Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Ứng dụng công nghệ tưới tự động trong sản xuất nông nghiệp

Thứ Tư, 31/10/2018
Ứng dụng hệ thống tưới thông minh là một trong những tiến bộ mới về công nghệ tưới trong sản xuất nông nghiệp, với những ưu thế vượt trội như tiết kiệm nước, giảm công lao động, chi phí, đồng thời cải thiện chất lượng nông sản, đây được coi là giải pháp nâng cao năng suất cây trồng, hiệu quả sản xuất. Đặc biệt trước tình hình khí hậu diễn biến phức tạp thì việc ứng dụng hệ thống tưới nước tự động giúp khắc phục khí hậu từng vùng miền, nâng cao năng suất cây trồng và hơn hết hướng người dân đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Công nghệ tưới mới này đang được các đơn vị, Hợp tác xã nông nghiệp và nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng rộng rãi trong thời gian gần đây.

Đây là vụ thứ 2 gia đình ông Vũ Văn Bảng ở Thôn Đoài Thượng, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình ứng dụng hệ thống tưới tự động trong trồng hoa. Với diện tích nhà lưới rộng 400 mét vuông, được sự hỗ trợ của Chi cục phát triển nông thôn tỉnh, đầu năm 2017 ông đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Ixaren. Với hệ thống này đã đưa nước, phân đến tận bầu các chậu hoa, kể cả những loại hoa được trồng trên các giàn cao tầng. Việc áp dụng công nghệ này tiết kiệm được công chăm sóc, đảm bảo được nhiệt độ cho hoa sinh trưởng, phát triển tốt, kể cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đồng thời thông qua hệ thống này, có thể sử dụng được các loại phân hóa lỏng để bơm thẳng vào rễ cây đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cây trồng.  Đặc biệt đối với cây hoa hồng, việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ góp phần hạn chế sự bạc màu của đất, đất không bị nén, người nông dân kiểm soát được phân bón, giảm tình trạng đất bị thoái hoá.

Phương pháp tưới tự động hiện nay đang được nhân rộng trong sản xuất hoa công nghệ cao trong nhà lưới nhà kính với hình thức tưới nhỏ giọt và tưới phun sương. Trong đó công nghệ tưới nhỏ giọt là biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước nhất, giảm đến 30-60% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Nông dân có thể cung cấp nước, phân bón đến đúng vùng rễ tích cực với liều lượng nhỏ, vừa đủ thông qua hệ thống máy bơm, van, đường ống dẫn nước, đường ống nhỏ giọt, và hiện đại hơn là kết nối với hệ thống máy tính kiểm soát, qua đó giúp cây trồng hấp thu hết dưỡng chất được cung cấp để phát triển.

Hệ thống tưới phun mưa cũng đang được sử dụng nhiều trong nông nghiệp, thích hợp với việc chăm sóc các cây trồng cần nhiều nước tưới cho cả tán lá. phương pháp cũng được áp dụng cho việc tưới các bãi cỏ, các tán cây cảnh ở các địa điểm công cộng, khu nghỉ dưỡng với thiết kế đảm bảo tính mỹ quan. Tại các vườn chè, khu vực trồng hoa, các vườn rau lớn, hệ thống phun mưa đảm bảo phun tưới nước cho toàn bề mặt, cây trồng phát triển tốt từ bộ rễ lên đến bề mặt lá, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư, sức lao động, nguồn nước nhất là vào mùa khô.

Tưới nhỏ giọt và phun sương đang được áp dụng cả trong các mô hình nhà kính tự động, nhà lưới, ngoài vườn ươm, các vườn cây, trang trại rộng lớn, được ứng dụng được trên nhiều loại địa hình, bao gồm cả đồng bằng, miền núi trong sản xuất nhiều loại cây trồng. Hệ thống tưới nhỏ giọt đảm bảo khả năng giữ độ ẩm đồng đều trong tầng đất canh tác do nước không bị thất thoát vì bốc hơi và nước thấm sâu hơn, đồng thời còn kết hợp bón phân hòa tan hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật nên năng suất cây trồng tăng lên, hạn chế sâu bệnh hại.

Đối những vùng sản xuất lớn nếu không áp dụng công nghệ tưới tự động thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn: Chi phí thuê nhân công lớn, không điều tiết được lượng nước và phân bón, không đa dạng hóa được các loại cây trồng. Bởi vậy, công nghệ tưới hiện đại này đã đáp ứng được tối đa nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.

Tại Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Phong, huyện Nho Quan, những năm trước đây việc canh tác các loại cây trồng trên diện tích vườn đồi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những tháng mùa khô cây trồng thường không có nước tưới. Người dân chủ yếu sử dụng biện pháp thủ công để tưới tràn cho toàn bộ diện tích. 1ha thường phải mất tối thiểu một ngày, mỗi ngày phải thuê 03 nhân công tưới liên tục. Chi phí thuê nhân công, tiền điện, nước mỗi ngày phục vụ tưới cũng tốn đến gần triệu đồng, đồng thời không tiết kiệm được nguồn nước.

Cuối năm 2016, Hợp tác xã quyết định đưa cây chanh đào vào trồng, đồng thời tiến hành lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt quấn quanh từng gốc chanh. Nước được lấy từ sông vào bể lắng rồi dẫn qua hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Với hệ thống tưới này chỉ cần mở van, hệ thống sẽ tự động tưới đồng loạt cho hàng trăm gốc chanh. 1ha chanh được hệ thống tưới tự động chỉ trong gần 2h đồng hồ. Hệ thống đã mở ra hướng sản xuất mới cho bà con nông dân ở những vùng đồi núi việc canh tác thường gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay quá trình tích tụ ruộng đất đang diễn ra mạnh mẽ tại các địa phương. Để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì việc đầu tư hệ thống tưới tự động là rất cần thiết. Những năm gần đây được sự hỗ trợ của nhà nước, Hợp tác xã Liên Dương, xã Khánh Dương, huyện Yên Mô đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất nông nghiệp với mục tiêu cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, có tính cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu. Cùng với việc nâng cao trình độ thâm canh của người nông dân, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư công nghệ trong quá trình sản xuất. Đặc biệt trong giai đoạn thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, nguồn tài nguyên nước đang ngày càng cạn kiệt thì việc tưới tiết kiệm được Hợp tác xã đặc biệt quan tâm.

Như vậy nhìn một cách tổng thể, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đã và đang giúp người nông dân nâng cao mật độ canh tác, tăng năng suất, và quan trọng hơn là chất lượng nông sản luôn được đảm bảo qua việc quản lý được dinh dưỡng cây trồng. Để mở rộng thị trường cho nông sản, đưa cây rau và hoa xuất khẩu thì yếu tố theo chốt vẫn là nâng cao chất lượng nông sản, tính cạnh tranh cao, để đạt được điều đó, con đường ngắn nhất vẫn là ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, trong đó có công nghệ tưới tự động.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã đóng góp hữu hiệu vào phát triển nền nông nghiệp hiện đại, ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tưới tiên tiến tiết kiệm nước còn tạo tiền đề, cơ sở thực tiễn quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng đất hoang hóa. Công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cùng với các giải pháp công nghệ về giống, phân bón, tự động hóa đã được ứng dụng hiệu quả cao, góp phần cải thiện đáng kể diện mạo, phát triển nông thôn mới.

Dù mang lại hiệu quả cho cây trồng nhưng tính đến cuối năm 2017, cả nước mới chỉ có trên 276.000 ha diện tích cây trồng được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. So với diện tích cây trồng cả nước, con số được áp dụng còn rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 5%. Đây cũng là một trong những hạn chế mà tỉnh Ninh Bình đang gặp phải. Một trong những nguyên nhân dẫn đến diện tích áp dụng tưới tiên tiến còn ít do chi phí đầu tư cho công trình còn khá lớn. Trong khi đó, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định để người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất. Để nhân rộng các mô hình tưới tiên tiến, Các địa phương và ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho từng loại cây trồng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các trang trại, gia trại, nhất là ở các vùng đồi núi áp dụng rộng rãi mô hình,  đồng thời có cơ chế, chính sách để người dân được vay vốn đầu tư  lắp đặt hệ thống này trong sản xuất.

Thanh Hòa

Các tin khác