1.1. Quan điểm
- Phát triển thị trường du lịch phải phù hợp với những định hướng, quy hoạch chung của quốc gia cũng như địa phương. Trong đó cần quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.
- Phát triển thị trường du lịch theo hướng bền vững, có chất lượng cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; hướng đến Ninh Bình là một thị trường du lịch trung tâm của cả nước và khu vực.
- Phát triển thị trường du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất của cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp.
- Chú trọng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển thị trường du lịch; nâng cao tính thích ứng trước diễn biến phức tạp của tình hình, đặc biệt là với thiên tai, dịch bệnh.
1.2. Mục tiêu
Mục tiêu tổng quát:
Phát triển toàn diện, có sự đột phá các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch cả về phạm vi, quy mô và chất lượng; sản phẩm phải mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư; phát triển thị trường đáp ứng tiêu chí Ninh Bình là điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030; đến năm 2045 Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch thực sự là ngành kinh tế mỗi nhọn của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2025 thu hút 8,0 triệu lượt khách du lịch, trong đó 1,0 triệu khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng, đóng góp 6,5% GRDP.
- Đến năm 2030 thu hút 12,0 triệu lượt khách du lịch, trong đó 2,0 triệu khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, đóng góp 8% GRDP.
- Đến năm 2045, phấn đấu Ninh Bình nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch thực sự là ngành kinh tế mỗi nhọn của tỉnh, đóng góp 10% GRDP.
2. Một số giải pháp phát triển thị trường du lịch
2.1. Xác định thị trường mục tiêu
Hiện nay du lịch Ninh Bình chưa định vị được thị trường khách du lịch mục tiêu. Việc xác định thị trường khách hàng tiềm năng mới chỉ được nêu trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể trong quy hoạch đã chỉ ra những nhóm thị trường quốc tế quan trọng là: Nhóm thị trường trọng điểm, ưu tiên phát triển trong giai đoạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo (Đông Bắc Á và Đông Nam Á), nhóm thị trường duy trì phát triển trước mắt đến năm 2020 và lâu dài đến năm 2030 (châu Âu, Bắc Mỹ, Úc), nhóm thị trường tiềm năng phát triển sau năm 2025 (Ấn Độ, các nước Trung Đông). Nhóm thị trường khách trong nước là Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc; Các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ Miền Trung, Tây Nguyên; TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với loại hình du lịch tham quan thắng cảnh. Riêng với khách nội tỉnh Ninh Bình ưa thích các sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh; Du lịch nghỉ dưỡng núi, hồ; Du lịch vui chơi, giải trí, thể thao…
Tuy nhiên, ngay trong Quy hoạch này mới nhận dạng những nhóm thị trường quốc tế, khách nội địa ở mức chung chung, chưa trọng tâm. Chính vì vậy việc xác định thị trường mục tiêu có trọng điểm và phân chia theo giai đoạn cụ thể là rất cần thiết đối với du lịch Ninh Bình, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới và trong nước biến động rất lớn vì đại dịch COVID-19.
Như đã phân tích trong phần thực trạng, lượng khách đến với Ninh Bình có tới 80% là khách du lịch nội địa. Con số này đã chứng tỏ, sản phẩm du lịch của Ninh Bình đã đáp ứng và rất phù hợp với nhu cầu của thị trường khách nội địa. Hiện nay, với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc đón khách quốc tế chưa thể thực hiện được. Vì vậy, để ứng phó với đại dịch thì việc thu hút và nhắm vào thị trường khách nội địa là rất cần thiết. Như vậy, trong sự phát triển ngắn hạn (khoảng 2 đến 3 năm tới) hoặc trung hạn (khoảng 5 năm), du lịch Ninh Bình nên tập trung vào thị trường mục tiêu và trọng điểm là thị trường khách du lịch nội địa. Cụ thể: khai thác thị trường khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và mở rộng thị trường đến các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, khu vực Tây Nguyên. Việc nghiên cứu đặc điểm tâm lý, nhu cầu, thị hiếu, đặc điểm trong hành vi tiêu dùng du lịch đối với các tập khách du lịch nội địa từ các tỉnh và vùng lân cận Ninh Bình là vô cùng quan trọng. Từ đó nắm bắt kịp thời xu hướng của thị trường khách nội địa và có những điều chỉnh về sản phẩm du lịch cho phù hợp với yêu cầu của họ, đồng thời đưa ra được những giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả và linh hoạt. Chẳng hạn: tạo ra những chương trình du lịch khuyến mại, giảm giá, miễn phí vé tham quan, chương trình du lịch cuối tuần giá cả hợp lý dành cho khách trong tỉnh và những tỉnh lân cận.
Trong sự phát triển dài hạn của thị trường khách du lịch, Ninh Bình nên củng cố và phát triển đồng thời cả thị trường du lịch quốc tế và nội địa; ưu tiên thị trường khách du lịch có nhu cầu sử dụng dịch vụ cao cấp, lưu trú dài ngày, khả năng chi trả cao. Đối với thị trường khách quốc tế cần chú trọng tập trung vào thị trường khách: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc. Đặc biệt là thị trường khách Pháp – đây là thị trường khách có số lượng khách đến chiếm thị phần lớn trong tổng số lượt khách quốc tế đến Ninh Bình, đặc biệt tập trung đông tại các khu, điểm du lịch như: Tam Cốc - Bích Động, khu đất ngập nước Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương. Chính vì thế, cần ưu tiên nghiên cứu để tạo ra sản phẩm du lịch và công tác quảng bá xúc tiến du lịch phù hợp nhất đáp ứng nhu cầu của khách Pháp. Có thể tạo ra những bảng biểu, sơ đồ tham quan, chỉ dẫn du lịch… bằng tiếng Pháp để nhấn mạnh và thể hiện được Pháp là thị trường khách trọng tâm của du lịch Ninh Bình.
2.2. Xây dựng sản phẩm đặc trưng
Một trong những hạn chế về sản phẩm du lịch của Ninh Bình đó là sự trùng lặp về sản phẩm du lịch tại các khu, điểm du lịch có điều kiện tài nguyên du lịch tương đồng với nhau. Vì vậy, hoạt động du lịch thường diễn ra tại một điểm du lịch có quy mô lớn, được đầu tư nhiều, được quảng bá du lịch mạnh mẽ so với các điểm du lịch còn lại. Để tạo nên thương hiệu về sản phẩm du lịch cho Ninh Bình thì cần xác định và xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, nhấn mạnh quảng bá về sản phẩm đặc trưng để thu hút khách du lịch.
Tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế của tỉnh: Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với di sản, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề, tham quan và tìm hiểu văn hóa, lối sống và phong tục tập quán địa phương; Du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng ở các khu vực có cảnh quan đẹp, suối khoáng nóng kết hợp khu vui chơi giải trí cao cấp; Du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên, khám phá các hang động, đa dạng sinh học, phong cảnh làng quê gắn với trải nghiệm nông nghiệp, du lịch núi, sông, hồ.
Ưu tiên nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản, văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Ninh Bình, đặc biệt giá trị lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư. Trên cơ sở nghiên cứu khảo cổ học, đầu tư xây dựng công viên khảo cổ học tại khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư và các địa điểm khảo cổ học có giá trị trên địa bàn tỉnh; Tái hiện cuộc sống của người tiền sử, quá trình hình thành nhà nước Đại Cồ Việt. Khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, làng nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phong phú của tỉnh để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. Trước mắt tập trung vào các làng nghề truyền thống đã được công nhận. Ưu tiên đầu tư cho các làng nghề nổi tiếng, gần các khu, điểm du lịch, có lợi thế sản xuất các sản phẩm thủ công, như thêu ren Văn Lâm, cói Kim Sơn, gốm Bồ Bát. Phát triển làng nghề nấu rượu Kim Sơn, đưa rượu Kim Sơn trở thành thương hiệu hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Khôi phục và nâng cao chất lượng các món ăn truyền thống của địa phương như thịt dê, cơm cháy, cá rô Tổng Trường, mắm tép Gia Viễn... để phục vụ khách du lịch. Quan tâm và hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp và các cơ sở dịch vụ trong việc đăng ký bản quyền thương hiệu các sản phẩm du lịch, sản phẩm lưu niệm có mẫu mã đẹp bắt mắt, có quy trình đóng gói và bảo quản thích hợp cho khách du lịch mang theo làm quà cho người thân. Tích cực đưa các loại hình nghệ thuật dân tộc (hát chèo, hát xâm, múa rối nước, nghệ thuật cồng chiêng, văn hóa đồng bào Mường) vào phục vụ du lịch.
Phát triển sản phẩm “du lịch xanh” chú trọng lợi ích với môi trường tự nhiên như tạo ra chương trình du lịch có nội dung bảo vệ môi trường, các chương trình du lịch biking. Nên phát triển sản phẩm này tại các khu, điểm du lịch như: đường Tràng An, Vườn quốc gia Cúc Phương, Tam Cốc - Bích Động.
Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại các khu vực có tiềm năng tại huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Kim Sơn, thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình. Nghiên cứu, quan tâm phát triển các loại hình du lịch trên sông, du lịch di sản gắn với trải nghiệm nông nghiệp, du lịch chữa bệnh, du lịch mua sắm, du lịch trực tuyến... Ví dụ: Kêu gọi đầu tư phát triển khu vực hồ Yên Thắng (Tam Điệp & Yên Mô), hồ Đồng Thái (Yên Mô), hồ Yên Quang (Nho Quan) và các khu vực hồ chứa nước với các sản phẩm dịch vụ lưu trú (mô hình nhà nổi trên mặt hồ), chèo thuyền, cắm trại, câu cá, vui chơi giải trí. Nghiên cứu dự án trồng, phát triển cây thuốc nam tại làng Sinh Dược (Gia Sinh, Gia Viễn) kết hợp chữa bệnh và dịch vụ du lịch. Xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp trực tiếp đến với khách du lịch. Tổ chức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trang trại gắn với nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực thành phố Tam Điệp; phát triển các hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá gắn với các chương trình giáo dục môi trường tại khu vực Vườn quốc gia Cúc Phương.
Chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm. Tổ chức các chương trình du lịch vào ban đêm như tham quan các điểm văn hóa, di tích lịch sử (Tràng An, cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, núi chùa Non Nước, công viên văn hóa Tràng An, hồ Kỳ Lân...), khám phá, trải nghiệm văn hóa địa phương, xem các buổi biểu diễn nghệ thuật hát xẩm, hát chèo, múa rối nước... Ưu tiên tập trung phát triển dịch vụ vui chơi giải trí về đêm ở các khu vực: quảng trường Đinh Tiên Hoàng, phố đi bộ trung tâm thành phố và một số khu, điểm du lịch lớn (Tam Cốc, Tràng An, cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính), cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh để đầu tư nâng cấp, hình thành các sản phẩm dịch vụ ban đêm. Khuyến khích kéo dài thời gian hoạt động của một số dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua sắm, tham quan: trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, nhà hàng, quán bar, sàn nhảy. Nghiên cứu đầu tư hình thành khu quảng trường trung tâm, thiết kế mô hình biểu tượng độc đáo, đặc trưng của tỉnh Ninh Bình tại khu vực trung tâm thành phố gắn với quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế để tạo điểm nhấn tham quan, check-in cho khách du lịch.
2.3. Xây dựng chính sách xúc tiến quảng bá
Một chính sách xúc tiến quảng bá hiệu quả sẽ đem lại những điểm sáng cho du lịch Ninh Bình: Các cơ quan chức năng về du lịch nên xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp, đảm bảo đồng bộ từ khâu nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm đến xúc tiến, quảng bá. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp với Tổng cục Du lịch, các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch để tổ chức và thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch. Ví dụ: Lồng ghép nội dung quảng bá và xúc tiến du lịch trong các buổi tiếp và làm việc với các đoàn công tác, gắn với xúc tiến đầu tư và thương mại của tỉnh.
Quảng bá xúc tiến du lịch qua hình thức tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế là một trong những kênh quảng bá đem lại hiệu quả cao, nhất là đối với khách du lịch nước ngoài. Để phát triển thương hiệu và hình ảnh du lịch, Ninh Bình nên đăng ký tổ chức hội chợ du lịch quốc tế theo chuyên đề, học hỏi kinh nghiệm tổ chức của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - đây là 2 thành phố có nhiều kinh nghiệm trong việc đăng cai tổ chức các sự kiện lớn mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, đặc biệt đây cũng là những nơi thường xuyên tổ chức các hội chợ, hội thảo khoa học về du lịch.
Đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua các sản phẩm văn hóa truyền thống và hiện đại. Đặc biệt là tạo được sự đồng bộ về logo, hình ảnh thương hiệu du lịch của tỉnh trên các sản phẩm lưu niệm tại các khu, điểm du lịch. Ngoài ra cần tăng cường liên kết, hợp tác du lịch với các tỉnh, thành phố lớn, các trọng điểm du lịch quốc gia, ưu tiên tập trung vào các trung tâm phân phối khách lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Kết nối với các kênh truyền hình, cơ quan báo, đài, đơn vị truyền thông, blogger, người đại diện du lịch... trong nước và quốc tế từ các thị trường đã được định hướng để quảng bá thông tin du lịch trên kênh của tổ chức, cá nhân. Hàng năm mời các đoàn làm phim trong nước và quốc tế, đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh đến Ninh Bình làm phim, video âm nhạc, chụp ảnh…, tạo hình thức quảng bá mới và hiệu quả cho Ninh Bình.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ và phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới như hiện này thì du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng cần có sự thích ứng linh hoạt và hiệu quả để đảm bảo sự phát triển cùng xu thế chung của nhân loại. Chính vì thế việc đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch kết hợp với truyền thông, quảng bá, tiếp thị (marketing) trực tuyến trên các nền tảng số, các mạng xã hội là rất cần thiết và hữu ích. Chẳng hạn: có thể tạo ra và phát triển các chương trình, tour du lịch thực tế ảo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ và tương tác trực tuyến với khách du lịch. Để ứng phó với tình hình đại dịch COVID-19, việc quảng bá du lịch trực tuyến trên nền tảng các trang mạng xã hội có thể đem lại hiệu quả cao như: Facebook, Twitter, Instagram, Tiktok… Ninh Bình nên triển khai rộng chương trình “khám phá Ninh Bình cùng hướng dẫn viên online” bằng cách tổ chức các tour du lịch trực tuyến và phát trực tiếp vào một thời gian, khung giờ nhất định. Trong mỗi chương trình du lịch, hướng dẫn viên hoặc nhân vật trải nghiệm sẽ giới thiệu những giá trị nổi bật về văn hóa và tài nguyên của tỉnh Ninh Bình cũng như những sản phẩm du lịch đặc trưng tại đây cho du khách.
Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Ninh Bình gắn với chương trình xây dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến có sự nhất quán và đồng bộ. Khuyến khích các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh sử dung biểu trưng, tiêu đề chung của tỉnh (logo và slogan) trong các văn bản, tài liệu, phong bì thư, ấn phẩm quà tặng để quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch của tỉnh.
Phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình gắn với hình ảnh, giá trị lịch sử - văn hóa Cố Đô Hoa Lư và Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, có tính dài hạn và cạnh tranh cao. Quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa, sản phẩm dịch vụ.
2.4. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về du lịch
Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch của tỉnh và các huyện, thành phố; Có phương án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước về du lịch cho các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ và quản lý điểm đến; tổ chức hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh việc thực hiện các quy định về chất lượng dịch vụ du lịch: xếp hạng, phân loại cơ sở lưu trú du lịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết... Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ thẩm định công nhận loại hạng cơ sở lưu trú, dịch vụ đạt chuẩn du lịch; chấn chỉnh việc treo biển hiệu không đúng loại hạng được công nhận.
Nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình, qua các mặt như vận động chính sách, quảng cáo và quan hệ công chúng, hỗ trợ nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, xây dựng sản phẩm trọn gói, đào tạo và liên kết với các hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố.
Triển khai chương trình quản lý nhà nước về du lịch online để việc quản lý được linh hoạt, mạnh mẽ, nhanh chóng và chính xác hơn đảm bảo thích ứng với tốc độ phát triển trong thời đại mới.
2.5. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch tại Ninh Bình trong thời gian tới cần đầu tư phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch. Đầu tư nâng cấp cơ sở dịch vụ phục vụ cho việc ăn nghỉ, vui chơi, giải trí, mua sắm, đi lại của khách du lịch với các phương tiện, tiện nghi đầy đủ, hiện đại, lịch sự và sang trọng. Cụ thể:
Đầu tư phát triển hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch chất lượng cao: Trong tiến trình hội nhập của du lịch cả nước với khu vực và thế giới, các tiêu chuẩn về dịch vụ du lịch phải được nâng cao phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy việc đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ (tổ hợp thể thao, khu hội chợ, hội nghị, hội thảo, các nhà hàng) ở Ninh Bình là rất quan trọng.
Hiện nay, ở Ninh Bình còn thiếu các khách sạn cao cấp 5 sao. Vì vậy, hướng đầu tư phát triển hệ thống khách sạn cần ưu tiên các dự án xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn thương mại cao cấp ở thành phố Ninh Bình và các khu du lịch trọng điểm (Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi; Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Đồng Thái; Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái Vân Long…) Đối với các khu, điểm du lịch mà sản phẩm chủ yếu là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hoặc du lịch dựa vào tự nhiên, cần chú trọng phát triển hệ thống lưu trú sinh thái, hệ thống lưu trú trong dân (homestay)...
Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí, thể thao; các dịch vụ bổ trợ khác: Như đã phân tích trong phần thực trạng, một trong những điểm yếu trong điều kiện cung ứng du lịch của Ninh Bình là sự hạn chế về các dịch vụ bổ sung, các dịch vụ đáp ứng nhu cầu bậc cao của khách du lịch. Chính vì thế mà lượng khách đến du lịch Ninh Bình chủ yếu là khách tham quan, lượng khách lưu trú qua đêm khá khiêm tốn so với tổng số lượng khách đến nói chung, đặc biệt là lưu trú dài ngày chiếm tỉ lệ ít. Điều này liên quan đến khả năng chi tiêu của khách và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch. Để khắc phục tình trạng trên cần ưu tiên đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, ăn uống, các công trình vui chơi giải trí, thể thao tổng hợp; các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe hiện đại, chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là thị trường khách chính, thị trường khách có nhu cầu cao về các dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao; dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.
Sự liên kết các tuyến điểm du lịch trong địa bàn tỉnh và sự kết nối du lịch của Ninh Bình với các tỉnh ngoài cùng còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng các tuyến giao thông kết nối các khu du lịch, điểm du lịch chính của tỉnh Ninh Bình, xây dựng khu vực đón tiếp, bến thuyền, khu dịch vụ, trung tâm thông tin du lịch, hệ thống xử lý rác, nước thải, hệ thống điện, nước, bãi đỗ xe, công viên, cây xanh... Nạo vét, công bố luồng các tuyến đường thủy tại các khu du lịch Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Vân Long, hồ Đồng Thái... Đối với các tỉnh ngoài cần có sự hợp tác, trao đổi và ký kết để tạo ra sự kết nối tuyến du lịch nhằm góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh việc đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật chung thì cần quan tâm tới việc phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, đầu tư hạ tầng số, hạ tầng du lịch thông minh. Ví dụ: ưu tiên xây dựng, cung cấp, lắp đặt thiết bị phát wifi miễn phí tại các khu du lịch, điểm du lịch và khu vực trung tâm thành phố Ninh Bình, phát triển thẻ thông minh du lịch. Ngoài ra cần hoàn chỉnh hệ thống biển báo, thông tin chỉ dẫn du khách, các trạm thông tin du lịch tại các khu, điểm du lịch.
Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về du lịch đặc biệt là vai trò về thu hút vốn đầu tư, phát triển dự án du lịch trong tỉnh. Các cơ quan quản lý về nhà nước cần có những chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ như xây dựng các khu mua sắm cao cấp, các trung tâm hội nghị…
2.6. Một số giải pháp khác
* Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch
Cơ chế chính sách thông thoáng, cởi mở là chìa khóa thành công trong việc thu hút đầu tư nói chung và đầu tư du lịch nói riêng. Đối với tỉnh Ninh Bình, việc vận dụng để nghiên cứu xây dựng và ban hành những cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch là rất quan trọng.
Cần có những đổi mới cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng đối với các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch... Xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc vay vốn trong việc đầu tư phát triển các cơ sở lưu trú, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tạo lập được hành lang pháp lí thuận lợi để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư các dự án du lịch, tạo động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch; thu hút các nhà đầu tư chiến lược hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí chất lượng cao. Đây là một trong những nhu cầu rất tiềm năng mà Du lịch Ninh Bình còn bỏ ngỏ. Nếu các dịch vụ bổ sung này đủ sức hấp dẫn, thu hút khách lưu đêm tại Ninh Bình thì kéo theo chi tiêu của du khách sẽ tăng lên. Thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường; sử dụng công nghệ cao, lao động địa phương và thân thiện với môi trường.
* Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Chú trọng đầu tư cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là một lĩnh vực đầu tư rất quan trọng, đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch, đặc biệt trong bối cảnh du lịch Ninh Bình đang phát triển hội nhập với hoạt động phát triển du lịch của cả nước, khu vực và thế giới. Chính vì vậy, việc đầu tư để xây dựng một chương trình đào tạo toàn diện và đồng bộ từ cán bộ quản lý đến đội ngũ nhân viên phục vụ có chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu hiện nay là rất quan trọng đối với sự phát triển của du lịch Ninh Bình.
Tranh thủ sự tham gia của các chuyên gia, tư vấn và nhân sự cấp cao trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch thông qua việc đề nghị tư vấn, mời góp ý cho các chủ trương, chính sách định hướng phát triển du lịch, tổ chức tọa đàm trao đổi…
Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về du lịch nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học, kết hợp với các đề án quốc gia về nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho cán bộ công chức; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về du lịch, kỹ năng tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, kỹ năng lễ tân đối ngoại, kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông du lịch… và các kỹ năng khác liên quan đến công tác du lịch.
Định kỳ 2 năm/lần tổ chức điều tra, phân loại trình độ nghiệp vụ của lao động hiện đang làm việc trong ngành Du lịch để đưa ra kế hoạch đào tạo cụ thể, cơ chế đào tạo phù hợp tại từng cấp trình độ chuyên ngành.
Tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm, chuẩn bị những phương án/kịch bản ứng phó với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, dịch bệnh… cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đội ngũ quản lý, nhân viên các doanh nghiệp du lịch lữ hành, vận chuyển khách du lịch, tàu, thuyền du lịch, hướng dẫn viên..; định kỳ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch tỉnh Ninh Bình, nhất là đối với phát triển du lịch cộng đồng.
Hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục (cả giáo dục hướng nghiệp du lịch ở các trường phổ thông, giáo dục nghề nghiệp du lịch và giáo dục đại học du lịch) trong việc xây dựng và sử dụng chuẩn ngoại ngữ quốc tế, tin học cho nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ các cơ sở giáo dục tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra về đào tạo, tăng thời lượng thực hành, liên kết cho học sinh, sinh viên đi thực tập, học viên cao học và nghiên cứu sinh nghiên cứu, kiến tập tại các doanh nghiệp và cơ sở dịch vụ du lịch. Khuyến khích và tôn vinh các doanh nghiệp và cá nhân hỗ trợ giảng dạy, cấp học bổng và nhận học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp vào làm việc.
PGS.TS Đỗ Văn Dung