Banner chính
Thứ Bảy, 20/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Mô hình nuôi rắn lấy trứng mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình

Thứ Năm, 20/08/2015
Chúng tôi đến thăm cơ sở nuôi rắn ráo lấy trứng của gia đình ông Đinh Văn Nhung xóm Phượng Lâm, xã Văn phú, huyện Nho Quan vào một chiều nắng của tháng năm. Hẹn đến sớm để kịp chụp hình rắn ra khỏi hang, nhưng tới nơi thì nắng đã lên cao gay gắt, đàn rắn nhà ông đã chui hết vào hang tránh nắng. Vui mừng đón tiếp chúng tôi, vợ chồng ông cho biết: “Nắng này rắn ở hết trong hang rồi, chúng khôn lắm. Khi nào mát mới ra tìm kiếm thức ăn”.

Ảnh: Ông Nhung trong vườn nuôi rắn nhà mình.

Cơ sở nuôi rắn của ông Nhung có diện tích trên 100 m2. Xung quanh là tường bao xây cao 3 m. Bên trong có ao và nhiều cây cối, bụi rậm. Gia đình ông nuôi tổng cộng 6 hầm rắn với số lượng hơn 300 con. Đào hầm cho rắn ở vừa tạo môi trường sống tự nhiên cho rắn, lại vừa không tốn công làm chuồng trại. Phía trên hầm là các ngói xi măng, mùa hè phủ các lớp lưới và bạt lên trên để trống nóng, mùa đông thì phủ rơm để tránh lạnh. Những lúc chiều khi nắng nóng đã giảm bớt, rắn thường leo vắt vẻo và cuộn mình trên các cành cây hay bơi quanh ao.

Rắn ráo là một loại trong những loại rắn hiền lành. Đầu rắn thuôn dài, phân biệt rõ với cổ, mắt rất to, đường kính mắt bằng hoặc lớn hơn chiều dài từ lỗ mũi đến mắt. Đuôi dài, ít nhất chiếm 30% chiều dài toàn thân. Mặt lưng có màu xanh xám, ở phía sau cơ thể chuyển sang màu nâu nhạt với những vẩy thân có viền đen ngày càng rõ hơn. Ở phần trước của mặt bụng có màu vàng tươi, phần sau có màu trắng hay vàng nhạt. Cá thể cái có thân mảnh hơn, thân và đuôi ngắn hơn, đầu hẹp và mõm ngắn hơn, mắt nhỏ hơn, gốc đuôi thuôn dài và chóp đuôi tù. Con mồi chủ yếu là chuột, chim non, trứng chim, thạch sùng, thằn lằn bóng, ếch nhái. Mồi chủ yếu là chuột và ếch nhái. Sau khi nuốt mồi, chúng thường nằm trên các cành cây cao hoặc trong bụi rậm để tiêu hoá thức ăn. Thời kỳ sinh sản từ tháng 3-6, thường vào tháng 5. Giao phối tập thể, sau khi giao hoan, 4 cá thể đực cuốn lấy 2 cá thể cái làm thành một búi, sau 20 phút, cá thể đực phóng tinh, song vẫn ở trạng thái cuộn vào nhau, từ 2 đến 7 giờ. Cá thể cái mang trứng khoảng gần 80 ngày. Thường đẻ trứng vào tháng 7, từ tháng 6-8. Mỗi lứa từ 2-6 trứng. Thời gian trứng nở 56-58 ngày. Rắn non mới nở dài trung bình 243mm, nặng trung bình 43g. Về mùa đông rắn trú đông trong hang chuột hoặc mối, chúng lột xác trong mùa hoạt động từ tháng 3-11.

 Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi rắn lấy trứng, Ông Nhung cho biết: “Vì là nuôi rắn lấy trứng, nên tôi rất quan tâm đến môi trường sống của chúng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và đẻ trứng của rắn”. Rắn ráo là loài rắn sống trên cạn, song bò, leo cây và bơi lội tốt. Chúng ưa sống trong các bụi cây tre quanh làng, hay trong đồng ruộng, trong các bụi cây, bụi rậm gần nước, trong vườn cây gia đình nên để nuôi rắn đạt kết quả tốt nhất nên tạo môi trường tự nhiên để chúng sống và phát triển thuận lợi.

Với đàn rắn lớn mỗi lứa ông xuất đi 500-700 trứng, một năm rắn đẻ 4 lứa. Mô hình nuôi rắn lấy trứng đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông.

Lê Bích (Hội Nông dân tỉnh)

Các tin khác