Tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã khẳng định Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm của Trung ương Đảng, nhận định rõ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cả cơ hội và thách thức. Phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới. Chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước.
Ứng dụng công nghệ thông tin (ƯDCNTT) trong quản lý, điều hành và giải quyết công việc tại các cơ quan nhà nước đã trở thành nhu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước và phục vụ nhân dân trên tiến trình tiến đến Chính quyền điện tử. Tại tỉnh Ninh Bình trong các năm vừa qua triển khai mô hình hóa các công cụ mà cụ thể là xem Cải cách hành chính và Ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ để áp dụng, đã hình thành một mô hình áp dụng mang tính toàn diện từ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo UBND tỉnh, của Lãnh đạo các cơ quan hành chính đến hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức.
Để có được những thành quả này, tỉnh đã phải trải qua một quá trình dài đổi mới từ tư duy, nhận thức đến phương thức chỉ đạo, điều hành, quản lý công việc, quản trị cơ quan, cụ thể: “Hình thành và nâng cao nhận thức tin học hoá gắn liền với cải cách hành chính và chuẩn hoá các quy trình giải quyết công việc”; xây dựng nhận thức “Tin học hoá không có nghĩa là cán bộ tin học sẽ làm thay cho cán bộ hành chính” và “Lãnh đạo cơ quan không chỉ là chủ thể kiểm tra, giám sát mà phải là đối tượng thực hiện tin học hóa”; tạo thói quen sử dụng máy tính, ứng dụng các phần mềm phải được xem như là một cuộc cách mạng thật sự trong đổi mới phong cách hành chính; Thực hiện theo phương châm “Làm việc theo kế hoạch, giải quyết công việc theo quy trình, điều hành theo quy chế” cho đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh. Đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy ứng dụng CNTT và cải cách hành chính;
Có thể khẳng định rằng tỉnh đã có bước đi đúng, Cải cách hành chính và Ứng dụng công nghệ thông tin đang đi dần vào cuộc sống, vào từng công đoạn trong công việc hành chính hàng ngày của mỗi một cán bộ, công chức; góp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và tác nghiệp của cơ quan, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công dân, tổ chức, ... để tiến đến Chính quyền điện tử tiến đến Chính quyền số.
Cột mốc đánh dấu sự kiện quan trọng đối với sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam từ nay đến năm 2025, đó là ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
Một quốc gia mạnh về CNTT thì phải có từng địa phương mạnh về CNTT, tỉnh Ninh Bình đã và đang nỗ lực không ngừng để phát triển thành một địa phương mạnh về CNTT, chuyển đổi số một mô hình của cả nước về khoa học công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho ngành CNTT trong giai đoạn 2020-2025 đó là:
1. Công tác chỉ đạo điều hành
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị mình.
- Tập trung rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế chính sách về ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số
- Ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị Quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Bình, phiên bản 2.0; tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số.
- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo an toàn thông tin đến mọi người dân;đồng thời nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan về lợi ích của chuyển đổi số trong công tác quản lý điều hành, phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
2. Phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống nền tảng
- Tiếp tục nâng cấp, mở rộng hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin của Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đạt quy chuẩn cấp độ 2 (Tier 2); thực hiện tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số.
- Thực hiện thuê dịch vụ: Hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh và vận hành tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh góp phần tích cực vào việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
- Vận hành, khai thác có hiệu quả Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) của tỉnh, đảm bảo an toàn, an ninh, bảo mật thông tin; để việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ Chính quyền điện tử được hiệu quả, thống nhất dựa trên các nền tảng dùng chung, tăng cường kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ của tỉnh và là đầu mối để kết nối đến các hệ thống thông tin bên ngoài.
- Tiếp tục nâng cấp, bổ sung các chức năng Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp.
- Thực hiện thuê dịch vụ cung cấp mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II toàn tỉnh, bảo đảm vận hành ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 4 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã; từng bước chuyển đổi mạng Internet từ giao thức IPv4 sang IPv6.
- Tiến hành rà soát, nâng cấp, bổ sung các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị đảm bảo hiện đại, hiệu quả, tránh lãng phí.
3. Phát triển dữ liệu
- Đẩy mạnh thực hiện việc số hóa, tạo lập, phát triển cơ sở dữ liệu của các cấp, các ngành; trong đó, tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu có nhu cầu tích hợp, chia sẻ và sử dụng để triển khai thực hiện để hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh.
- Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung, danh mục dữ liệu mở của tỉnh; từng bước chuẩn hóa dữ liệu các ngành để tích hợp, thu gom hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở và được cung cấp trên Cổng dữ liệu tỉnh Ninh Bình.
- Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức kết nối liên thông hệ thống dữ liệu của các ngành vào nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung của tỉnh.
4. Phát triển các ứng dụng, dịch vụ
- Duy trì, đẩy mạnh việc sử dụng các ứng dụng đã triển khai một cách có hiệu quả: Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thư điện tử công vụ, Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử, hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến…
- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng, điều hành tác nghiệp trực tuyến và các nội dung khác theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước đặc biệt đối với cấp huyện, cấp xã.
- Thực hiện các chế độ báo cáo (báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội,…) phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh được thực hiện trực tuyến và liên thông với hệ thống báo cáo quốc gia.
- Trang bị các thiết bị cho một số thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh và một số lãnh đạo các đơn vị được chọn thí điểm chuyển đổi số cấp xã;
- Thực hiện thuê dịch vụ: Hệ thống thông tin phục vụ họp không giấy tờ để rút ngắn thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy, tăng cường trao đổi thông tin, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
- Rà soát, chuẩn hóa quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; tích hợp giải pháp xác thực điện tử tập trung; số hóa các kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường số hóa hồ sơ của các tổ chức, công dân.
- Ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, toàn diện tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện; tăng cường trao đổi, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; bảo đảm tính liên thông giữa các đơn vị trong quy trình xử lý thủ tục, tin học hóa tối đa các hoạt động trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu quả Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đảm bảo tích hợp đầy đủ các ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thông tin về hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
- Tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện chuyển đổi số cho các xã có đủ điều kiện. Ưu tiên ứng dụng các giải pháp để phát triển du lịch, giáo dục, nông nghiệp…
- Nghiên cứu xây dựng, phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh kết nối dữ liệu về nông sản (OCOP) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bán sản phẩm.
5. Bảo đảm an toàn thông tin mạng
- Rà soát hiện trạng, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống mã độc theo mô hình tập trung, ưu tiên cho các hệ thống cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
- Duy trì thuê dịch vụ CNTT thực hiện giám sát, bảo vệ, bảo đảm an toàn thông tin cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và các hệ thống thông tin của các sở, ban, ngành; mở rộng phạm vi giám sát mạng đối với các hệ thống thông tin của UBND cấp; duy trì kết nối và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia do Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông vận hành.
- Kiện toàn, nâng cao năng lực, hệ thống trang thiết bị chuyên dùng và duy trì hoạt động thường xuyên của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; tham gia tích cực vào các hoạt động của Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia; tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin về sự cố an toàn mạng.
- Tiếp tục triển khai và mở rộng cung cấp phần mềm phòng chống mã độc cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức các chương trình diễn tập, tập huấn bảo đảm an toàn thông tin mạng cho cán bộ chuyên trách/phụ trách về an toàn thông tin của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
6. Phát triển nguồn nhân lực
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, truyền thông để nâng cao nhận thức, trình độ CNTT, kiến thức, kỹ năng số cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh.
- Chú trọng hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ mới, khuyến khích hợp tác phát triển, chuyển giao, mua bán công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ về CNTT, đẩy mạng hoạt động sự nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh.
- Bố trí cán bộ hỗ trợ việc ứng dụng và phát triển CNTT có đủ năng lực và trình độ cho các cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm việc tham mưu triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh đồng bộ và hiệu quả.
Với những thành tích đã đạt được trong các giai đoạn trước và với tinh thần xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiện đại vì sự phát triển giàu mạnh của quê hương Ninh Bình, vì mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Minh Châu