Theo Gartner, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.
Cách mạng công nghiệp lần đầu tiên là sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.
Trong những năm qua, ngành Y tế Ninh Bình đã tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số vào mọi hoạt động. Nhờ đó, ngành đã có nhiều đổi mới quan trọng trong công tác quản lý, triển khai, ứng dụng thành công các kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh (KCB): Hiện nay 100% các bệnh viện trong ngành đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh; một số bệnh viện thực hiện đăng ký khám bệnh qua máy rút số tự động, phân buồng khám, thứ tự khám trên bảng điện tử đảm bảo nhanh gọn không có tiêu cực trong thứ tự khám; nối mạng nội bộ bệnh viện (BV) giữa hệ thống máy cận lâm sàng và các khoa, kết quả được chuyển qua mạng trực tiếp về khoa lâm sàng; Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi tiến hành hội chẩn, hướng dẫn phẫu thuật, giao ban chuyên môn, đào tạo tập huấn trực tuyến qua hệ thống Telemedicine với các Bệnh viện trung ương; việc đầu tư, ứng dụng CNTT mà ngành Y tế Ninh Bình đã và đang triển khai là rất có hiệu quả. Qua đó, góp phần xử lý kịp thời các ca bệnh khó, các tình huống bệnh nguy kịch, hiểm nghèo cần xử lý gấp mà không kịp chuyển lên tuyến trên. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã áp dụng thí điểm thẻ KCB thông minh cho công tác quản lý điều trị một số bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp; Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã áp dụng chữ ký số và chứng thư số cho các bác sỹ và công chức phục vụ công tác cung cấp dịch vụ công cho nhân dân; thực hiện cải cách thủ tục hành chính đặc biệt là thủ tục KCB tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian chờ đợi cho người dân đi KCB và một xét nghiệm từ 04 giờ xuống còn 2 giờ 30 phút …
Sở Y Tế Ninh Bình đã tổ chức giao ban, hội nghị, tập huấn trực tuyến với các đơn vị trực thuộc trong tỉnh từ tháng 7 năm 2017. Hệ thống y tế dự phòng ứng dụng phần mềm quả lý tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, quản lý dịch bệnh, ATTP, phần mềm quản lý y tế cơ sở tuyến xã làm tăng tính hiệu quả và giảm chi phí nhân công, tài chính cho công tác triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và dân số.
Giảm tải và nâng cao chất lượng KCB: Thông qua ứng dụng CNTT qua hệ thống Telmedicine, đề án Bệnh viện vệ tinh, đề án 1816, dự án NORRED, chỉ đạo tuyến do đó nhiều kỹ thuật của Bệnh viện tuyến trung ương được triển khai ở tuyến tỉnh như can thiệp mạch, cắt gan, thay chỏm xương đùi, can thiệp bệnh lý cột sống, sọ não, lồng ngực, nội soi khớp, lọc màng bụng, hồi sức sơ sinh trẻ nhẹ cân non tháng đến 500gr, hạ thân nhiệt não, hỗ trợ sinh sản, đo tải lượng vi rút, xét nghiệm miễn dịch, đông máu, điều trị nhược thị, Test điều trị tâm lý, đơn vị châm cứu điều trị bệnh cột sống và đột quỵ … Bệnh viện tuyến huyện đã tiến hành được các kỹ thuật của tuyến tỉnh như phẫu thuật nội soi mổ ruột thừa, phẫu thuật tiêu hóa, sản phụ khoa, CT scaner; hồi sức tổng hợp …
Trong quản lý, điều hành trên 90% công việc của Sở Y tế và các đơn vị thực hiện trao đổi trên môi trường mạng, qua hệ thống thư điện tử, hệ thống phần mềm i-office chia sẻ dữ liệu nội bộ riêng. Bên cạnh đó, trong hoạt động KCB-BHYT, các đơn vị y tế ứng dụng CNTT rất hiệu quả. Các Bệnh viện đã xây dựng, đồng bộ hóa được bộ danh mục dùng chung trong KCB; xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng kho phác đồ điều trị phục vụ KCB. Đến nay, 100% đơn vị, cơ sở KCB và trạm y tế tuyến xã đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu KCB, chuyển dữ liệu thanh toán BHYT sang cổng tiếp nhận của BHXH đúng quy định. Hệ thống ứng dụng CNTT bệnh viện với những ứng dụng cận lâm sàng cũng được chú trọng như với máy chẩn đoán hình ảnh, máy xét nghiệm hóa sinh, huyết học và các máy thăm dò chức năng (nội soi các loại, điện tim, điện não, lưu huyết não). Dữ liệu KCB-BHYT của các Bệnh viện được tổng hợp và trích xuất với cơ quan BHXH phục vụ công tác giám định và thanh toán chi phí KCB-BHYT. Đây là một quy định bắt buộc của ngành trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, ngành Y tế Ninh Bình đã đưa vào sử dụng một số phần mềm ứng dụng đáp ứng được yêu cầu của công việc chuyên môn tại một số đơn vị như: phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý y tế về nhân sự, tài chính, quản lý dược, trang thiết bị, phần mềm quản lý đường dây nóng nối mạng chung với bộ Y tế và toàn quốc có cùng một số điện thoại 19009095; phần mềm quản lý chất lượng bệnh viện; tiến tới bệnh viện không giấy tờ.
Ứng dụng CNTT còn giúp ngành Y tế thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong quản lý nhà nước. Đặc biệt là cải cách TTHC trong cung cấp dịch vụ công. Hiện tại ngành đã triển khai hệ thống quản lý tác nghiệp một cửa và xây dựng quy trình, đưa 154 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến; mức độ 3-4 cho các lĩnh vực quản lý hành nghề y tế tư nhân, ATTP.
Công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của ngành y tế Ninh Bình đang là đơn vị đi đầu trong tỉnh. Trong năm năm từ 2013-2017 toàn ngành đã tiến hành nghiên cứu 13 đề tài NCKH, 18 sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp tỉnh, 1.472 NCKH và 23 sáng kiến cấp cơ sở. Các đề tài được nghiệm thu đánh giá cao về hàm lượng khoa học và hiệu quả ứng dụng thực tiễn. Các NCKH có tính ứng dụng thực tiễn cao như xây dựng quy trình và triển khai áp dụng cho các kỹ thuật Can thiệp tim mạch; phẫu thuật nội soi tiêu hóa, tiết niệu, sản phụ; kết hợp xương bằng khung ngoại vi; cắt gan bán phần; thay chỏm xương đùi; truyền máu hoàn hồi; kinh nghiệm hồi sức sơ sinh non tháng nhẹ cân; bơm tinh trùng sau lọc rửa hỗ trợ sinh sản; phẫu thuật Phaco; hiệu quả phương pháp Test tâm lý trong điều trị bệnh tâm thần; kỹ thuật xét nghiệm miễn dịch, đông máu; tiêm an toàn trong điều trị; mô hình PHCN cho người khuyết tật tại cộng đồng; phòng nhiễm bệnh sán lá gan trong cộng đồng có tập quán ăn gỏi cá tại Kim Sơn; quy trình tiêm chủng an toàn; đặc điểm lâm sàng và các yếu tố liên quan bệnh sốt xuất huyết tại Ninh Bình v.v … Tất cả các đề tài sáng kiến của ngành Y Tế đã và đang triển khai áp dụng rất hiệu quả trong dự phòng bệnh tật và khám chữa bệnh cho nhân dân.
Để ứng dụng thành công CNTT trong khám chữa bệnh trước hết đòi hỏi các bệnh viện cần đầu tư đầy đủ các phần mềm HIS, LIS, RIS/PACS, EMR, HER... tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế để hướng tới mục tiêu bệnh viện không giấy tờ. Sau đó là sự phát triển mạnh mẽ những hệ thống ứng dụng chuyên sâu, ứng dụng hỗ trợ ra được quyết định lâm sàng. Các hệ thống phải liên thông được với nhau, vận hành thống nhất trong hệ sinh thái và dữ liệu lớn y tế, hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh.
Cùng đó, với tình trạng quá tải hiện nay ở các bệnh viện, điện toán biết nhận thức đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế tới đời sống nhất là trong lĩnh vực Y tế.
Đối với y tế, công nghệ 4.0 có thể giúp hỗ trợ giải quyết thực trạng này; giúp cho bệnh nhân có được phác đồ điều trị nhất quán ngay tại địa phương và giúp cho bác sỹ có cơ hội được cập nhật thông tin mới một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời. Tuy nhiên, cũng giống như các ngành nghề khác, khi áp dụng công nghệ 4.0, công nghiệp dược phẩm cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức về bảo mật, bảo vệ các bí quyết công nghệ, sự vẹn toàn của quá trình sản xuất, tinh giảm nhân lực…Với ngành y tế Ninh Bình, cuộc cách mạng công nghiệp này đang gõ cửa, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội phát triển y tế điện tử./.
Vũ Văn Cẩn - Sở Y tế tỉnh Ninh Binh