Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Nghiên cứu một số đặc tính sinh học, khả năng sinh sản để nhân nuôi và phát triển loài Gà rừng tai đỏ

Thứ Hai, 31/10/2016
Gà rừng Tai đỏ là một giống gà rừng quý hiếm vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị làm cảnh. Thịt Gà rừng tai đỏ thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng, lại là nguồn nhiên liệu quý hiếm cho một số bài thuốc cổ truyền quý hiếm. Chính vì vậy hiện nay Gà rừng Tai đỏ là một đối tượng bị săn bắn, đánh bẫy rất nhiều và có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng về số lượng trong môi trường hoang dã. Trước thực trạng đó, năm 2007, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu một số đặc tính sinh học, khả năng sinh sản để nhân nuôi và phát triển loài gà Tai đỏ”, nhằm khai thác và nhân rộng giống Gà rừng Tai đỏ trong môi trường nuôi nhốt, không chỉ tại Trung tâm mà còn phát triển ra các hộ nông dân quanh vùng.

Đến nay, giai đoạn một của đề tài đã được nghiệm thu. Kết quả cho thấy, bằng các phương pháp nghiên cứu mới, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu được rất rõ các đặc điểm sinh học của Gà rừng Tai đỏ như tập tính sinh sản, khẩu phần ăn, sức chịu bệnh… từ đó, nhóm đã có những biện pháp cụ thể, chăm sóc rất tốt cho đàn Gà rừng Tai đỏ trong điều kiện nuôi nhốt, đảm bảo giữ nguyên tính thuần chủng, liên tục nhân lên về số lương. Cụ thể, từ 47 cá thể ban đầu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp, hiện nay Trung tâm đã phát triển trên 1000 cá thể, phục vụ công tác nghiên cứu cho giai đoạn tiếp theo.

 Loài Gà rừng Tai đỏ hiện nay đang hứa hẹn mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn, giá trị của 1 kg thịt lên đến 700.000 đồng. Ngoài việc có thể trở thành nguồn thực phẩm, loài gà này còn làm nhiều phương thuốc quý. Với hình dáng đẹp, bắt mắt nên nhiều người có thú chơi gà cảnh cũng coi đây là 1 vật nuôi không thể thiếu được trong nhà. Có thể thấy, đối với những loài gen quý hiếm, đang trong tình trạng bị đe dọa nói chung và loài Gà rừng Tai đỏ nói chung thì việc tìm một hướng đi mới để bảo tồn trong điều kiện nuôi nhốt, từ đó nhân rộng và phát triển là vô cùng cần thiết.

Gà rừng Tai đỏ là loài gà có thể sống trong nhiều kiểu rừng khác nhau, tuy vậy nơi sống thích hợp nhất là rừng thứ sinh gần nương rẫy, hay rừng gỗ pha tre, nứa. Sống thành bầy đàn và hoạt động vào hai thời điểm trong ngày là sáng sớm và xế chiều, do số lượng đang giảm sút nghiêm trọng nên nguy cơ bị lai tạp hoặc mất giống, không còn giữ được tính thuần chủng của loài gà này rất dễ xảy ra. Trong quá trình triển khai đề tài, nội dung đầu tiên được nhóm tác giả nghiên cứu chú trọng đó là việc chọn ra được những con giống thuần chủng, mang đầy đủ đặc điểm hình dáng của loài. Để thực hiện nội dung này chính xác thì phương pháp trực quan, quan sát đặc điểm ngoại hình của gà là phương pháp đã được nhóm nghiên cứu thực hiện. Với việc so sánh với những các thể gà thu được từ tự nhiên, các kỹ sư đã thành lập được tiêu chuẩn về ngoại hình đối với loài Gà rừng Tai đỏ. Bằng phương pháp trực quan, sau 20 tuần theo dõi, kết quả cho thấy, gà rừng tuy được chăn nuôi trong môi trường nhân tạo khác xa so với môi trường hoang dã với một thời gian tương đối dài, song chúng vẫn duy trì được sự ổn định về di truyền của các tính trạng mầu lông. Đây được coi là một trong những cơ sở quan trọng cho thấy sự thích nghi tốt của loài Gà rừng Tai đỏ trong môi trường nuôi nhốt. 

Nghiên cứu đặc điểm sinh sản của Gà rừng Tai đỏ cũng là 1 nội dung quan trọng. Bởi lẽ, gà có thể sinh sản tốt thì việc bảo tồn, lưu giữ nguồn gen Gà rừng Tai đỏ mới có thể thành công. Nhận định được điều đó, các kỹ sư đã tiến hành ấp trứng nhân tạo trên máy ấp trứng gà tự động sử dụng nguồn điện để cung cấp nhiệt. Đây là một phương pháp trước đây đã được áp dụng trong quá trình nuôi gà công nghiệp. Tuy nhiên, do vỏ trứng Gà rừng Tai đỏ có đặc điểm mỏng hơn trứng gà công nghiệp nên việc theo dõi, chỉnh mức nhiệt, thời gian ấp cũng được tiến hành cẩn thận, tỷ mỉ hơn. Trứng Gà rừng Tai đỏ được thu nhặt hàng ngày và được bảo quản trong môi trường thoáng mát. Bằng phương pháp này, số lượng trứng mà gà mái sản xuất được cũng tăng gấp hai lần. Tỷ lệ trứng có phôi và tỷ lệ nở trứng cũng luôn đạt trên 93%.

Mội nội dung quan trọng khác, mang tính quyết định đến thành công của đề tài đó là xác định được khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng đối với Gà rừng Tai đỏ trong môi trường nuôi nhốt. Để thực hiện nội dung này, trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đã triển khai nhiều biện pháp, phân chia đàn gà thành từng nhóm, mỗi nhóm được cung cấp chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn khác nhau bao gồm cám gà công nghiệp, chế độ cám gà công nghiệp kết hợp với cám tự nhiên theo tỷ lệ (1/1) và chế độ thức ăn hoàn toàn là cám tự nhiên. Kết quả cho thấy, đối với Gà rừng Tai đỏ, phương pháp chăn nuôi bằng cám gà công nghiệp mang lại hiệu quả cao hơn, nhóm gà được chăn nuôi bằng cám gà công nghiệp có tốc độ tăng trưởng ốn định, mang đặc trưng về khối lượng của loài là sấp xỉ 1200gr đối với con trống và 600gr đối với con mái. Tuy nhiên, đối với việc chăm sóc Gà rừng Tai đỏ, mặc dù có sự thích nghi nhanh đối với môi trường nuôi nhốt, tuy nhiên do vẫn mang đặc tính của loài gà rừng, nên công tác chăm sóc, theo dõi cũng cần sát sao hơn.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn về chuồng trại, chế độ tiêm chủng, kỹ thuật cho ăn cũng được nhóm nghiên cứu đặc biệt coi trọng, nhờ thế, sau bốn năm thực hiện giai đoạn 1 của đề tài, kết quả thu được rất khả quan. Bằng những thí nghiệm, việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, giống Gà rừng Tai đỏ đã thể hiện được sự thích nghi nhanh nhạy trong môi trường nuôi nhốt.

Hiện nay, tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật, các kỹ sư đang tiến hành triển khai giai đoạn 2 của đề tài. Đến năm 2017, dự tính, loài gà này sẽ được nhân rộng, phát triển theo mô hình nuôi nhốt tại các hộ dân. Hiện trung tâm đang tiến hành xây dựng đàn gà hạt nhân là gồm những cá thể tốt nhất của Gà rừng Tai đỏ, có sự chọn lọc kỹ lưỡng trong đàn gà giống từ 1 ngày đến 20 tuần tuổi. Đàn gà hạt nhân này đảm bảo tất cả các yếu tố từ ngoại hình bên ngoài đến khả năng sinh sản của từng cá thể.

Trong thời gian tới, đàn gà sản xuất và đàn gà thương phẩm sẽ được xây dựng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của người dân. Với số lượng ước tính lên đến 300 mái trong đàn sản xuất, 500 mái trong đàn gà thương phẩm, với tốc độ thích nghi nhanh trong điều kiện nuôi nhốt của Gà rừng Tai đỏ, dự tính giống gà quý này sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người dân sau này.

Có thể thấy, đối với công tác bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý nói chung và nguồn gen Gà rừng Tai đỏ nói riêng, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, các biện pháp nghiên cứu đặc tính sinh học đóng một vai trò rất quan trọng. Những phương pháp này chính là cơ sở để xác định được những đặc điểm di truyền từ đó có thể thúc đẩy được việc thích nghi và phát triển của các nguồn gen quý, tránh nguy cơ lai tạp và mất cân bằng tự nhiên.

Đông Hà

Các tin khác