Banner chính
Thứ Sáu, 26/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Ứng dụng KHCN vào cuộc sống 30 năm sau đổi mới

Thứ Sáu, 23/12/2016
Sau 30 năm đổi mới, nền khoa học-công nghệ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn như: giải mã hệ gen 36 giống lúa bản địa, ghép tế bào gốc điều trị các bệnh hiểm nghèo, giàn khoan dầu khí tự nâng 90m nước... Có thể nói, khoa học - công nghệ ngày nay đã đi vào mọi mặt của cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp

- Giúp nông dân làm giàu:

Một trong những thành tựu lớn nhất của khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp là thực hiện thành công Đề án giải mã hệ gen 36 giống lúa bản địa (năm 2013). Đây là lần đầu tiên Việt Nam giải mã hoàn chỉnh hệ gen đầy đủ của một loại thực vật bậc cao rất quan trọng đối với nền nông nghiệp Việt Nam là cây lúa. Nhờ đó, các nhà khoa học có thể tạo ra được những giống lúa chất lượng cao, khả năng chống chịu các loại sâu bệnh tốt, giúp tăng năng suất cho nông dân.

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, để giúp nông dân làm giàu, Chương trình Nông thôn và Miền núi đã triển khai 854 dự án tại 62 tỉnh thành phố, chuyển giao được 4.761 lượt công nghệ vào sản xuất, tập huấn cho hơn 236 nghìn lượt nông dân, đồng thời đưa các kết quả nghiên cứu khoa học đến với bà con nông dân ở nhiều vùng miền, nhất là những nơi khó khăn. Nhờ đó, đã làm thay đổi thói quen canh tác của người dân, bà con đã tạo ra được những sản phẩm mới, chất lượng cao giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

- Gia tăng giá trị nông sản:

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) đã khởi xướng hoạt động sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ ở các địa phương thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68). Chương trình đã hỗ trợ việc tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho hơn 100 đặc sản ở các địa phương như: nước mắm Phú Quốc, bưởi Đoan Hùng, chè San tuyết Mộc Châu... Nhờ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà giá bán các sản phẩm như cam Vinh, cam Cao Phong đã tăng 50%, chè Mộc Châu và chè Tân Cương tăng tới 200%, gạo nếp cái hoa vàng Kinh môn (Hải Dương) tăng 25%...

Bên cạnh đó, Chương trình 68 đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế cho hơn 60 giải pháp, công nghệ của người Việt Nam và phê duyệt để hỗ trợ cho triển khai 125 dự án.

Có thể thấy Chương trình 68 đã thực sự góp phần đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết quả của chương trình còn cho thấy, sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực hoạt động quan trọng của khoa học công nghệ, nhất là khi Việt Nam đang và sắp tham gia một loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương.

- Làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến về y học:

Những năm gần đây, nghiên cứu khoa học trong y học đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật nhất là những đề tài của Chương trình Nghiên cứu trọng điểm cấp nhà nước về ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc và bảo vệ cộng đồng (KC10). Ghép tạng là một ví dụ điển hình. Thành công của những ca ghép thận, gan, tim của các bệnh viện Quân y, Việt Đức, Bạch Mai, Trung ương Huế... đã cho thấy những tiến bộ rất đáng kể của y học Việt Nam, không chỉ mang lại cuộc sống và niềm vui cho cả ngàn bệnh nhân suy tạng mà còn rút ngắn khoảng cách phát triển so với nền y học thế giới.

Bên cạnh đó, KC10 còn có nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh nhiễm trùng, trong chẩn đoán trước và sau sinh, xác định đột biến gene trong điều trị ung thư phổi và ung thư tuyến giáp, đặc biệt là trong sản xuất thuốc và vắc xin. Việc ra đời vắcxin Rotavirus phòng bệnh tiêu chảy là một thành công lớn của ngành dược trong nước, tạo tiếng vang trên trường quốc tế, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 4 trên thế giới và đứng thứ 2 châu Á về sản xuất loại vắc xin này.

Những thành công trên đã đưa ngành Y dược Việt Nam tiến thêm một bước trên con đường làm chủ những kỹ thuật công nghệ tiên tiến về y học.

- Đứng thứ 52/141 nền kinh tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu:

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là thước đo quan trọng để đánh giá tổng thể về phát triển khoa học công nghệ của một quốc gia. Những năm gần đây, chỉ số này của Việt Nam đã liên tục được cải thiện và năm 2015 là năm có kết quả ấn tượng nhất. Việt Nam đứng thứ 52 trên tổng số 141 nền kinh tế (tăng 19 bậc so với năm 2014) và tiến xa hơn so với các nền kinh tế có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tính riêng tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3, chỉ sau Singapore và Malaysia.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật trên, còn phải kể đến một số thành tựu khác trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam như: nghiên cứu cơ bản nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, môi trường, đặc biệt là an ninh quốc phòng (số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 lên tới trên 11.700 bài, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, đạt tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm). Đóng góp của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế trong 4 năm (2011-2014) trung bình là 26%/năm, riêng năm 2014 là 40%.

Những thành tựu kể trên là kết quả của việc triển khai những chính sách mới về khoa học công nghệ, qua đây cũng cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành trong việc đưa chính sách vào cuộc sống.

- Để thích nghi và đáp ứng với tình hình mới:

Mặc dù đã có bước tiến khá ngoạn mục, nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để thích nghi và đáp ứng với tình hình mới khi quan hệ quốc tế của Việt Nam ngày càng được mở rộng.

Việc Việt Nam ra nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho ngành khoa học công nghệ nói riêng và cho nền khoa học công nghệ của đất nước nói chung. Trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề sở hữu trí tuệ. Về vấn đề này, Bộ trưởng bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân khuyến cáo, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị thật tốt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Doanh nghiệp nào có tài sản trí tuệ cần đăng ký ngày để được bảo hộ. Bên cạnh đó, cần phải nhanh chóng đổi mới công nghệ, không chỉ đổi mới máy móc mà cần đổi mới cả hệ thống quản lý kèm theo và nguồn nhân lực tương ứng.

Việc cập nhật thông tin thị trường khoa học công nghệ cũng rất cần thiết, cần có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học sát cánh bên doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đánh giá nhu cầu công nghệ, tốc độ đổi mới công nghệ, giá trị giao dịch công nghệ… cũng cần được cập nhật liên tục. Đối với các lĩnh vực nông nghiệp, y dược, công nghiệp… cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để tạo chuỗi giá trị, từ nghiên cứu đến sản xuất và thương mại hóa.

Thanh Khê

Các tin khác