Nhằm quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, bao gồm phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng góp phần tạo nên một đô thị xanh, sạch, đẹp, Ngày 12/12/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Quyết định số 67/2022/QĐ-UBND Quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Quyết định số 67/2022/QĐ-UBND Quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Quy định nêu rõ công tác phân loại chất thải rắn xây dựng (CTRXD) phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh thành các loại sau: có khả năng tái chế; có thể tái sử dụng; không tái chế, tái sử dụng được phải xử lý theo quy định của pháp luật; không được phân loại
CTRXD thông thường lẫn với chất thải nguy hại thì phải thực hiện việc phân tách phần chất thải thông thường với phần chất thải nguy hại; nếu không thực hiện việc phân tách hoặc không thể phân tách được thì toàn bộ chất thải lẫn đó phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
CTRXD phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại; không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường; không làm phát tán bụi, gây ô nhiễm môi trường. Thiết bị, dụng cụ lưu giữ CTRXD phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Địa điểm lưu giữ CTRXD phải bảo đảm không bị ngập lụt, tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh khu vực lưu giữ và đáp ứng các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật. Thiết bị, khu vực lưu giữ CTRXD phải đảm bảo không gây cản trở giao thông và không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan; phải ghi hoặc dán nhãn thông tin về loại CTRXD.
Thời gian lưu giữ CTRXD phù hợp theo đặc tính của loại chất thải; quy mô, khả năng lưu chứa của thiết bị, địa điểm lưu giữ và quy định của pháp luật.
Đối với công tác thu gom, vận chuyển CTRXD, UBND tỉnh yêu cầu: Các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển CTRXD phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. CTRXD phải được thu gom, vận chuyển theo loại sau khi được phân loại. Khi thu gom, vận chuyển CTRXD phải đảm bảo không để lẫn chất thải thông thường với chất thải nguy hại. Trong quá trình vận chuyển CTRXD phải bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường.
Việc vận chuyển CTRXD phải theo thời gian và lộ trình về tuyến đường, an toàngiao thông và tuân thủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông tại địa phương. Đối tượng thực hiện việc vận chuyển CTRXD có trách nhiệm vận chuyển CTRXD đến điểm lưu giữ, trạm trung chuyển và cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD hoặc đến cơ sở, công trình khác để tái chế, tái sử dụng, xử lý CTRXD theo quy định của pháp luật.
CTRXD từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị phải được thu gom và chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý CTRXD, trừ trường hợp thực hiện theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 5 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020. CTRXD từ hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn chưa có hệ thống thu gom, xử lý CTRXD phải được tái sử dụng hoặc đổ thải đúng nơi quy định; không được đổ CTRXD ra đường, sông ngòi, suối, kênh rạch và nguồn nước mặt khác làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.
Tái sử dụng, tái chế CTRXD còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định của pháp luật, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được phép sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất.
Chủ nguồn thải CTRXD có thể tái sử dụng, tái chế CTRXD ngay tại công trường hoặc chuyển giao CTRXD cho các cơ sở, công trình khác để tái chế, tái sử dụng CTRXD theo quy định của pháp luật. Khuyến khích việc xử lý CTRXD tạinơi phát sinh với quy trình, công nghệ phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường. Công nghệ xử lý CTRXD bao gồm: Nghiền,sàng; Sản xuất vật liệu xây dựng; Chôn lấp; Các công nghệ khác.
Công nghệ xử lý CTRXD phải phù hợp với quy mô, công suất và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế xã hội. Trạm trung chuyển CTRXD phải phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thuận lợi về giao thông, đảm bảo hoạt động chuyên chở, không gây ảnh hưởng xấu tới cảnh quan và chất lượng môi trường Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD phải được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
Cũng tại Quyết định số 67/2022/QĐ-UBND, ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh cũng Quy định rất rõ về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước; chủ nguồn thải; chủ thu gom, vaanjc huyển; chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn cụ thể như sau:
Trách nhiệm của Sở Xây dựng
1. Hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRXD theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện công tác thẩm định, cấp Giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng đối với các khu xử lý, nhà máy tái chế CTRXD và các công trình khác có liên quan đến CTRXD trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD trên địa bàn tỉnh.
Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường các dự án đầu tư xây dựng cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư xây dựng cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD trên địa bàn tỉnh.
3. Theo dõi, quản lý giá dịch vụ xử lý CTRXD đối với các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD được đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Phối hợp với Sở Tài chính tổ chức thẩm định phương án giá dịch vụ xử lý CTRXD đối với các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD được đầu tư từ ngân sách nhà nước.
4. Báo cáo về công tác quản lý CTRXD trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật hoặc khi có yêu cầu.
Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Chủ trì thẩm định phương án giá dịch vụ xử lý CTRXD đối với các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách theo quy định.
2. Phối hợp theo dõi, quản lý giá dịch vụ xử lý CTRXD đối với các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước do các chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD lập và phê duyệt theo quy định.
Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD.
2. Thường xuyên trao đổi thông tin; đồng thời phối hợp chặt chẽ với sở, ngành chức năng của tỉnh trong quá trình thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý CTRXD trên địa bàn tỉnh.
Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
1. Chịu trách nhiệm quản lý việc chấp hành pháp luật về xây dựng và pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý CTRXD trên địa bàn quản lý; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý theo quy định.
2. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRXD theo quy định.
3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý CTRXD.
4. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các công trình xây dựng và cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD trên địa bàn quản lý.
5. Lập danh sách các công trình xây dựng sẽ phá dỡ, khởi công xây dựng, danh sách các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRXD và các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD trên địa bàn quản lý và công bố trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để các đối tượng có liên quan biết và phối hợp trong công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý CTRXD.
6. Báo cáo về công tác quản lý CTRXD trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật hoặc khi có yêu cầu.
Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
1. Thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về quản lý CTRXD.
2. Phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra công tác tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các công trình xây dựng và cơ sở xử lý CTRXD trên địa bàn quản lý.
Trách nhiệm của chủ nguồn thải CTRXD
1. Thực hiện việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý CTRXD hoặc ký hợp đồng với chủ thu gom, vận chuyển CTRXD và chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD để thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD theo Quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Chi trả phí dịch vụ theo hợp đồng giữa chủ nguồn thải CTRXD và chủ thu gom, vận chuyển CTRXD; theo hợp đồng giữa chủ nguồn thải CTRXD và chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD.
3. Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển CTRXD
1. Thực hiện việc thu gom, vận chuyển CTRXD theo Quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Xác định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRXD và ký hợp đồng thu gom, vận chuyển CTRXD với chủ nguồn thải CTRXD theo quy định của pháp luật.
3. Thu gom, vận chuyển CTRXD đến trạm trung chuyển, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD hoặc cơ sở, công trình khác theo đúng quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra trong quá trình thu gom, vận chuyển CTRXD.
4. Có sổ theo dõi, quản lý việc thu gom, vận chuyển CTRXD gồm các nội dung sau:
a) Thông tin chung về chủ nguồn thải CTRXD.
b) Số chuyến xe thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRXD trong ngày, trong tháng của từng chủ nguồn thải CTRXD.
c) Khối lượng, loại CTRXD được thu gom, vận chuyển trong ngày, trong tháng của từng chủ nguồn thải CTRXD.
d) Địa điểm tiếp nhận CTRXD (trạm trung chuyển, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD; các cơ sở, công trình tái chế, tái sử dụng CTRXD).
đ) Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRXD.
e) Các thông tin khác nếu cần thiết.
5. Cung cấp thông tin về năng lực cho Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố nơi đặt trụ sở chính để quản lý, công bố trên Trang thông tin điện tử.
6. Báo cáo công tác thu gom, vận chuyển CTRXD theo quy định của pháp luật hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
7. Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD
1. Đầu tư xây dựng, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện và bố trí nhân lực đáp ứng năng lực tiếp nhận CTRXD, đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định.
2. Xây dựng phương án giá dịch vụ xử lý CTRXD để trình cấp thẩm quyền thẩm định theo quy định của pháp luật trong trường hợp các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Lập và phê duyệt giá dịch vụ xử lý CTRXD trong trường hợp các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Ký hợp đồng xử lý CTRXD với chủ nguồn thải CTRXD. Tiếp nhận và xử lý CTRXD; lập phiếu ghi khối lượng, thành phần CTRXD được vận chuyển đến hàng ngày có xác nhận của chủ thu gom, vận chuyển CTRXD và chủ xử lý CTRXD.
4. Có sổ theo dõi, quản lý việc thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD gồm các nội dung gồm:
a) Thông tin chung của các chủ thu gom, vận chuyển CTRXD.
b) Khối lượng, dung tích, số chuyến xe chở CTRXD được tiếp nhận của từng chủ thu gom, vận chuyển CTRXD; loại CTRXD tiếp nhận.
c) Công nghệ, biện pháp xử lý CTRXD.
d) Nhật ký vận hành các hạng mục công trình, thiết bị trong dây chuyền công nghệ xử lý (nếu có).
đ) Các thông tin khác nếu cần thiết.
5. Thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD; có các biện pháp an toàn lao động trong vận hành và bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
6. Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Khi phát hiện sự cố môi trường, phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chủ đầu tư, chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra ô nhiễm hoặc sự cố môi trường để phối hợp xử lý.
7. Cung cấp thông tin về năng lực cho Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố nơi đặt trụ sở chính để quản lý, công bố trên Trang thông tin điện tử.
8. Báo cáo công tác xử lý CTRXD theo quy định của pháp luật hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
9. Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh khuyến khích mọi đối tượng đầu tư vào hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD theo phương thức đối tác công tư và các hình thức đầu tư khác phù hợp với quy định của pháp luật. Các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực quản lý CTRXD được ưu đãi và hỗ trợ theo các quy định hiện hành. /.
Nguyễn Tử Tiến Lợi