Đối với bậc Đại học – bậc học cao nhất trong hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đào tạo nghề cơ bản, bậc học có tính quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực mà ta thường gọi là những trí thức tương lai của đất nước. Trong giáo dục đại học, nền tảng là tri thức nhưng đạo đức con người lại quyết định sự thành bại của cái gọi là con người có ích cho xã hội. Câu hỏi đặt ra, ở bậc Đại học, nội dung giáo dục đạo đức cho sinh viên là gì? Trước hết chúng ta cần hiểu, nghiên cứu khoa học là đặc trưng cơ bản trong các trường đại học. Đặc biệt ở thời điểm chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện thì đẩy mạnh nghiên cứu khoa học chính là để đổi mới giáo dục đại học. Vậy đâu là đức tính cần có trước tiên cho một người làm khoa học? cho một sinh viên?
Ngay từ ngày học phổ thông, bài học đầu tiên trong đạo đức học trò, chúng ta được học là 5 điều Bác Hồ dạy “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Học tập tốt, lao động tốt/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/Giữ gìn vệ sinh thật tốt/Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Suy rộng ra, đức tính trung thực không nằm ngoài lời răn dạy của Hồ Chủ tịch. Trong “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” có trung thực. Ở đại học, cũng bởi tính chất bậc học, giáo dục đức tính trung thực thiết nghĩ càng phải được đặt lên hàng đầu.
Khoa học và đức tính trung thực đặt cạnh nhau thật khó để cắt nghĩa, bản thân khoa học đã hàm chứa tính trung thực. Ngay cả trong bản thân đức tính trung thực cũng có điều để bàn. Trung thực đời thường khác trung thực khoa học. Có những sự việc khi đặt trong hoàn cảnh bình thường thì đã được đánh giá là trung thực song khi đặt trong những yếu tố đòi hỏi có sự kiểm nghiệm của khoa học thì sự trung thực ấy chỉ có thể ở một phần trăm nhỏ hơn. Trung thực khoa học là thứ trung thực cao hơn, thứ trung thực tuyệt đối. Làm khoa học phải trung thực tuyệt đối, hay nói nôm na là trung thực từ A đến Z, từ thuyết minh đề tài, đến tiến hành nghiên cứu, đến công bố và đánh giá kết quả. Mà muốn trung thực được như vậy, thì trước hết phải không tự lừa dối mình, trung thực trước hết với chính mình. Trong giới nghiên cứu khoa học đã từng chứng kiến những câu chuyện đầy sức thuyết phục về lòng trung thực. Feynman là một ví dụ. Nếu Vật lý mang lại cho Feynman giải Nobel, thì tính trung thực và hài hước làm ông sống mãi trong hàng triệu triệu trái tim con người. Hay ngay ở Việt Nam chúng ta, Giáo sư Tạ Quang Bửu không chỉ nổi tiếng là một nhà quản lý khoa học và giáo dục có tầm nhìn chiến lược, mà còn bởi quan điểm giáo dục lòng trung thực khoa học. Nhiều thế hệ và giới trí thức vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện về giáo dục đạo đức bậc đại học của ông: Người bình thường thiếu lòng trung thực đã làm hại cho xã hội, người làm khoa học thiếu đức tính trung thực sẽ hại cho xã hội gấp nhiều lần.
Thực tế xã hội vẫn đang tồn tại những kiểu “sao chép” coppy đề tài, sáng kiến khoa học, nó là một kiểu của sự thiếu tính trung thực. Là một hiện tượng đáng báo động trong sinh viên. Một kiểu “mượn” kiến thức, mượn tư duy người khác biến thành của mình và kết quả là sự phản tính khoa học, chưa kể đến sự nguy hại từ kết quả nghiên cứu khoa học của tư duy “vay mượn” mang lại. Hư danh cũng là một kiểu kết quả của sự thiếu trung thực mà xã hội đang phải đối mặt.
Thật không công bằng nếu chỉ nói trong khoa học mới có sự gian dối. Cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều những hiện tượng, những con người thiếu sự trung thực. Song, có thể sự thiếu trung thực ở một hoàn cảnh nào đó chúng ta tặc lưỡi cho qua thì với khoa học là nơi cuối cùng tuyệt đối không thể chập nhận sự nhập nhằng, sự gian dối. Như ta đã nói ở trên, bản thân khái niệm khoa học đã là đối lập tuyệt đối với gian dối, nó là hai thái cực không có sự dung hoà. Mà nếu có “sự dung hoà” bắt buộc giữa chúng thì sản phẩm tạo ra là có hại chứ không có lợi.
Tính trung thực được cho là một trong hai đức tính căn bản cho mọi thứ đạo đức và là đức tính lớn nhất của ý chí. Với sinh viên đại học, có thể hôm nay, trong những nội dung liên quan đến xây dựng đạo đức cho sinh viên gồm hệ thống những quy chuẩn, vấn đề rèn cho sinh viên đức tính trung thực nằm ở đâu? Thiết nghĩ, tính trung thực là đức tính cần thiết nhất ở con người (vì nếu ta không trung thực với chính bản thân mình thì không thể nào trung thực được với xã hội), có nên chăng coi giáo dục đức tính trung thực khoa học như tấm bảng chỉ đường cho giáo dục Đại học?
Nam Giao