Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C và một số yếu tố liên quan của bệnh nhân đang điều trị các chất dạng thuốc phiện tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình năm 2015

Thứ Tư, 30/03/2016
Nội dung được thực hiện theo phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích, kết hợp nghiên cứu hồi cứu trên 266 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện đang điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình. Kết quả nghiên cứu cho thấy như sau:

- Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C (HCV) của bệnh nhân trước khi điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone là 76,3%.
- Những người nhiễm HCV có tỷ lệ cao trong các nhóm: đã từng tiêm chích ma túy chung bơm kim tiêm, tiêm chích ma túy chung bơm kim tiêm trong tháng trước điều trị methadone, đã từng quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, đã từng quan hệ tình dục với gái mại dâm (p<0,05).

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong một nghiên cứu tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình năm 2014, cho thấy song hành với tỷ lệ nhiễm HIV cao trong nhóm nghiện chích ma túy (11,9%) là sự lây nhiễm vi rút viêm gan B (18,7%) và đặc biệt là có một tỷ lệ rất cao bệnh nhân đang điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bị nhiễm vi rút viêm gan C, tỷ lệ này là 68,4% [4].

Đối tượng nhiễm HIV là nghiện chích ma túy chiếm khoảng 2/3 (62,73%) trong số các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện được báo cáo. Trong khi đó, tình hình tệ nạn ma túy hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh hiện có 1.780 người nghiện chích ma túy quản lý được, ước tính có khoảng 2.500 người trên thực tế. Xét về đặc điểm dịch tễ học viêm gan vi rút C, đường lây truyền cũng tương tự như HIV nhưng có sự khác nhau về mức độ trong từng đường lây; sự mắc bệnh viêm gan vi rút C thường âm thầm, khó chẩn đoán và kiểm soát, các phác đồ điều trị và các biện pháp dự phòng chưa thực sự được quan tâm nên tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong nhóm bệnh nhân nghiện chích ma túy.

Để cung cấp bằng chứng, căn cứ về tình hình lây nhiễm vi rút C trong nhóm bệnh nhân nghiện chích ma túy đang dược điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại Trung tâm, chúng tôi tiến hành nghiên cứu, thực hiện nội dung “Xác định tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C và một số yếu tố liên quan của bệnh nhân đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình năm 2015”, nhằm 02 mục tiêu:

1. Xác định tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C của bệnh nhân đang điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Ninh Bình;
2. Mô tả một số yếu tố liên quan với bệnh nhân nhiễm vi rut viêm gan C.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu:
Người nghiện các CDTP đang điều trị thuốc methadone tại TT.PC HIV/AIDS.
Hồ sơ, bệnh án của những bệnh nhân đang điều trị thuốc methadone.

Phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp nghiên cứu định lượng. Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích kết hợp hồi cứu hồ sơ, bệnh án.

Mẫu nghiên cứu: (mẫu toàn bộ)
- 266 BN đang điều trị thuốc methadone.
- 266 bệnh án, hồ sơ của đối tượng nghiện cứu.

Xử lý và phân tích số liệu:
Nhập bằng phần mềm Epidata 3.1 và làm sạch, phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 18.0. Số liệu được trình bày dưới dạng bảng, biểu đồ kết hợp với phiên giải, bàn luận.

III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
3.1.  Tình hình sử dụng ma túy của bệnh nhân
3.1.1. Tình hình sử dụng ma túy của bệnh nhân:

Bảng 1. Tình trạng sử dụng ma túy của bệnh nhân (n=266)

 

Nhận xét:
- Tuổi sử dụng ma túy lần đầu tiên ở lứa tuổi vị thành niên và tuổi trẻ (14-20 tuổi) chiếm tỷ lệ 43,6%, lứa tuổi từ 21-30 chiếm tỷ lệ cao nhất (48,5%); tuổi TCMT lần đầu tiên chiếm 87,6% ở lứa tuổi từ 14-30, qua biểu đồ 1 ta thấy ngoại trừ nhóm tuổi 14-20 thì các nhóm tuổi khác có tỷ lệ TCMT cao hơn tỷ lệ sử dụng ma túy lần đầu; có trên một nửa (51,5%) đối tượng có thời gian sử dụng ma túy thường xuyên từ 6-10 năm.

- Loại ma túy mà đối tượng sử dụng trong tháng trước điều trị methadone hầu hết là CDTP (100%), trong số đó có 35 đối tượng dùng ATS chiếm 13,2%.

- Tỷ lệ đối tượng TCMT trước khi vào điều trị tương đối cao, chiếm 95,9%; phần lớn trong số họ sử dụng ma túy từ 26-30 ngày/tháng.

3.1.2. Các hành vi nguy cơ cao:

Bảng 2. Các hành vi nguy cơ cao của bệnh nhân (n=266)

Bảng 2 cho ta thấy, có gần 1/3 số đối tượng trả lời, họ đã từng TCMT chung BKT, trong tháng trước điều trị có 19,9% họ vẫn dùng chung BKT; tương tự có 1/3 số đối tượng đã từng QHTD với nhiều bạn tình, trong đó có tới 60,7% họ không dùng BCS thường xuyên; có gần 1/3 số đối tượng đã từng QHTD với gái mại dâm, trong số đó có trên một nửa (52%) không dùng BCS thường xuyên.

3.2. Tình hình mắc các bệnh vi rút nguy hiểm và một số hành vi pháp luật của bệnh nhân

Bảng 3.  Phân bố bệnh nhân nhiễm  HIV, HBV, HCV  theo thời gian

 

Nhận xét:
Qua bảng 3 và biểu đồ 2 cho ta thấy tỷ lệ đối tượng bị nhiễm HIV là 13,5%, HBV là 14,3 và HCV rất cao chiếm 76,3%. Sau 6 tháng điều trị methadone, tỷ lệ nhiễm các bệnh trên vẫn còn, riêng tỷ lệ nhiễm HCV vẫn có xu hướng cao hơn.

3.3. Một sô yếu tố liên quan với bệnh nhân nhiễm HCV
3.3.1. Một số hành vi nguy cơ cao liên quan với nhiễm HCV của bệnh nhân

Bảng 4. Các hành vi nguy cơ cao liên quan với nhiễm HCV (n= 266)

Nhận xét:
Qua bảng 4 cho ta thấy có mối liên quan với đối tượng nhiễm vi rút viêm gan C, những người nhiễm HCV có tỷ lệ cao trong các nhóm: đã từng TCMT chung BKT, TCMT chung BKT trong tháng trước điều trị MTD, đã từng QHTD với nhiều bạn tình, đã từng QHTD với gái mại dâm (p<0,05). Nhóm có QHTD không thường xuyên dùng BCS có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn nhóm khác, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, với p>0,05.

3.3.2. Một số yếu tố khác liên quan với nhiễm HCV của bệnh nhân

Bảng 5. Mối liên quan giữa người nhiễm HCV với người nhiễm HIV, HBV và AST (n=266)

Nhận xét:

- Bảng 5, cho ta thấy không có mối liên quan giữa HCV và HIV; trong nhóm đối tượng có dùng ATS, có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, p>0,05.

- Qua bảng 5 và biểu đồ 3, cho ta thấy có mối liên quan giữa HCV và HBV, nhóm đối tượng không nhiễm HBV có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn nhóm nhiễm HBV, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=3,66 (CI95%: 1,76-7,49) và p<0,01.

Bảng 6.  Các yếu tố liên quan khác

Nhận xét:
- Theo thời gian vào viện, nhóm đối tượng vào viện trong năm 2014 và 2015 có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn nhóm đối tượng vào viện trong các năm trước đó. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=3,59 (CI95%: 1,73-7,47) và p<0,01.

- Nhóm có trình độ học vấn thấp (tiểu học và không biết chữ) có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn nhóm có trình độ học vấn cao hơn. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=6,03 (CI95%: 0,79-46,12) và p<0,05.

- Nhóm đối tượng trước khi điều trị MTD họ là những người thất nghiệp và lao động tự do có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn nhóm khác. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=3,64 (CI95%: 1,83-7,22) và p<0,01.

- Nhóm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trước khi điều trị MTD, họ có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn nhóm không có hành vi vi phạm pháp luật. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, OR=1,88 (CI95%: 1,06-3,35) với p<0,05.

KẾT LUẬN
1. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C của bệnh nhân đang điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng methadone:

Tỷ lệ nhiễm vi rut viêm gan C của bệnh nhân trước khi điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone là 76,3%.

2. Một số yếu tố liên quan với lây nhiễm HCV của bệnh nhân

Những người nhiễm HCV có tỷ lệ cao trong các nhóm: đã từng TCMT chung BKT, TCMT chung BKT trong tháng trước điều trị MTD, đã từng QHTD với nhiều bạn tình, đã từng QHTD với gái mại dâm (p<0,05). Nhóm có QHTD không thường xuyên dùng BCS có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn nhóm khác, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, với p>0,05.

Trong nhóm đối tượng có dùng ATS, có tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, p>0,05.

Nhóm bệnh nhân có tỷ lệ nhiễm HCV cao liên quan tới một số yếu tố sau:  nhóm đối tượng không nhiễm HBV, nhóm đối tượng vào viện trong năm 2014 và 2015, nhóm có trình độ học vấn thấp (tiểu học và không biết chữ), nhóm đối tượng trước khi điều trị MTD họ là những người thất nghiệp và lao động tự do, nhóm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trước khi điều trị MTD. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với p<0,05.

KHUYẾN NGHỊ
1. Tăng cường thông tin, truyền thông thay đổi hành vi cho bệnh nhân trong phòng, chống lây nhiễm HCV: không dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục an toàn…

2. Nghiên cứu sâu một số hành vi nguy cơ của bệnh nhân đang điều trị thuốc methadone để trả lời câu hỏi, tại sao những người nhiễm HBV lại ít nhiễm HCV…, trong đó chú ý tới nhóm đang dùng ma túy đá.

3. Đề nghị ngành y tế hoặc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS có kế hoạch điều tra tỷ lệ nhiễm vi rut viêm gan C tại các đối tượng nguy cơ cao và cộng đồng để có kế hoạch dài hạn cho công tác phòng, chống viêm gan vi rút C tại Ninh Bình.

Đỗ Văn Dung, Liên hiệp Các Hội KH&KT tỉnh Ninh Bình
Hoàng Thị Hồng Hạnh, Trung tâm PC HIV/AIDS Ninh Bình

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế (2013), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút C.

2. Đỗ Văn Dung, Hoàng Thị Hồng Hạnh (2014), Các yếu tố liên quan với kết quả điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình 2012-2014. Tạp chí Y học Việt Nam, số 2, tháng 9 năm 2014 (422), tr.37-42.

3. Hội Gan mật Việt Nam (2013), Bản đồng thuận xử trí viêm gan vi rút C.

4. Hoàng Thị Hồng Hạnh, Đỗ Văn Dung (2014), Đánh giá kết quả điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình năm 2012-2014. Tạp chí Y học Việt Nam, số 2, tháng 9 năm 2014 (422), tr.98-102.

5. Hoàng Bình Yên, Nguyễn Bá Cẩn, Nguyễn Văn Nhu và CS (2012), Đánh giá một số kết quả điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tại Thanh Hóa. Tạp chí Y học thực hành, số 889+890, năm 2013, tr.207-210.

6. Hồ Quang Trung, Nguyễn Xuân Ngọc, Đỗ Tiến Bộ và CS (2013), Kết quả điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tại Phú Thọ năm 2012-2013. Tạp chí Y học thực hành, số 889+890, năm 2013, tr.210-215.

7. Cao Thị Vân, Kiêm Sóc Hương, Vân Lại Hồng Nam và CS (2008), Kết quả điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng methadone tại Phòng khám ngoại trú, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Y học thực hành, số 742+743, năm 2010, tr.243-244.

Các tin khác