
Bên cạnh đó, Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, cạnh tranh thị trường công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt, điều này đang đẩy tình hình kinh tế, thương mại toàn cầu rơi vào khủng hoảng và chịu ảnh hưởng nặng nề. Đây thực sự là thách thức rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế cho các nước đang phát triển và các nước nghèo. Cách thức giải quyết, ứng phó các vấn đề kinh tế - xã hội nảy sinh sau khủng hoảng, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng đầu tư phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, là những kinh nghiệm quý giúp các nước vượt qua được những thách thức đó để phát triển nhanh và bền vững.
Những năm gần đây, thế giới đã bước vào kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự lên ngôi đột phá của công nghệ số, cụ thể là công nghệ IoT, AI, Big Data, Điện toán đám mây…
Hội nhập, cạnh tranh, hợp tác quốc tế ngày càng được đẩy mạnh trên bình diện quốc tế và khu vực. Các nước ASEAN cũng có chung bối cảnh trên và cùng bước vào thời kỳ hợp tác mới. Hợp tác giữa các nước trong khối ASEAN và ASEAN với các đối tác trong vùng tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu, trong đó có hợp tác ASEAN với Trung Quốc (ASEAN+1), hợp tác ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất trong khu vực giữa các nước ASEAN và 5 nước đối tác. RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều rủi ro, bất định. Ngoài ra, hiệp định sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ; thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp…, góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực. Điều này cho thấy, ASEAN đang ngày càng khẳng định vai trò trung tâm và Việt Nam nổi lên như là cầu nối giữa ASEAN với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là cầu nối về hợp tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Quá trình toàn cầu hóa được thể hiện trong sự gia tăng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là “đòn bẩy” thúc đẩy quá trình hội nhập và tăng trưởng kinh tế. Từ đầu năm 2019, các hoạt động ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) được đẩy mạnh. Điều này giúp thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở các nước đang phát triển và tiến tới phát triển, hòa nhập với cuộc cách mạng 4.0. Hiện nay, nhiều nước tại khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam đã tiến tới giai đoạn ba của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giai đoạn tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết hết sức sâu rộng, có tác động đến nhiều mặt của cuộc sống đất nước. Tiếp theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu (EVFTA) chính thức là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thứ 2 có hiệu lực đối với Việt Nam. Đây là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, có mức độ cam kết mở cửa sâu và với các vấn đề được điều chỉnh đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực cả thương mại và phi thương mại, cả truyền thống và hiện đại, EVFTA được kỳ vọng sẽ là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, Hiệp định EVFTA sẽ giúp 0,1-0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương mức giảm 0,7% so với kịch bản không có EVFTA (EVFTA, 2020). Tương tự, ngày 15/11/2020, Việt Nam tham gia Hiệp định kinh tế đối tác toàn diện (RCEP), hiệp định này được thực thi sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, các giao dịch kinh tế ngày càng lớn và đem lại giá trị kinh tế to lớn cho các nước thành viên tham gia.
Tận dụng quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cùng với thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước để vươn lên trở thành một quốc gia công nghiệp. Theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mục tiêu đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Chính vì vậy công nghiệp là ngành đang có sự phát triển bứt phá, chuyển dịch cơ cấu tích cực và đạt nhiều kết quả ấn tượng trong những năm gần đây
Hiện nay, như đã nói ở trên công cuộc đổi mới toàn diện đất nước của Việt Nam đang đứng trước bối cảnh mới. Trên thế giới, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, an ninh, quốc phòng,... và được quy tụ thành cạnh tranh vị thế quốc gia, cạnh tranh năng lực tự chủ và phát triển của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ẩn sâu bên trong các cuộc cạnh tranh chiến lược là cạnh tranh về công nghệ số (sở hữu trí tuệ nhân tạo…), về công nghệ cao; ai sở hữu trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao là người đó nắm được vận mệnh của sự phát triển; đối với các nước lớn đó là khả năng chi phối các thể chế phát triển và cách thức hoạt động trên thế giới; đối với các nước nhỏ và đang phát triển thì đó là khả năng vươn lên, không bị tụt hậu, không bị lệ thuộc, thụ động trong quá trình phát triển. Quá trình đổi mới sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ ở rất nhiều nước trên thế giới với những cấp độ khác nhau, đặt ra những cơ hội lớn và những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội và thách thức này. Định hướng chiến lược là phải đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng trưởng kinh tế sẽ phải dựa chủ yếu vào năng suất các nhân tố tổng hợp, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động lớn đến mọi mặt, tất cả lĩnh vực của nước ta. Vì thế, cần có chiến lược và chính sách phù hợp để khai thác, tận dụng thành công những cơ hội và ứng phó hiệu quả với các khó khăn, thách thức. Chính yêu cầu này đặt đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhất là công nghệ cao vào vai trò đột phá đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nền kinh tế Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều mục tiêu kinh tế đáng ghi nhận. Việt Nam có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ từ nền kinh tế lạc hậu, bao cấp, phát triển kinh tế tập thể sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trải qua quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách và đầu tư phát triển, nền kinh tế Việt Nam dần hồi phục và tạo ra sự tăng trưởng cao, mạnh mẽ và phát triển cân đối ở các lĩnh vực. Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của nước ta vững mạnh thêm nhiều; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên cùng với môi trường chính trị ổn định đã tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân (Chính phủ, 2021).
Xu thế phát triển, thích ứng với cuộc CMCN 4.0 vùng Đồng bằng Sông Hông và Ninh Bình:
Vùng đồng bằng sông Hồng hiện đóng góp 35,8% GDP của cả nước sẽ là vùng diễn ra công nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh. Các ngành công nghiệp mũi nhọn của vùng được tập trung phát triển như dệt may, cơ khí, điện, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô và các ngành công nghiệp công nghệ cao, KCN, CCN.
Các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, kế hoạch của quốc gia, của vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc và vùng Duyên hải Bắc bộ khẳng định vị thế, vai trò của Ninh Bình, là cửa ngõ và là trung tâm du lịch, trung tâm tăng trưởng quan trọng, cụ thể:
- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 23/5/2013 xác định, Ninh Bình có vai trò là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSH với định hướng tập trung “đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng; phát triển các loại hình du lịch sinh thải, du lịch làng nghê, du lịch hội nghị, hội thảo; hình thành trung tâm hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại; thể dục thể thảo”.
- Quy hoạch xây dựng vùng Duyên hải Bắc Bộ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 10/7/2008 xác định: Ninh Bình phát triển công nghiệp gắn với đô thị, phát triển các đô thị mới ở khu vực có tiềm năng phát triển gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên và rừng quốc gia Cúc Phương, khu Tràng An, phát triển các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp điện tử, cơ khí nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến lương thực thực phẩm. Xây dựng các trung tâm thương mại đầu mối, với vai trò phát luồng điều hòa phân phối hàng hóa trong Vùng.
- Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đồng Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 đã xác định: Ninh Bình là một trung tâm du lịch cấp quốc gia phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh phát triển các khu du lịch, điểm du lịch, đô thị mới gắn với du lịch.
Đó chính là những động lực quan trọng để Ninh Bình phát triển nhanh, mạnh và bền vững với đúng vị thế và vai trò là trung tâm, là cửa ngõ của Đồng Bằng Sông Hồng và vùng Duyên hải Đông Bắc. Qua đó có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút nguồn lực vào phát triển công nghiệp ở trình độ cao hơn, từ đó tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực.
Ngoài ra, Ninh Bình thúc đẩy hợp tác, liên kết với các tỉnh trong vùng và đặc biệt là với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất công nhiệp, nông nghiệp, dịch vụ và phối hợp trong mở rộng thị trường, xây dựng các vùng nguyên liệu cho công nghiệp, sản xuất hàng hoá, phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp và hợp tác phát triển kỹ thuật và công nghệ tiên tiến cho các khu, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Bên cạnh đó, Ninh Bình là tỉnh có ưu thế phát triển du lịch và do vậy có thể liên kết với các tỉnh trong vùng, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để mở các tua du lịch kết hợp du lịch biển với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chữa bệnh,...