Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Giáo dục nhân văn: Tấm biển chỉ đường của trí tuệ

Thứ Năm, 29/09/2016
Khi đứa bé mới ra đời, bản năng sinh tồn điều khiển mọi hoạt động của nó. Đối với nó, toàn bộ thế giới là bầu sữa mẹ. Khi lớn lên, nó có thêm nhận thức về thế giới xung quanh, về những con người khác. Dần dần nó hiểu rằng không chỉ có nó cần sinh tồn, mà cả những người khác cũng cần sinh tồn như nó. Điều này thoạt nghe thật hiển nhiên, nhưng đó là một bước chuyển hoá vĩ đại của tư duy, đứa trẻ đã chấp nhận sự tồn tại của khách thể, của người khác, như một lực lượng đối lập với bản thân nó.

Chấp nhận sự tồn tại của khách thể là điều kiện để phân biệt giữa cái thiện và cái ác. Cái thiện là sung sướng trong sự hạnh phúc của người khác, đau khổ trong sự bất hạnh của người khác; còn ngược lại cái ác, là sung sướng trong sự bất hạnh của người khác, đau khổ với sự hạnh phúc của người khác. Như vậy, khi đứa trẻ còn chưa nhận thức về người khác, theo nghĩa ở trên, các khái niệm thiện và ác chưa thể áp dụng vào nó. Thêm nữa, khái niệm “người khác” không nhất thiết phải là người. Đó có thể là con ong, cái kiến.

Việc học, theo Hannah Arendt, đó là cố gắng để hiểu thế giới xung quanh, trong đó có thế giới tự nhiên và thế giới con người. Nó bắt người ta phải nhận thức về sự tồn tại của người khác, cái là điều kiện để phân biệt giữa thiện và ác. Chỉ biết phân biệt thiện và ác thôi không đủ. Có một câu ngạn ngữ nói rằng:  “Đường đến địa ngục lát bằng thiện tâm”.  Biết phân biệt rành rọt giữa thiện và ác là cần thiết nhưng sẽ thật thiếu sót, thậm chí nguy hiểm, nếu coi việc hình thành nhân cách chỉ đơn giản là phân biệt giữa thiện và ác. Trong phần lớn các trường hợp, vấn đề không phải là ở chỗ phân biện giữa thiện và ác.

Để nhận thức được vị trí của mình trong thế giới, mỗi người phải tự đặt ra cho mình những câu hỏi căn bản nhất về thân phận con người, phải tự tìm ra câu trả lời của mình cho những câu hỏi đó, hoặc ít ra cũng biết về những câu trả lời mà tiền bối đã từng đưa ra. Việc phân biệt giữa cái thiện và cái ác là một trong những câu hỏi như thế, nhưng nó không phải là câu hỏi duy nhất và có lẽ cũng không phải là câu hỏi quan trọng nhất.

Có những câu hỏi thoạt nghe thì có vẻ ngây thơ, ví dụ: “Những cái gì là nhu cầu căn bản của con người? Tự do và công bằng có phải là nhu cầu căn bản của con người hay không?”. Con người có cả nhu cầu sống trong cộng đồng, trong xã hội, vì mỗi người không thể làm ra được hết tất cả những gì mình cần. Nếu tự do và công bằng cũng là nhu cầu căn bản thì xã hội phải được thiết kế thế nào để cho tự do của mỗi người và sự công bằng giữa người này và người khác được bảo đảm? Triển khai câu hỏi đến đây thì ta thấy câu hỏi này phức tạp hơn nhiều so với câu hỏi phân biệt giữa cái thiện và cái ác, và có lẽ cũng quan trọng hơn.

Trả lời cho câu hỏi về vai trò của giáo dục nhân văn nói chung vượt ra ngoài khuôn khổ của bài nói chuyện này và khả năng của tôi.  Trong phần tiếp theo, tôi muốn thu hẹp câu hỏi lại và trao đổi kỹ hơn về vai trò của giáo dục nhân văn trong sự hình thành nhân cách.

Cơ chế căn bản cho việc hình thành nhân cách là chiêm nghiệm về một sự việc cụ thể đã xảy ra trong một hoàn cảnh cụ thể, ngẫm xem người ta đã quyết định như thế nào, đã làm gì, và hậu quả, ảnh hưởng của việc đó lên cuộc sống của người khác và của chính người đó như thế nào. Có thể thấy rằng con người chiêm nghiệm bằng xúc cảm nhiều hơn là bằng tư duy. Người ta chiêm nghiệm sâu sắc nhất về những gì xảy ra với chính mình, hoặc là xảy ra với người thân của mình, vì những trải nghiệm đó để lại những xúc cảm mạnh nhất.

Nhưng nói chung, trải nghiệm của một người trẻ, kể cả những trải nghiệm được gia đình chia sẻ, không đủ phong phú để người đó hình thành một nhân cách vững vàng. Vốn trải nghiệm của anh ta sẽ giàu có hơn nhiều, nếu anh ta biết đặt mình vào trong lịch sử, nơi những câu chuyện của quá khứ được ghi lại một cách trung thực, hoặc là trong văn học, nơi có những câu chuyện lớn, tuy có thể là được hư cấu, nhưng luôn xuất phát từ sự trải nghiệm chân thực của nhà văn.

Trong một bài viết trên blog cá nhân, đặt tên là “Giữ ký ức”, tôi có kể câu chuyện về học sinh phổ thông ở Đức học về tội ác của chế độ quốc xã lên người Do Thái như thế nào. Học sinh Đức học ở trong sách vở, đọc nhật ký của cô bé Anne Frank viết khi trong thời gian hai năm trốn trong góc tủ để rồi cuối cùng cũng bị bắt rồi bị giết. Họ đi tham quan trại tập trung Buchenwald. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn cả là học sinh Đức còn phải tự đi điều tra xem xung quanh nơi mình ở, trước đây đã từng có người Do Thái nào sống, họ tên là gì, họ đã bị bắt trong hoàn cảnh nào, đã bị giết chết như thế nào. Làm như thế để cho những trải nghiệm trở nên gần gũi nhất. Một vài tháng sau khi viết bài này, tôi có nói chuyện với một nhiếp ảnh gia người Đức, ông ấy nói người Đức phải làm như thế vì nếu không họ sẽ lại phạm lại đúng những sai lầm khủng khiếp nhất trong quá khứ. Giáo sư Hà Huy Khoái cũng bình luận như thế này: “Người Đức khôn thật, họ cho học sinh học thuộc bài lịch sử! Dân tộc nào không làm điều đó, chắc chắn phải học đi học lại nhiều lần. Chưa thuộc bài nào, lịch sử sẽ bắt học lại bài đó. Mà mỗi lần học lại, thi lại đều phải trả giá đắt hơn trước. Giá ở đây có thể là máu, không chỉ là tiền như sinh viên thi lại!”.

Tôi nghĩ về câu chuyện này từ một khía cạnh khác. Trải nghiệm chân thực về những sự thật dù đau đớn đến mấy cũng làm cho cốt cách con người trở nên mạnh mẽ, trái với những sự dối trá, có thể ngọt lịm, nhưng luôn làm tha hoá tâm hồn con người. Chức năng của giáo dục nhân văn không phải là ngợi ca cái thiện, phê bình cái ác mà là giúp con người tìm đến sự thực và để cảnh giác với sự dối trá của người khác và của chính mình. Cảnh giác với bản năng lười nhác, ích kỷ và hèn nhát, những cái rất giỏi ngụy trang trong tấm áo thiện tâm để dắt tay con người đi về địa ngục, cái kh ông phải là gì khác mà chính là sự tha hóa hoàn toàn của tâm hồn con người. Giáo dục nhân văn nghiêm túc rèn cho chúng ta thái độ nỗ lực không mệt mỏi trong cố gắng đi tìm sự thật cùng với khả năng chiêm nghiệm bằng tư duy vì nếu chỉ chiêm nghiệm bằng xúc cảm, con người rất dễ bị đánh lừa.

Tôi đã nhắc đến chuyện bản năng hướng thiện của con người rất dễ bị tha hoá để trở thành hiện tượng sùng bái cá nhân, có thể xuất hiện dưới dạng là sùng bái lãnh tụ hoặc ca sĩ Hàn Quốc. Vai trò của giáo dục nhân văn là dắt tay con người đi theo “tấm biển chỉ đường của trí tuệ” để đi về với cái chân thiện, chân mỹ.

(Trích Bài nói chuyện của GS Ngô Bảo Châu với sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội)

Các tin khác