Banner chính
Thứ Sáu, 19/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Đẩy mạnh thu hút đầu tư và quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030

Thứ Tư, 09/11/2022

1. Nhiệm vụ, giải pháp thu hút đầu tư tỉnh Ninh Bình
a) Tăng cường công tác chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách thủ hành chính có hiệu quả

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ lãnh đạo các cấp, ngành, cán bộ công chức nhất là các cơ quan liên quan, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 62-KL/TU ngày 14/5/2021 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 12/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 08/6/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 98-NQ/BCSĐ ngày 24/5/2021 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và những năm tiếp theo; các kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Tỉnh ủy, BCSĐ UBND tỉnh; tuyên truyền, vận động tạo đồng thuận cao trong nhân dân và cán bộ; huy động cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm thu hút đầu tư.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh: tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền nhằm kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; định kỳ hàng năm thực hiện khảo sát về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước, phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt từ 80% trở lên; tập trung khắc phục những tồn tại, nguyên nhân làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan do lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành (cải cách thủ tục hành chính, lề lối tác phong làm việc và thái độ của cán bộ công chức đối với nhà đầu tư); đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức làm việc có trách nhiệm, chuyên nghiệp, lắng nghe và giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, có hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, gây khó khăn cho các nhà đầu tư.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, nhất là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai. Công khai, minh bạch thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công; bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực, trách nhiệm để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và đúng quy định; tăng cường thanh tra công vụ thường xuyên việc thực hiện thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương; tổ chức đánh giá hằng năm đối với Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã, coi đó như một tiêu chí để đánh giá xếp loại người đứng đầu; nghiêm khắc phê bình, nhắc nhở các đơn vị thực hiện chậm trễ, có ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai số điện thoại của người có trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp biết, liên hệ công tác và giám sát thực hiện.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu nằm trong top 20 của cả nước. Tập trung nâng điểm, xếp hạng vào 05 nội dung chủ yếu về: (i) gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cạnh trạnh bình đẳng; (ii) tổ chức rà soát, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với kết quả thực hiện các chỉ số thành phần PCI của tỉnh, nhất là các chỉ số có xu hướng giảm để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện và nâng thứ hạng về chỉ số PCI của tỉnh; (iii) gắn nhiệm vụ cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố; (iv) tích cực đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, thị trường, đất đai, công nghệ, tín dụng; (v) nhất quán trong cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để tạo niềm tin và sự an tâm cho các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện Dự án;

b) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trước mắt, nghiên cứu, rà soát, đánh giá, đề xuất điều chỉnh quy hoạch Khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An, quy hoạch chung đô thị Ninh Bình và định hướng phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh, quy hoạch ngành, lĩnh vực, đặc biệt quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, lập quy hoạch xây dựng vùng các huyện cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, liên kết, khả thi làm cơ sở để quản lý và thu hút các dự án đầu tư. Kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch các điểm sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; quy hoạch các ngành sản xuất vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp tập trung. Quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp vào địa bàn có lợi thế về vùng nguyên liệu; điểm chăn nuôi phải được tập trung tại các điểm xa khu dân cư. Quy hoạch lĩnh vực đô thị, dịch vụ, du lịch bố trí vào khu trung tâm đô thị, vùng lân cận đã được quy hoạch vào thành phố, tại các khu, điểm du lịch, các tuyến đường giao thông có tính kết nối liên vùng, có giá trị thương mại cao. Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, bến xe khách ra khỏi khu vực trung tâm đô thị, tạo quỹ đất thu hút đầu tư xây dựng khu đô thị văn minh, hiện đại; quy hoạch khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội gần các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng các điểm sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các xã, thị trấn. Việc lựa chọn các chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp phải thực sự có năng lực, kinh nghiệm để triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị; hiện đại hóa hạ tầng viễn thông và ngầm hóa đường điện, điện thoại, cáp viễn thông, cáp truyền hình tại khu vực trung tâm các đô thị; tăng cường, đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông quan trọng, huyết mạch có tính chất kết nối vùng, liên vùng, phát triển mở rộng không gian đô thị, trọng tâm là hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam, đường bộ ven biển và hệ thống quốc lộ qua địa bàn tỉnh; hệ thống giao thông kết nối mạng lưới quốc lộ trên địa bàn tỉnh và kết nối các vùng, khu du lịch, điểm du lịch, khu đô thị; tuyến đường phát triển kinh tế kết nối thành phố Ninh Bình, huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh, huyện Kim Sơn; Đại lộ Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình…; các dự án nâng cấp, cải tạo mạng lưới giao thông đô thị, các trục giao thông chính là điểm nhấn cảnh quan đô thị, như: tuyến đường Đinh Tiên Hoàng kéo dài, đường Vạn Hạnh,  đường T21 kết nối Đông - Tây và kết nối thành phố Ninh Bình với đường cao tốc Bắc - Nam, hệ thống giao thông kết nối Khu công nghiệp Tam Điệp II với QL1A, QL12B, cao tốc Bắc - Nam; nâng cấp, cải tạo, công bố luồng một số tuyến giao thông đường thủy nội địa phục vụ vận tải, du lịch; ưu tiên các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch, nhất là các dự án lớn như cơ sở hạ tầng Quần thể Danh thắng Tràng An.

c) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư

Rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Quan tâm hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác về bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư có được mặt bằng nhanh chóng, thuận lợi. Có cơ chế để tạo quỹ đất sạch, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy hoạch.

Hỗ trợ cung ứng và đào tạo lao động: Rà soát quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với với quy hoạch tỉnh; gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề; nâng cao chất lượng đào tạo lao động nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề để liên kết đào tạo tại tỉnh, trong đó chú trọng các trường kỹ thuật đào tạo kỹ sư phần mềm, công nghệ cao; mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, tổ chức xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo mới từng bước tiếp cận với cấp độ khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu xã hội; tổ chức rà soát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động hợp tác giáo dục đào tạo nhằm trang bị những kiến thức, trình độ khoa học - kĩ thuật cho người lao động. Tập trung nguồn lực hoàn thành dự án xây dựng cơ sở vật chất và phát huy vai trò của trường Đại học Hoa Lư trong việc bồi dưỡng nguồn nhân lực.

d) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư

Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư cả về nội dung và phương thức thực hiện; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, xây dựng danh sách các nhà đầu tư chiến lược (trong và ngoài nước) có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm để chủ động tiếp xúc vận động, kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả vào tỉnh, nhất là trong các lĩnh vực lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô, sản xuất thiết bị điện tử, dịch vụ du lịch...

Đa dạng hóa, đa phương hóa đối tác thu hút đầu tư; chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực để lựa chọn thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, dịch vụ hiện đại, có nguồn thu lớn tạo đà tăng trưởng kinh tế. Tập trung vào thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và chuyển hướng sang một số thị trường tiềm năng khác như Châu Âu, Mỹ, Úc, các nhà đầu tư mục tiêu, nhà đầu tư tiềm năng.

Mở rộng hợp tác xúc tiến đầu tư với tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, các tỉnh đồng bằng sông Hồng để huy động tối đa nguồn lực đầu tư; tăng cường liên kết vùng gắn với phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường; liên kết giữa các địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước để thu hút kêu gọi đầu tư.

Tăng cường liên kết với Bộ, Ngành, Đại sứ quán, tham tán, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp VCCI, Jica, Jetro, KCCI, Kotra… để quảng bá kêu gọi đầu tư. Thường xuyên tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội trợ triển lãm, đây là cơ hội để tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, giới thiệu môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang hoạt động đầu tư kinh doanh để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ, đặc biệt là các đối tác đã và đang đầu tư kinh doanh tại tỉnh nhằm tạo sự uy tín của tỉnh đối với doanh nghiệp trong việc mở rộng, tái đầu tư.

Ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025, đến năm 2030; danh mục lĩnh vực, ngành, nghề ưu tiên thu hút, danh mục lĩnh vực, ngành, nghề hạn chế thu hút và không thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tính khả thi cao; xây dựng cơ sở dữ liệu xúc tiến đầu tư, các tài liệu xúc tiến đầu tư đảm bảo cả về nội dung, hình thức; phần mềm quảng bá phục vụ xúc tiến đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu về doanh nghiệp và dự án đầu tư.

Định kỳ hằng năm xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quảng bá thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tích cực xã hội hóa hoạt động xúc tiến đầu tư bằng việc khuyến khích, lựa chọn nhà đầu tư tài trợ để quảng bá cho các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư. Bố trí nguồn lực cho công tác đào tạo, tăng cường năng lực cho đội ngũ làm công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của tỉnh. Trong đó, tập trung bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm trong xúc tiến đầu tư đối với đội ngũ trực tiếp làm việc hoặc liên quan mật thiết tới hoạt động xúc tiến đầu tư.

đ) Tăng cường quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn tỉnh trong quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư; xây dựng quy chế phối hợp quản lý dự án đầu tư ngoài ngân sách giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư từ bước thẩm định cấp phép đầu tư đến bước hoạt động sản xuất kinh doanh và chấm dứt hoạt động đối với các dự án của nhà đầu tư; quy định chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thu hút và quản lý dự án đầu tư; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin các dự án đầu tư từ khi được chấp thuận đến quá trình đi vào hoạt động và thực hiện nghĩa vụ tài chính của các dự án; nâng cao chất lượng công tác theo dõi, thống kê, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các nhà đầu tư, doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường. Đối với các dự án đầu tư chậm triển khai theo tiến độ cần đôn đốc và giám sát thường xuyên; giải quyết các vướng mắc, khó khăn gây ra chậm triển khai dự án của nhà đầu tư. Kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với các dự án không triển khai hoặc vi phạm quy định của pháp luật, không thực hiện đúng các cam kết về đầu tư và các lĩnh vực có liên quan. Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chuyển nhượng dự án, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, không để xảy ra tình trạng “đầu tư chui”, “đầu tư núp bóng” làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, môi trường đầu tư của tỉnh.

2. Nhiệm vụ, giải pháp quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030

a) Huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng

- Tập trung huy động các nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có.

Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trước do nhà nước đầu tư: trong khu công nghiệp có thu phí sử dụng hạ tầng, vì vậy kinh phí duy tu bảo dưỡng được trích từ nguồn thu phí hạ tầng; riêng các cụm công nghiệp do nhà nước đầu tư không thu phí sử dụng hạ tầng, ngân sách tỉnh hỗ trợ để đảm bảo hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ.

- Tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới bằng nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách tạo mặt bằng sạch và hạ tầng kỹ thuật thu hút các dự án sản xuất kinh doanh. Cụ thể lộ trình như sau:

+ Thu hút nhà đầu tư hạ tầng và xây dựng hạ tầng các KCN:

KCN Tam Điệp II: thời gian thực hiện từ năm 2021-2025, trong đó: năm 2022 thu hút nhà đầu tư hạ tầng; triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn thành trong năm 2025.

Các KCN: Kim Sơn, Nho Quan (Xích Thổ và Phú Long), Gián Khẩu II: thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025, trong đó: năm 2023 thu hút được nhà đầu tư hạ tầng; triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng: hoàn thành trong năm 2025.

+ Thu hút nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng và triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng 10 CCN theo tiến độ đầu tư được phê duyệt. Trong đó: Giai đoạn 2021-2025 gồm 8 CCN: Khánh Lợi I, Khánh Lợi II, Trung Sơn, Ninh Hải, Gia Phú - Liên Sơn, Hùng Tiến, Yên Lâm, Ninh Vân; giai đoạn 2026-2030 gồm 2 CCN: Khánh Vân, Xuân Chính.

- Tập trung đầu tư hoàn thành hạ tầng các cụm công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách gồm: Văn Phong, Gia Lập, Khánh Hải 1 (giai đoạn 1), Khánh Hải 2 (giai đoạn 1), Yên Thổ, Đồng Hướng (phần mở rộng), Khánh Thượng (phần mở rộng).

- Cân đối ngân sách tỉnh đầu tư hạ tầng một số cụm công nghiệp trước đây do nhà nước làm chủ đầu tư mà không thu hút được nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng (như: CCN Đồng Hướng,…): Năm 2021-2025.

b) Giải pháp về môi trường

- Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động phải đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng thẩm định các dự án, trong đó yếu tố môi trường cần được xem xét đánh giá kỹ về lượng khí thải, nước thải, rác thải và chất thải nguy hại để từ đó có phương án lựa chọn, chấp thuận đầu tư ngay từ ban đầu.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp. Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường.

- Quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải tập trung theo vùng, khu vực.

c) Giải pháp về nguồn nhân lực

- Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 28/12/2016 của BCH đảng bộ tỉnh khóa XXI về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Xây dựng cơ chế, phương thức nhằm quản lý tốt và tạo điều kiện phát triển các dịch vụ tư vấn, môi giới cung cấp lao động tạo cầu nối thường trực giữa các chủ doanh nghiệp và nguồn nhân lực được thu hút đến địa phương, hình thành hệ thống thông tin, thống kê thị trường lao động, phản ánh thường xuyên, cập nhật kịp thời về tình hình cung cấp lao động và nhu cầu sử dụng lao động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp; từng bước thực hiện đào tạo theo yêu cầu, định hướng của các doanh nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý sản xuất kinh doanh cho đội ngũ cán bộ quản lý. Áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở trong tỉnh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề; có chế độ ưu đãi, thu hút nhân tài đối với cán bộ, chuyên gia, công nhân có tay nghề cao trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.

- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách đối với người lao động, quản lý người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Làm tốt công tác thông tin báo cáo tình hình sử dụng lao động các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

d) Giải pháp về khoa học công nghệ

- Nâng cao công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư và giám sát về công nghệ, dây chuyền máy móc thiết bị sử dụng tại các doanh nghiệp; khuyến khích các sáng kiến của doanh nghiệp để tạo ra các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao.

- Triển khai hiệu quả Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030; hướng dẫn các doanh nghiệp trong KCC, CCN tiếp cận với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công bố chất lượng hàng hóa.

đ) Giải pháp tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội

- Đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực trong các khu công nghiệp cho Ban quản lý các khu công nghiệp.

- Sửa đổi, bổ sung và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành và chính quyền cơ sở trong quản lý các khu công nghiệp. Triển khai thực hiện hiệu quả quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ, chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với các KCN, CCN.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung cho việc đơn giản hóa TTHC, đặc biệt là thủ tục liên quan đến đầu tư, môi trường, xây dựng, đất đai. Tăng cường giám sát đầu tư sau cấp phép, kiên quyết thu hồi giấy phép đối với dự án thực hiện không đúng nội dung đã cam kết.

- Xây dựng và phát triển KCC, CNN phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh ngay từ khi xây dựng đến khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Tổ chức thực hiện tốt công tác thu hồi đất, chế độ chính sách bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho người dân có đất bị thu hồi, đảm bảo hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đáp ứng tiến độ dự án.

PGS.TS Đỗ Văn Dung, ThS Tạ Hoàng Hùng

Các tin khác