Trước hết chúng ta cần về khái niệm hiểu Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI - Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền giữa các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Hiện nay, PCI đang được xem là “tiếng nói” quan trọng của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy cho các doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định về địa điểm đầu tư. PCI cũng là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Việt Nam.
Trong khi, chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI - Public Administration Performance Index) là công cụ đo lường và theo dõi hiệu quả công tác quản trị, điều hành của hệ thống hành chính nhà nước (bao gồm cả cung ứng dịch vụ công) của 63 tỉnh, thành dựa trên cảm nhận và trải nghiệp của người dân. Tác dụng của chỉ số PAPI là cung cấp thông tin và dữ liệu khách quan để các nhà hoạch định chính sách ở trung ương và địa phương có thể phân tích sự tác động của các chính sách nhằm rút ra các bài học cụ thể để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đồng thời cải thiện mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ do bộ máy nhà nước cung ứng.
Mặc dù, hai bộ chỉ số đo lường những khía cạnh khác nhau: PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh cho sự phát triển của doanh nghiệp trong khi PAPI đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công thông qua trải nghiệm của người dân. Nhưng cả PAPI và PCI đều có mục tiêu chung là đánh giá chính quyền cấp tỉnh dựa trên tính hiệu quả của quản trị và hành chính công nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh.
Nhận thấy được ý nghĩa và vai trò của chỉ số PCI và PAPI, việc nâng cao điểm số để cải thiện vị trí xếp hạng hiện đang được sự quan tâm của các tỉnh, thành. Để đánh giá tác động và khả năng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong việc nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, việc tìm hiểu phương pháp đánh giá, xếp hạng của hai bộ chỉ số là cần thiết. Các yếu tố thành phần để tính chỉ số PCI và PAPI được tóm tắt như sau:
PCI đo lường mười yếu tố về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh, bao gồm: 1. Chi phí gia nhập thị trường; 2. Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; 3. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; 4. Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước; 5. Chi phí không chính thức; 6. Cạnh tranh bình đẳng; 7. Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; 8. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; 9. Chất lượng đào tạo lao động; và 10. Thiết chế pháp lý.
PAPI nghiên cứu sáu khía cạnh về quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên trải nghiệm của người dân, bao gồm: 1. Sự tham của người dân ở cấp cơ sở; 2. Công khai, minh bạch; 3. Trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương; 4. Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; 5. Thủ tục hành chính công; và 6. Cung ứng dịch vụ công.
TÁC ĐỘNG CỦA ỨNG DỤNG CNTT, CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG VIỆC NÂNG CAO CÁC CHỈ SỐ PCI, PAPI
Dựa trên các tiêu chí đánh giá chỉ số PCI, PAPI, có thể nhận thấy rằng để nâng cao được vị thế trong các bảng xếp hạng, các tỉnh, thành cần phải có biện pháp để xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp dân doanh, đồng thời nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ do bộ máy nhà nước cung ứng. Các biện pháp này sẽ được giải quyết nhanh chóng khi tỉnh, thành đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các cơ quan nhà nước được hiểu như xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), việc thúc đẩy CPĐT sẽ giúp các cơ quan chính quyền từ cấp trung ương và địa phương đổi mới, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý Nhà nước. Hay nói cách khác, CPĐT đưa chính phủ tới gần dân và đưa dân tới gần chính phủ; Làm minh bạch hóa hoạt động của chính phủ, chống tham nhũng, quan liêu, độc quyền; Và giúp chính phủ hoạt động có hiệu quả trong quản lý và phục vụ dân, tức là cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Dễ dàng nhận thấy các 5 mục tiêu chính của CPĐT có nhiều nét tương đồng với các thành phần của chỉ số PCI và PAPI. Cụ thể như sau:
A. Chính phủ điện tử tạo môi trường kinh doanh tốt hơn.
Công nghệ đã được chứng minh là một chất xúc tác trong việc nâng cao năng suất lao động và phát triển kinh tế, đặc biệt là tại khu vực nông thôn và các nơi xa xôi hẻo lánh. Việc sử dụng ICT trong chính phủ và việc xây dựng cơ sở hạ tầng CPĐT sẽ cải thiện mối tác động qua lại và tương tác giữa chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nói cách khác, việc sử dụng ICT sẽ giúp các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư dễ dàng kết nối, trao đổi với các cơ quan công quyền để tháo gỡ các vướng mắc, từ đó sẽ giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi. Bằng việc giảm bớt các khâu rườm rà trong thủ tục và chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ nhanh chóng và hiệu quả, CPĐT có thể tạo ra các điều kiện thu đầu tư nhiều hơn khi mà vấn đề thời gian là một trong những ưu tiên của các nhà đầu tư. Việc sử dụng ICT sẽ giúp cho việc truyền tải các thông tin, chính sách phát triển kinh tế của địa phương được rõ ràng và nhanh chóng, giúp các nhà đầu tư thuận lợi trong việc ra quyết định đầu tư phù hợp với quy hoạch kinh tế của vùng.
B. Khách hàng trực tuyến, không phải xếp hàng.
Điều này liên quan đến việc cung cấp một cách hiệu quả các hàng hoá và dịch vụ công cộng cho người dân thông qua việc phản hồi nhanh chóng của chính phủ với sự tham gia tối thiểu của các nhân viên chính phủ. Khách với các thủ tục giấy thông thường, khi người dân và doanh nghiệp chỉ có thể tương tác với các cơ quan công quyền trong giờ hành chính, các dịch vụ trực tuyến cho phép việc tiếp xúc diễn ra 24 giờ, 7 ngày trong tuần.
C. Tăng cường sự điều hành có hiệu quả của chính phủ và sự tham gia rộng rãi của người dân.
Nâng cao tính minh bạch và tin cậy của chính phủ thông qua việc đẩy nhanh ứng dụng ICT trong quản lý và điều hành cũng như mở ra các cơ hội mới cho người dân được chủ động trong quá trình tham gia vào việc hoạch định chính sách của chính phủ.
Như một công cụ chủ chốt trong việc xây dựng truyền thống điều hành minh bạch và hiệu quả, CPĐT có thể đi tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại nạn tham nhũng. Tuy nhiên, CPĐT, bản thân nó, không thể đặt dấu chấm hết cho nạn tham nhũng. CPĐT phải được thực hiện cùng với các cơ chế khác để trở nên có hiệu lực một cách đầy đủ.
Đồng thời, CPĐT cũng hỗ trợ việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ và nhanh chóng. Việc phổ biến rộng rãi thông tin hỗ trợ việc trao quyền cho người dân cũng như quá trình đưa ra quyết định của chính phủ. Tính minh bạch của thông tin sẽ không chỉ thể hiện sự dân chủ mà còn gây dựng dần sự tin cậy giữa những nhà lãnh đạoc hính phủ và tính hiệu quả bắt buộc trong việc điều hành chính phủ.
D. Nâng cao năng suất và tính hiệu quả của các cơ quan chính phủ.
Việc tái lập lại các quy trình và thủ tục để giảm bớt nạn quan liêu, hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ, nâng cao năng suất về mặt hành chính và tăng cường tích kiệm là những lợi ích mà CPĐT đem lại. Ngoài việc tiết kiệm chi phí, CPĐT có thể giúp:
- Đơn giản hoá các hoạt động của chính phủ. Phần lớn các thủ tục của chính phủ đã được thực hiện trong nhiều năm qua và thường bao gồm nhiều bước, nhiều nhiệm vụ và nhiều bước hoạt động. Việc đơn giản hoá các thủ tục của chính phủ thông qua ứng dụng ICT sẽ xoá bỏ các khâu thủ tục rườm rà và giúp giảm bớt nạn quan liêu. Đồng thời, giảm thiểu các ý kiến chủ quan, áp đặt của cán bộ công chức xử lý hồ sơ.
- Nâng cao năng suất lao động của cán bộ trong các cơ quan công quyền khi mà khối lượng xin cấp phép cũng như các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp tăng cao. Việc sử dụng ICT sẽ giúp các cán bộ, công chức thuận tiện hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình, giúp nâng cao số lượng cũng như chất lượng công việc.
E. Nâng cao chất lượng cuộc sống cho các cộng đồng vùng sâu vùng xa.
ICT giúp cho chính phủ có thể vươn tới các nhóm/cộng đồng thiểu số và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trao thêm quyền cho người dân bằng cách cho họ tham gia vào các hoạt động chính trị cũng như giải quyết tối đa các yêu cầu của người dân tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Do đó, việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số sẽ giúp các tỉnh, thành nâng cao các điểm số thành phần của chỉ số PCI như: Chi phí gia nhập thị trường; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; Cạnh tranh bình đẳng; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với chỉ số PAPI như tăng cường sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Tăng cường kiểm soát tham nhũng ở khu vực công; Cũng như Thực hiện tôt thủ tục hành chính công ./.
Minh châu