Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Xây dựng mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm

Thứ Sáu, 29/12/2017
Đến với xã Yên Đồng, vùng đất chiêm trũng thuộc địa bàn huyện Yên Mô, trước đây, do chưa có phương hướng phát triển kinh tế phù hợp, phần lớn đất nông nghiệp trên địa bàn xã vẫn được người dân sử dụng để trồng lúa. Mặc dù đã áp dụng nhiều giống lúa mới vào sản xuất, tuy nhiên, do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, vì vậy, khi chỉ trông chờ vào cây lúa, đời sống nhân dân vẫn còn gặp không ít bấp bênh. Từ năm 2015, Văn phòng HĐND và UBND huyện Yên Mô đã triển khai và hoàn thiện thành công đề tài khoa học “Xây dựng mô hình nuôi cá trắm đen thương Phẩm”. Đến nay, cá trắm đen được nuôi bằng phương pháp bán công nghiệp có khả năng sinh trưởng tốt, mang lại nhiều hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân.

Nhận thấy điều kiện tự nhiên của vùng đất Yên Đồng nói riêng và toàn huyện Yên Mô nói chung có nhiều thuận lợi trong việc thâm canh thủy sản, từ năm 2015, Văn phòng HĐND và UBND huyện yên Mô đã triển khai đề tài “Xây dựng mô hình hình nuôi cá trắm đen thương phẩm”, thí điểm trên địa bàn xã Yên Đồng với diện tích 1ha. Sau hơn 2 năm thực hiện, đề tài đã xây dựng thành công bộ kỹ thuật nuôi thâm canh cá trắm đen theo phương pháp bán công nghiệp và được phổ biến đến đông đảo dân nhân địa phương. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cá trắm đen, nhiều người dân trên địa bàn xã Yên Từ đã mạnh dạn đầu tư, liên tục mở rộng diện tích ao nuôi, đưa cá trắm đen trở thành mũi nhọn chủ lực để  phát triển kinh tế gia đình thay cho cây lúa truyền thống. Cũng bởi áp dụng kỹ thuật nuôi bán công nghiệp tiêu chuẩn, cá trắm đen lại thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, vì vậy, các mô hình sau khi được nhân rộng đã thể hiện được hiệu quả rõ rệt.

Về kỹ thuật, mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm áp dụng phương pháp nuôi bán công nghiệp. So với các phương pháp nuôi cá truyền thống, đề tài tập trung chú trọng vào 3 yếu tố chính, đó là vấn đề xây dựng ao nuôi, xử lý nước, vấn đề chọn, thả giống và kỹ thuật chăm sóc cá cho tới thời gian thu hoạch. Riêng đối với vấn đề xây dựng ao nuôi, xử lý nước, theo đề tài, vì cá trắm đen có sự thay đổi kích cỡ nhanh, độ bật cao, vì vậy ao nuôi nên được thiết kế vuông cạnh, chiều sâu phù hợp với kích thước của cá từ lúc thả giống đến thời điểm thu hoạch. Người dân cũng nên đắp bờ cao, tránh việc mùa mưa, nước lên khiến cá có thể nhảy ra ngoài. Bên cạnh đó, chất lượng nước cũng là vấn đề cần được hết sức quan tâm. Theo nghiên cứu, khi chất lượng nước trong ao không đảm bảo, nhiều vi khuẩn, vi trùng có hại sẽ gây nhiều loại bệnh cho cá, hạn chế khả năng sinh trưởng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cá sau thu hoạch.

Quy trình chọn giống và mật độ thả giống cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả kinh tế của mô hình. Hiện nay, mật độ thả giống tiêu chuẩn khoảng 2 con/1m2. Khi lựa chọn giống cần chọn các cá thể đồng đều, màu sắc đẹp và có sức bật tốt và trọng lượng tiêu chuẩn của cá giống là từ 400 dến 500 gr. Trước khi thả giống, người dân cũng cần thực hiện một số biện pháp diệt trùng như tắm nước muối có cá. Trên thực tế, khi nuôi theo hình thức bán công nghiệp, để có thể tận dụng tối đa được diện tích ao nuôi, mật độ cá trên 1m2 ao nuôi có tể được tăng lên. Tuy nhiên, khi tăng mật độ cá, cần phải chú ý đến các biện pháp đảm bảo nguồn nước, sục ô xi cho cá và thường xuyên theo dõi đến khả năng ăn thức ăn của cá.

Một trong những điểm mới, điểm sáng tạo là đề tài nuôi cá trắm đen thương phẩm đã nghiên cứu, áp dụng nguồn thức ăn công nghiệp vào mô hình nuôi cá. Tuy nhiên, với đặc điểm của cá Trắm đen, là loài cá thường xuyên ăn các loại rong, tảo, ốc ... thì nguồn thức ăn này cần có hàm lượng protein cao, có khả năng thay thế hiệu quả cho các loại thức ăn tự nhiên của cá. Qua quá trình triển khai, cám công nghiệp dạng viên nổi có hàm lượng Prorein từ 26-30% đã thể hiện được nhiều ưu điểm, cá trắm đen sau khi ăn loại thức ăn này có khả năng sinh trường tốt, đạt được trọng lượng theo tiêu chuẩn và không xảy ra tình trạng cá bỏ ăn.

Tuy nhiên, đối với mô hình nuôi cá trắm đen theo hình thức mới, nếu chỉ sử dụng riêng cám công nghiệp, mặc dù hỗ trợ cá sinh trưởng tốt, tuy nhiên, chi phí mua cám thường khá cao, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người dân. Vì vậy, đề tài đã bổ sung, áp dụng vào mô hình nhiều loại thức ăn tự nhiên khác như ốc, lúa, không những đã giảm được chi phí mua thức ăn mà còn bổ sung cho cá nhiều loại chất dinh dưỡng cần thiết, nâng cao chất lượng thịt khi thu hoạch.

Mặc dù cá trắm đen là loài có khả năng phòng bệnh tốt, tuy nhiên công tác phòng bệnh cũng cần được hết sức coi trọng, bởi khi nuôi thâm canh, bệnh dịch rất dễ bùng phát, lan nhanh, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và chất lượng con nuôi. Trên thực tế, qua quá trình nghiên cứu và tiến hành nuôi trực tiếp tại các hộ dân, sức khỏe của cá Trắm đen sẽ bị ảnh hưởng lớn khi trời có sương mù, hoặc trời nồm. Khi gặp thời tiết này, cá sẽ dễ bị chết, bỏ ăn và có xu hướng lặn sâu dưới đáy. Vì vậy, trong suốt quá trình nuôi cá, người dân cũng cần bổ sung thêm các loại thuốc tăng sức đề kháng, thường xuyên kiểm tra và khử trùng nguồn nước và cần nhanh chóng cho cá ăn các loại thuốc theo quy định khi dịch bệnh xảy ra.

Để tăng hiệu quả kinh tế của mô hình, hiện nay, cá trắm đen đã được nuôi tích hợp với một số mô hình nuôi vịt, ngan... hoặc nuôi tích hợp với một số loại cá khác như trắm cỏ, cá trôi, chép... Khi kết hợp các mô hình với nhau, nguồn thức ăn cho cá sẽ được bổ sung và người dân cũng sẽ có thêm thu nhập từ việc bán gia cầm. Tuy nhiên, khi thực hiện các biện pháp kết hợp này, qua một thời gian, đáy ao sẽ lắng lại một lượng lớn bùn, phân gia cầm, vì vậy người dân cũng cần phải chú ý đến các biện pháp cải tạo ao nuôi sau thu hoạch.

Đến nay, cá trắm đen thể hiện sự thích nghi tốt với điều kiện thủy lý, thủy hóa của các thủy vực trên địa bàn xã Yên Đồng nói riêng và huyện Yên Mô nói chung. Với việc sử dụng các nguồn thức ăn công nghiệp kết hợp cùng các biện pháp chăm sóc hiệu quả đã hỗ trợ cho cá trắm đen phát triển, sinh trưởng tốt. So sánh về chất lượng với các nguồn cá trắm đen truyền thống, thời gian nuôi đã được rút ngắn từ 12 tháng xuống còn từ 6 đến 8 tháng, trọng lượng và chất lượng cá vẫn ở mức cao, trung bình 01 cá thể đạt trọng lượng từ 4-6 kg. Do được thị trường ưa chuộng, vì thế các mô hình nuôi cá trắm đen đang được triển khai trên địa bàn xã Yên Đồng huyện Yên Mô đều không có lượng cá tồn, thu nhập hàng năm của người dân lên đến hàng trăm triệu đồng.

Có thể thấy, mô hình “Xây dựng mô hình nuôi cá trắm đen thương Phẩm” được áp dụng thành công trên địa bàn huyện Yên Mô đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích ao nuôi. Hiệu quả của mô hình đã hỗ trợ nhân dân và chính quyền địa phương có thêm một phương hướng phát triển kinh tế hiệu quả, lâu dài, có khả năng áp dụng rộng rãi cho diện tích đất nông nghiệp của địa bàn huyện Yên Mô và nhiều địa phương khác trong thời gian tới.

Đinh Liên

Các tin khác