Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Quỹ khoa học 1000 tỷ không dành cho "đề tài ngăn kéo"

Thứ Hai, 30/09/2013
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Điều lệ và tổ chức hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, với quy mô lên tới 1.000 tỷ đồng. Trước những băn khoăn của dư luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã có những trả lời chi tiết về Quỹ này trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời 22/9/2013.

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia 1000 tỷ đồng sẽ phục vụ dân sinh

Những đối tượng được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia này được xác định theo cơ chế rõ ràng, minh bạch, định lượng với các điều kiện như phải có bao nhiêu bài báo, có bao nhiêu công trình nghiên cứu mới được giải ngân và giải ngân tới đâu... sẽ loại bỏ được một loạt đề án của các “tiến sĩ giấy”, “giáo sư giấy”.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn thắc mắc những công trình được xác định là công trình khoa học theo quy định của Việt Nam phải được các Tạp chí quốc tế đăng tải, trong khi đó, có rất nhiều công trình phục vụ dân sinh, thiết thực nhưng chỉ của từng nhóm nghiên cứu chứ chưa phải là cụm công trình khoa học mang tính hệ thống quốc gia, việc áp dụng cơ chế của Quỹ như vậy rất khó để đến với tay những đề án này.

Bộ trưởng Nguyễn Quân đã trả lời cụ thể. Quỹ Đổi mới khoa học quốc gia chỉ là 1 trong 2 quỹ lớn mà Chính phủ cho phép thành lập, nhằm hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ. Quỹ này nhằm giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh khi chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế.

Cách đây 10 năm, nhà nước đã phát động Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ quốc gia  và quỹ này mới là nơi đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, đòi hỏi kết quả đầu ra phải có công bố quốc tế, phải có kết quả cụ thể thì mới được giải ngân. Còn Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Do đó, những công trình lớn, liên quan đến quốc kế dân sinh, kể cả công trình không được công bố quốc tế, không được đăng báo, tạp chí quốc tế vẫn được Nhà nước hỗ trợ để tạo sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống.

Không có suất cho “đề tài cất ngăn kéo”

Trong những trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Quân, nói về vấn đề “đề tài cất ngăn kéo”, ông khẳng định bản thân trong khoa học cũng có những loại đề tài phải “cất trong ngăn kéo”.

Ví dụ như nghiên cứu cơ bản, nó phải đi trước thời đại. Vì thế phải để ngăn kéo đợi đến khi nào trình độ phát triển của xã hội đạt được mức độ nào đó mới có thể ứng dụng được đó. Tuy nhiên, đề tài nghiên cứu khoa học thì là điều không thể chấp nhận được.

Trước đây tỷ lệ này khá lớn vì giữa nghiên cứu và sản xuất chưa có cầu nối để nghiên cứu xong có thể ứng dụng được. Bởi vì với sự ra đời của các quỹ thì có 2 mặt tích cực là tạo cơ chế thuận lợi cho giới khoa học nghiên cứu.

Khi họ thấy ý tưởng nghiên cứu được phê duyệt thì họ bắt tay vào nghiên cứu ngay. Quá trình cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước đơn giản hóa về thủ tục thanh quyết toán hóa đơn chứng từ, các nhà khoa học được tạo điều kiện tối đa.

Thứ hai, đối với các quỹ này, khi tài trợ cho nghiên cứu theo cơ chế đặt hàng, những đề tài nào có khả năng ứng dụng, có khả năng thương mại hóa, được Nhà nước đặt hàng, quỹ tài trợ.

“Chắc chắn sau khi nghiên cứu xong, sẽ có người tiếp nhận đề tài và đưa vào sản xuất. Tôi tin tưởng như vậy, những nghiên cứu khoa học xếp vào ngăn kéo sẽ giảm nhiều”, ông Quân nhận định.

Bộ trưởng Quân cũng cho biết, trong nghiên cứu khoa học của Nhà nước giới hạn tiền ngân sách cấp cho đối tượng nào. Vấn đề chủ yếu là những cá nhân có sản phẩm khoa học thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Với những nhà khoa học nông dân, nếu họ có ý tưởng sáng tạo họ đều được Nhà nước hỗ trợ thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

Hàng hóa kém chất lượng là do lỗi của liên Bộ

Trong dư luận có nhiều ý kiến cho rằng tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đồ chơi độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em, hàng hóa kém chất lượng lan tràn có trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ (cụ thể là Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng). Bởi lẽ, cơ quan này chưa đưa ra được các hệ thống tiêu chí cụ thể trong một số loại hàng hóa và cũng chưa thực hiện các cuộc thanh, kiểm tra để kịp thời xử lý các tình trạng vi phạm.

Trước ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng những ý kiến đó rất xác đáng. Tuy nhiên, theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về quản lý hoàng hóa. Trong đó đã phân công rất rõ với các Bộ, ngành, trong đó có nhóm hàng hóa nhóm 2 - tức là hàng hóa có thể gây ảnh hưởng sức khỏe nhân dân, trật tự an toàn xã hội.

Bộ cũng được Nhà nước giao quản lý những mặt hàng như xăng dầu, khí đốt, các loại mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy, đồ chơi trẻ em và một số loại hàng hóa khác.

Bộ trưởng Quân nhận định: “Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã cố gắng hết sức. Cũng xin đính chính thêm là tất cả sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm 2 thuộc bộ quản lý đều được quản lý chặt bằng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong đó, chúng tôi hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương phối hợp xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân”

Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ: “Như vậy, với vai trò là đầu mối, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành. Tuy nhiên, chúng tôi tự đánh giá, sự phối hợp của các Bộ, ngành chưa tốt. Ví dụ, mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy, mặc dù đã có quy chuẩn quốc gia nhưng trong thời gian qua vẫn có sự phàn nàn của người dân về chất lượng mũ bảo hiểm.

Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Công an, Giao thông vận tải ban hành các văn bản hướng dẫn, nhưng cũng phụ thuộc một phần vào ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân. Vì thế chúng tôi mong các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân phối hợp tốt với chúng tôi để thực hiện tốt những quy định của Chính phủ”.

Phạm Anh (Theo nguồn Liên hiệp Hội Việt Nam)

Các tin khác