Banner chính
Thứ Tư, 04/12/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Ba nhà khoa học Việt được vinh danh tầm thế giới năm 2019

Thứ Năm, 20/02/2020
Năm 2019, nhiều gương mặt nhà khoa học Việt/ gốc Việt tiếp tục khẳng định mình và được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận, vinh danh vì những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực chuyên môn. Đó là Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp và Giáo sư Dương Quang Trung.

1. Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh được trao giải thưởng dành cho nhà khoa học nữ nổi bật thế giới

Nguyễn Thị Kim Thanh, Giáo sư gốc Việt đến từ Đại học College London vừa được trao giải thưởng Rosalind Franklin của Hội Khoa học Hoàng gia Anh vì những thành tích nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vật liệu nano.

Đây là giải thưởng được trao cho các cá nhân có đóng góp nổi bật trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) và nhằm để khuyến khích vai trò của phụ nữ trong STEM.

Giải thưởng được đặt theo tên của nhà lý sinh học Rosalind Franklin, người đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát hiện cấu trúc ADN. Giải thưởng này lần đầu tiên được trao vào năm 2003.

Với những thành tựu nghiên cứu và dự án có tầm ảnh hưởng lớn về ứng dụng vật liệu nano trong lĩnh vực y sinh, chăm sóc sức khoẻ, GS. Thanh đã được nhận Giải thưởng Rosalind Franklin năm 2019.

Giáo sư gốc Việt được trao giải thưởng dành cho nhà khoa học nữ nổi bật thế giới

GS. Thanh đã được nhận Giải thưởng Rosalind Franklin năm 2019.

Ngoài giải thưởng gồm huy chương bằng bạc, một khoản hỗ trợ dự án 40.000 bảng và món quà trị giá 1.000 nghìn bảng, GS. Thanh còn có vinh dự được trình bày bài giảng về “Vật liệu nano từ phòng thí nghiệm đến giường bệnh” trước giới khoa học hàng đầu của Anh.

GS. Thanh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1992. Thời gian sau, bà đi du học và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu quốc tế có uy tín tại Hà Lan, Mỹ và Anh. Từ năm 2013, bà đảm nhận vị trí giáo sư tại Đại học College London và dẫn đầu một nhóm thực hiện nghiên cứu liên ngành tiên tiến về thiết kế và tổng hợp vật liệu nano cho ứng dụng y sinh.

2. Giải thưởng Ramanujan lần đầu tiên trao cho một nhà khoa học Việt Nam - Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp

Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán hoc - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được Trung tâm quốc tế Vật lý lý  thuyết (ICTP) trao Giải thưởng Ramanujan năm 2019.

Giải thưởng lấy tên nhà toán học thiên tài Srinivasan Ramanujan (1887-1920), một nhà toán học Ấn Độ tự học nhưng đã có những phát hiện rất quan trọng khi còn rất trẻ. Giải Ramanujan được tài trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ và Quỹ Abel của Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân văn Na Uy với sự cộng tác của Liên đoàn Toán học quốc tế (IMU).

Giải thưởng Ramanujan được trao hàng năm cho một nhà toán học trẻ (dưới 45 tuổi) hoặc nhóm nhà khoa học trẻ có cống hiến cho công trình nhận giải ở các nước đang phát triển. Giải được trao lần đầu tiên năm 2005 cho Marcelo Viana, hiện nay là Viện trưởng Viện Toán lý thuyết và ứng dụng quốc gia nổi tiếng của Brazil (IMPA).

Đến năm 2019, đã có 15 nhà khoa học trẻ được nhận giải Ramanujan, gồm: Argentina có 3 nhà khoa học; Braxin: 3; China: 3; Gabon:1; India: 3; Mexico:1 và mới đây nhất là Việt Nam với Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp. Giá trị của giải thưởng là 15.000 đô la Mỹ. Tác giả Giải thưởng Ramanujan được mời sang Trung tâm quốc tế Vật lý lý thuyết (ICTP) vào ngày 31 tháng 12 năm 2019 để nhận Giải thưởng.

Giải thưởng ghi nhận những đóng góp nổi bật của GS. Phạm Hoàng Hiệp trong lĩnh vực giải tích phức, đặc biệt trong lý thuyết đa thế vị mà ở đó anh đã có một kết quả nghiên cứu quan trọng về kỳ dị của hàm đa điều hòa dưới, phương trình Monge-Ampère phức và ngưỡng chính tắc với những ứng dụng quan trọng trong hình học đại số và hình học Kähler phức. Giải thưởng cũng ghi nhận những đóng góp của GS. Phạm Hoàng Hiệp trong sự phát triển Toán học ở Việt Nam.

Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp (trái).

Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2004, bảo vệ luận án Tiến sỹ tại Đại học Umea, Thụy Điển, năm 2008, bảo vệ luận án Tiến sĩ Khoa học tại Đại học Aix-Marseille, Pháp năm 2013, Phạm Hoàng Hiệp được phong chức danh Phó Giáo sư năm 2011 và Giáo sư năm 2017.

Anh bắt đầu công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội và sau đó chuyển về Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Anh đã công bố gần 40 bài báo trên các tạp chí toán học quốc tế, một quyển sách chuyên khảo và 2 quyển sách giáo trình giảng dạy đại học và sau đại học. Anh là nhà toán học Việt Nam ở trong nước đầu tiên có bài đăng trên tạp chí Acta Mathematica, một trong những tạp chí toán học hàng đầu của thế giới. Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp cũng là nhà khoa học trẻ nhất được Nhà nước phong tặng Giáo sư vào năm 2017.

GS. Phạm Hoàng Hiệp đã được tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng: Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011; Giải Nhất giải thưởng Khoa học và Công nghệ trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2013; Giải thưởng Viện Toán học năm 2013; Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ năm 2015; Thành viên trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS) giai đoạn 2016-2020.

3. Giáo sư Dương Quang Trung đoạt giải công trình nghiên cứu xuất sắc Nhất tại Hội nghị viễn thông hàng đầu thế giới

Giáo sư Dương Quang Trung - Trường Đại học Queen"s Belfast (Anh quốc) vinh dự được trao giải thưởng công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất (Best Paper Award) về sử dụng “trí tuệ nhân tạo và tối ưu theo thời gian thực cho mạng 5G” tại Hội nghị Ieee Globecom 2019 tại Hawaii, Mỹ - vốn là hội nghị lâu đời và uy tín hàng đầu thế giới của ngành Viễn thông.

Được biết, hội nghị Globecom (có lịch sử trên 60 năm của ngành viễn thông và hầu như chỉ tổ chức tại Mỹ trong suốt lịch sử của hội nghị) là hội nghị lâu đời nhất và lớn nhất của ngành Viễn thông. Mỗi năm luôn có đến khoảng 3.000 công trình nộp và chỉ có khoảng 30% bài được chấp nhận đăng để trình bày tại Hội nghị.

Năm nay trong tổng số trên 800 bài báo được chấp nhận đăng trong kỷ yếu của hội nghị, chỉ có 15 bài được chọn làm Best Paper Award. GS Trung và các cộng sự đã vinh dự được trao giải cho bài báo sử dụng trí tuệ nhân tạo và tối ưu theo thời gian thực cho mạng 5G.

GS. Dương Quang Trung (trái) trong lần được trường Đại học Queen"s, Anh vinh danh vì nghiên cứu đổi mới sáng tạo năm 2018.

GS Dương Quang Trung (sinh năm 1979 tại đô thị cổ Hội An) hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Queen"s University Belfast (1 trong 24 trường Đại học hàng đầu của Vương quốc Anh).

Riêng ngành Viễn thông, trường Queen"s được xếp hạng 28 trên thế giới, thứ 2 ở Vương Quốc Anh và thứ 5 ở Châu Âu (theo bảng xếp hạng của Thượng Hải, Shanghai Ranking).

Đây cũng là lần thứ 2 GS Trung được nhận giải thưởng Best Paper Award tại hội nghị Globecom, lần đầu tiên là tại Globecom 2016 tổ chức tại Washington DC, Mỹ.

GS Trung cũng là tác giả chính và đồng tác giả của hơn 340 công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành và hội nghị quốc tế (trong đó có hơn 200 công trình thuộc tạp chí danh mục ISI). Sau 5 năm tại trường Queen"s, GS Trung là Chủ nhiệm và đồng Chủ nhiệm đề tài lên đến hơn 5 triệu USD từ các tổ chức ở Anh Quốc.

GS Trung xuất sắc nhận được rất nhiều giải thưởng trong vòng 5 năm qua: Giải thưởng fellowship của Hội khoa học Hoàng gia Anh Quốc từ năm 2016 đến năm 2021 (cả Vương quốc Anh chỉ có 8 người); Giải thưởng Newton Prize 2017 danh giá của Chính phủ Anh.

Mới đây nhất, nhờ những thành tích vượt trội về nghiên cứu khoa học có sức ảnh hưởng tới xã hội và cộng đồng, GS Trung tiếp tục được trường Queen"s vinh danh là nhà khoa học có công trình nghiên cứu mang tính đột phá sáng tạo trong năm 2018. Năm 2016, GS cũng đã được trường Queen"s trao tặng giải thưởng Nhà khoa học trẻ xuất sắc Nhất năm.

Đông Hà (St)

Các tin khác