Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Thực hiện thành công kỹ thuật lọc máu liên tục tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình

Thứ Sáu, 27/04/2018
Một buổi chiều bước chân vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Ninh Bình, nhìn từ xa chúng tôi thấy đội ngũ y Bác sỹ đang tấp nập người chạy ra chạy vào trên tay với những dụng cụ y tế đang cấp cứu cho một bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Khoảng hơn ba mươi phút cấp cứu cho bệnh nhân, chúng tôi thấy êkip y Bác sỹ đã thở phào nhẹ nhõm bước ra từ phòng bệnh, gặp tôi một Bác sỹ niềm nở mời tôi vào phòng hành chính của khoa, anh giới thiệu là Bác sỹ Đinh Ngọc Thư, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.

Trao đổi với chúng tôi, Anh Thư cho biết đa số các Bệnh nhân vào đây đều là bệnh nhân nặng như suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp, tổn thương phổi cấp, trụy mạch, bệnh nhân bị ngộ độc… các bệnh nhân đều rơi vào trạng thái hôn mê sâu, lúc này ranh giới giành giật sự sống là rất mong manh, vì vậy đòi hỏi đội ngũ y Bác sỹ của khoa phải thực sự bình tĩnh để xử lý những ca phức tạp.

Theo các Bác Sỹ chuyên khoa kể: Trước đây Bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ áp dụng lọc máu thông thường với bệnh nhân liên quan đến tổn thương thận, lọc chất độc thông thường, còn những bệnh nặng thường chuyển lên tuyến trên, nhưng từ năm 2016 khi kỹ thuật lọc máu liên tục (Continuous Renal Replacement Therapy - CRRT) được đưa vào áp dụng tại Bệnh viện đã kịp thời đem lại sự sống cho bệnh nhân mà không phải lên tuyến trên, giảm được kinh phí đi lại, chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Mỗi 1 ca lọc máu liên tục trung bình từ 18-22 giờ.

Ban đầu lọc máu liên tục phát triển nhằm mục đích thay thế thận, nhưng dần dần đã chuyển sang mục tiêu hỗ trợ đa cơ quan với rất nhiều phương thức, trong đó có cả những phương thức không mang tính “liên tục” như thay thế huyết tương, lọc máu hấp phụ. Để chuẩn bị điều trị cho 1 ca lọc máu đội ngũ y Bác sỹ phải thực hiện đầy đủ các quy trình như:

* Chuẩn bị cho bệnh nhân:

- Đặt catheter lọc máu, thường đặt ở tĩnh mạch đùi, có thể ở tĩnh mạch cảnh trong hoặc dưới đòn, nếu đã có catheter thì phải kiểm tra catheter; lắp monitor theo dõi dấu hiệu sinh tồn.

* Chuẩn bị nhân lực: 1 Ekip thực hiện điều trị cho bệnh nhân từ 4-6 người

* Chuẩn bị dụng cụ, thuốc và trang thiết bị y tế.

Máy CRRT, bộ quả lọc, dây truyền dịch, bơm tiêm, bộ thay vô trùng, găng tay sạch, NaCl 0,9% 500mL pha 2500UI heparin, dịch lọc loại túi 5.000mL, heparin 5.000UI/1ml.

* Kết nối và vận hành máy:

- Kết nối hệ thống tuần hoàn của máy lọc máu liên tục với tĩnh mạch của bệnh nhân thông qua catheter 2 hoặc 3 nòng đã chuẩn bị trước.

- Vận hành các bơm trên máy lọc máu liên tục:

+ Bơm máu: tùy theo tình trạng huyết động của bệnh nhân, loại catheter và tốc độ dịch thay thế mà tốc độ bơm máu có thể thay đổi từ 100 ml/ph - 350 ml/ph.

+ Bơm dịch thay thế: điều chỉnh tốc độ dịch thay thế thay đổi từ 20-80 mL/kg/giờ.

+ Bơm dịch thẩm tách: điều chỉnh tốc độ dịch thẩm tách thay đổi từ 1000 -3000ml/giờ.

- Sử dụng thuốc chống đông trong suốt quá trình lọc máu liên tục: có thể sử dụng chống đông bằng Heparin, chống đông Citrat hoặc không dùng chống đông trong trường hợp BN có rối loạn đông máu nặng.

- Thời gian lọc máu cho một quả lọc thay đổi tùy theo đời sống của quả lọc, trung bình từ 8 - 24 giờ.

- Tiêu chuẩn ngừng lọc máu: khi các chỉ định để lọc máu không còn nữa.

* Kết thúc lọc máu:

- Ngừng chống đông nếu có 30 phút trước khi kết thúc;

- Ngừng các bơm dịch thay thế và dịch thẩm tách;

- Dồn trả máu lại cho bệnh nhân bằng cách kết nối với 500ml NaCl 0.9%.

Đây là kỹ thuật mới được áp dụng cho Bệnh viện tuyến dưới với kỹ thuật cao nên trước khi đưa vào áp dụng cho bệnh nhân, Đội ngũ bác sĩ phải tư vấn cho người nhà bệnh nhân biết lợi ích, biến chứng có thể sảy ra của lọc máu liên tục để người nhà bệnh nhân thấu hiểu và có nguyện vọng. Trước khi đưa vào điều trị cho bệnh nhân, khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc phải đặt liên doanh liên kết với các hãng máy, hãng máu tốt nhất về với người bệnh, để bệnh nhân yên tâm trong quá trình điều trị. Máy lọc máu hiện nay trị giá khoảng 2 tỷ, nếu bệnh nhân không có bảo hiểm phải trả chi phí cho 1 lần lọc máu khoảng 30-50 triệu, nhiều gia đình bệnh nhân kinh tế khó khăn nếu phải trả cho một lần điều trị như thế là quá cao.

 Bác sỹ Thư chia sẻ từ khi áp dụng kỹ thuật mới này, dấu ấn đáng nhớ nhất trong cuộc đời anh là đội ngũ Y Bác sỹ của khoa đã cứu sống được một ca sản phụ cả mẹ lẫn con, đó là một kỳ tích. Dẫn chúng tôi vào thăm 02 bệnh nhân với chẩn đoán suy gan cấp/lao phổi - bệnh nhân bị tiểu đường, rối loạn mỡ máu biến chứng xơ vữa các mạch, sau quá trình điều trị 2 bệnh nhân sức khỏe hoàn toàn ổn định, ăn ngủ tốt. Tiếp đó anh Thư dẫn chúng tôi đến phòng bệnh nhân là anh Đinh Văn Cóong, anh vừa trải qua cơn nguy kịch với chẩn đoán viêm tụy cấp biến chứng suy đa tạng, Anh Thư cho biết bệnh nhân vào khoa trong tình trạng đau bụng nhiều sau đó bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân hôn mê suy hô hấp nặng, gia đình bệnh nhân có nguyện vọng xin đưa lên tuyến trên nhưng do sức khỏe bệnh nhân này quá yếu không thể đi được, giải pháp đưa ra bệnh nhân cần phải lọc máu liên tục, ngay trong đêm Chúng tôi đã liên hệ với Công ty Phương Đông để đưa máy về điều trị cho bệnh nhân, đồng thời thành lập kíp lọc máu liên tục gồm: Bác sỹ Duy, Cử nhân Thành, Cử nhân Ngọc, Cử nhân Quảng và kĩ sư máy lọc Mạnh. Trải qua 21 giờ lọc máu liên tục bệnh nhân đáp ứng khá, đến nay bệnh nhân đã ổn định hoàn toàn, cải thiện tốt ý thức, tỉnh táo, đã ăn ngủ tốt.

Trong thời gian qua khoa hồi sức tích cực - chống độc luôn quan tâm đến việc cải tiến những trang thiết bị kỹ thuật mới có thể áp dụng tại khoa. Nhờ thế, nhiều trang thiết bị y tế, kỹ thuật hiện đại của Bệnh viện tuyến Trung ương nay đã được áp dụng tại khoa thành công, một số các Đề tài, sáng kiến của khoa được triển khai đem lại hiệu quả cao trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Đồng thời đội ngũ y bác sỹ của của khoa luôn xung kích đi đầu trong phong trào vận động cán bộ, viên chức thực hiện tốt các quy định của Bệnh viện, chuẩn mực đạo đức của người thày thuốc và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Từ những thành quả trên, nhiều năm liền khoa đã được nhận Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành. Đây chính là động lực để đội ngũ cán bộ y bác sĩ trong khoa tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên, là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu” góp phần đưa Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình ngày càng lớn mạnh./.

Đinh Liên - Đông Hà

Các tin khác