Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của Ninh Bình là 7,56%, đứng thứ 6 khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 12 so với cả nước. Những tác động tiêu cực từ lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới, lãi suất ngân hàng tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Sản xuất, kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ thu hẹp, số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm,... Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ.
Nhờ vậy, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 (theo giá so sánh 2010) vẫn tăng 7,56% so với 6 tháng đầu năm 2022, ước tính đạt 25.081,5 tỷ đồng. Trong tổng 3 khu vực kinh tế thì khu vực dịch vụ tăng cao nhất là 15,72%, đóng góp 5,59 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của toàn nền kinh tế.
Về lĩnh vực nông nghiệp, 6 tháng đầu năm, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển, chăn nuôi lợn tiếp đà phục hồi. Ước tính năng suất lúa Đông Xuân bình quân toàn tỉnh đạt 66,8 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 33,2 nghìn tấn, tăng 1,5 nghìn tấn; sản lượng thủy sản ước đạt 33 nghìn tấn, tăng 1,2 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, thị trường bị thu hẹp, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: dứa đóng hộp, quần áo, modul camera... Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh chỉ tăng 2,19% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1.530 triệu USD, giảm 3,3%; giá trị nhập khẩu đạt 1.392,8 triệu USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiếp đà phục hồi của các tháng cuối năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nửa đầu năm 2023 diễn ra sôi động, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Tổng số lượt khách đến các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn ước đạt 4.532,5 nghìn lượt khách, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu du lịch ước thực hiện 3.846,2 tỷ đồng, gấp 2,9 lần và đạt 74,7% kế hoạch năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước đạt 31.396,7 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.
Biểu đồ 1. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh NB
Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 6 tháng năm 2023 tăng 2,95% so với bình quân 6 tháng năm 2022. Trong đó có 9/11 nhóm chỉ số giá tăng và chỉ có 2 nhóm có chỉ số giá giảm là giao thông và bưu chính viễn thông.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 10 nghìn lao động, tổ chức đào tạo nghề cho trên 9 nghìn lao động, trong đó đào tạo dài hạn là khoảng 2 nghìn người, đào tạo ngắn hạn là 7 nghìn người. An ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân ổn định.
Doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh Ninh Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ, đầy ấn tượng, khẳng định vai trò là nền tảng trong phát triển kinh tế địa phương. Qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tiến nhanh, vững chắc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Những năm đầu tái lập tỉnh, Ninh Bình mới chỉ có vài chục doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp do Trung ương quản lý, các doanh nghiệp sản xuất của địa phương hầu hết có quy mô bé, sản phẩm đơn điệu, hiệu quả sản xuất - kinh doanh thấp. Tiểu thủ công nghiệp phát triển manh mún, nhỏ lẻ, thiếu định hướng phát triển và thị trường tiêu thụ. Thực hiện Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, ngành Công thương Ninh Bình đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là nền tảng trong phát triển kinh tế địa phương. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 1992-2021 tăng bình quân 22,2%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt trên 100.105,3 tỷ đồng, tăng 294 lần so với năm 1992. Cơ cấu sản xuất trong nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh gắn với thị trường, trong đó việc tỉnh xác định tập trung đầu tư, phát triển vào các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn như ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và công nghiệp hỗ trợ để tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần vào tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách tỉnh. Một số dự án đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sản xuất đã có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng ổn định của ngành công nghiệp tỉnh giai đoạn vừa qua như: Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô công suất 80.000 xe/năm của Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam tại KCN Gián Khẩu; Nhà máy sản xuất, lắp ráp camera môdul và linh kiện điện tử của Cty TNHH Mcnex Vina tại KCN Phúc Sơn; Nhà máy thép Kyoei của Cty TNHH thép Kyoei Việt Nam; Nhà máy đạm Ninh Bình; Nhà máy sản xuất kính xây dựng CFG;…
Theo thống kê đến năm 2020, ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình có 32.015 cơ sở sản xuất, trong đó bao gồm 590 doanh nghiệp, hợp tác xã và 31.425 cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể, hộ gia đình. Doanh nghiệp công nghiệp tư nhân và tập thể trong giai đoạn 05 năm 2016-2020 đã có những bước tăng khá nhanh, tăng thêm 115 cơ sở và gấp 2,6 lần so với giai đoạn trước (2011-2015).
Hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển công nghiệp cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp FDI đóng góp cho giá trị công nghiệp của tỉnh cũng tăng khá nhanh, từ 14 doanh nghiệp năm 2010, tăng lên 27 doanh nghiệp năm 2015 và đến năm 2020 đạt 50 doanh nghiệp, tăng thêm 23 doanh nghiệp so với năm 2015. Một số doanh nghiệp FDI lớn trên địa bàn như:
- Trong lĩnh vực phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô: dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị ô tô Ninh Bình ADM 21 của Công ty TNHH ADM21 Việt Nam tại KCN Khánh Phú (cần gạt nước ôtô: 20 triệu chiếc/năm), dự án DNC AUTOMOTVE (100.000 sản phẩm ghế ngồi ô tô/năm), dự án nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô của Công ty cổ phần Sejung (công suất 570.500 sản phẩm/năm, chủ yếu là sản xuất ống xả, linh kiện ống xả, động cơ); dự án JT Tube Việt Nam (công suất 560.000 chiếc ống xả ô tô/ năm); dự án Nhà máy Samse Vina (sản xuất cáp đồng trục tự động cho ô tô, công suất 400 tấn/ năm) tại CCN Cầu Yên; dự án Nhà máy sản xuất dây cáp điện ô tô của Nhà đầu tư Esmo Corp (TVĐT 617 tỷ đồng, sản xuất bộ dây cáp điện ô tô 450.000 SP/ năm) tại CCN Gia Phú; dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô (Hệ thống vòng kẹp: 5 triệu SP/ năm; phụ tùng dập: 2 triệu SP/ năm) của Công ty TNHH DGMV; dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thùng xe ô tô, container các loại (công suất thùng xe tải kho: 500 SP/ năm; thùng xe tải đông lạnh: 400 SP/ năm; thùng xe tải cánh rời: 600 SP/ năm; Container đông lạnh: 120 SP/ năm tại CCN Gia Vân;...
- Trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử: dự án nhà máy sản xuất camera modul và linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina tại KCN Phúc Sơn (công suất thiết kế 150 triệu sản phẩm camera modul cho điện thoại) và mở rộng sản xuất tạo thêm nhiều sản phẩm mới (công suất 3 triệu camera modul cho ô tô, 96 triệu sản phẩm nút home điện thoại); dự án Nhà máy thiết bị quang học của Công ty TNHH Beauty surplus intl Việt Nam tại KCN Khánh Phú (7,2 triệu sản phẩm/năm), dự án xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Sanico Việt Nam (công suất 300 triệu SP/năm), Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất, gia công linh kiện, phụ kiện điện thoại di động của Công ty TNHH GTWILL Việt Nam (công suất Linh kiện điện tử: 100 triệu SP/ năm) tại CCN Gia Vân;...
- Trong lĩnh vực may mặc, giày dép: Nhà máy may xuất khẩu Đài Loan của Công ty TNHH Great Global International tại KCN Gián Khẩu (công suất16 triệu sản phẩm/năm), Nhà máy may xuất khẩu Nien Hsing Ninh Bình của Công ty TNHH May Nien Hsing Ninh Bình tại KCN Khánh Phú (công suất suất 24 triệu sản phẩm/năm), Nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm giày dép Vienergy của Công ty Montop Holdings Limited tại KCN Phúc Sơn (công suất 12 triệu đôi/năm), Nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm may mặc Phoenix của Công ty Phoenix Prince Enterprise Co.,ltd tại KCN Tam Điệp (công suất 05 triệu sản phẩm/năm), Nhà máy sản xuất, gia công giầy dép, vật tư, nguyên phụ liệu giầy dép xuất khẩu Adora của Công ty TNHH giầy Adora Việt Nam tại KCN Tam Điệp (công suất 26 triệu đôi/năm), dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu Ninh Bình của Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Ninh Bình - Việt Nam tại CCN Khánh Nhạc (công suất 10 triệu đôi/năm), Dự án nhà máy sản xuất đồng bộ kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển giày da của Công ty Ever Great International Limited tại CCN Gia Vân (công suất 10 triệu đôi/năm), Dự án đầu tư xây dựng nhà máy Giày ReGis Việt Nam của Công ty TNHH ReGis tại CCN Văn Phong (công suất 6 triệu đôi/năm),...
Doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch, quyết định đến việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh, thực hiện các hoạt động kinh doanh theo hướng xanh, giảm xả thải ra môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, có trách nhiệm với tài nguyên, môi trường và xã hội. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đóng vai trò là tác nhân chính trong đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật như hệ thống nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi, nghỉ dưỡng; cùng với cơ quan chức năng xây dựng các chương trình du lịch theo từng giai đoạn, tổ chức xúc tiến, quảng bá hình ảnh quê hương, sản phẩm du lịch, đưa sản phẩm du lịch đến với nhu cầu của khách hàng và khai thác nguồn khách hàng; là cầu nối giữa điểm đến và du khách, tham gia vào bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn văn hoá, giữ gìn cảnh quan môi trường hướng tới phát triển du lịch xanh và du lịch bền vững…
Với diện tích tự nhiên 1.386,79km2 và địa hình rất đa dạng như địa hình đồng bằng, địa hình núi đá vôi, địa hình đất ngập nước… đã tạo cho Ninh Bình một tiềm năng du lịch tự nhiên phong phú, làm cơ sở cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch như: sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan, thể thao... Hiện nay, Ninh Bình được là một trong những điểm đến hấp dẫn, an toàn với các địa danh nổi tiếng như:
Tài nguyên tự nhiên khá đa dạng và phong phú, tuy nhiên hoạt động du lịch mới khai thác chủ yếu ở các khu điểm du lịch nổi bật như Quần thể danh thắng Tràng An với nhiều điểm đến được ưa chuộng là Khu du lịch sinh thái Tràng An, điểm du lịch Hang Múa, Tuyệt Tịnh Cốc… thường là điểm đến được thiết kế trong các sản phẩm tour du lịch của các công ty lữ hành. Ngoài ra còn có các điểm đến là Vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, khu du lịch suối nóng Kênh Gà - Vân Trình. Các khu điểm du lịch tự nhiên hiện nay ở Ninh Bình chủ yếu phát triển các loại hình du lịch sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp tư nhân đang được vận hành khai thác điểm du lịch theo mô hình “quản lý công - tư” cũng có sự phát triển đa dạng và mở rộng các dịch vụ nhằm thu hút du khách, ví dụ như doanh nghiệp Xuân Trường đang triển khai mở dịch vụ bay trực thăng ngắm toàn cảnh di sản, hay chèo thuyền Kayak trên sông; hay doanh nghiệp Ngôi Sao và doanh nghiệp Doanh Sinh có những tour du lịch trải nghiệm ở động Thiên Hà, Thung Nham…; Ban Quản lý vườn quốc gia Cúc Phương bên cạnh nhiệm vụ quản lý tài nguyên rừng thì cũng có những chương trình du lịch hấp dẫn như “Về nhà”, “Thêm xanh cho cánh rừng già”… đưa du khách đến với những trải nghiệm mới về hoạt động bảo vệ tự nhiên. Hay Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình sau khi hoàn thiện và đưa vào hoạt động sẽ là khu du lịch tổng hợp gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, tâm linh, khám phá trải nghiệm, chữa bệnh, sự kiện, nghiên cứu, học tập,... gắn với cảnh quan thiên nhiên và hệ thống công trình di tích. Theo thiết kế khu du lịch được chia thành 6 khu gồm: khu phức hợp thể thao nghỉ dưỡng phía Nam giáp đê sông Hoàng Long; khu công viên, mua sắm, nhà hàng và các thắng cảnh phía Tây Nam; khu công viên nước phía Bắc sông Hoàng Long; khu lòng hồ được tạo bởi sông Hoàng Long và hệ thống núi, các khu nghỉ dưỡng ven hồ nằm tại khu vực chân núi phía Đông và Đông Nam; khu nông trại công nghệ cao phía Đông Bắc và khu phức hợp thể thao nghỉ dưỡng, trường đua xe, các khu nghỉ dưỡng phía Tây giáp sông Hoàng Long.
Như vậy, bên cạnh tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú, ngành du lịch Ninh Bình cũng rất quan tâm đầu tư và khai thác tương đối có hiệu quả các giá trị tài nguyên này trở thành những sản phẩm du lịch phức hợp có tính độc đáo hấp dẫn du khách. Các dự án điểm, khu du lịch có sự phân khu rõ ràng đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ giữa các khu du lịch. Với các khu du lịch lớn trọng điểm của tỉnh như Quần thể danh thắng Tràng An, Khu du lịch sinh thái Vân Long, Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình sẽ tạo nên sự đa dạng và độc đáo cho du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ.
Ngoài ra, tài nguyên du lịch văn hóa của Ninh Bình khá đa dạng từ các di tích lịch sử, đến các lễ hội, làng nghề… đều hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời. Chính những giá trị này đang được bảo tồn và khai thác cho sự phát triển của du lịch. Các tài nguyên này có thể kể đến như:
- Các di tích lịch sử - văn hóa: Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh, tính đến ngày 31/12/2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 1.821 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 379 di tích xếp hạng cấp tỉnh trở lên (81 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 03 di tích quốc gia đặc biệt, 01 di sản thế giới, 05 bảo vật quốc gia). Trong đó, các di tích quốc gia đặc biệt là là Khu hang động Tràng An, Tam Cốc, chùa Bích Động; khu Cố đô Hoa Lư và khu núi Non Nước. Di sản thế giới là Quần thể danh thắng Tràng An. Các bảo vật quốc gia tiêu biểu là: 2 long sàng bằng đá ở đền vua Đinh Tiên Hoàng; cột kinh đá ở chùa Nhất Trụ. Các di tích xếp hạng cấp tỉnh tiêu biểu như: Cố đô Hoa Lư, Đền thờ Đức Thánh Nguyễn, đền Thái Vy, đền Trương Hán Siêu, chùa Bái Đính, chùa Bích Động, chùa và động Địch Lộng, chùa Non Nước…
- Các lễ hội truyền thống: Cũng theo kết quả thống kê năm 2020, toàn tỉnh có hơn 260 lễ hội, các lễ hội nổi bật là lễ hội Trường Yên, lễ hội đền Thái Vy, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Báo bản Nộn Khê, lễ hội đền Nguyễn Công Trứ, lễ hội Tràng An… Trong đó lễ hội Trường Yên đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
- Các làng nghề truyền thống tiêu biểu: Hiện nay, Ninh Bình còn duy trì được một số làng nghề thủ công truyền thống như : làng thêu Văn Lâm, làng nghề chế biến cói mỹ nghệ Kim Sơn, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, làng nghề gốm cổ Bồ Bát. Trong đó làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
- Ẩm thực: Một số món ăn đặc sản của địa phương đang được khai thác để phục vụ phát triển du lịch như món tái dê, cơm cháy, nem Yên Mạc, rượu Kim Sơn, mắm tép Gia Viễn, rượu cần Nho Quan, cá rô Tổng Trường…
Cùng với tài nguyên du lịch, tài nguyên du lịch văn hóa là một phần không thể thiếu và hình thành nên sự hấp dẫn của điểm đến. Thực tế tại Ninh Bình các điểm, các điểm, khu du lịch đều hàm chứa các tài nguyên du lịch và tài nguyên văn hóa đan xen, tổng hợp không thể tách rời nhau. Và chính điều này làm nên sự độc đáo cho các sản phẩm của du lịch Ninh Bình đó là loại hình du lịch kết hợp văn hóa -sinh thái. Di sản Tràng Quần thể danh thắng Tràng An được tổ chức UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam, nổi bật và thu hút khách bởi các giá trị đặc biệt về địa chất, địa mạo, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa và di tích khảo cổ. Chính những giá trị văn hóa đặc sắc đã góp phần làm đa dạng thêm các loại hình du lịch tại Ninh Bình. Hiện nay mỗi sản phẩm du lịch tại Ninh Bình đều có sự kết hợp giữa các điểm đến là tự nhiên và văn hóa, hay có sự kết hợp cả hai khi đến một điểm du lịch. Ví dụ như khu du lịch Tam Cốc - Bích Động có hệ thống ba hang với địa hình núi đá vôi, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên nhiều hấp dẫn, và có chùa Bích Động một trong những ngôi chùa có kiến trúc chùa bán mái độc đáo. Ngoài ra, xung quanh điểm du lịch Tam Cốc, du khách có thể đi tìm hiểu các giá trị văn hóa như làng nghề truyền thống thêu ren Văn Lâm, đền Thái Vy… Bên cạnh các di tích lịch sử thì các các giá trị văn hóa khác như lễ hội, ẩm thực cũng đang được ngành du lịch quảng bá và đưa vào trải nghiệm trong các sản phẩm du lịch. Phải kể đến đó là lễ hội đền Thái Vy, lễ hội cố đô Hoa Lư… và các món ăn ẩm thực đặc sản của Ninh Bình là thịt dê, cơm cháy, cá rô Tổng Trường, mắm tép Gia Viễn… đều được các công ty lữ hành đưa vào thực đơn của khách khi đến với Ninh Bình.
Chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhìn chung đã được cải thiện, nhưng thực sự vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay; còn thiếu những khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao (chiếm tỉ trọng nhỏ khoảng dưới 1% trong tổng số cơ sở lưu trú); các cơ sở lưu trú du lịch khác mới chỉ đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của khách du lịch. Phần lớn các cơ sở lưu trú du lịch trong tỉnh quy mô nhỏ (dưới 20 buồng), thuộc các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn nhân lực được đào tạo từ các chuyên ngành khác sang quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, trình độ quản trị du lịch, khách sạn còn yếu. Do vậy, việc tổ chức kinh doanh du lịch nói chung còn nhiều hạn chế về nghiệp vụ, kỹ năng, ngoại ngữ, tin học, quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và xây dựng sản phẩm du lịch.
Các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, dịch vụ phục vụ khách du lịch ở tỉnh Ninh Bình nhìn chung còn hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh chưa có khu vui chơi giải trí tổng hợp nào có thể phục vụ được nhu cầu giải trí đa dạng cho khách du lịch, nhất là vào buổi tối. Hệ thống nhà hàng du lịch đã có những bước phát triển mạnh trong thời gian qua tại các khu du lịch, điểm du lịch, đặc biệt ở tập trung ở trung tâm thành phố Ninh Bình, từng bước đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn thiếu các nhà hàng có chất lượng, nhà hàng đặc sản, thiếu nhà hàng chuyên phục vụ khách quốc tế. Nguồn nhân lực làm trong các nhà hàng chủ yếu là người địa phương, chưa được đào tạo chuyên nghiệp về nghiệp vụ du lịch, trình độ chuyên môn còn hạn chế, đặc biệt về kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ.
Hệ thống các dịch vụ bổ sung phục vụ khách du lịch như dịch vụ thể thao, chăm sóc sức khỏe, quán bar, café, bán hàng lưu niệm… trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ lẻ, phân tán rải rác, chưa tập trung. Đa số với mục đích phục vụ nhu cầu của người dân trong địa phương chưa trú trọng để phục vụ khách du lịch đến Ninh Bình.
Sự hạn chế về các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, nhà hàng du lịch…một mặt đã không kích thích được khả năng chi tiêu của khách, mặt khác đã hạn chế thời gian lưu trú của họ, hạn chế khả năng thu hút khách du lịch đến với tỉnh Ninh Bình. Đây là một trong những nguyên nhân làm lượng khách du lịch lưu trú ở tỉnh Ninh Bình còn thấp, thời gian ngắn, ảnh hưởng đến mức chi tiêu và tổng thu du lịch của ngành.
Tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình rất lớn nhưng các doanh nghiệp chưa khai thác hết tiềm năng, chưa phát huy hết vai trò của mình trong phát triển du lịch của địa phương.
So với nhiều ngành khác, quy mô của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn. Với vai trò có thể kết nối được đến hàng chục triệu hộ nông dân tại nhiều vùng miền trên cả nước, nếu được tận dụng, phát huy, sức mạnh của mỗi doanh nghiệp nông nghiệp sẽ rất lớn và thực sự mang lại đa giá trị, vừa đem lại thu nhập cao cho người dân vừa thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh trong ngành nông nghiệp. Cùng với các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới đang không ngừng tăng lên, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và dần trở thành động lực quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản. Phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập cần tới vai trò trung tâm, quyết định của các doanh nghiệp, bên cạnh vai trò kinh tế hộ gia đình. Chính các doanh nghiệp với thế mạnh về vốn, công nghệ sẽ tạo ra chuỗi liên kết các hàng nông sản, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, từ đó đưa thương hiệu nông sản Ninh Bình đến với thị trường quốc tế.
PGS.TS Đỗ Văn Dung, TS Phạm Hồng Điệp