Hiện, đã có những chính sách của nhà nước hướng tới việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị như Quyết định 62, Quyết định 210, Quyết định 889, Quyết định 55… Tuy nhiên, chính sách của nhà nước cũng còn nhiều bất cập và chưa hợp lý khi triển khai. Hiện nay, một số các quyết định nêu trên đang được sửa đổi theo hướng phù hợp với thực tiễn hơn.
Mặt khác, đầu tư vào nông nghiệp là lĩnh vực khó. Ngay cả trong đầu tư FDI, nếu so vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp với đầu tư FDI nói chung thì tỷ lệ cũng rất thấp. Đây là điều dễ hiểu bởi đầu tư vào nông nghiệp chịu rủi ro cao, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Ở những vùng sâu, vùng xa, nhiều nhà đầu tư còn ngần ngại khi hạ tầng có nhiều yếu kém. Vì vậy, cần phân tích chính xác hiện trạng chuỗi giá trị nông sản trên thế giới và ở Việt Nam, từ đó đề ra các giải pháp vĩ mô và vi mô để nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế.
2. Những khái niệm cơ bản về chuỗi giá trị nông sản toàn cầu
Không có một định nghĩa chung nào được công nhận cho ý nghĩa thực sự của chuỗi giá trị nông nghiệp. Các định nghĩa được công bố bao gồm định nghĩa của Ngân hàng Thế giới - World Bank “chuỗi giá trị mô tả đầy đủ một chuỗi các hoạt động tăng thêm giá trị được yêu cầu để mang đên một sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua các giai đoạn của sản xuất, bao gồm sơ chế nguyên liệu thô và các đầu vào khác” , còn UNIDO định nghĩa là “các bên tham gia được liên kết với nhau dọc theo một chuỗi sản xuất, chuyển đổi và mang sản phẩm và dịch vụ tới tay khách hàng cuối cùng thông qua một chuỗi các hoạt động” và CIAT “một chiến lược liên kết giữa một số các tổ chức doanh nghiệp”.
Không có một định nghĩa phổ biến toàn cầu sử dụng, cụm từ “chuỗi giá trị” hiện nay được sử dụng để đề cập đến các loại chuỗi, bao gồm:
- Một thị trường hàng hoá quốc tế hoặc vùng: như “chuỗi giá trị vải cotton toàn cầu”, “chuỗi giá trị ngô Nam Phi”, hoặc “chuỗi giá trị cà phê Brazil”.
- Một thị trường hàng hoá quốc gia hoặc địa phương hoặc một hệ thống tiếp thị như là “chuỗi giá trị cà chua Ghana” hoặc “chuỗi giá trị cà chua Accra”.
- Một chuỗi cung mở rộng hoặc kênh tiếp thị mà bao gồm tất cả các hoạt động cần thiết để sản xuất sản phẩm, bao gồm thông tin/sự mở rộng, kế hoạch, cung cấp đầu vào và tài chính. Nó có thể là cách được sử dụng phổ biến nhất cho thuật ngữ chuỗi giá trị.
2.1. Chuỗi giá trị.
Theo từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì Chuỗi giá trị là một khái niệm dùng trong quản trị kinh doanh và được sử dụng đầu tiên bởi Michael Porter vào năm 1985. Chuỗi giá trị được định nghĩa là: Tổng thể các hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu thụ một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Trong chuỗi giá trị diễn ra quá trình tương tác giữa các yếu tố cần và đủ để tạo ra một hoặc một nhóm sản phẩm và các hoạt động phân phối, tiêu thụ sản phẩm, nhóm sản phẩm đó theo một phương thức nhất định. Giá trị tạo ra của chuỗi bao gồm tổng các giá trị tạo ra tại mỗi công đoạn của chuỗi; chuỗi giá trị cốt lõi;cấu trúc hạ tầng.
Trong chuỗi giá trị, các công đoạn cơ bản và tất yếu bao gồm: chuẩn bị sản xuất, sản xuất, sau sản xuất, tiếp thị và bán hàng. Các công đoạn này diễn ra kế tiếp nhau và tác động lẫn nhau để cùng tạo ra sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm đó. Để chuỗi giá trị diễn ra bình thường thì bên cạnh các hoạt động sản xuất phải có các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, đó là: quản lý hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực, cung cấp thông tin, và những dịch vụ bảo trì thiết bị, nhà xưởng sản xuất...
Tổng hợp các hoạt động khác nhau trong một chuỗi giá trị bao gồm:
- Nghiên cứu chiến lược phát triển sản phẩm;
- Thiết kế mẫu mã sản phẩm, quy trình sản xuất;
- Tổ chức sản xuất;
- Tổ chức tiếp thị và bán hàng;
- Phân phối lợi ích của chuỗi cho các tác nhân tham gia vào từng công đoạn của chuỗi;
- Dịch vụ chăm sóc, hậu mãi khách hàng;
- Các biện pháp bảo vệ môi trường và phát triển kinh doanh bền vững.
2.2. Chuỗi giá trị toàn cầu
Quá trình phát triển kinh tế của loài người đến nay đã đạt tới sự liên kết, quan hệ vượt qua phạm vi biên giới một quốc gia để hình thành các công ty xuyên quốc gia trong một khu vực và tới nhiều khu vực khác trên thế giới. Đó là quá trình toàn cầu hóa về kinh tế trong những thập niên gần đây. Trong quá trình này, các chuỗi giá trị của các sản phẩm đã hình thành trước đó trong một quốc gia đã từng bước mở rộng ra khỏi biên giới quốc gia đó, xâm nhập vào các quốc gia khác, tạo ra chuỗi sản phẩm dài hơn, mang lại giá trị cao hơn hay nói cách khác là quy mô lớn hơn, có nhiều tác nhân tham gia hơn.
Thực tiễn toàn cầu hóa về kinh tế những năm vừa qua, đặc biệt trong thập kỷ gần đây đã cho thấy, một sản phẩm được sản xuất ra ở một quốc gia nào đó, được xuất khẩu và tiêu thụ ở những quốc gia khác đã tạo ra chuỗi các giá trị toàn cầu, trong đó có những giá trị được tạo ra ở nơi sản xuất và những giá trị tạo ra ở nơi tiêu thụ. Nói cách khác, giá trị của một chuỗi sản phẩm xuất khẩu bao gồm cả giá trị ở nước sản xuất và giá trị ở nước tiêu thụ, giá trị đó được gọi là giá trị mang tính toàn cầu.
Trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ các công đoạn cơ bản nói trên sẽ hình thành nhiều công đoạn nhỏ với sự tham gia của nhiều tác nhân: công đoạn nghiên cứu sản phẩm có thể được phân công cho các cơ sở nghiên cứu công nghệ ở một quốc gia hay một vài quốc gia cùng tham gia; công đoạn sản xuất ra sản phẩm cũng có thể diễn ra ở một nước hay một số nước với sự tham gia của một hay nhiều công ty; công đoạn tiêu thụ được diễn ra theo hệ thống phân phối ở nhiều nước tham gia vào chuỗi giá trị. Các công đoạn nghiên cứu, phát triển và xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm của chuỗi là nơi tạo ra giá trị cao và đóng góp lớn nhất trong việc tạo lợi nhuận cho toàn chuỗi, những giá trị này thường nằm trong tay các nước phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, mang theo cả những giá trị được tạo ra ở nước nghèo hơn. Chính vì vậy, nếu các nước đang phát triển, kinh tế nghèo nàn, công nghệ thấp kém không nỗ lực vươn lên để chiếm lĩnh lại những thành tựu công nghệ mới theo khả năng và lợi thế của mình, từ đó giành lại lợi ích ở cả công đoạn nghiên cứu tạo sản phẩm mới, tạo giá trị gia tăng mới, cao hơn, thì sẽ luôn rơi vào tình trạng thua thiệt.
Các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới là những nước đang sở hữu những tập đoàn kinh tế có thương hiệu lớn và nắm giữ hầu hết các bằng phát minh sáng chế công nghệ sản phẩm mới của thế giới. Từ các công nghệ này họ khống chế chuỗi giá trị toàn cầu về một sản phẩm nào đó và kéo theo nhiều quốc gia tham gia.
Tuy nhiên quá trình toàn cầu hóa cũng tạo ra lợi thế khác cho các nền kinh tế chậm phát triển, đó là lợi thế cạnh tranh hơn về chí phí lao động rẻ và các nguồn đầu vào về tài nguyên thiên nhiên như đất đai, năng lượng…mà các nước giàu không có được. Vì vậy, trong chuỗi giá trị toàn cầu các nước nắm công nghệ cơ bản của chuỗi buộc phải chuyển giao cho các nước kém phát triển hơn tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Sự tham gia của nhiều nước vào quá trình sản xuất các sản phẩm dưới thương hiệu của các hãng nổi tiếng là một quá trình phát triển chuỗi giá trị ngày càng phong phú. Trong quá trình này lợi ích của các hãng chính quốc đã buộc phải chia sẻ nhiều hơn cho các tác nhân ở các nước chậm phát triển hơn, khi họ tham gia được vào chuỗi giá trị diễn ra ngay trên quê hương họ và chính các tác nhân này vừa nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi vừa phân phối lại lợi nhuận được tạo ra trong sản xuất và phân phối sản phẩm đó, theo đó chuỗi giá trị khi mở rộng ra nhiều nước thì lợi ích càng phải chia sẻ nhiều hơn, chi phí ngày càng lớn hơn.
Như vậy có thể thấy bản chất của chuỗi giá trị toàn cầu là sự phát triển của những hoạt động sản xuất trực tiếp và những hoạt động liên quan đến sản xuất, phân phối một sản phẩm xuyên quốc gia, theo nhiều kênh và phương thức khác nhau, với sự tham gia ngày càng nhiều các tác nhân ở các nước mà sản phẩm của chuỗi với đến, từ đó tạo ra sự đa dạng của các chuỗi giá trị và sự đa dạng về quy mô, về giá trị và số lượng tác nhân tham gia vào chuỗi.
3. Hiện trạng chuỗi giá trị nông sản Việt Nam
Mục tiêu đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo giảm từ 10% xuống còn 5- 6%; thủy sản, rau quả xuống dưới 10% so với 20% hiện nay... Theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đã được cụ thể hóa bằng Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2013, nhưng cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào hiệu quả.
“Mục tiêu như vậy là rất thách thức nếu như không có các giải pháp để áp dụng các công nghệ sau thu hoạch. Chúng ta cần có những hành động chính sách cụ thể hơn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này thời gian qua Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Bởi việc hình thành cánh đồng mẫu lớn, liên kết nông dân - doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất hàng hoá nông sản, phát triển hợp tác xã kiểu mới vẫn còn nhiều hạn chế.
Đến nay tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của ngành nông nghiệp vẫn đang diễn ra khá phổ biến và theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp khi người nông dân sở hữu ít diện tích canh tác nên việc thu gom, trung chuyển ra thị trường và các trung tâm sản xuất lớn đều do các thương lái thực hiện. Chính vì vậy, kéo theo đó là không chỉ xuất hiện hàng loạt những doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực logistics có quy mô nhỏ, lẻ hoạt động rời rạc, thiếu trang bị những trang thiết bị cơ sở vật chất, thiếu công nghệ dẫn đến tổn thất về cả lượng và chất mà còn tạo ra một “hàng rào vô hình” cô lập người sản xuất với thị trường, càng chịu sự phụ thuộc vào thương lái.
Các doanh nghiệp trong ngành có quy mô về vốn lớn từ 50 tỷ đồng trở lên còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 4,68% trên tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vựcnông nghiệp. Số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất qua các năm chủ yếu là các doanh nghiệp có số vốn tương đối nhỏ từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng. Thậm chí, một số doanh nghiệp chỉ có số vốn dưới 500 triệu đồng.
Không chỉ vậy, sự manh mún trong hệ thống logistics còn được thấy rõ từ việc các doanh nghiệp là công ty xuất nhập khẩu, nhà máy, doanh nhân, các công ty sản xuất nông sản tự đầu tư xe, kho thay vì hợp tác những đơn vị logistics chuyên nghiệp đầu tư phương tiện vận chuyển nông sản chuyên dụng, kho bảo quản lạnh để giảm thiểu tổn thất, giảm chất lượng, giá trị của hàng hoá nông sản.
Theo đại diện các doanh nghiệp logistics có đầu tư bài bản, đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về vận chuyển, bảo quản nông sản, các doanh nghiệp logistics nhỏ lẻ nói trên thường đưa ra giá thành vận tải thấp nhưng lại thiếu những tiêu chí kiểm soát chất lượng nên sản phẩm nông sản tổn thất cao hơn do hư hỏng, nhiễm bẩn... Đồng thời, chính bản thân những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản cũng đặt “yếu tố giá cả lên trên chất lượng” nên khiến cho những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải lạnh gặp rất nhiều khó khăn.
“Thực sự đến nay những khách hàng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng về chuỗi cung ứng logistics lạnh. Nhằm giảm chi phí, họ chấp nhận vận chuyển nông sản bằng xe thường.
Ở góc độ khác, tại những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, có sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị cũng chưa đầu tư áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch đã khiến cho chất lượng, giá trị nông sản của Việt Nam bị giảm sút. Đã từng nghe một số doanh nghiệp sản xuất nông sản lý giải rất ngại đầu tư hệ thống kho trữ lạnh sau thu hoạch vì nguyên nhân sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ nên việc đầu tư sẽ không đạt hiệu quả; trong khi chi phí đầu tư kho lạnh khá cao và việc vận hành làm tăng giá thành sản phẩm.
Ba nút thắt lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu:
- Chất lượng sản phẩm thấp, giá trị gia tăng thấp.
- Chế biến, thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, kiểm soát an toàn thực phẩm là những khâu rất yếu.
- Vấn đề về khoa học công nghệ của Việt Nam đang là thách thức rất lớn, trong bối cảnh hội nhập và cách mạng 4.0
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu phải tập trung tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đây là một đòi hỏi lớn và cấp bách, nếu không làm được điều này nông nghiệp sẽ không những không phát triển mà còn bị tụt hậu.
4. Làm gì để nâng cao chất lượng nông sản của Việt Nam (Giải pháp và mô hình thực tiễn)
Tại Hội nghị toàn thể ISG 2017, quan điểm và định hướng phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, nhằm thúc đẩy hội nhập vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu đã được xác định rõ. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu là tất yếu đối với Nông nghiệp Việt Nam.
Quan điểm:
- Phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế gắn với các hiệp định quốc tế đã ký kết. Tận dụng lợi thế so sánh nổi trội, phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng xuất khẩu nông sản có chất lượng, giá trị và uy tín trên thị trường thế giới.
- Đảm bảo các lợi ích về kinh tế, xã hội môi trường, quốc phòng, chính trị, ngoại giao, phát huy tối đa lợi thế so sánh của các bên.
- Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế. Lấy nông dân làm chủ lực, doanh nghiệp làm tiên phong, huy động nguồn lực tổng hợp, trong đó chú trọng tạo điều kiện và động lực cho các tác nhân, huy động nội lực, phát triển chủ động.
Định hướng:
- Cơ cấu lại nông nghiệp theo lĩnh vực, sản phẩm, theo lợi thế và nhu cầu thị trường; - Áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng dần tỷ trọng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường;
- Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp với các nước trên thế giới;
- Xâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua cơ hội liên kết với các tập đoàn chế biến và phân phối lớn toàn cầu, đặc biệt là theo đối tác công tư (PPP);
Các nhiệm vụ trọng tâm:
- Thứ nhất, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
- Thứ hai, tập trung phát triển thị trường cả trong nước và quốc tế, phát triển các kênh phân phối, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng.
- Thứ ba, kêu gọi và thúc đẩy khu vực tư nhân xây dựng kế hoạch đầu tư, kinh doanh phù hợp hơn với các nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu phát triển chiến lược của Chính phủ.
- Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và chính sách, cải cách hành chính, dịch vụ công, huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Các giải pháp:
+ Sản xuất theo chuỗi và đảm bảo chất lượng nông sản (Quy hoạch và sản xuất các cây trồng vật nuôi chủ lực theo ngành hàng phù hợp với các vùng sinh thái khác nhau trong cả nước).
Để nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản của Việt Nam, cần chú trọng tới việc nâng cao chất lượng nông sản. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên liên quan, từ nông dân, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu, nhà khoa học và cả cơ quan quản lý Nhà nước.
+ Các giống cây con của các ngành hàng chủ lực
Tình trạng giống rởm, giống giả, giống kém phẩm chất dẫn tới giảm chất lượng, giá trị nông sản đang diễn ra phổ biến ở các tỉnh phía Nam. Ví dụ tại ĐBSCL, lượng giống lúa hằng năm cần khoảng 500 ngàn tấn, tuy nhiên lượng hạt giống đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận chỉ chiểm khoảng 30% tổng lượng hạt giống lúa của vùng này. Gần đây ở các tỉnh phía Bắc, việc một số đại lý bán giống Siêu nguyên chủng thay cho giống xác nhận là một việc làm phi lý, vì trong thực tế, giống siêu nguyên chủng chỉ dùng để sản suất các giống nguyên chủng và giống xác nhận;
Trước mắt, cần bắt đầu từ việc ứng dụng kỹ thuật phục tráng các giống cây trồng bản địa có giá trị cao như lúa Nếp cái hoa vàng; Tám thơm Hải Hậu; Nàng thơm; Nếp Cẩm; xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng hạt lép Chín Hóa, bưởi da xanh, Thanh long ruột đỏ, ruột tím, vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn; nhãn lồng Hưng Yên, sử dụng công nghệ sinh học, đột biến, lai tạo các giống cây trồng mới có chất lượng tốt, giá trị thương mại cao như, Rau - Hoa - Quả cao cấp: dưa hấu không hạt; dưa chuột bao tử; cà chua quả nhỏ; Dâu tây; chanh leo; Ngô nếp lai; Ngô đường; dưa lưới; Ổi Đài Loan… hoa cẩm chướng thơm; hoa cúc Nhật… xà lách Nhật; Măng tây; Đậu tương rau; Lạc đen; Cây đậu núi cho dầu chứa Omega-3 cao hơn trong dầu Ôliu…
+ Ứng dụng kiến thức bản địa kết hợp công nghệ cao trong sản xuất các cây trồng và vật nuôi của các ngành hàng chủ lực, chú trọng cơ giới hóa; tiết kiệm năng lượng; tiết kiệm nước; sử dụng phân bón hữu cơ sinh học và hữu cơ vi sinh; chế phẩm sinh học trong bảo vệ thực vật, thú y;
+ Công nghệ sau thu hoạch: đầu tư phát triển công nghệ thu hoạch - bảo quản - chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị cho nông sản xuất khẩu; đồng thời, tăng cường liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý để phát triển sản xuất quy mô lớn, đảm bảo chất lượng nông sản ổn định lâu dài.
+ Nhà nước cần hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch thực vật; nghiên cứu và thông tin chính xác về nhu cầu thị trường để tổ chức sản xuất hợp lý và tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá mặt hàng nông sản đạt hiệu quả; đồng thời có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá vì lợi ích riêng.
+ Hàng rào kỹ thuật. Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu và vượt qua các hàng rào kỹ thuật, cần khuyến khích nông dân, doanh nghiệp, ngoài việc hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi để kiểm soát chất lượng nông sản hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và tăng cường khả năng đàm phán, thương thảo với các thị trường xuất khẩu để có những tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp.
+ Để giảm nguy cơ tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng trong nông sản xuất khẩu, nông dân, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu đều phải nắm vững và thường xuyên cập nhật các tiêu chí về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Vì mỗi quốc gia lại có một tiêu chuẩn MRL khác nhau và thường xuyên thay đổi. Thêm vào đó, người sản xuất phải hiểu biết những dịch hại chính trên cây trồng và biện pháp phòng trừ phù hợp. Thực hành sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến như VietGAP, GlobalGap; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO... Chỉ khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, đặc biệt là tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm thì nông sản Việt Nam mới tận dụng được các lợi thế về hội nhập kinh tế để mở rộng thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu, góp phần phát triển một nền nông nghiệp bền vững; thân thiện với môi trường và nâng cao đời sống cho người nông dân.
+ Truy xuất nguồn gốc.
Sử dụng Mã QR một mã ma trận (hay mã vạch hai chiều) được phát triển bởi công ty Denso Wave (Nhật Bản). “QR” - Quick Response, nghĩa là đáp ứng nhanh, cho phép mã được giải mã ở tốc độ cao. Các mã QR là loại mã hai chiều thông dụng nhất ở Nhật Bản. Gần đây, phần mềm đọc mã QR đã được cài vào điện thoại di động có gắn camera (camera phone). Điều này đưa đến các ứng dụng mới và đa dạng hướng về người tiêu dùng, nhằm làm nhẹ nhàng việc nhập dữ liệu vào điện thoại di động. Mã QR cũng được thêm vào danh thiếp, làm đơn giản đi rất nhiều việc nhập dữ kiện cá nhân của người mới quen. Người dùng có chương trình thu tín hiệu (capture program) và máy tính có giao diện RS-232C có thể dùng máy quét ảnh (scanner) để thu dữ liệu. Tiêu chuẩn Nhật Bản cho các mã QR, JIS X 0510, được công bố vào tháng 1 năm 1999, và Tiêu chuẩn Quốc tế ISO tương ứng, ISO/IEC18004, được chấp thuận vào tháng 6 năm 2000.
Mã QR code
Theo đó, chỉ cần sử dụng smartphone chạy hệ điều hành IOS hoặc Android có kết nối mạng internet, người tiêu dùng có thể quét mã QR code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối. Ngoài ra, qua việc quét mã QR code, người tiêu dùng sẽ thấy được các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm và có thể phản hồi ý kiến tới cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Ứng dụng này là một dự án hữu ích và cần thiết, góp phần quan trọng trong việc minh bạch thông tin tới người tiêu dùng.
Ngoài ra, ứng dụng còn giúp tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản, tránh cho người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, chương trình còn giúp các doanh nghiệp mở rộng quảng bá, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh giao thương giữa người sản xuất, doanh nghiệp phân phối cũng như người tiêu dùng.
Nếu như các mã vạch này được tạo bởi một hệ thống chuyên biệt, mã hoá riêng và chỉ có thể được giải mã, đọc khi khớp với nội dung mã được luư trữ trên máy chủ của nhà cung cấp mã vạch, thì những mã số mã vạch này thực sự có khả năng chống hàng giả một cách hiệu quả.
Truy xuất nguồn gốc với Tracebility
TraceVerified là hệ thống đáp ứng các yêu cầu mới nhất của truy xuất nguồn gốc điện tử. Truy xuất nguồn gốc điện tử qua hệ thống TraceVerified sẽ thực sự mang đến người dùng những lợi ích vượt trội, bởi dữ liệu luôn ở đó khi chúng ta cần, bao gồm trong quá trình sản xuất, khi nhập vào kho bãi, thông quan qua cửa khẩu, lúc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng,.. tất cả đều nhanh chóng và rõ ràng. Hơn thế nữa, thông tin truy xuất nguồn gốc còn thường xuyên được thẩm tra nhằm đảm bảo tuân thủ quy tắc của hệ thống.
Điểm nhấn tạo ra sự khác biệt trong hệ thống TraceVerified chính là thông tin truy xuất sẽ được thẩm tra để đảm bảo phù hợp với quy tắc của hệ thống, kết hợp với việc kiểm chứng hoặc phân tích kiểm nghiệm nhằm xác thực thông tin.
TraceVerified cam đoan mọi thông tin trong hệ thống đều có thể xác minh được bằng việc thẩm tra thường xuyên và đột xuất tại nơi cung cấp thông tin. Hiện đã có hệ thống truy xuất điện tử phù hợp cho chuỗi tôm, Rau - Củ - Quả, cá tra và sẽ phát triển ứng dụng sang toàn bộ chuỗi thực phẩn của Việt Nam.
GS.VS. Trần Đình Long
Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam