Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Thực trạng và giải pháp phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình trong thời kỳ hội nhập

Thứ Ba, 16/03/2021
Để đạt được chỉ tiêu cơ cấu kinh tế tỉnh Ninh Bình về lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 49% giai đoạn 2021-2025, với định hướng phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại trên cơ sở cơ cấu lại ngành công nghiệp với yêu cầu công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn; hoàn thiện hạ tầng, phát huy hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khuyến khích ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, phụ trợ, chế biến, chế tạo; duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực gắn với bảo vệ môi trường.

1. Một số kết quả đột phá phát triển công nghiệp giai đoạn 2015-2020

1.1. Kết quả phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020

Giai đoạn 2016-2020, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với các cấp, các ngành và sự đồng hành của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển khá; tỉnh đã tập trung vào những ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững; từng bước xác định, lựa chọn những sản phẩm chủ lực để ưu tiên phát triển, trong đó đặc biệt tập trung vào các sản phẩm chủ lực như ô tô, điện tử, may mặc, giày da; bên cạnh những cải cách về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư thuận lợi thì các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh đã tich cực đổi mới, cải tiến phương thức sản xuất, nâng cao năng lực và đưa vào sản xuất nhiều dòng sản phẩm mới có giá trị cao, sức cạnh tranh lớn trên thị trường... tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân của tỉnh giai đoạn 2016-2020 ước đạt 18,9%/năm, vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh là 16%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 (theo giá so sánh 2010) ước đạt là 279.037 tỷ đồng, trong đó năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 78.585 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2016.

Các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và công nghiệp hỗ trợ là những ngành mũi nhọn phát triển kinh tế, góp phần vào tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp cao do vậy tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, tạo nhiều điều kiện thuận lợi về các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng… để các doanh nghiệp trong các ngành này sớm triển khai dự án, đi vào hoạt động góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh như tạo điều kiện cho Tập đoàn Thành Công chuyển đổi, nâng công suất nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại KCN Gián Khẩu lên 80.000 xe/năm và xây dựng mới nhà máy HTMV số 2 công suất 100.000 xe/ năm tại KCN Gián Khẩu 50 ha mở rộng; Nhà máy sản xuất Camera modul và linh kiện điện tử của Công ty TNHH MCNEX Vina tại KCN Phúc Sơn đầu tư đạt công suất thiết kế (150 triệu sản phẩm camera modul cho điện thoại) và mở rộng sản xuất tạo thêm nhiều sản phẩm mới (công suất 3 triệu camera modul cho ô tô, 96 triệu sản phẩm nút Home điện thoại); dự án Nhà máy kính nổi CFG Ninh Bình công suất 1.200 tấn/ngày của Công ty TNHH MTV công nghiệp Hạ Long tại KCN Khánh Cư, dự án Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô của Công ty cổ phần Sejung (công suất 570.500 sp/năm) tại CCN Cầu Yên... và các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các ngành này. Bên cạnh đó một số sản phẩm chủ lực khác như may mặc, giày dép, xi măng... vẫn duy trì ổn định sản xuất và đóng góp nhiều cho ngành công nghiệp của tỉnh.

Một số sản phẩm chủ yếu trong giai đoạn 2016-2020 có mức tăng trưởng khá là: sản lượng ô tô năm 2020 ước đạt 75.000 xe, tăng gấp 11 lần so với năm 2016, tăng bình quân 87,2%/năm; sản lượng camera modul năm 2020 ước đạt 150 triệu sản phẩm, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2016, tăng bình quân 23,6%/năm; linh kiện điện tử năm 2020 ước đạt 250 triệu sản phẩm, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2016; kính nổi năm 2020 ước đạt 430 triệu sản phẩm, tăng gấp hơn 9 lần so với năm 2016, tăng bình quân 38,7%/năm; may mặc ước đạt 75 triệu sản phẩm, tăng 45% so với năm 2016, tăng bình quân 10,1%/năm; giày dép ước đạt 30 triệu đôi, tăng 44% so với năm 2016, tăng bình quân 8,3%/năm;...

1.2. Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2015-2020 (QHT-2014)

Trong giai đoạn 2015-2020, công nghiệp Ninh Bình duy trì tốc độ tăng trưởng cao và giữ vai trò  quan trọng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Ngành công nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và tạo động lực để phát triển đô thị, dịch vụ; phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ gắn với tái cơ cấu nội bộ ngành, bảo vệ môi trường phù hợp với định hướng phát triển QHT-2014 đề ra. Các khu công nghiệp tiếp tục được quy hoạch, đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và mục tiêu tăng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, so với mục tiêu của QHT-2014 đề ra, tỉnh chưa đạt về số lượng và quy mô diện tích KCN.

1.3. Thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020

Hiện nay số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh còn tương đối ít, rải rác ở một số lĩnh vực như điện tử, may mặc, sản xuất lắp ráp ô tô, may mặc như công ty tnhh MCNEX Vina tại KCN Phúc Sơn (công suất từ 100-150 triệu sản phẩm Camera Modul và linh kiện điện tử khác/năm), công ty TNHH Sanico Việt Nam tại CCN Gia Vân (300 triệu sản phẩm/năm, sản xuất linh kiện điện tử cho thiết bị di động), Công ty TNHH Beauty Surplus Intl Việt Nam tại KCN Khánh Phú (sản xuất thiết bị quang học, công suất 7,2 triệu sản phẩm/năm), Công ty TNHH ADM 21 tại KCN Khánh Phú (công suất 20 triệu chiếc sản xuất cần gạt nước ôtô/năm), dự án Nhà máy sợi của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Lam Giang tại phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình (với sản phẩm sợi cọc, công suất 12.000 tấn/năm). sản phẩm của các ngành này mang lại giá trị sản xuất cao, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. ngoài các nhóm ngành CNHT chính nêu trên, trên địa bàn tỉnh còn có một số doanh nghiệp có tham gia hoạt động CNHT như Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam (sản xuất đế giầy, mũ giầy cung cấp cho một số doanh nghiệp trong nước); Công ty TNHH Đổi Mới, DNTN Quang Ninh (sản xuất khung sắt sơn tĩnh điện phục vụ sản xuất hàng cói, bèo), Công ty TNHH MTV cơ khí Đại Phú, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thành Nam,…(sản xuất bi, con lăn, máy nghiền, băng tải phục vụ cho sản xuất, chế biến xi măng), tuy nhiên sản lượng và giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, ngoài các chính sách hỗ trợ phát triển của Trung ương, tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo mặt bằng sạch nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, đầu tư nhất là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong thời gian qua, tỉnh đó thu hút được một số dự án lớn như dự án linh kiện điện tử Goryo Việt Nam của nhà đầu tư Yang Man Ho tại CCN Gia Vân với tổng vốn đầu tư 38,2 tỷ đồng, dự án đầu tư nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô của Công ty cổ phần Sejung (sản xuất ống xả, linh kiện ống xả, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả, công suất 570.500 sản phẩm/năm) tại CCN Cầu Yên với tổng vốn đầu tư 443,4 tỷ đồng, dự án đầu tư nhà máy Nanpao Advanced Materials Việt Nam của Công ty Nanpao Resins Chemical tại KCN Phúc Sơn (sản xuất, gia công các sản phẩm cán dán, phụ liệu làm giày đó được gia công keo, sản phẩm keo làm giày, nhựa PU, chất tôi, chất tạo kết dính giữa 2 bề mặt, nhũ tương eva, pvac, dung môi xử lý và chất làm khô cứng keo, quy mô: 9.000 tấn sản phẩm/năm) với vốn đầu tư 335 tỷ đồng, dự án trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất các sản phẩm ngành giầy cao cấp của công ty Wonderful Ocean Inc tại KCN Phúc Sơn  (sản xuất lót giầy 36.000.000 đôi/năm; mũ giầy 24.000.000 đôi/năm; dán bồi vải, mút xốp các loại 330 tấn sản phẩm/năm) với vốn đầu tư 339 tỷ đồng,... các dự án vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng và dự kiến sớm sẽ đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô:

- Ngành sản xuất lắp ráp ô tô được kỳ vọng với nhiều chính sách ưu đãi phát triển nhưng đến nay tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng trên dưới 10% đối với xe con, do dung lượng thị trường thấp nên không thu hút được doanh nghiệp sản xuất phụ tùng tham gia chuỗi cung ứng.

- Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp (Veam), với sự góp mặt của các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, sau gần 2 thập niên hoạt động, đến nay tỷ lệ nội địa hóa mới đạt từ 5-20%. Số lượng các nhà cung cấp chỉ là con số lẻ so với Thái Lan, những phụ tùng và linh kiện đơn giản được nội địa hóa là săm, lốp, dây điện, ghế ngồi, bàn đạp, chân ga, chân phanh và ăng ten cho radio trong xe. Hầu hết các bộ phận đều phải nhập khẩu, từ động cơ đến các vật liệu, chi tiết đơn giản khác như vải bạt, da, mút, ốc vít…

- Công nghiệp ô tô được hoạch định và kỳ vọng rất lớn đến năm 2010 đạt tỷ lệ nội địa hóa cao (40-60%), tự chủ công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước (60-80%), hướng tới xuất khẩu ô tô và phụ tùng. Tuy nhiên hầu hết các chỉ tiêu đều không đạt được, đặc biệt đối với dòng xe con và xe chuyên dựng (tỷ lệ hiện tại dưới 25%). Các chi tiết linh kiện phụ tùng có hàm lượng kỹ thuật cao như động cơ, hộp số đều chưa thể sản xuất trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường ô tô chưa được mở ra như mong đợi, sản lượng thấp nên khó có thể đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ.

- Công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ đứng trước thử thách nghiệt ngã khi Việt Nam thực hiện cam kết trong AFTA về lộ trình giảm thuế vào năm 2018. Nếu không có các đột phá về chính sách thì rất dễ hình dung “hình hài” của ngành công nghiệp ô tô như thế nào sau giai đoạn này.

2. Một số giải pháp chủ yếu cho phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp (công nghiệp và xây dựng) giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Ninh Bình đưa ra và quyết tâm thực hiện một số giải pháp chủ yếu, quan trọng sau:

2.1. Tạo dựng môi trường thu hút đầu tư:

Điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng các KCN, CCN có tính khả thi và phù hợp với khả năng của địa phương; thực sự tạo ra sự khác biệt cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư. Hàng năm tỉnh cân đối nguồn vốn cho hỗ trợ đầu tư vào hạ tầng các công trình kỹ thuật bên ngoài hàng rào KCN, các công trình dịch vụ công cộng liên quan.

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp; chọn lọc thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng. tập trung khai thác các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và các cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Thu hút đầu tư trực tiếp của các tập đoàn, công ty con; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, năng lượng, ngành sử dụng nhiều lao động, sản phẩm xuất khẩu, sử dụng nguyên liệu tại chỗ.
Xây dựng chương trình đầu tư cụ thể nhằm nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các tuyến giao thông quan trọng từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, bao gồm các tuyến đường kết nối, đường giao thông với các khu, cụm công nghiệp.

Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn gắn liền với quy hoạch đô thị - dịch vụ liên quan. Đặc biệt chú trọng dành quỹ đất sạch, có chính sách hỗ trợ tích cực hiệu quả để xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa xã hội cho các lao động làm việc trong các khu công nghiệp.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tổ chức hệ thống dịch vụ phù hợp để thu hút các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp.

2.2. Cải cách thủ tục hành chính:

* Hoàn thiện thủ tục hành chính sau giấy phép:

- Nhận được giấy phép đầu tư hay giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới chỉ là bước đầu tiên trong việc triển khai dự án đầu tư. Các nhà đầu tư mong muốn thực hiện kế hoạch kinh doanh và thu được lợi nhuận. Vì vậy, Ninh Bình cần hoàn thiện các thủ tục hành chính sau giấy phép đầu tư để hỗ trợ các nhà đầu tư nhanh chóng đưa dự án vào triển khai.

 - Các thủ tục sau giấy phép đầu tư cần được cải cách theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch và giảm phiền hà, rút ngắn được thời gian cho doanh nghiệp, bao gồm: thủ tục liên quan đến giao, cho thuê đất, thủ tục về xây dựng, thủ tục về quản lý môi trường (đánh giá tác động môi trường, đăng ký môi trường), các thủ tục về cấp mã số thuế, mã số hải quan...

- Trong quá trình ban đầu, nhằm giảm thiểu tình trạng đầu cơ diện tích đất công nghiệp, đầu cơ giấy phép đầu tư, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, kiên quyết thu hồi các giấy phép đầu tư của các dự án có thời gian không thực hiện quá kéo dài.

* Hoàn thiện các thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh:

- Các sở, ban ngành trong tỉnh cần cụ thể hóa các quy định quản lý nhà nước của trung ương vào điều kiện cụ thể của địa phương, đồng thời có sự phối hợp toàn diện và tích cực hơn trong việc hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc chứ không phải gây khó khăn cho các nhà đầu tư triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Về cải cách thủ tục hải quan:

+ Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức ngành hải quan.

+ Các thủ tục và quy trình thông quan phải thống nhất, đơn giản, minh bạch, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhằm đạt được kết quả tích cực là giảm bớt phiền hà và thời gian cho doanh nghiệp;

+ Hiện đại hóa và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành hải quan.

- Về cải cách thủ tục về thuế:

+ Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế ở tất cả các khâu trong quy trình hoạt động của ngành thuế theo hướng giảm phiền hà và thời gian cho đối tượng nộp thuế;

+ Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng nộp thuế.

+ Hoàn thiện và nõng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ các đối tượng nộp thuế. kịp thời cung cấp các thông tin liên quan đến lĩnh vực thuế cho các đối tượng nộp thuế với nhiều hình thức, trong đó chú trọng cung cấp tự động thông qua thư điện tử theo yêu cầu. Tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức thích hợp.

2.3. Giải pháp về vốn đầu tư

- Vốn ngân sách chủ yếu hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông đấu nối vào các khu, cụm công nghiệp, huy động các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp. tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách thuận lợi.

- Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nguồn vốn từ các chương trình, dự án. Tăng cường huy động các nguồn vốn trong nước khác thông qua các hình thức thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh của các tập đoàn, các công ty lớn, các ngành và các thành phố lớn trong cả nước.

- Sử dụng các công cụ huy động vốn mới trên thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ như phát hành trái phiếu, tín phiếu với sự đảm bảo bằng ngân sách của tỉnh, của chính phủ, cho các công trình trọng điểm trên địa bàn. áp dụng việc đầu tư trực tiếp từ các tổ chức ngân hàng, bảo hiểm... vào công nghiệp như một thành viên góp vốn.

- Sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả thông qua việc tập trung đầu tư có trọng điểm những dự án lớn để nhanh chóng đưa vào hoạt động.

2.4. Giải pháp bảo vệ môi trường

- Tăng cường kiểm tra, có biện pháp hướng dẫn và xử lý chất thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất đối với các doanh nghiệp. di dời hoặc đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở gây ô nhiễm không tuân thủ các quy định về môi trường.

- Các dự án đầu tư trước khi xây dựng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và triển khai theo đúng quy định của Luật bảo vệ môi trường, để khi hoạt động không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Xây dựng kế hoạch di dời và hạn chế phát triển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại thành phố, huyện lỵ và khu đông dân cư.

- Lập danh mục các ngành nghề không được đầu tư sản xuất ngoài khu công nghiệp, các ngành nghề không được đầu tư sản xuất trong khu dân cư và công khai danh mục này cho các nhà đầu tư biết.

- Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường, các quy định thanh kiểm tra ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất.

- Các khu, cụm công nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt mức quy định trước khi thải ra môi trường. Hỗ trợ kinh phí để xây dựng các công trình xử lý môi trường tại các cơ sở công nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp. Tăng cường giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động trong việc phòng ngừa và bảo vệ môi trường.

- Tăng cường năng lực và trách nhiệm quản lý môi trường cho các ban quản lý các khu, cụm công nghiệp, các địa phương.

- Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp thay thế công nghệ hoặc đầu tư sử dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường.

2.5. Giải pháp về thị trường hội nhập kinh tế quốc tế

- Về phát triển thị trường:

+ Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng chi ngân sách hỗ trợ các hoạt động khuyến khích xuất khẩu và xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp công nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, giới thiệu quảng bá sản phẩm ở nước ngoài theo các chương trình xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu, cung cấp thông tin thị trường thường xuyên và đầy đủ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.

+ Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn về tiếp thị, nghiên cứu thị trường, xúc tiến mậu dịch, nghiên cứu, thăm dự và thông tin kịp thời về thị trường và làm đầu mối giao dịch.

+ Tích cực tìm kiếm thị trường thông qua các tổ chức ngoại giao, đẩy mạnh và  mở rộng các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế của tỉnh. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường.

+ Thắt chặt mối quan hệ giữa với các tỉnh trong vùng, tăng cường hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh thuộc địa bàn kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết liên doanh và trao đổi bổ sung hàng hóa để phát triển. Cần hướng mạnh hơn nữa về thị trường nông nghiệp, nông thôn.   

- Về hội nhập kinh tế quốc tế:

+ Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức hội nhập kinh tế và các kiến thức liên quan đến vấn đề hội nhập như: Luật pháp Quốc tế về thương mại, bảo hộ sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, chống bán phá giá... đây là những yêu cầu cần thiết đối với tỉnh nhằm có khả năng giúp các doanh nghiệp hạn chế được những rủi ro trong quá trỡnh hội nhập kinh tế quốc tế cũng như tổ chức có hiệu lực công tác quản lý thị trường trên địa bàn, đảm bảo tính công bằng và minh bạch.

+ Trong điều hành chỉ đạo, tỉnh cần thực hiện đúng các yêu cầu về hội nhập cũng như các cam kết của nước ta khi tham gia các tổ chức quốc tế như ASEAN, WTO...

2.6. Giải pháp về hoàn thiện tổ chức, quản lý:

- Nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện công tác quản lý theo hướng các cơ quan quản lý nhà nước hướng mạnh về cơ sở, tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường quản lý, kiểm sóat chất lượng sản phẩm, quyền sở hữu công nghiệp; giám sát thực thiện nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính hoạt động thuận lợi.

- Khuyến khích thành lập các Hiệp hội ngành nghề theo địa bàn hoạt động, tạo mối liên kết chặt chẽ hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh (chia sẻ đơn hàng, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, đào tạo nhân lực, vay vốn, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, giải quyết các tranh chấp thương mại...). Xây dựng và hoàn thiện, đồng bộ hóa các quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác, các quy hoạch lĩnh vực thuộc quy hoạch công nghiệp để triển khai thực hiện đồng bộ các lĩnh vực của quy hoạch phát triển công nghiệp.

- Kiện toàn tổ chức (bộ máy, nhân sự) đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về công nghiệp (tỉnh, huyện), đặc biệt trong công tác đầu tư, thị trường, quản lý các khu, cụm công nghiệp. Bổ sung biên chế và nâng cao trình độ cán bộ chuyên trách, chuyên nghiệp quản lý công nghiệp trên địa bàn huyện, thị.

- Lựa chọn thu hút đầu tư bên cạnh việc lựa chọn trình độ, công nghệ sản xuất thì việc đánh giá năng lực của nhà đầu tư cũng cần được đặt lên hàng đầu. Vì năng lực của nhà đầu tư không những là yếu tố quyết định thời hạn về đích của các mục tiêu đề ra trong quy hoạch, đồng thời còn đảm bảo tính công bằng cho các nhà đầu tư cũng như lợi ích của cộng đồng xã hội ở những nơi có quy hoạch phát triển công nghiệp.

2.7. Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực:

- Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, thu hút cán bộ và lao động có trình độ tay nghề cao cho các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.

- Chú trọng đào tạo lao động cung ứng cho các ngành nghề mới, kết hợp đào tạo nghề dài hạn với việc đào tạo nghề ngắn hạn theo hướng xã hội hóa. Nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề tại các trường: Đại học Hoa Lư, cao đẳng nghề và các trung tâm dạy nghề của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

2.8. Giải pháp về khoa học công nghệ:

- Tổ chức triển khai các chương trình phát triển khoa học công nghệ ứng dụng vào phát triển các ngành công nghiệp (chương trình áp dụng ISO; chương trình phát triển thị trường công nghệ; quỹ phát triển KHCN-TTCN…).

- Thúc đẩy và khuyến khích hình thành các doanh nghiệp KHCN; doanh nghiệp công nghệ cao; tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, cải tiến và đổi mới công nghệ.

- Phát huy vai trò quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ; hỗ trợ cung cấp thông tin công nghệ cho doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư; làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các trường Đại học, Viện, Trung tâm nghiên cứu trên địa bàn cả nước để triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật và đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

- Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng; xây dựng và phát triển thương hiệu, đào tạo nhân lực, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm ngành công nghiệp, áp dụng hệ thống quản lý tại doanh nghiệp.

- Hỗ trợ vốn chuyển giao công nghệ cho cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, chi phí đăng ký nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu...

- Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển nhanh và nguồn lực hạn chế, thực hiện đổi mới công nghệ cho ngành công nghiệp của tỉnh cần được áp dụng một cơ cấu thích hợp. Lựa chọn đúng công nghệ cần đổi mới, cần quán triệt là sử dụng công nghệ nhiều tầng, kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại. Do đó, trong chuyển giao công nghệ cần khuyến khích, tranh thủ tối đa việc tiếp nhận công nghệ hiện đại; kiên quyết ngăn chặn việc nhập công nghệ lạc hậu. thường xuyên mở các lớp đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp để nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh.

2.9. Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu:

- Tăng cường đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đã quy hoạch trong tỉnh; gắn kết quyền lợi giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp nguyên liệu; xây dựng mô hình liên kết giữa các cơ sở sản xuất với các cơ sở cung cấp, thu mua nguyên liệu; nâng cao trách nhiệm pháp lý trong hợp đồng thu mua và cung cấp nguyên liệu.

- Tìm kiếm, mở rộng thị trường nguyên liệu từ các vùng lân cận. khuyến khích nhà sản xuất trực tiếp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.

- Ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu và phát triển vùng nguyên liệu. tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ giống cây con có chất lượng cao.

- Xây dựng cơ chế bình ổn giá nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

2.10. Giải pháp khuyến khích hỗ trợ kinh tế ngoài nhà nước

- Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX. hướng kinh tế tư nhân đầu tư phát triển các ngành nghề và lĩnh vực có lợi thế, có nhu cầu.

- Tiếp tục thực hiện phát triển công nghiệp nhiều thành phần bằng cách đa dạng hóa các hình thức sở hữu như thành lập các Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, kinh tế tư nhân, cá thể, hợp tác xã... mở rộng các hình thức liên doanh liên kết trong ngoài tỉnh, trong và ngoài nước./.

PGS.TS Đỗ Văn Dung, ThS Hoàng Trung Kiên

Các tin khác