Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Giống đậu tương DT51 được công nhận chính thức

Thứ Năm, 28/02/2019
Giống đậu tương ĐT51 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ, Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm chọn lọc thành công từ tổ hợp lai LS17 x DT2001, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận chính thức từ tháng 5/2016. Hiện đang được thâm canh trên nhiều địa phương trong cả nước.

1. Đặc điểm chính

Thời gian sinh trưởng 90-95 ngày. Chiều cao cây 45-55cm. Khả năng phân cành khá (hơn 2 cành/cây). Hoa màu tím. Hạt màu vàng, rốn hạt màu nâu đậm. Số quả chắc cao. Khi chín vỏ quả chuyển sang màu vàng. Tỷ lệ quả 3 hạt đạt 25-30%. Khối lượng 100 hạt từ 17,5-20g. Năng suất trung bình đạt 20-29 tạ/ha, tuỳ thuộc mùa vụ và điều kiện thâm canh. Giống đậu tương ĐT51 có bị nhiễm nhẹ bệnh đốm nâu và virus.

2. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:

Đối với đất chuyên màu nên áp dụng quy trình kỹ thuật gieo thâm canh đậu tương. Với đất sau thu hoạch lúa mùa (vụ đông) nên gieo đậu tương theo phương pháp làm đất tối thiểu hoặc không làm đất (gieo hạt trong gốc rạ, gieo vãi trên ruộng, gieo bằng máy).

Lượng giống gieo 60kg/ha đối với ruộng thâm canh, 65-85kg với ruộng gieo theo phương pháp làm đất tối thiểu, tùy theo chân đất và phương thức gieo trồng (trong gốc rạ hay gieo sạ, gieo máy). Yêu cầu hạt giống phải có độ thuần cao, không nhiễm sâu bệnh hại, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 80%.

3. Thời vụ gieo hạt:

Vụ Xuân: gieo từ 20/2-5/3.

Vụ Hè: gieo từ 10/6-5/7.

Vụ Đông: tốt nhất gieo từ 15/9-30/9.

Nếu gieo muộn phải kết thúc thời vụ trước 5/10.

4. Phân bón cho 1 ha

Lượng bón cho 1 ha vào khoảng 30kg N + 60kg P2O5 + 60kg K2O + 1.000kg phân hữu cơ vi sinh.

Quy ra 1 sào (360m2) là phân hữu cơ vi sinh 35-40 kg; Đạm urê: 2-3 kg, Supe lân 8-10 kg; Kali Clorua 4-5kg. Bón lót toàn bộ phân lân, phân hữu cơ vi sinh.

Bón thúc lần 1 (khi cây có 2-3 lá thật): 50% lượng đạm, 50% lượng kali.

Bón thúc lần 2 (khi cây có 4-5 lá thật): bón hết số phân còn lại. Cần phủ đất lên phân lót trước khi gieo hạt, để hạt giống không thể tiếp xúc với phân bón.

Riêng ruộng đậu gieo sạ hoặc gieo máy, phân lân và phân hữu cơ bón khi cây có 1-2 lá thật, có thể thay bằng bón siêu lân qua lá.

Chú ý: quan sát tình hình sinh trưởng của ruộng đậu, nếu cây sinh trưởng chậm thì bón thêm phân qua lá, để kích thích cho đậu phát triển nhanh. Không bón phân khi lá đậu còn ướt vì sẽ dễ gây cháy lá. Đảm bảo đủ độ ẩm cho ruộng đậu trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là các thời kỳ cây mới mọc, ra hoa, đậu quả và quả vào chắc. Không để ruộng đậu tương bị úng nước.

5. Phòng trừ sâu bệnh

Trong vụ Đông cần phun thuốc trừ dòi đục thân ngay khi cây vừa xoè 2 lá mầm. Phòng trừ dòi đục lá, dòi đục quả, sâu cuốn lá, sâu khoang, rệp, sâu đục quả bằng một trong các thuốc Ofatox 50EC, Sumicidin 20EC hoặc Regent 80WP. Phòng trừ bệnh gỉ sắt, lở cổ rễ, sương mai, phấn trắng, dùng Daconil 75WP hoặc Validacin 5FP. Không phun thuốc phòng trừ sâu bệnh khi ngoài trời nắng gắt hoặc sắp mưa.

6. Thu hoạch

Khi 2/3 số quả trên cây chuyển sang màu vàng. Cây thu về phơi rải đều trên sân, không xếp dồn thành đống sẽ gây thối mốc hạt. Khi cây đậu đã khô tách lấy hạt. Hạt giống không được phơi trực tiếp trên sân gạch, xi măng. Phơi hạt tới độ ẩm nhỏ hơn hoặc bằng 12% thì để nguội mới cho vào bảo quản trong chum, vại hoặc bao nilon 2 lớp để nơi khô, mát.

Các địa phương đã áp dụng thành công: Phúc Thọ, Thạch Thất, Mỹ Đức, Ba Vì (Hà Nội), Yên Mô (Ninh Bình), Hưng Hà (Thái Bình), Yên Lạc (Vĩnh Phúc), Lâm Thao (Phú Thọ)...

Thu Trà

Các tin khác