Banner chính
Thứ Năm, 28/03/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Một số yếu tố liên quan đến sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tại huyện Hoa Lư, Ninh Bình năm 2015

Thứ Sáu, 29/04/2016
Nội dung được thực hiện theo phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích, trên 300 người nhiễm HIV/AIDS tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình năm 2015. Kết quả nghiên cứu cho chúng ta xác định được một số yếu tố liên quan đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV như sau: Các hình thức và đối tượng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình, cộng đồng, trường học, nơi làm việc và cơ sở y tế vẫn còn nặng nề và ở các mức độ khác nhau. Các nhóm người nhiễm HIV có tỷ lệ bị kỳ thị, phân biệt đối xử cao là: nhóm không đạt về kiến thức phòng chống HIV và kiến thức pháp luật liên quan tới HIV, nhóm nghiện chích ma túy, với p<0,05.

I. Đặt vấn đề
Tỉnh Ninh Bình, từ trước đến nay chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về “Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”. Hoa Lư là một huyện có tỷ lệ hiện nhiễm HIV cao nhất trong tỉnh (0,66%), hình thái dịch tương đối phức tạp, tình hình kiểm soát dịch còn khó khăn.

Để góp phần triển khai có hiệu quả các hoạt động dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV/AIDS (NCH) cũng như giải quyết những rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học tập, lao động, sinh hoạt... đã được pháp luật quy định tại tỉnh Ninh Bình, đó là giải pháp làm giảm, tiến tới không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Xác định một số yếu tố liên quan đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình năm 2015”.

II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu:
Người nhiễm HIV/AIDS.

Phương pháp nghiên cứu:
Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích.

Mẫu nghiên cứu:
Theo tính toán n=273, thực tế điều tra 300 người nhiễm HIV/AIDS tại huyện Hoa Lư, Ninh Bình.

Xử lý và phân tích số liệu:
Nhập bằng phần mềm Epidata 3.1 và làm sạch, phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 18.0. Số liệu được trình bày dưới dạng bảng, biểu đồ kết hợp với phiên giải, bàn luận.

III. Kết quả và bàn luận
3.1.Các yếu tố liên quan đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình

Bảng 3.1. Kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS và pháp luật liên quan đến kỳ thị và PBĐX tại gia đình (n=300)

Qua bảng 3.1 cho ta thấy:
Nhóm NCH không đạt về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS có tỷ lệ bị gia đình kỳ thị, PBĐX cao hơn so với nhóm đạt về kiến thức. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=2,37 (CI 95%: 1,34-4,28) và p<0,01.

Nhóm NCH không đạt về kiến thức pháp luật liên quan đến HIV/AIDS  có tỷ lệ bị gia đình kỳ thị, PBĐX cao hơn so với nhóm đạt về kiến thức. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=3,81 (CI 95%: 1,18-6,65) và p<0,01.

Bảng 3.2. Một số thái độ và hành vi khác của NCH liên quan đến kỳ thị và PBĐX tại gia đình (n=300)

- Nhóm NCH tự kỳ thị có tỷ lệ bị gia đình kỳ thị, PBĐX cao hơn nhóm không tự kỳ thị (52,2% và 12,5%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=7,64 (CI 95%: 4,28-13,64) và p<0,001.

- Nhóm NCH đồng ý với quan điểm “NCH là nhóm người sống trái pháp luật, thiếu đạo đức” có tỷ lệ bị gia đình kỳ thị và PBĐX cao hơn. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=3,34 (CI 95%: 1,56-7,14) và p<0,01.

- Nhóm NCH đồng thời nghiện chích ma túy có tỷ lệ bị gia đình kỳ thị, PBĐX cao hơn nhóm khác. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=2,41 (CI 95%: 1,38-4,21) và p<0,01.

- Nhóm NCH cần sự hỗ trợ pháp lý có tỷ lệ bị gia đình kỳ thị và PBĐX cao hơn. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=2,18 (CI 95%: 1,22-3,88) và p<0,01.

- Nhóm NCH bị bạo hành giới trong 3 tháng trước điều tra có tỷ lệ bị gia đình kỳ thị và PBĐX cao hơn. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=3,09 (CI 95%: 1,14-8,35) và p<0,05.

3.2. Các yếu tố liên quan đến kỳ thị và PBĐX với NCH tại cộng đồng

Bảng 3.3. Kiến thức về HIV/AIDS và pháp luật liên quan đến kỳ thị và PBĐX tại cộng đồng (n=300)

Nhóm NCH không đạt về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS có tỷ lệ bị cộng đồng kỳ thị, PBĐX cao hơn so với nhóm đạt về kiến thức. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=1,82 (CI 95%: 1,04-3,20) và p<0,05.

Nhóm NCH không đạt về kiến thức pháp luật liên quan đến HIV/AIDS có tỷ lệ bị cộng đồng kỳ thị, PBĐX cao hơn so với nhóm đạt về kiến thức. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, với p>0,05.

Bảng 3.4. Một số thái độ và hành vi khác của NCH liên quan đến kỳ thị và PBĐX tại cộng đồng (n=300)

- Nhóm NCH tự kỳ thị có tỷ lệ bị cộng đồng kỳ thị, PBĐX cao hơn nhóm không tự kỳ thị (68,8% và 12,8%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=15,03 (CI 95%: 8,37-27,01) và p<0,001.

- Nhóm NCH không đồng ý với quan điểm “Không kỳ thị, PBĐX là giải pháp tốt trong phòng chống HIV/AIDS” có tỷ lệ bị cộng đồng kỳ thị và PBĐX cao hơn. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=3,01 (CI 95%: 1,11-8,17) và p<0,05.

- Nhóm NCH đồng ý với quan điểm “NCH là nhóm người sống trái pháp luật, thiếu đạo đức” có tỷ lệ bị cộng đồng kỳ thị và PBĐX cao hơn. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=2,67 (CI 95%: 1,26-5,68) và p<0,01.

- Nhóm NCH  đồng thời nghiện chích ma túy có tỷ lệ bị cộng đồng kỳ thị, PBĐX cao hơn nhóm khác. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=1,67 (CI 95%: 0,99-2,81) và p<0,05.

- Nhóm NCH cần sự hỗ trợ pháp lý khi bị kỳ thị và PBĐX có tỷ lệ bị  cộng đồng kỳ thị và PBĐX cao hơn. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=1,76 (CI 95%: 1,02-3,04)  và p<0,05.

3.3. Các yếu tố liên quan đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tại trường học

Bảng 3.5. Một số yếu tố về con cái NCH liên quan đến kỳ thị và PBĐX tại trường học (n=255)

Qua bảng 3.6 cho thấy: Nhóm các em học sinh tự kỳ thị có tỷ lệ bị kỳ thị, PBĐX cao hơn nhóm không tự kỳ thị (41% và 2,8%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=23,77 (CI 95%: 8,46-66,74) và p<0,001.

3.4. Các yếu tố liên quan đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tại nơi làm việc

Bảng 3.6. Kiến thức về HIV/AIDS và pháp luật liên quan đến kỳ thị và PBĐX tại nơi làm việc (n=300)

Nhìn vào bảng 3.6 cho thấy:
Các nhóm NCH có kiến thức không đạt về phòng, chống HIV/AIDS và pháp luật liên quan có tỷ lệ bị kỳ thị tại nơi làm việc cao hơn các nhóm đạt về kiến thức. Tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, với p>0,05.

Bảng 3.7. Một số thái độ và hành vi khác của NCH liên quan đến kỳ thị và PBĐX tại nơi làm việc (n=300)

Qua bảng 3.7 cho chúng ta thấy:
- Nhóm NCH tham gia câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS có tỷ lệ kỳ thị, PBĐX tại nơi làm việc cao hơn nhóm không tham gia các câu lạc bộ (24,4% và 9,8%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=2,96 (CI 95%: 1,56-5,64) và p<0,01.

- Nhóm NCH đồng ý với quan điểm “NCH là nhóm người sống trái pháp luật, thiếu đạo đức” có tỷ lệ bị kỳ thị và PBĐX tại nơi làm việc cao hơn. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=4,09 (CI 95%: 1,83-9,13) và p<0,01.

- Nhóm NCH cần sự hỗ trợ pháp lý khi bị kỳ thị và PBĐX có tỷ lệ bị kỳ thị và PBĐX tại nơi làm việc cao hơn. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=5,01 (CI 95%: 2,04-12,79) và p<0,01.

- Nhóm NCH  bị bạo hành giới trong 3 tháng trước điều tra có tỷ lệ bị kỳ thị và PBĐX cao hơn. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=2,25    (CI 95%: 1,17-4,35)  và p<0,01.

Qua bảng 3.7 và biểu đồ 3.1 cho chúng ta thấy nhóm NCH tự kỳ thị có tỷ lệ bị kỳ thị, PBĐX tại nơi làm việc cao hơn nhóm không tự kỳ thị (75% và 5,2%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=55,15 (CI 95%: 23,36- 130,25) và p<0,001. Xét về độ chênh (OR), chúng ta thấy độ chênh tại nơi làm việc cao nhất (55,11), sau đó là tại nơi học tập là 23,77; các nơi khác độ chênh thấp hơn.

Qua bảng 3.7 và biểu đồ 3.2 cho chúng ta thấy nhóm NCH đồng thời nghiện chích ma túy có tỷ lệ bị kỳ thị, PBĐX tại nơi làm việc cao hơn nhóm khác (31,3% và 10,1%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR= 4,04 (CI 95%: 3,13-7,67) và p<0,01. Xét về độ chênh (OR) và CI 95% chúng ta thấy tại nơi làm việc có độ chênh cao nhất (4,04) và CI 95% có độ tin cậy cao, giao động từ 3,13-7,67 so với tại gia đình, cơ sở y tế và cộng đồng.

3.5. Các yếu tố liên quan đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở y tế

Bảng 3.8. Kiến thức về HIV/AIDS và pháp luật liên quan đến kỳ thị và PBĐX tại các cơ sở y tế (n=300)

Qua bảng 3.8 và biểu đồ 3.3 cho chúng ta thấy nhóm NCH không đạt về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS có tỷ lệ bị kỳ thị, PBĐX tại cơ sở y tế cao hơn so với nhóm đạt về kiến thức. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=3,11 (CI 95%: 1,55-6,25) và p<0,01. Xét về độ chênh (OR) và CI 95% chúng ta thấy tại cơ sở y tế có độ chênh cao nhất (3,11) và CI 95% lớn hơn 1 (dao động từ 1,55-6,25) so với tại gia đình, tại cộng đồng và nơi làm việc.

Qua bảng 3.8 và biểu đồ 3.4 cho chúng ta thấy nhóm NCH không đạt về pháp luật có tỷ lệ bị kỳ thị, PBĐX tại cơ sở y tế cao hơn so với nhóm đạt về kiến thức. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=10,35 (CI 95%: 4,88-21,99) và p<0,01. Xét về độ chênh (OR) và CI 95% chúng ta thấy tại cơ sở y tế có độ chênh cao nhất (10,35) và CI 95% lớn hơn 1 (giao động từ 4,88-21,99) so với tại gia đình, tại cộng đồng và nơi làm việc.

Bảng 3.9. Một số thái độ và hành vi khác của NCH liên quan đến kỳ thị và PBĐX tại các cơ sở y tế (n=300)

Qua bảng 3.9 cho ta thấy:
- Nhóm NCH tự kỳ thị có tỷ lệ bị kỳ thị, PBĐX tại cơ sở y tế cao hơn nhóm không tự kỳ thị. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=15,30 (CI 95%: 7,21-32,45) và p<0,001.

- Nhóm không phải NCH có tỷ lệ bị kỳ thị, PBĐX tại cơ sở y tế cao hơn nhóm NCH thuần túy. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=4,90 (CI 95%: 1,15-20,95) và p<0,05.

- Nhóm NCH đồng thời nghiện chích ma túy có tỷ lệ bị kỳ thị, PBĐX tại cơ sở y tế cao hơn nhóm khác. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=2,07 (CI 95%: 1,05-4,09 ) và p<0,01.

- Nhóm NCH bị bạo hành giới trong 3 tháng trước điều tra có tỷ lệ bị kỳ thị và PBĐX tại cơ sở y tế cao hơn. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=4,56 (CI 95%: 1,55-13,32)  và p<0,01.

IV. Kết luận
Qua nghiên cứu 300 người nhiễm HIV/AIDS, chúng ta đã xác định được một số yếu tố liên quan đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS như sau:

- Các hình thức và đối tượng kỳ thị, phân biệt đối xử với NCH tại gia đình vẫn còn nặng nề và ở các mức độ khác nhau. Sự kỳ thị và PBĐX tại gia đình cao với NCH ở các nhóm: không đạt về kiến thức phòng, chống HIV và pháp luật, nhóm tự kỳ thị, nhóm NCMT, với p<0,01.

- Các hình thức và đối tượng kỳ thị, phân biệt đối xử với NCH tại cộng đồng vẫn còn và ở các mức độ khác nhau, nhưng mức độ có thấp hơn so với gia đình. Sự kỳ thị và PBĐX tại cộng đồng cao với NCH ở các nhóm: không đạt về kiến thức phòng, chống HIV, nhóm tự kỳ thị, nhóm NCMT, với p<0,05.

- Sự kỳ thị, phân biệt đối xử tại trường học với con em người nhiễm hầu như không có, chỉ có hình thức là một số em tự kỳ thị, với p<0,05.

- Các hình thức và đối tượng kỳ thị, phân biệt đối xử với NCH tại nơi làm việc vẫn còn và ở các mức độ khác nhau, nhưng mức độ được thể hiện rõ hơn với nhóm NCH tự kỳ thị và nhóm NCH đồng thời nghiện chích ma túy, với p<0,01.

- Các hình thức và đối tượng kỳ thị, phân biệt đối xử với NCH tại cơ sở y tế vẫn còn và ở các mức độ khác nhau, nhưng thường thấp hơn các nơi khác; mức độ kỳ thị và phân biệt đối xử được thể hiện rõ hơn với nhóm NCH chưa đạt về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS và kiến thức pháp luật liên quan, với p<0,01.

V. Khuyến nghị
Tuy tỷ lệ tự kỳ thị và bị kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ở mức tương đối thấp, nhưng để nói không với kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm vào năm 2030 là mục tiêu kỳ vọng của hành tinh này. Vì vậy đề nghị hệ thống chính trị của huyện Hoa Lư và của tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi nói chung về phòng, chống HIV/AIDS và về giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS nói riêng, chú ý các nhóm đối tượng có tỷ lệ tự kỳ thị và bị kỳ thị cao ở tất cả các địa điểm nghiên cứu (trong đó chú ý nhất là sự kỳ thị tại nơi làm việc).

Đỗ Văn Dung, Liên hiệp Các Hội KH&KT Ninh Bình
Vũ Thị Lan, Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Đăng Đông, Nguyễn Phương Hiền, Phạm Đức Mạnh và cộng sự (2012), Thực trạng kỳ thị và phân biệt đối xử ở ba nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao để phân biệt được sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV ở Việt Nam, Tạp chí Y học thực hành, năm 2013, số 889+890, (tr.411-416).

2. Lê Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Thị Thanh Trang (2013), Đánh giá kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống HIV/AIDS trên người dân 15-49 tuổi ở tỉnh Long An năm 2012, Tạp chí Y học thực hành, năm 2013, số 889+890, (tr.386-389).

3. Đặng Văn Khoát & Chu Quốc Ân (2005), Phân tích tình hình phân biệt đối sử liên quan đến HIV/AIDS trong lĩnh vực y tế ở Hà Nội, Việt Nam, Y tế Công cộng, 4, pp 33-38.

4. Lưu Bích Ngọc (2010), Gia đình Việt Nam đối mặt với HIV/AIDS: Các  thái độ kỳ thị, Tạp chí Y học thực hành, năm 2010, số 742 + 743 (tr590 - tr592).

5. Vũ Văn Xuân và CS (2009), Nghiên cứu thông tin phản hồi của người nhiễm HIV/AIDS về sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng, Tạp chí Y học thực hành số 3(860).

6. Ann P. Zukoski, and Sheryl Thorburn (2009), Experiences of Stigma and Discrimination among Adults Living with HIV in a Low HIV-Prevalence Context: A Qualitative Analysis, AIDS patient care and STDs, 23(4): 267-276.

7. UNAIDS, IPPF, ICW global (2011), People living with HIV stigma index, Asia Pacific regional analysis.

8. Ullah Ahsan (2011), "HIV/AIDS-Related Stigma and Discrimination: A Study of Health Care Providers in Bangladesh", J Int Assoc Physicians AIDS Care (Chic), 10(2), pp. 97-104.

Các tin khác