- Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;
- Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;
- Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
- Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP;
- Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 10/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;
- Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 01/11/2024 của UBND tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 10/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;
- Quyết định số 13/2020/QĐ-UBND ngày 27/4/2020 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;
- Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;
- Kế hoạch hành động số 71/KH-UBND ngày 08/4/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;
- Nghị quyết số 85/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình Ban hành danh mục phục vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực hoạt động kinh tế tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tài liệu tham khảo:
(1) Phạm Như Xuyên (2007), Điều tra thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn cây cổ thụ, cây cảnh quý hiếm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đề tài NCKH cấp tỉnh;
(2) Phạm Như Xuyên (2012), Điều tra đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp xây dựng ngành sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái. Đề tài nghiên cứu cấp tỉnh.
(3) Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (2017), Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam: 7 năm nhìn lại và con đường phía trước;
(4) Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), Cây Di sản Việt Nam - Hành trình bảo tồn;
(6) Báo điện tử, Đảng Cộng sản Việt Nam (2024), Cây Di sản Việt Nam - sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu.
2. Khái niệm về Cây di sản, Cây cổ thụ
- Cây cổ thụ: Cây cổ thụ được giải thích tại khoản 6 Điều 2 Nghị định 64/2010/NĐ-CP thì cây cổ thụ là cây thân gỗ lâu năm được trồng hoặc mọc tự nhiên, có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50 cm trở lên tại chiều cao 1,3 m của cây.
Cây cổ thụ trong đô thị được chăm sóc theo quy định tại Điều 17 Nghị định 64/2010/NĐ-CP như sau:
+ Các loại cây được bảo tồn phải thống kê về số lượng, chất lượng, đánh số cây, treo biển tên, lập hồ sơ, đồng thời phải có chế độ chăm sóc đặc biệt và bảo vệ cho từng cây để phục vụ công tác bảo tồn.
+ Ủy ban nhân dân theo phân cấp quản lý ban hành danh mục cây cần được bảo tồn trên địa bàn do mình quản lý.
- Cây cổ thụ quý hiếm là những cây thân gỗ được trồng hoặc mọc tự nhiên, có tuổi thọ từ 50 năm trở lên được khảo sát, điều tra và công bố theo quy định.
- Cây di sản là những Cây cổ thụ được công nhận có giá trị văn hoá, lịch sử; cây được trồng, quản lý trong khuôn viên các di tích lịch sử văn hoá hoặc là nhân chứng về văn hoá, lịch sử.
- Cây được bảo tồn: Tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 64/2010/NĐ-CP thì cây được bảo tồn là cây cổ thụ, cây thuộc danh mục loài cây quý hiếm, cây được liệt kê trong sách đỏ thực vật Việt Nam, cây được công nhận có giá trị lịch sử văn hóa. Như vậy, theo quy định trên thì cây cổ thụ là một loại cây được bảo tồn.
- Cây Di sản Việt Nam là sáng kiến của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE). Tiêu chí của Cây di sản là cây cổ thụ còn sống, cây được coi là nhân chứng văn hoá, lịch sử, được cộng đồng công nhận và tôn vinh; nếu là cây mọc tự nhiên thì có tuổi đời từ 200 năm trở lên; nếu là cây trồng thì có tuổi đời từ 100 năm trở lên; đường kính của cây tại vị trí 1,3m tính từ gốc từ 100cm trở lên.
- Bảo tồn Cây di sản, Cây cổ thụ quý hiếm là bảo vệ và gìn giữ sự tồn tại của Cây di sản, Cây cổ thụ theo dạng thức vốn có của nó.
- Quản lý Cây di sản, Cây cổ thụ quý hiếm là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, điều phối và kiểm soát các nguồn lực và hoạt động của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân nhằm đạt được mục tiêu cụ thể về bảo vệ, gìn giữ và chăm sóc Cây di sản, Cây cổ thụ quý hiếm.
- Chủ bảo tồn, quản lý: là cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, gia đình, cá nhân được cấp có thẩm quyền giao bảo tồn, quản lý Cây di sản, Cây cổ thụ. Chủ bảo tồn, quản lý Cây di sản, Cây cổ thụ có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan tới Cây di sản, Cây cổ thụ.
3. Thực trạng
3.1. Tổng quan hoạt động bảo tồn, quản lý Cây di sản, Cây cổ thụ
Singapore là một quốc gia có diện tích nhỏ hẹp và đô thị hóa mạnh, là nơi đi tiên phong trên thế giới trong phong trào bảo vệ cây di sản. Theo quy định của nước này. Cây di sản là những cây trưởng thành, đơn lẻ được lựa chọn và bảo vệ bởi quy định pháp luật do nước này xây dựng có tên là “ Kế hoạch Cây di sản” (Heritage Trees Scheme), có hiệu lực từ ngày 17 tháng 8 năm 2001.Cây di sản không chỉ là cây mọc trong các khu bảo tồn thiên nhiên hay vườn quốc gia mà bất cứ mọc ở đâu: đô thị hay nông thôn, ven đường hay trong vườn, sở hữu công hay của tư nhân. Cây được tuyển chọn vào Danh mục Cây di sản Singapore phải được xét duyệt bởi một Hội đồng gồm 9 chuyên gia, đứng đầu là ông Giám đốc điều hành Ủy ban Vườn Quốc gia, hiện nay là Tiến sỹ Leong Chee Chiew. Cây được xét duyệt cần đáp ứng đủ các tiêu chí về hình dạng bên ngoài, chiều cao, đường kính thân cây, các giá trị của cây về giáo dục, lịch sử và xã hội. Không có tiêu chuẩn nào yêu cầu rằng cây phải là loài thực vật quý hiếm hay thực vật đặc trưng cho một hệ sinh thái nào đó. Đa phần chúng đều là các cây cổ thụ, sống lâu. Sau khi được xếp vào Danh mục Cây di sản, những cây này sẽ không thể bị chặt bỏ và được bảo vệ bởi một quỹ đặc biệt có tên là “Quỹ Cây di sản”.
Ngoài Singapore, rất nhiều nước khác như Trung Quốc, Thailand, Mianma, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ,…đã tiến hành bảo vệ Cây Di sản như một loại Danh mộc Cổ thụ của đất nước. Ngọài giá trị văn hóa, giáo dục, xã hội và sinh thái, Cây di sản cũng rất được du khách quan tâm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch địa phương…
Tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đáng lo ngại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hiện tượng Trái đất nóng lên, ô nhiễm về tiếng ồn, ánh sáng, khói bụi... ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ đô thị hoá nhanh, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế cũng như chặt phá rừng, đất trống đồi trọc, công nghệ khiến con người phải thường xuyên đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và chịu ảnh hưởng càng lúc càng nặng nề của thiên tai. Vì vậy việc bảo tồn, quản lý Cây di sản, Cây cổ thụ; trồng và bảo vệ cây xanh là giải pháp góp phần chống ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam.
Thế giới rất quý trọng cây có tuổi thọ hàng trăm năm trở lên, xác định là cây di sản để có chính sách bảo vệ. Bởi ngoài giá trị văn hóa, giáo dục, xã hội và sinh thái, cây di sản cũng rất được du khách quan tâm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch địa phương.
Cây Di sản Việt Nam là sáng kiến của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE). Tiêu chí của Cây Di sản là cây cổ thụ còn sống, cây được coi là nhân chứng lịch sử, nhân chứng văn hoá, được cộng đồng công nhận và tôn vinh; nếu là cây mọc tự nhiên thì có tuổi đời từ 200 năm trở lên; nếu là cây trồng thì có tuổi đời từ 100 năm trở lên; đường kính của cây tại vị trí 1,3m tính từ gốc từ 100cm trở lên. Cây Di sản góp phần quan trọng trong việc bảo tồn tại chỗ đa dạng loài cây và nguồn gen thực vật tiêu biểu, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, góp phần quảng bá sự phong phú đa dạng và giá trị khoa học của hệ thực vật, tạo không gian xanh, làm tăng giá trị các công trình văn hoá, kiến trúc nơi cây hiện diện.
Ở Việt Nam, từ năm 2010, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã khởi xướng việc tuyển chọn, vinh danh cây di sản với tên gọi “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam” được nhiều địa phương hưởng ứng. Từ đó đến nay, Cây Di sản Việt Nam đã có ở hầu khắp tỉnh, thành phố trên cả nước, từ thành thị đến miền biên giới, hải đảo xa xôi như huyện Lý Sơn, Côn Đảo, Trường Sa…Việc lựa chọn và vinh danh “cây di sản” góp phần bảo tồn nguồn gen tiêu biểu, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam; tạo nguồn cho du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Bảo tồn Cây di sản, Cây cổ thụ không chỉ có giá trị tạo không gian xanh, tăng giá trị các công trình văn hóa, kiến trúc mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là địa điểm tâm linh, văn hóa của cộng đồng. Cây di sản, Cây cổ thụ trên khắp các vùng miền đã, đang và tiếp tục góp phần hình thành ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Các hoạt động chăm sóc, bảo vệ Cây di sản, Cây cổ thụ tại các địa phương đã giáo dục thế hệ trẻ tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào dân tộc về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương, đất nước…
Trong tiến trình phát triển của đất nước, cây xanh luôn gắn kết với con người. Có những cây xanh tuổi đời hàng trăm, hàng ngàn năm, là chứng nhân của lịch sử, của sự biến động, đổi thay của một vùng đất, của nhiều thế hệ con người... Có những cây xanh thuộc hàng cổ thụ mọc tự nhiên nơi rừng núi. Cũng có những cây trồng ở làng quê, đô thị, được chăm sóc bởi nhiều thế hệ, những người góp công khẩn hoang lập ấp, lập làng...
Có thể nói, đến bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này, chúng ta đều có thể bắt gặp những cây cổ thụ có tuổi đời hàng thế kỷ, thể hiện sự trường tồn nơi đất lành. Đây không chỉ là tài sản sinh thái quý báu của nhân dân ta mà còn là nơi chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử quý báu của cha ông, ẩn trong vẻ u tịch, xù xì của những “cụ” cây hàng trăm năm tuổi.
Hoạt động bảo tồn Cây di sản, Cây cổ thụ là sáng kiến quan trọng và trực tiếp góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường. Đây cũng là kết nối truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, góp phần cải thiện đời sống người dân và mở ra những hướng hoạt động mới trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Gìn giữ, phát huy giá trị cây di sản chính là thể hiện lòng biết ơn của hậu thế đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun trồng, bảo vệ cây, từ đó góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng.
3.2. Thực trạng bảo tồn, quản lý Cây di sản, Cây cổ thụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
3.2.1. Thực trạng bảo tồn, chăm sóc Cây di sản, Cây cổ thu
Tỉnh Ninh Bình theo điều tra năm 2007, sơ bộ trên toàn tỉnh có 635 Cây cổ thụ tuổi đời từ 50 năm tuổi trở lên, trong đó 534 cây trên 100 năm tuổi, trong số đó có 63 cây trên 200 năm tuổi. Đây là minh chứng thể hiện ý thức bảo tồn, chăm sóc, gìn giữ cây xanh của các thế hệ người dân Ninh Bình rất cao, là nét đẹp văn hoá của người dân ở vùng đất có truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời – vùng đất Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến. Cây cổ thụ được phân bố khắp các huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình, nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Hoa Lư (148 cây), Yên khánh (148 cây), thành phố Ninh Bình (132 cây). Phần lớn Cây cổ thụ đều ở trong khuôn viên các đền, đình, chùa, nhà thờ, phủ, miếu, danh thắng, khu du lịch sinh thái và các nơi công cộng, điều đó cho thấy nhiều cây gắn với địa danh tâm linh, văn hoá, lịch sử; những Cây cổ thụ này rất có ý nghĩa trong giáo dục cộng đồng và được bảo tồn, chăm sóc, gìn giữ cẩn thận.
Trong thực tế, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cả trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ do điều kiện đất nước, địa phương khó khăn chưa có điều kiện quan tâm trồng, chăm sóc, bảo tồn, quản lý những Cây cổ thụ quý hiếm; trong thời bình từ những năm sau 1975 khi đất nước hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên con đường Xã hội chủ nghĩa, trong giai đoạn trước thời kỳ đổi mới, thời kỳ vận hành nền kinh tế theo chế độ quan liêu bao cấp, kinh tế rất khó khăn, không có điều kiện quan tâm và bảo tồn Cây cổ thu quý hiếm, và từ sau những năm 1986, đất nước bắt đầu đổi mới, thời kỳ vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, đất nước bắt đầu phát triển và phồn vinh, nhưng những vấn đề bất cập do tốc độ đô thị hoá nhanh, nạn phá rừng khó kiểm soát, phong trào trồng cây xanh, chăm sóc và bảo vệ Cây cổ thụ chưa thực sự được quan tâm, do vậy tình trạng chung của cả nước và địa phương đã để tình trạng Cây cổ thụ quý hiếm bị đốn hạ, sâu bệnh, thiên tai, kinh doanh diễn ra khó kiểm soát. Từ năm 2010 khi có sáng kiến của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về công nhận Cây Di sản Việt Nam; cũng từ những năm đó tỉnh Ninh Bình đã có chủ trương và chính sách về bảo tồn, quản lý, chăm sóc Cây cổ thụ, Cây di sản; phát triển phong trào trồng cây xanh, cây cảnh, đặc biệt năm 2007 Hội Sinh Vật cảnh Ninh Bình đã triển khai điều tra tổng thể Cây cổ thụ, Cây cảnh quý hiếm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, và tham mưu xây dựng ngành kinh tế sinh thái, tuy nhiên kế hoạch bảo tồn, quản lý và chăm sóc Cây cổ thụ chưa có hiệu quả thiết thực do nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Hiện tại, qua khảo sát nhanh một số xã, phường trên địa bàn thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư cho thấy, hiện trạng Cây cổ thụ quý hiếm đang tồn tại rất nhiều vấn đề nghiêm trọng, cảnh báo nguy cấp ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của cây, một số hiện tượng khá phổ biến đang hiện hữu như bê tông hoá xung quanh gốc cây, tổ chức các dịch vụ ngay sát gốc cây, cộng đồng biến gốc cây có bóng mát thành nơi hội họp, sinh hoạt, vui chơi, là nơi nuôi nhốt trâu, bò …, nhiều Cây cổ thụ xuất hiện sâu bệnh, nhiều phụ sinh đeo bám, hạn chế không gian phát triển, chăm sóc không đúng cách; và xuất hiện một bất cập lớn nữa là nhiều Cây cổ thụ quý hiếm, có tuổi đời hàng trăm năm, vài trăm năm, ngàn năm do không có cột thu lôi trống sét, đã bị sét đánh chết.
Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, Cây di sảnây cổ thụ mang ý nghĩa biểu trưng về sự trường tồn của văn hóa cổ truyền dân tộc đã thấm đẫm, in sâu trong ký ức của biết bao thế hệ người Việt. Trên cơ sở nhận thức rõ giá trị, vai trò của Cây di sản, Cây cổ thụ đối với việc bảo vệ môi trường, giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ di sản văn hóa …, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã từng bước quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, quản lý, khai thác giá trị của Cây di sản, Cây cổ thụ để phát triển văn hoá, du lịch, phát huy giá trị đa dạng sinh học, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển quê hương, đất nước bền vững, trường tồn.
3.2.2. Thực trạng thực thi chính sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Các chính sách liên quan tới bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ khá đầy đủ từ Luật, nghị định, chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, chương trình …
Nhưng riêng về bảo tồn, quản lý Cây di sản thì hầu như chưa có bất kỳ một chính sách chính thống nào được đề cập đến.
Về việc thực thi chính sách liên quan tới bảo tồn, quản lý Cây di sản, Cây cổ thụ thì xuất hiện vô vàn bất cập: chồng chéo, không khả thi, chính sách không đi vào cuộc sống.
4. Giải pháp cho bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
4.1. Số hoá Cây cổ thụ
4.1.1. Mục tiêu của dự án:
4.1.1.1. Mục tiêu tổng quát:
Xác định được tổng thể hiện trạng và số hoá Cây di Sản, Cây cổ thụ quý hiếm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học; phát huy giá trị văn hoá, lịch sử; phục vụ phát triển du lịch, góp phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình.
4.1.1.2. Mục tiêu cụ thể:
- Điều tra và lập hồ sơ toàn bộ Cây cổ thụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;
- Số hoá nhiều lớp Cây cổ thụ trên bản đồ số;
- Quản lý dữ liệu Cây cổ thụ;
- Xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lý và chăm sóc Cây cổ thụ;
- Xây dựng và tham mưu ban hành Quy chế bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình.
4.1.2. Dự kiến các nội dung chính cần thực hiện:
Nội dung 1. Điều tra và đánh giá hiện trạng Cây cổ thụ trên địa bàn tàn tỉnh
Nội dung 2. Số hoá toàn bộ Cây cổ thụ trên bản đồ số nhiều lớp (tích hợp bản đồ số của thửa đất có cây, trường số, trường không gian 3D); Bản đồ bản giấy với tỷ lệ 1/10.000.
Nội dung 3. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình.
Nội dung 4. Xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.
Nội dung 5. Xây dựng, tham mưu ban hành Quy chế bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình.
Nội dung 6. Khác
4.1.3. Dự kiến kết quả chính và các chỉ tiêu cần đạt:
4.1.3.1. Điều tra, đánh giá hiện trạng Cây cổ thụ
- Báo cáo tổng hợp các kết quả hiện trạng Cây cổ thụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Hồ sơ báo cáo kết quả điều tra hiện trạng Cây cổ thụ (bản giấy và file số); có đóng kèm bản đồ phân bố hiện trạng Cây cổ thụ tỷ lệ 1/10.000.
- Lập danh lục Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình.
- Hồ sơ Cây cổ thụ được lập cho từng cây: dự kiến 1000 cây:
+ Xác định tên cây (tên Việt Nam, tên khoa học), chụp ảnh cây.
+ Giám định tuổi cây: Bằng phương pháp khoan tăng trưởng và rút lõi. Dự kiến giám định 10% số cây, tương ứng 100 cây.
+ Đo đếm các chỉ tiêu: Đường kính thân cây (D1,3m), chiều cao vút ngọn (Hvn), chiều cao dưới cành (Hdc). Phương pháp đo theo quy định.
+ Mô tả về phẩm chất cây về sinh trưởng, phát triển và những đóng góp về giá trị cảnh quan, văn hoá, lịch sử, giáo dục, ...
+ Treo biển cây: mỗi Cây cổ thụ trong danh sách điều tra sẽ được treo biển cây cùng với những thông tin chính của mỗi cây.
+ Kiểm tra, hoàn thiện toàn bộ hệ thống mẫu biểu và các thông tin thu thập và những Cây cổ thụ.
4.1.3.2. Số hoá Cây cổ thụ
- Lập Bản đồ số nhiều lớp Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình:
+ Bản đồ số lớp GPS: được lập theo nhóm cây trong cùng một cơ sở (Di tích, chùa, đền, miếu, đình, gia đình; trụ sở của cơ quan, doanh nghiệp, trường học …), dự kiến có 400 vị trí. Trên thực tế hầu hết các thửa đất đã được số hoá, do vậy việc định vị toạ độ GPS chúng ta không phải làm nữa, mà chỉ kiểm kê và tích hợp vị trí cây vào bản đồ số đã có sẵn (trừ những thửa đất chưa được số hoá khi đó chúng ta mới xác định toạ độ GPS).
+ Bản đồ số lớp trường thông tin (chữ): 400 vị trí thửa đât được cập nhật thông tin chính của từng cây.
+ Bản đồ số lớp 3D: dự kiến 100 Cây cổ thụ tiêu biểu được tích hợp lớp bản đồ 3D.
+ Bản đồ số lớp flycam: dự kiến 100 vị trí có Cây cổ thụ tiêu biểu gắn Tag nội dung đa phương tiện thể hiện thông tin bằng video/link website.
- Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu số hoá cây.
4.1.3.3. Xây dựng bộ dữ liệu về Cây cổ thụ
Bộ cơ sở dữ liệu khoa học về Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình (bổ sung về hiện trạng, các giá trị cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học nổi bật của tỉnh Ninh Bình và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục, và khai thác các dịch vụ khác liên quan):
- Lập danh lục Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình.
- Hồ sơ Cây cổ thụ được lập cho từng cây: dự kiến 1000 cây
a) Hồ sơ bản cứng
- Bản đồ hiện trạng Cây cổ thụ trên nền địa hình tỷ lệ 1/10.000, hệ VN 2000.
- Báo cáo kết quả điều tra, rà soát Cây cổ thụ.
- Dữ liệu định vị toạ độ Cây di sản (theo thửa đất).
- Hồ sơ Cây cổ thụ.
b) Dạng file số
Hồ sơ Cây cổ thụ và các tài liệu liên quan được lưu dưới dạng file dữ liệu.
4.1.3.4. Xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050
Xây dựng các giải pháp quản lý, bảo tồn, và phát triển bền vững các giá trị Cây cổ thụ:
- Xây dựng và ban hành kế hoạch bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ:
+ Xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2035, định hướng đến năm 2050;
+ Dự kiến mỗi năm cần chăm sóc đặc biệt cho 5% tổng số cây có vấn đề về sức khoẻ lớn, nguy cơ suy yếu và chết nếu không được chăm sóc.
- Ban hành nội quy bảo tồn, quản lý Cây cở thụ.
- Biên soạn và ban hành sổ tay bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ. Dự kiến in 500 cuốn.
- Biên soạn và ban hành tập tài liệu về bảo tồn, quản lý, chăm sóc Cây cổ thụ. Dự kiến in 500 cuốn.
4.2. Quy chế bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình
- Trình xin chủ trưởng của UBND tỉnh về ban hành Quy chế bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình.
- Soạn thảo và xin ý kiến các cơ quan chức nămg liên quan về dự thảo Quy chế bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình.
- Trình UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình.
4.3. Dự kiến phương án ứng dụng hoặc sử dụng các kết quả tạo ra:
- Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, thiên nhiên và môi trường).
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Sở Văn hoá và Thể thao; Sở Du lịch.
- Các cấp uỷ Đảng và chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh.
- Các tổ chức và cá nhân được uỷ quyền bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ quý hiếm.
- Các tổ chức và cá nhân liên quan khác.
4.4. Dự kiến hiệu quả mang lại:
4.4.1. Hiệu quả kinh tế
Khi dự án “Số hoá Cây cổ thụ quý hiếm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” được triển khai thành công, dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất quan trong về nhiều mặt:
- Cây cổ thụ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn tại chỗ đa dạng loài cây và nguồn gen thực vật tiêu biểu:
+ Dự kiến mỗi năm số cây nếu không được bảo tồn, quản lý và chăm sóc sẽ bị sâu bệnh, chết khoảng 3-5%, tương ứng 20-30 cây. Nếu tính giá trị thiệt hại tối thiểu về kinh phí mỗi cây là 50 triệu đồng, tổng số kinh phí mất đi mỗi năm khoảng 1 -1,5 tỷ đồng.
+ Thường những cây có nhiều nguy cơ sâu bệnh, chết là những cây cổ thụ có tuổi đời rất cao, nếu quy ra tiền thì nó có giá trị rất lớn hoặc vô giá. Nếu chúng ta không làm tốt công tác bảo tồn, quản lý, chăm sóc những Cây cổ thụ này thì vô hình chung chúng ta đã để mất đi những di sản, tài sản vô giá không tính được bằng tiền.
- Bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
- Tạo cảnh quan xanh, bóng mát cho công trình.
- Giảm thiểu bụi, tiếng ồn ảnh hưởng tới công trình.
- Mang lại nguồn thu nhập từ việc khai thác giá trị đa dạng sinh học.
- Trực tiếp hoặc gián tiếp làm tăng các mối tương tác, quan hệ giữa công trình với các bên liên quan.
- Khác
4.4.2. Hiệu quả về văn hoá, lịch sử, giáo dục
- Giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên, góp phần quảng bá sự phong phú đa dạng và giá trị khoa học của hệ thực vật, làm tăng giá trị các công trình văn hoá, kiến trúc nơi cây hiện diện.
- Giáo dục cho cộng đồng, các tầng lớp nhân dân về các chứng nhân văn hoá, lịch sử, tâm linh liên quan tới Cây cổ thụ và các di sản, di tích liên quan tới cây.
- Hiệu quả trong công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu liên quan tới cây về giá trị đa dạng sinh học, nguồn gen quý hiếm.
4.4.3. Hiệu quả về xã hội
- Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung, bảo tồn và quản lý Cây cổ thụ nói riêng của cộng đồng.
- Hình thành trong xã hội một số tổ chức, cá nhân được phân công hoặc tự nguyện tham gia hoạt động bảo tồn, quản lý Cây cổ thụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
- Huy động ngày càng nhiều các tổ chức cá nhân đóng góp các nguồn lực cho công tác bảo tồn, quản lý, chăm sóc Cây cổ thụ tỉnh Ninh Bình.
- Dự án là tiền đề, mô hình mẫu tiên phong để các địa phương khác trên toàn quốc nghiên cứu, áp dụng và mở rộng.
Hà Phượng