Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Trí tuệ nhân tạo CHATGPT là gì và mối “đe dọa” với nhiều ngành nghề trong tương lai như thế nào?

Thứ Năm, 16/02/2023

Ngay từ những ngày đầu năm 2023 vừa qua, cộng đồng công nghệ toàn cầu đang sôi sục trước sự “xâm chiếm” của ChatGPT, một hệ thống chatbot AI sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để tạo các cuộc hội thoại. Các bài báo, bài bình luận với tiêu đề rất kích thích như “ChatGPT sắp thay thế loạt ngành nghề của con người”, “ChatGPT có thể thi đỗ trường luật, làm luận văn”,... khiến mọi người đều thắc mắc sức mạnh của chatbot này đến đâu và liệu chúng ta có bị AI "cướp" việc làm.

Tầm ảnh hưởng của ChatGPT là gì thì phải đợi tương lai mới biết. Nhưng trước mắt, chatbot này hiện là một công cụ thú vị mà nếu biết cách tận dụng, đời sống của con người sẽ được hỗ trợ đắc lực.

ChatGPT là gì?

ChatGPT là hệ thống chatbot được tạo bằng khoa học công nghệ GPT-3 (Generative Pretraining Transformer 3). Đây là một mô hình sử dụng công nghệ AI để xử lý tiếng nói hiện đại nhất hiện nay. Nó có khả năng tạo văn bản giống với con người chỉ với những từ khóa cơ bản.

ChatGPT cho phép người dùng đặt câu hỏi hoặc kể một câu chuyện và bot sẽ trả lời bằng các chủ đề và câu trả lời có liên quan với vẻ tự nhiên nhất có thể. Giao diện được thiết kế để mô phỏng cuộc trò chuyện của con người, tạo ra sự tương tác tự nhiên với bot. Dựa trên GPT-3.5, một mô hình ngôn ngữ được đào tạo để tạo văn bản, ChatGPT được tối ưu hóa cho đối thoại trò chuyện. Phản hồi từ ChatGPT nghe khá giống con người vì chúng được đào tạo dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ do chính con người viết.

ChatGPT được tạo ra bởi OpenAI, một công ty nghiên cứu công nghệ có trụ sở tại San Francisco, Mỹ. OpenAI đã ra mắt ChatGPT vào ngày 30 tháng 11 năm 2022. Công ty trước đó cũng đã tạo Whisper, một hệ thống nhận dạng giọng nói tự động và DALLE•2, một trình tạo tác phẩm nghệ thuật và hình ảnh AI phổ biến.

Trong vài năm qua, các phòng thí nghiệm nghiên cứu hàng đầu đã đạt được những bước tiến lớn với các công cụ văn bản do AI tạo ra như ChatGPT. Nó đào tạo bot về hàng tỷ từ được viết, bao gồm mọi thứ từ bài đăng trên blog đến sách cổ điển. Với việc phát hành ChatGPT, các trình tạo văn bản dựa trên AI dễ sử dụng giờ đây đã có thể tiếp cận được với đại chúng.

ChatGPT được thiết kế đặc biệt để bắt chước các cuộc trò chuyện thực và có khả năng giải thích, ghi nhớ những gì đã nói trước đó trong cuộc trò chuyện, xây dựng ý tưởng khi được hỏi và thậm chí xin lỗi khi hiểu sai.

ChatGPT có thể được ứng dụng như thế nào?

Nếu chỉ mới chỉ sử dụng bản beta để hỏi đáp với ChatGPT, một số người sẽ cảm nhận đây không khác gì một công cụ tương tự như Google, nhưng “thông minh” hơn trong cách trình bày và tốc độ hơn nhiều.

Khi ChatGPT được ứng dụng vào các mảng đời sống, nó có thể được sử dụng cho mọi ngành nghề, từ dịch vụ khách hàng, mua sắm trực tuyến, tuyển dụng và đào tạo nhân viên, dịch thuật văn bản, hợp lý hóa hoạt động và cung cấp trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa hơn. Ví dụ, với người làm báo hoặc nội dung sáng tạo, bot sẽ lên ý tưởng nội dung về từ khóa hoặc chủ đề, tóm tắt tài liệu. ChatGPT cũng có thể được sử dụng để tạo trải nghiệm kể chuyện tương tác, cho phép người dùng khám phá và học hỏi từ thế giới ảo.

Khi biết cách đặt câu hỏi và sử dụng đúng cách, ChatGPT giúp ích rất nhiều trong cả học tập, làm việc. Thế nhưng như thế nào là “đúng cách” mới là vấn đề gây rắc rối. Trong vài tháng qua, trên thế giới đã nổi lên không ít vụ sinh viên sử dụng ChatGPT để làm bài tập hộ mình. Đây là hình thức gian lận nên đã có cả trường học cấm ChatGPT.

Lưu ý là ở thời điểm hiện tại, ChatGPT vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và mới được tung ra thị trường chỉ hơn 2 tháng. Chatbot AI này có khả năng tự học hỏi, trau dồi với tốc độ cực nhanh nên khả năng của ChatGPT trong tương lai có thể thay đổi, khác biệt so với những gì chúng ta đã biết hiện tại.

Hạn chế của ChatGPT

Mặc dù ChatGPT là một hệ thống chatbot mạnh mẽ dựa trên AI, nhưng nó vẫn có một số hạn chế. Nó chỉ có thể đưa ra câu trả lời dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện.

ChatGPT không phải là một công cụ tìm kiếm, do đó nó không có khả năng tìm kiếm thông tin trên internet. Thay vào đó, nó sử dụng thông tin đã học được từ dữ liệu huấn luyện để tạo phản hồi. Điều này có thể xảy ra sai sót. Vì vậy, tất cả đầu ra phải được kiểm tra thực tế về tính chính xác và kịp thời.

Chatbot có thể không cung cấp thông tin chuyên sâu hoặc hiểu ngữ cảnh hoặc sắc thái trong cuộc trò chuyện. Nếu dữ liệu ChatGPT được đào tạo ban đầu bị sai lệch, thì câu trả lời mà nó cung cấp cũng sẽ bị sai lệch. Bên cạnh đó, chatbot được cho là cũng không có cảm xúc, trải nghiệm như con người. Ví dụ như khi yêu cầu tư vấn tâm lý, ChatGPT sẽ cho đáp án chung chung và sáo rỗng, không đáp ứng được nhu cầu người hỏi như bác sĩ tâm lý.

Vì sao AI đã xuất hiện từ lâu nhưng ChatGPT lại “gây bão”?

AI vẫn đã và đang hiện hữu từ nhiều năm nay. Nhưng ChatGPT là cấp độ tiếp theo.

Chúng ta đã sử dụng AI trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như dùng Google Maps để chỉ đường, sử dụng Google Dịch hỗ trợ AI. Nếu bạn có dùng dịch vụ gọi xe như Grab thì cũng có nghĩa là bạn đang tận hưởng ứng dụng của AI. Hơn cả việc cung cấp các tiện ích, AI còn có thể dự đoán ung thư vú chính xác hơn các chuyên gia, giúp cảnh sát phát hiện hình ảnh lạm dụng trẻ em và cải thiện hệ thống cảnh báo thảm họa khí hậu.

Vậy tại sao ChatGPT được chú ý đến vậy? Đáp án rất đơn giản: Sự tinh vi của ChatGPT đã làm cả những người trong ngành AI ngạc nhiên. Nó có tính chính xác, tốc độ, tương tác cao (dù vẫn còn rất nhiều lỗ hổng) và dễ sử dụng với đại chúng. Cùng với hiệu ứng của truyền thông, ChatGPT bỗng chốc được coi là một “vị thần” có thể thay đổi cuộc chơi và khiến công chúng thêm bất ngờ trước sức mạnh của AI.

Một lý do nữa khiến ChatGPT gây sợ hãi là với những công cụ AI như thế này, một khi đã phát hành, con người không thể thu hồi lại. Việc “đối phó” với các chatbot AI như thế nào mới hợp lý đang khiến các nhà chức trách, chủ doanh nghiệp và cả nhà sản xuất công nghệ - người tạo ra chúng bối rối.

Ảnh hưởng lớn tới nhiều nghành nghề

Với yêu cầu “Hướng dẫn tôi sử dụng iPhone”, Google sẽ cho ra tới hơn 25 triệu câu trả lời và người dùng phải truy cập vào vào các đường link trang web để tự tìm thấy đáp án cho mình. Tuy nhiên, với ChatGPT, chỉ sau 2 giây, người dùng đã có hướng dẫn từ cơ bản tới nâng cao cách dùng chiếc điện thoại này mà không phải truy cập vào bất kỳ liên kết nào khác.

 ChatGPT đang tạo "cơn sốt" trên toàn thế giới.

Khi trường đại học Wharton (Mỹ) để ChatGPT thực hiện bài thi hết kỳ của khóa học quản lý kinh doanh, số điểm mà ứng dụng AI này đạt được là B đến B-, đủ điểm đỗ. Điều tương tự cũng được đại học Minnesota thực hiện khi ChatGPT vượt qua cả 4 bài kiểm tra của 4 khóa học khác nhau.

Đây là hai ví dụ tiêu biểu để nói về sự nhanh nhạy, tiện lợi cũng như sức mạnh “đáng kinh ngạc” của ChatGPT, chatbot đang “làm mưa, làm gió” trên toàn thế giới thời gian qua. Với khả năng tự động cập nhật lại kiến thức cũng như tự động sửa sai sau khi giao tiếp với người dùng, ChatGPT được cho là sẽ tái định hình lại nhiều khía cạnh của đời sống công nghệ, đặc biệt là tạo ra ảnh hưởng rất lớn tới nhiều ngành nghề trong xã hội. Thậm chí, có nhiều ý kiến còn cho rằng ChatGPT có thể xóa bỏ hẳn vai trò của con người trong một số lĩnh vực.

Trên thực tế, ChatGPT đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực và thể hiện khá rõ sự tiện lợi cùng khả năng ứng dụng cao trong tương lai. Có thể kể đến như ở lĩnh vực phần mềm, ứng dụng này có thể thực hiện khá tốt những đoạn mã code từ đơn giản đến phức tạp. Như vậy, một nhóm viết phần mềm gồm 6-7 nhân sự hoàn toàn có thể rút xuống chỉ còn ChatGPT và  1-2 nhân sự để kiểm tra và tinh chỉnh lại những mã code mà công cụ này tạo ra.

Hay như những lĩnh vực liên quan tới sáng tạo nội dung, ChatGPT cũng đang thể hiện vai trò rõ ràng của mình. Hà Trần, nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội cho biết, trong thời gian gần đây mình đã sử dụng ChatGPT mỗi khi bí ý tưởng, chỉ cần nhập vài từ khóa ngay lập tức ứng dụng sẽ đưa ra vài lựa chọn khá sáng tạo. Không những vậy, Hà Trần còn sử dụng chatbot này vào việc xây dựng kế hoạch truyền thông cho một thương hiệu theo tuần, theo tháng.

Được biết, hiện Microsoft đang trong quá trình đàm phán để đầu tư thêm 10 tỷ USD cho OpenAI, công ty mẹ của ChatGPT. Điều này đồng nghĩa với việc, theo thời gian, sự thông minh và “giống người” của chatbot này sẽ càng được nâng cao. Chính điều này đã dấy lên nhiều luồng ý kiến cho rằng, trong tương lai không xa, AI mà tiêu biểu là ChatGPT sẽ không chỉ dừng ở thay thế một phần mà tiến tới là loại bỏ hoàn toàn vai trò của con người trong một số lĩnh vực.

Nhận định trên hoàn toàn không phải vô căn cứ. Bởi theo dự đoán của Diễn đàn Kinh tế thế giới, vào năm 2025, các loại robot thông minh có ứng dụng AI sẽ thay thế hơn một nửa nhân lực trên toàn cầu. Tình trạng này có thể thấy rõ ràng qua trường hợp của công xưởng iPhone của - Foxconn, trong giai đoạn 2012 - 2016, hãng đã cắt giảm tới 400.000 lao động khi thay thế bằng hàng chục nghìn robot tự động.

Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đã từng đưa ra cảnh báo, ở Việt Nam, nguồn lao động làm việc các ngành nghề giản đơn, dập khuôn theo trình tự có sẵn sẽ là nhóm sẵn sàng bị thay thế bởi robot và AI. Cụ thể, trong vòng 10 năm tới, 86% nhân sự trong ngành dệt may, da giày và 3/4 lao động trong ngành sản phẩm điện - điện tử có thể sẽ bị robot thay thế.

Cũng theo ILO, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%); nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%); nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%). Trong khi đó, 5 nghề sẽ tạm thời an toàn là: luật sư, nhà báo, nông dân, bác sĩ, nhà nghiên cứu.

ChatGPT chỉ nên sử dụng làm công cụ hỗ trợ trong công việc

Mặc dù tính ứng dụng và tiềm năng của ChatGPT nói riêng và AI là vô cùng lớn nhưng theo các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, việc trí tuệ nhân tạo thay thế hoàn toàn con người là không thể xảy ra trong tương lai ngắn. Bởi, khả năng tư duy và sáng tạo là khả năng của con người mà máy móc chưa thể mô phỏng được.

Có thể với công nghệ ChatGPT sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn trong xã hội nhưng đó là ở thì tương lai, còn hiện tại thì chỉ dừng ở mức thú vị. Thực ra ChatGPT không phải là một sản phẩm mới, mà từ chục năm trước, Google hay Apple đều đã sở hữu những AI tương tự nhưng chỉ khác là họ không công bố ra rộng rãi mà thôi.

Hiện nay ChatGPT trả lời người dùng dựa trên dữ liệu nó được nạp vào, điều này đồng nghĩa với việc nếu dữ liệu sai thì câu trả lời cũng sẽ sai, chatbot sẽ không phân biệt được. Do vậy, dù ChatGPT có thực hiện được một số việc nhất định nhưng vẫn phải có vai trò giám sát, chỉnh sửa của con người. Với những việc ít phức tạp khá đơn giản, nhưng nếu việc phức tạp và đòi hỏi kiến thức chuyên sâu thì việc sửa chữa các sai lầm của ChatGPT sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Hiện tại những phần mềm như ChatGPT chỉ nên sử dụng làm công cụ hỗ trợ con người trong công việc. Ở một khía cạnh nào đó, ChatGPT có thể thay thế các nhân lực có trình độ sơ cấp như học sinh, sinh viên,… nhưng những lĩnh vực chuyên sâu như viết báo, bác sỹ,… thì không thể, kể cả trong tương lai chatbot này có thông minh hơn nữa.

Để thực hiện được những công việc chuyên sâu, bên cạnh kiến thức, nhân sự còn có kinh nghiệm làm việc thực tế cũng như sáng tạo được tính lũy từ nhiều năm. Đây cũng là điều mà AI không thể làm được hoặc có thì cũng rất hạn chếa.

Khi ChatGPT xuất hiện, giáo dục được xem là lĩnh vực sẽ chịu tác động nặng nề nhất của chatbot này, giáo viên được dự đoán sẽ sớm bị thay thế bởi AI. Với những giáo viên giảng dạy theo cách truyền thống, chỉ cung cấp thông tin đơn thuần theo sách giáo khoa, kiểm tra dựa trên đáp án đúng sai để tính điểm,… sẽ có thể bị ChatGPT thay thế do chatbot có thể thực hiện tốt những điều này. Nhưng với những giáo viên hiện đại, dạy học bằng cách kích thức tư duy sáng tạo, phản biện, chuyển hóa tri thức vào cuộc sống thì ChatGPT sẽ không thể thay thế được vì những điều này vượt quá khả năng của chatbot.

Một lý do nữa khiến ChatGPT gây sợ hãi là với những công cụ AI như thế này, một khi đã phát hành, con người không thể thu hồi lại. Việc “đối phó” với các chatbot AI như thế nào mới hợp lý đang khiến các nhà chức trách, chủ doanh nghiệp và cả nhà sản xuất công nghệ - người tạo ra chúng phải thận trọng./.

Nguyễn Tử Tiến Lợi

Các tin khác