Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng Rong câu chỉ vàng

Thứ Sáu, 29/12/2017
Trong nhiều năm qua, nghề nuôi trồng thủy hải sản đã phát triển tương đối mạnh và hiệu quả tại các xã bãi ngang ven biển huyện Kim Sơn. Tuy nhiên, do thâm canh trong một thời gian dài, nhiều loại dịch bệnh mới cũng đã phát triển, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích ao nuôi. Để giải quyết vấn đề này, từ đầu năm đến nay, Trung tấm ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ đã nghiên cứu, triển khai thành công đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng Rong câu chỉ vàng trên địa bàn huyện Kim Sơn”, qua đó đưa thành công loài rong câu chỉ vàng vào sản xuất, mang lại một hướng phát triển kinh tế mới, hiệu quả, bền vững cho người dân ven biển.

Gia đình Ông Phạm Văn Họa, Xã Kim Trung, huyện Kim Sơn là một trong số nhiều gia đình mạnh dạn đăng ký, đưa giống Rong câu chỉ vàng vào trồng thí điểm với diện tích hơn 5000m2. Đến nay, rong câu chỉ vàng tại khu vực hồ của ông Họa phát triển và sinh trưởng tốt, với vòng đời thu hoạch khoảng từ 20-30 ngày và không phát sinh dịch bệnh. Ngay sau khi thu hoạch, nhiều thương lái đã đến thu mua toàn bộ số rong câu với mức giá cao, mang lại cho gia đình ông Họa một nguồn thu nhập ổn định… Không chỉ riêng gia đình ông Họa, đến nay, tổng số diện tích trồng rong câu chỉ vàng tại 02 xã Kim Trung, Kim Hải đã lên đến 6 ha, năng suất ước đạt 100-120 tấn tươi/vụ, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới, ổn định và bền vững cho các hộ dân ven vùng bãi ngang ven biển.

Không những mang lại lợi ích về kinh tế, Rong câu chỉ vàng khi được trồng ở 2 xã Kim Hải, Kim Trung còn góp phần cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề phát sinh do quá trình thâm thủy sản trước đây gây nên. Khi thâm canh tôm, cua… trong một thời gian dài, đáy ao sẽ bị ô nhiễm do chất thải của thủy sản gây ra. Tuy nhiên, rong câu chỉ vàng lại hấp thụ các loại chất thải này, góp phần giảm chi phí vệ sinh ao nuôi.

Đây là kết quả bước đầu của của đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng Rong câu chỉ vàng trên địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình” được Trung tâm ứng dụng Tiến bộ Khoa học, công nghệ tỉnh Ninh Bình thực hiện. Trên thực tế, Ninh Bình là địa phương có địa hình, điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, tuy nhiên, việc chỉ  tập trung vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng của hơn 2000 ha vùng nước ven biển của Ninh Bình. Qua quá trình thâm canh nhiều loại thủy sản như Tôm, cua, ngao, sò huyết…, nhiều loại dịch bệnh mới đã bùng phát, ảnh hưởng đến  hiệu quả kinh tế trên một đơn vị ao nuôi. Vì vậy, việc tìm kiếm một hướng phát triển kinh tế mới, bền vững là nhiệm vụ quan trọng được đề tài đặt ra. Nhận thấy rong câu chỉ vàng là vừa là nguồn thực phẩm dinh dưỡng, bên cạnh đó, đây còn là nguồn nguyên liệu chính để chiết xuất keo agar một loại polysaccharide có ứng dụng rất quan trọng cho các ngành công nghiệp thực phẩm, y dược, hóa mỹ phẩm, nông nghiệp, công nghệ sinh học, Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã tiến hành nghiên cứu về khả năng thích nghi của loài rong này trên địa bàn huyện Kim Sơn. Đến nay, Rong câu chỉ vàng đã thể hiện tính thích nghi tốt, có khả năng sinh trưởng quanh năm, ổn định và luôn có chất lượng tốt.

Không những có thể tiến hành thâm canh, Rong câu chỉ vàng cũng có thể nuôi quảng canh, xen kẽ các vụ trong năm với nhiều loại thủy sản khác để phát huy hết tiềm năng của ao nuôi. Trên thực tế, tại miền bắc, khí hậu phân định thành 4 mùa rõ rệt, việc chỉ thâm canh một loại thủy sản đơn nhất như tôm, cua hoặc nuôi gia cầm như vịt… sẽ không mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là vào thời tiết lạnh như mùa đông. Vì vậy, vào thời điểm này, thì việc trồng rong câu chỉ vàng là một hướng phát triển hiệu quả, vừa giúp vệ sinh ao nuôi, tiêu diệt mầm bệnh, vừa nâng cao khả năng khai thác trên một đơn vị diện tích ao nuôi. Tuy nhiên, để sản phẩm rong câu chỉ vàng có chất lượng cao nhất, đặc biệt là đảm bảo chất dinh dưỡng và hàm lượng agar trong rong, thì người dân cũng phải chú ý đến quy trình, kĩ thuật nuôi, trong đó các vấn đề về Đặc điểm sinh học của cây rong câu chỉ vàng, Quy trình trồng, chăm sóc rong câu chỉ vàng, quy trình thu hoạch, bảo quản rong câu chỉ vàng là những vấn đề cần được quan tâm.

Đối với quy trình trồng, chăm sóc, chuẩn bị thả giống, thì công tác chuẩn bị, vệ sinh ao đầm là một trong những vấn đề quan trọng. Trên thực tế, do được sử dụng trong thời gian dài, vì vậy, đáy ao, đầm sẽ tồn tại rất nhiều mầm sinh vật, rong dại, rêu, mốc, làm kéo dài thời gian sinh trưởng và làm giảm chất dinh dưỡng trong Rong câu chỉ vàng. Vì vậy, các biện pháp diệt khuẩn đáy ao, vệ sinh hai bên bờ, bụi bằng vôi bột, thay nước là những biện pháp cần được thực hiện kỹ càng trước khi thả giống rong câu.

Sau khi đã thả giống rong, để rong câu chỉ vàng có điều kiện sinh trưởng tốt nhất, người dân cũng cần chú ý đến mực nước, thực hiện các biện pháp bón lót, bón thúc theo từng chu kì phát triển của rong, bổ sung thêm cho rong các hàm lượng dinh dưỡng nhất định. Trong điều kiện thời tiết bất lợi như mưa lớn nhiều ngày, độ mặn đáy ao tăng hoặc giảm quá mức so với quy định, người dân cũng cần chủ động, bổ sung lượng nước mới có độ mặt đạt tiêu chuẩn.

Do rong câu chỉ vàng được nuôi, trồng dưới mặt nước, vì vậy, phương pháp bón phân cho rong cũng có một số sự thay đổi nhất định. Trên thực tế, đối với các loại cây trồng khác được trồng trên bờ, người dân có thể bón toàn bộ lượng phân một lần mà không gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, và phát triển của cây. Tuy nhiên, nếu thực hiện biện pháp này đối với rong câu chỉ vàng, thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận ánh sáng của cây, gây lãng phí phân và ảnh hưởng đến chất lượng của cây rong. Bên cạnh đó, các loại phân vi sinh hiện nay chưa được sản xuất cho các loại cây sống dưới nước mặn, vì vậy, khi bón phân cho rong câu, người dân cũng cần thực hiện các biện pháp ngâm, ủ, tạo độ hòa tan trước khi thực hiện quá trình bón.

Sau từ 20-40 ngày, người dân có thể tiến hành thu hoạch rong. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch rong không cố định và có sự thay đổi theo từng điều kiện thời tiết, đặc điểm vùng nước, vì vậy, người dân cần phải bám sát vào các tiêu chuẩn kĩ thuật để quyết định thời điểm thu hoạch rong. Cụ thể, các tiêu chuẩn kỹ thuật bao gồm tiêu chí về chiều dài cây rong, màu sắc và mật độ tản rong. Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải chú ý đến phương pháp thu, tránh tình trạng thu sót, thu ẩu, dẫn đến tình trạng rong già và rong mới cùng sinh trưởng trong một đơn vị diện tích ao nuôi. Hiện nay, để đảm bảo về chất lượng của rong câu, một lần thả giống, người dân có thể thu hoạch được từ 5-7 vụ rong. Sau mỗi lần thu hoạch, rong mới sẽ tự phát triển, tuy nhiên, nếu thu hoạch quá nhiều lần cùng một lứa rong, thì chất lượng của rong sẽ bị giảm, thời gian sinh trường cũng sẽ kéo dài.

Sau khi thu hoạch, người dân cũng cần thực hiện các biện pháp phơi phóng tại các địa điểm đất mền, phơi rải đều, tránh phơi trên các nền bê tông cứng, hoặc dưới nhiệt độ quá cao sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cây rong. Bên cạnh đó, vào thời điểm mưa lớn  nhiều ngày, người dân cũng cần thực hiện các biện pháp che, đậy, tránh làm hỏng rong. Hiện nay, theo tiêu chuẩn kỹ thuật, khi rong chuyển sang màu sắc vàng ươm, bóng, khô đều có nghĩa là rong đã đạt tiêu chuẩn xuất bán.

Sau 3 lần thu, năng suất tại Kim Hải đạt 60 tấn tươi/ha, tại Kim Trung năng suất ước đạt 60,7 tấn tươi/ha. Theo dự kiến, từ nay đến tháng 12/2017 các hộ tham gia mô hình sẽ thu ít nhất 2 lứa, ước tính năng suất mỗi lứa từ 20-25 tấn tươi/ha thì tổng năng suất thu được khoảng 100-130 tấn tươi/ha. Sau quá trình theo dõi, cây rong không bị mắc các loại bệnh dịch nguy hiểm, không gây ảnh hưởng đến các loại cây, con trồng khác. Tuy nhiên, để mô hình tiếp tục phát huy được hiệu quả, thì các cấp, các ngành cũng cần có thêm nhiều quan tâm, đặc biệt là vấn đề giải quyết đầu ra cho người dân.

Có thể thấy, trồng Rong câu chỉ vàng là một hướng đi hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhân dân, đặc biệt là vùng nuôi trồng thủy sản ven biển. Trong thời gian tới, để nghề nuôi trồng rong câu phát huy, nhân rộng hơn nữa, thì công tác tuyên truyền, phổ biến kĩ thuật cũng cần được đẩy mạnh, giúp cho nhân dân có định hướng đùng đắn và hiệu quả nhất đối với nghề nuôi trồng rong câu.

Hà Phượng

Các tin khác