Tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về KH&CN trong điều kiện mới
Báo cáo tình hình hoạt động KH&CN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: những năm qua, hoạt động của ngành KH&CN nói chung và của Bộ KH&CN nói riêng đã tập trung, bám sát Nghị quyết Đại hội, Chiến lược phát triển KTXH của đất nước. Kết quả hoạt động KH&CN đã đáp ứng tốt hơn, kịp thời hơn nhu cầu phát triển KTXH. Đến nay, về cơ bản nền tảng pháp lý cho hoạt động KH&CN đã hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên ngành và gần 300 văn bản hướng dẫn thi hành, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, công nghệ cao, năng lượng nguyên tử, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đo lường. Điều này đã tạo thuận lợi cho các chủ thể (nhà khoa học, doanh nhân, người quản lý) tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo, đồng thời, tạo động lực cho KH&CN có những đóng góp tích cực vào phát triển KTXH. Xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tạo tác động tích cực làm tăng đầu tư của khu vực ngoài ngân sách cho KH&CN. Cụ thể là hỗ trợ việc tìm kiếm, trao đổi công nghệ, chuyên gia công nghệ với nước ngoài; thí điểm hỗ trợ một số nhóm nghiên cứu mạnh, có tiềm năng trong các trường đại học hợp tác nghiên cứu với các viện nghiên cứu ở nước ngoài hoàn thiện công nghệ, chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành viện, trung tâm nghiên cứu trong doanh nghiệp để phục vụ quá trình đổi mới công nghệ, giải quyết các vấn đề KH&CN ở trình độ cao, phục vụ sản xuất các sản phẩm trọng điểm của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp và quốc gia…
KH&CN đã có những thành tựu đáng tự hào
Thời gian qua, KH&CN Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Riêng trong năm 2011 đã có nhiều sự kiện đánh dấu sự đầu tư hiệu quả của Nhà nước thông qua các dự án KH&CN quy mô lớn như Dự án Chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước; lần đầu tiên Việt Nam đã tự thiết kế, chế tạo thành công Máy biến áp điện lực 3 pha 500 kV-3x150 MVA với chất lượng tương đương của châu Âu. Các nhà nghiên cứu trẻ đã làm chủ công nghệ và sản xuất được các chip bán dẫn, thẻ và đầu đọc có khả năng ứng dụng cao; sáng tạo ra các phần mềm an toàn, an ninh mạng; phần mềm tìm kiếm thông tin tiếng Việt được xếp hạng trình độ cao trên thế giới. Ngành y lập thành tích với việc các giáo sư, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã nghiên cứu sử dụng tế bào gốc từ tủy xương để điều trị thành công bệnh nhân được chẩn đoán là Ly thượng bì bọng nước bẩm sinh, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Mỹ) thành công với công nghệ này; Bệnh viện Trung ương Huế ghép tim với kíp phẫu thuật toàn bộ là người Việt Nam... Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định các đường lối, chủ trương của Đảng tại Đại hội XI (Báo cáo chính trị; Cương lĩnh xây dựng đất nước; Chiến lược phát triển KTXH giai đoạn đến năm 2020); làm rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta; phục vụ đổi mới hệ thống chính trị, xác định rõ mô hình phát triển kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi; phục vụ tích cực quá trình sửa đổi Hiến pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Các kết quả nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, xã hội, tôn giáo đã góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát huy giá trị của nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, duy trì ổn định chính trị xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước. Kết quả của các dự án, chương trình điều tra về kinh tế, xã hội, môi trường các vùng, về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã cung cấp cứ liệu quan trọng giúp đánh giá đúng nguồn lực, lợi thế và những vấn đề đặt ra cho sự phát triển của đất nước nói chung, các vùng, các địa phương nói riêng.
Chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng Bí thư
Đồng tình với báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Quân, Lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương… đều khẳng định vai trò và sự đóng góp to lớn của KH&CN đối với ngành mình. Ông Hoàng Văn Phong (Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia) cho biết, thông qua các nghiên cứu sâu, nếu nhìn theo chiều ngang, có thể nói hiện nay không một nước nào có thu nhập bình quân thấp nhưng lại có được các thành tựu KH&CN như Việt Nam. Các tổ chức nước ngoài đánh giá trong thành tựu của ngành nông nghiệp Việt Nam có 35% đóng góp từ KH&CN. Việt Nam hiện là chuyên gia hàng đầu trong nông nghiệp ở châu Phi… Rất nhiều dẫn chứng thuyết phục để chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào những thành công của ngành KH&CN.
Bên cạnh thành tựu, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng nêu lên hạn chế của ngành KH&CN như KH&CN chưa thực sự trở thành động lực then chốt cho phát triển KTXH, chưa bám sát yêu cầu phát triển của đất nước, chưa có các công trình, sản phẩm mang tính đột phá; tiềm lực KH&CN phát triển còn chậm, có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa với khu vực và thế giới; thị trường KH&CN còn sơ khai và chậm phát triển; việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu; hợp tác quốc tế về KH&CN thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa tạo được hiệu quả nổi bật. Để KH&CN khắc phục được những điểm yếu và tiếp tục phát triển tốt hơn trong thời gian tới, các giải pháp chiến lược được Bộ KH&CN đưa ra là: tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp phát triển KH&CN; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN; triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN có tác động lớn và đóng góp quyết định cho phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; phát huy và tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia; phát triển thị trường KH&CN; hội nhập quốc tế về KH&CN. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng đưa ra nhiều kiến nghị tập trung vào các vấn đề: nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của KH&CN; tăng kinh phí và phân bổ hợp lý hơn ngân sách đầu tư cho KH&CN; KH&CN phải là trọng tâm trong quy hoạch, chiến lược của các bộ/ngành; đổi mới công tác tổ chức, quản lý và sử dụng cán bộ KH&CN và trọng dụng nhân tài; đổi mới cơ chế quản lý tài chính cho KH&CN... Để giải đáp ý kiến của các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thông báo khái quát chủ trương và hướng giải quyết của Chính phủ đối với một số vướng mắc cụ thể như: trong cơ chế tài chính sẽ chuyển từ giám sát đầu vào sang căn cứ vào hiệu quả đầu ra, kinh phí cho công tác nghiên cứu sẽ được tách khỏi kinh phí đầu tư thường xuyên và không phải tuân theo niên độ ngân sách; coi các trường đại học là cấu thành của hệ thống KH&CN, quy hoạch nhân lực KH&CN theo hướng ưu đãi cán bộ đầu ngành, người phụ trách đề tài/dự án cấp nhà nước, cán bộ khoa học trẻ xuất sắc…
Tổng Bí thư trồng cây lưu niệm tại khuôn viên trụ sở Bộ KH&CN
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mặc dù điều kiện tài chính của đất nước có hạn, xuất phát điểm thấp, nhưng hoạt động KH&CN thời gian qua đã đạt được kết quả đáng tự hào, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh: các nhà khoa học là đại diện cho các bậc hiền tài, nguyên khí của quốc gia. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cho phát triển KH&CN. Tổng Bí thư mong muốn ngành KH&CN, trước hết là Bộ KH&CN cần tiếp tục phát huy những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém, tập trung thực hiện tốt những mục tiêu nhiệm vụ phát triển KH&CN mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra. Trong đó cần tập trung vào những vấn đề chính: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức về KH&CN trong điều kiện mới (đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ sử dụng nhiều nhân công và tài nguyên sang chất xám, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu…). Từ đó, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế chính sách (về đầu tư, tài chính, giao kế hoạch…) để KH&CN thực sự là động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức làm công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng KH&CN, hình thành các doanh nghiệp KH&CN phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới công tác quản lý, phát huy nguồn nhân lực, khuyến khích, trọng dụng người tài, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KH&CN; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ KH&CN tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn, trọng điểm; tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng hơn giữa các bộ, ngành liên quan. Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, Bộ KH&CN cần hết sức quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng con người, tổ chức, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) - một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, coi đây là tiền đề quan trọng để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tổng Bí thư đề nghị Bộ tiếp tục phát huy trí tuệ, hoàn thiện Đề án "Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XI sắp tới; đồng thời chuẩn bị thật tốt cho việc triển khai thực hiện các chủ trương, quyết sách được thông qua, để KH&CN nước nhà tiếp tục gặp hái nhiều thành tựu mới, thực sự là động lực then chốt của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
VT (sưu tầm)