Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Triển khai mạng truyền số liệu chuyên dụng cấp II thực trạng và giải pháp

Thứ Hai, 31/05/2021
Theo số liệu quản lý của Sở Thông tin và Truyền thông hiện nay tất cả các cơ quan cấp Sở, ban, ngành; các cơ quan cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn đang sử dụng hạ tầng kết nối Internet công cộng để triển khai các ứng dụng phục vụ hoạt động quản lý, điều hành (Hệ thống hội nghị truyền hình; phần mềm quản lý văn bản và điều hành,…), chưa được kết nối trên hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II (viết tắt là mạng TSLCD cấp II) dẫn đến nguy cơ mất an toàn, an ninh và lộ lọt thông tin rất cao.

Để đảm bảo các yêu cầu về liên thông, chia sẻ, an toàn, bảo mật dữ liệu trong hoạt động truyền số liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Thông tư số Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT ngày 20/10/2017 của Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin trên Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước (sau đây viết tắt là Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT);

Năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND ngày 31/9/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin đối với mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (sau đây viết tắt là Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND);

Để đưa mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II hoạt động có hiệu quả đúng lộ trình, góp phần đảm bảo vận hành các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử và liên thông, chia sẻ dữ liệu an toàn, bảo mật trong hoạt động truyền số liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;

Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II, Đến nay mạng TSLCD cấp II đã được triển khai tới các cơ quan Đảng và Nhà nước theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông cụ thể đó là:

- Triển khai khảo sát và thiết lập hạ tầng mạng TSLCD cấp II đến tất cả các đơn vị sử dụng mạng TSLCD cấp II trên địa bàn tỉnh. Sau khi triển khai thiết lập xong hạ tầng, doanh nghiệp tổng hợp báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông để Sở kiểm tra, xác nhận doanh nghiệp đủ điều kiện cung cấp dịch vụ mạng TSLCD cấp II trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện thương thảo và ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với đơn vị sử dụng mạng TSLCD cấp II, sau khi có văn bản xác nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ mạng TSLCD cấp II của Sở Thông tin và Truyền thông.

- Việc thiết lập hạ tầng và cung cấp dịch vụ theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng và giá cước đã được quy định tại Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT; Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND.

Để phục vụ cho chiến lược xây dựng chính quyền điện tử thì việc xây dựng được hạ tầng kết nối dùng riêng, có tính an toàn, bảo mật cao nhất so với các mạng công cộng khác do có sự tách riêng về hạ tầng vật lý. Mỗi cơ quan Đảng và Nhà nước sử dụng mạng TSLCD cấp II đều được tách riêng với nhau về mặt logic bằng cách tạo các mạng riêng ảo khác nhau trên nền Mạng TSLCD, góp phần loại bỏ khả năng tấn công giữa nội bộ với nhau và phù hợp với kiến trúc tổng thể về Chính phủ điện tử của Quốc gia đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan và đội ngũ cán bộ công chức, coi việc xây dựng được hạ tầng kết nối mạng TSLCD cấp II phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh./.

Minh Châu

Các tin khác