Banner chính
Thứ Ba, 16/04/2024
Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình

Thực trạng tăng huyết áp và một số yếu tố liên quan của người dân từ 18-60 tuổi tại xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình năm 2017

Thứ Hai, 04/12/2017
TÓM TẮT
Bằng phương pháp mô tả cắt ngang có phân tích trên 801 đối tượng nghiên cứu (ĐTNC) từ 18-60 tuổi tại xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình năm 2017, kết quả nghiên cứu cho thấy:

Trong nghiên cứu với tổng số 801 ĐTNC, trong đó có 474 nam giới, chiếm 59,2%. Số người tăng huyết áp là 207 người, tỷ lệ tăng huyết áp (THA) chiếm 25,8%; tỷ lệ THA ở nam giới là 27,2% cao hơn nữ giới (24,9%).

Nhóm người có độ tuổi càng cao càng có xu hướng THA cao hơn, với p<0,01.

Nhóm người có trình độ học vấn càng cao thì xu hướng THA càng giảm, với p<0,05.

Nhóm nghề nội trợ có tỷ lệ THA cao nhất (57,4%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (ngoại trừ so với nhóm buôn bán), với p<0,01.

Nhóm người có thói quen ăn mặn có tỷ lệ THA cao hơn nhóm người không ăn mặn; nhóm người có thói quen hút thuốc lá, lào có tỷ lệ THA cao hơn nhóm không hút; nhóm người có thói quen ít vận động thể lực có tỷ lệ THA cao hơn nhóm người vận động thể lực, với p<0,01. Nhóm những người thừa cân, béo phí có tỷ lệ THA cao hơn nhóm bình thường, thiếu cân, với p<0,01. Nhóm những người thường xuyên lo lắng về kinh tế, thu nhập có tỷ lệ THA độ II và III cao hơn nhóm không lo lắng, với p<0,05.

I. Đặt vấn đề

Tăng huyết áp là vấn đề quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ THA hiện đang ở mức cao và gia tăng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. THA với hậu quả nặng nề của nó như TBMMN, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận...là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong, là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và là gánh nặng cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Theo báo cáo của WHO năm 2013, mỗi năm có khoảng 17 triệu người tử vong do bệnh lý tim mạch (chiếm 1/3 tử vong chung), trong đó 45% tử vong do Tim liên quan đến THA và 51% tử vong do đột quỵ não là do THA.

Tại Việt Nam đã có chương trình quốc gia về phòng, chống bệnh THA được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008, với mục tiêu phát hiện sớm, quản lý và điều trị THA; xây dựng, triển khai và duy trì bền vững mô hình quản lý bệnh THA tại tuyến cơ sở, 50% số người mắc THA được phát hiện sẽ được điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế, giảm tỷ lệ tử vong và tai biến do bệnh THA.

Tại Ninh Bình, chưa có nghiên cứu nào về thực trạng THA của người dân tại cộng đồng ở lứa tuổi lao động từ 18-60. Để đánh giá thực trạng bệnh THA và hướng tới mục tiêu phát hiện, dự phòng sớm bệnh THA cho người dân tại xã Khánh Vân. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Thực trạng tăng huyết áp và một số yếu tố liên quan của người dân từ 18-60 tuổi tại xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình”. Nhằm 02 mục tiêu: (i) Mô tả thực trạng tăng huyết áp của người dân từ 18-60 tuổi tại xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, năm 2017. (ii) Xác định một số yếu tố liên quan đến tăng huyết áp của đối tượng nghiên cứu.

II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

Người dân trong độ tuổi từ 18 đến 60 được xác định theo danh sách hiện đang sinh sống tại địa phương.

2..2. Thời gian và địa điểm nghiên cứu:

Nghiên cứu tiến hành từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/7/2017 tại xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu theo phương pháp mô tả cắt ngang có phân tích.

Cỡ mẫu:

Xác định cỡ mẫu theo công thức tính cỡ mẫu điều tra xác định tỷ lệ của một nghiên cứu mô tả cắt ngang:

Trong đó:

- n: Cỡ mẫu cần thiết cho nghiên cứu

- Z= 1.96 tương ưng giá trị α = 0,05. Độ tin cậy 95 %

- p = Tỷ lệ ước tính mắc THA trong quần thể là 23%. (Theo kết quả nghiên cứu của Trương Thị Thùy Dương và cs) [3].

- q = 1- p

- d = 0,03 là sai số cho phép.

Thay vào công thức ta tính được cỡ mẫu cần thiết là n = 756

Ước lượng 5% mẫu dự phòng và làm tròn, n = 800

Phương pháp chọn mẫu:

Tổng số ĐTNC trong độ tuổi 18 - 60 của xã là 3022. Bằng phương pháp điều tra thuận tiện, chúng ta tới từng hộ gia đình và điều tra 801 ĐTNC.

2.4. Xử lý số liệu:

Số liệu được làm sạch và nhập bằng phần mềm Epi-Data 3.1 và xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0, bằng các test thông kê y tế như Chi bình phương, T-Test và các giá trị OR, CI95%, giá trị p…

III. Kết quả và bàn luận

2.1. Thực trạng Tăng huyết áp của ĐTNC

Trong 801 ĐTNC có 474 nam giới, chiếm 59,2%. Tổng số người tăng huyết áp (THA) là 207 người, chiếm 25,8%; tỷ lệ THA ở nam giới là 27,2% cao hơn nữ giới (24,9%). Theo nghiên cứu của Võ Thị Dễ và cs, tỷ lệ THA chung là 28,4%, ở nam giới là 30,6% và nữ giới là 26,9% [2]. Theo nghiên cứu của Trương Thị Thuỳ Dương và cs năm 2013 tại Hà Nam trên 1009 ĐTNC từ 18 tuổi trở lên cho thấy, tỷ lệ THA chung là 24,4%, tỷ lệ THA ở nam giới là 28,3%, ở nữ giới là 22,6%, kết quả này khá tương đồng với nghiên cứu tại Ninh Bình [3].

Xét về yếu tố gia đình cho thấy có 28,5% số người THA trong gia đình có người thân THA. Trong khi khám bệnh, chỉ có 52,2% số ngời THA được đo huyết áp. Trong 12 tháng trở lại đây trên tổng số 207 người THA chỉ có 105 người (50,7%) được khám, chẩn đoán và tư vấn về THA; Trong số những người được khám và tư vấn sức khoẻ, họ đã được chẩn đoán một số bệnh kết hợp hoặc liên quan tới THA như bệnh tiểu đường chiếm 28%, bệnh TBMMN chiếm 19,8%, các bệnh mạch vành, suy tim, rối loạn chuyển hoá mỡ chiếm tỷ lệ thấp hơn từ 1,9% đến 2,9%.

Số người biết về khái niệm THA chiếm 48,8%, theo Võ Thị Dễ, tỷ lệ này là 67,8% [2]. Tuy nhiên, họ biết và tìm hiểu về các thông tin liên quan tới THA là khá tốt, tỷ lệ hiểu biết đúng chiếm tỷ lệ từ 91,1% đến 97,0%, theo Võ Thị Kim Anh, tỷ lệ này là 58,2% [1].

Trong số 101 người bệnh THA chỉ có 92 (91,1%) người tham gia điều trị hoặc được quản lý và tư vấn chăm sóc. Trong số họ có 87,0% được tư vấn chăm sóc đúng cách.

Xét về các yếu tố nguy cơ gây THA, đối tượng cho rằng thói quen ăn mặn chiếm tỷ lệ cao nhất (73,3%), sau đó là yếu tố uống rượu bia chiếm 71,3%. Các yếu tố khác chiếm tỷ lệ thấp hơn, từ 57,4% đến 63,4%. Theo Trần Thiện Thuần, đối tượng cho rằng thói quen ăn mặn chiếm 87,2%, ít vận động thể lực chiếm 83% [6].

Kết quả nghiên cứu cho thấy có 96,0% số đối tượng cho rằng THA thường gây biến chứng nguy hiểm. Trong đó biến chứng đột quỵ chiếm tỷ lệ cao nhất (95,9%); các biến chứng như suy thận, nhồi máu cơ tim và suy tim chiếm tỷ lệ tương ứng là 17,5%, 18,6% và 20,6%.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ĐTNC có kiến thức đúng về chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ và phòng ngừa bệnh THA là tương đối cao, tỷ lệ này từ 68,1% đến 74,4%.

3.2. Một số yếu tố liên quan tới tăng huyết áp của ĐTNC

Kết quả tại bảng 8 và biểu đồ 1 cho thấy, người có độ tuổi càng cao càng có xu hướng THA cao hơn. Cụ thể, nhóm ở độ tuổi từ 41-50 có tỷ lệ THA cao hơn nhóm 31-40 và 18-30, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với p<0,01; nhóm ở độ tuổi cao nhất (51-60 tuổi) có tỷ lệ THA cao hơn so với các nhóm ở độ tuổi thấp hơn, với p<0,001. Theo Đỗ Thị Hoà, nhóm tuổi 50-59 có tỷ lệ THA cao hơn nhóm 40-49, với OR=1,89 (CI95%: 1,39-2,58) và p<0,001 [4].

Biểu đồ 1. Mối liên quan giữa THA với nhóm tuổi và trình độ học vấn

Kết quả tại bảng 9 và biểu đô 1 cho thấy, người có trình độ học vấn càng cao thì xu hướng THA càng giảm. Tỷ lệ THA ở nhóm tiểu học là cao nhất, cao hơn các nhóm khác, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nhóm THPT và TCCN, CĐ, ĐH, với p<0,001. Tỷ lệ THA ở nhóm THCS cao hơn các nhóm có học vấn cao hơn, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với p<0,05.

Bảng 10 cho thấy, nhóm nghề nội trợ có tỷ lệ THA cao nhất (57,4%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (ngoại trừ so với nhóm buôn bán), với p<0,01. Nhóm nghề buôn bán có tỷ lệ THA cao hơn các nhóm công nhân, làm ruộng, thất nghiệp và lao động tự do. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với <0,05. Theo Đỗ Thái Hoà, nhóm công chức, viên chức có tỷ lệ THA cao hơn các nhóm khác, với p<0,05 [4].

- Nhóm người có thói quen ăn mặn có tỷ lệ THA cao hơn nhóm người không ăn mặn (39,3% và 22,0%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=2,30 (CI95%: 1,61-3,28) và p<0,001. Theo Chu Hồng Thắng, những người có thói quen ăn mặn có nguy cơ THA cao hơn nhóm không ăn mặn gấp 4,2 lần (CI95%: 2,46-7,21) [5].

- Nhóm người có thói quen hút thuốc lá, lào có tỷ lệ THA cao hơn nhóm không hút (34,6% và 23,2%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=1,75 (CI95%: 1,23-2,50) và p<0,01. Theo Chu Hồng Thắng, những người có thói quen hút thuốc có tỷ lệ THA cao hơn nhóm không hút gấp 2,19 lần (CI95%: 1,33-3,64) [5].

- Nhóm người có thói quen ít vận động thể lực có tỷ lệ THA cao hơn nhóm người vận động thể lực (45,8% và 14,1%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=5,15 (CI95%: 3,67-7,23) và p<0,001. Theo Chu Hồng Thắng, thói quen này với OR=3,03 (CI95%: 0,24-159,85) [5].

Trong số những người THA, nhóm THA độ II và III có tỷ lệ TBMMN cao hơn nhóm THA độ I (23,1% và 9,8%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=2,76 (CI95%: 1,02-7,47) và p<0,05.

Nhận xét: nhóm những người thường xuyên lo lắng về kinh tế, thu nhập có tỷ lệ THA độ II và III cao hơn nhóm không lo lắng (84,5% và 70,6%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với OR=2,27 (CI95%: 1,08-4,77) và p<0,05. Theo Chu Hồng Thắng, những người thường xuyên lo lắng có nguy cơ THA cao hơn nhóm không lo lắng gấp 2,47 lần (CI95%:1,09-5,97) [5].

IV. Kết luận

Thực trạng tăng huyết áp của ĐTNC:

Trong nghiên cứu với tổng số 801 ĐTNC, trong đó có 474 nam giới, chiếm 59,2%. Số người tăng huyết áp là 207 người, chiếm 25,8%; tỷ lệ THA ở nam giới là 27,2% cao hơn nữ giới (24,9%).

Một số yếu tố liên quan tới tăng huyết áp của ĐTNC:

Nhóm người có độ tuổi càng cao càng có xu hướng THA cao hơn. Cụ thể, nhóm ở độ tuổi từ 41-50 có tỷ lệ THA cao hơn nhóm 31-40 và 18-30, với p<0,01; nhóm ở độ tuổi cao nhất (51-60 tuổi) có tỷ lệ THA cao hơn so với các nhóm ở độ tuổi thấp hơn, với p<0,001.

Nhóm người có trình độ học vấn càng cao thì xu hướng THA càng giảm. Tỷ lệ THA ở nhóm tiểu học là cao nhất, cao hơn các nhóm khác, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nhóm THPT và TCCN, CĐ, ĐH, với p<0,001. Tỷ lệ THA ở nhóm THCS cao hơn các nhóm có học vấn cao hơn, với p<0,05.

Nhóm nghề nội trợ có tỷ lệ THA cao nhất (57,4%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (ngoại trừ so với nhóm buôn bán), với p<0,01. Nhóm nghề buôn bán có tỷ lệ THA cao hơn các nhóm công nhân, làm ruộng, thất nghiệp và lao động tự do, với p<0,05.

Nhóm người có thói quen ăn mặn có tỷ lệ THA cao hơn nhóm người không ăn mặn; nhóm người có thói quen hút thuốc lá, lào có tỷ lệ THA cao hơn nhóm không hút; nhóm người có thói quen ít vận động thể lực có tỷ lệ THA cao hơn nhóm người vận động thể lực, với p<0,01.

Trong số những người THA, nhóm THA độ II và III có tỷ lệ TBMMN cao hơn nhóm THA độ I, với p<0,05.

Nhóm những người thường xuyên lo lắng về kinh tế, thu nhập có tỷ lệ THA độ II và III cao hơn nhóm không lo lắng, với p<0,05.

V. Khuyến nghị

Qua kết quả nghiên cứu, chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị như sau:

1. Đối với hệ thống y tế tuyến xã, phường: có kế hoạch khám sức khoẻ cho toàn thể người dân để quản lý sức khoẻ cho họ, chú ý hơn với các nhóm bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tăng huyết áp. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống bệnh tăng huyết áp cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

2. Một số giải pháp cụ thể tại xã, phường:

- Tăng cường phát các tin, bài về phòng, chống tăng huyết áp trên hệ thống truyền thanh 3 cấp;

- Nhân viên y tế xã, phường và nhân viên y tế thôn, bản tăng cường công tác nói chuyện, tư vấn trực tiếp cho người dân; ưu tiên những người có nguy cơ tăng huyết áp, những người tăng huyết áp về kiến thức và kỹ năng phòng, chống tăng huyết áp.

Vũ Hà Bắc1, Đỗ Văn Dung2

1 . Sở Y tế tỉnh Ninh Bình
2 . Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Võ Thị Kim Anh, Trần Văn Hưởng, Nguyễn Thị Thuỳ Dương và cs (2016), Kiến thức về tăng huyết áp và một số yếu tố liên quan của bệnh nhân tại các cơ sở y tế tư nhân, tỉnh Bình Dương. Tạp chí Y học cộng đồng, số 32, năm 2016, Tr.67-70.

2. Võ Thị Dễ, Đặng Vạn Phước (2007), Tần suất tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ ở tỉnh Long An năm 2005. Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, tập 11, phụ san số 1/2007, Tr.122-127.

3. Trương Thị Thuỳ Dương, Lê Thị Hương, Lê Thị Tài và cs (2014), Thực trạng tăng huyết áp và một số yếu tố nguy cơ ở người trưởng thành tại 2 xã của huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Tạp chí Nghiên cứu y học, số 88 (3) – 2014, Tr.143-150.

4. Đỗ Thái Hoà, Trương Việt Dũng, Nguyễn Thanh Long và cs (2014), Tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp, tăng đường huyết và một số yếu tố liên quan ở nhóm tuổi trung niên tại huyện Đông sơn, Thanh Hoá, năm 2013. Tạp chí Y học dự phòng, tập XXIV, số 8 (157) – năm 2014, Tr.30-36.

5. Chu Hồng Thắng, Dương Hồng Thái, Trịnh Văn Hùng (2015), Một số nguy cơ tăng huyết áp ở người Nùng trưởng thành tại Thái Nguyên. Tạp chí Y học thực hành, (950), số 2/2015, Tr.67-71.

6. Trần Thiện Thuần (2005), Các yếu tố ảnh hưởng đến kiến thức và thực hành ở người lớn về bệnh tăng huyết áp tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2005. Chuyên đề Khoa học cơ bản – Y tế công cộng, Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Tr.118-125.

Các tin khác