy vẫn lung linh và đầy nhân văn cao cả. Phẩm cách người thầy theo đạo đức Bác Hồ là thắp sáng niềm tin để làm tốt sự nghiệp trồng người.
Th.S Phan Thị Hồng Duyên
Trường Đại học Hoa Lư - Ninh Bình
1. Xem Hà Nhật Thăng, Giáo dục giá trị đạo đức - nhân văn (giáo trình đào tạo giáo viên THCS hệ CĐSP theo quyết định số 859?GD-ĐT ngày 12-3-1997 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.6.
2. Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2002, tr.27.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.13.
4. Nguyễn Lân, Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.68.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.38 -39.
6. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.252-253.
7. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr331.