Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

Diện mạo nông thôn mới ở một làng quê nghèo Tam Điệp

Thứ Năm, 20/03/2014
Từ thời phong kiến, đế quốc cai trị cũng đã có quy hoạch từng làng xã, nhưng cũng chỉ có những trục đường chính xuất phát từ trung tâm huyện lỵ về đến các trung tâm xã gọi là huyện lộ với chiều rộng khoảng 5m, không hề có hè đường. Nhân dân quen gọi huyện lộ ấy là đường quan, nhằm mục đích phục vụ sự cai trị quản lý của chúng như kiểm tra điền thổ, nộp sưu thuế…

Những đường ngang có chiều rộng khoảng 3m cắt qua đường quan xuyên hết khu dân cư là đường ranh giới giữa các xã.
Mỗi xã đều có trung tâm xã hoặc nằm bên đường quan, hoặc ở một vị trí khác - đó là nơi đình thờ Thành Hoàng, gọi là đình làng. Trung tâm đình làng thường có khuôn viên rộng để làm vườn hoa, trồng cây cổ thụ, làm sân đình để hàng năm tổ chức hội làng vào dịp tết nguyên tiêu (rằm tháng giêng) vui chơi như câu ca dao truyền lại: “Tháng giêng là tháng ăn chơi…” để rồi sang “tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà…”
Ngoài ra, mỗi xã còn có chợ họp sáng hoặc chiều tùy theo nếp sinh hoạt của địa phương mình. Chợ không có mái, dân tự lập, họp giữa trời ở vị trí thuận lợi cho dân các xóm, có khi cả các xã lân cận để mua bán, trao đổi hàng hóa nông hải sản, nhu yếu phẩm… Chợ sáng là nơi cung cấp hàng cho chợ chiều gọi là buôn gốc bán ngọn.
Thời kỳ đó, mỗi tổng gồm từ ba đến bốn xã chỉ có một trường tiểu học dành cho con em những gia đình giàu có, khá giả mới có điều kiện đến trường.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, quy hoạch làng xã cũ vẫn chưa có gì thay đổi. Trung tâm xã, vẫn là đình làng. Ủy ban hành chính xã lấy đình làng làm trụ sở công quyền. Trung tâm huyện vẫn là những công trình của huyện đường xưa.
Từ những năm đầu thập kỷ 60, Viện Thiết kế quy hoạch đô thị và nông thôn Bộ Kiến trúc - nay là Bộ Xây dựng đã nghiên cứu quy hoạch xây dựng “làng mới” nhằm đáp ứng phục vụ nông dân - nông nghiệp - nông thôn sau ngày hòa bình thống nhất đất nước. Việc đó chứng tỏ Đảng và Nhà nước ta đã nhìn xa thấy rộng, sớm quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, đưa nông thôn theo kịp thành thị.
Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, nền kinh tế khó khăn, tất cả dốc sức cho tiền tuyến, nên chưa cho phép thực hiện, đành phải “treo”.
Năm 1975, hòa bình lập lại trên cả nước, điều kiện cơ sở vật chất còn rất nhiều khó khăn vì phải tập trung tài lực hàn gắn vết thương  chiến tranh.
Từ thời kỳ đổi mới 1986 đến nay, cuộc sống nông thôn dần dần được thay da đổi thịt. Quy hoạch “treo” “làng mới” đã được thực hiện.  Hạ tầng cơ cở được nhà nước hỗ trợ vốn với dân cùng làm. Nhiều địa phương đã có điện sáng. Giao thông nông thôn được quy hoạch nâng cấp hợp lý sạch đẹp hơn.
Điển hình như xã Quang Sỏi (nay là xã Quang Sơn) thuộc thị xã Tam Điệp - Ngay cái tên Quang Sỏi xưa người ta đã hình dung đây là một xã nghèo vì đất cằn đá sỏi, không màu mỡ. Quanh năm người dân chỉ sống bằng vườn chè xanh. Ngày nay toàn xã gần như được đô thị hóa.
Đường trục liên xã, liên huyện có chiều rộng 10m đổ nhựa, đảm bảo cho ba làn xe chạy an toàn.
Đường liên thôn có chiều rộng từ 5 đến 7m, bê tông hóa đảm bảo cho các loại xe tải nhỏ chở hàng vật liệu xây dựng, phân bón và các hàng hóa khác vào đến tận từng công trình, nhà ở trong xóm.
Đường nội bộ trong các thôn xóm rộng 3 đến  3.5m bê tông hóa vào tận các ngõ ngách sạch sẽ thông thoáng.
Ngoài ra còn có đường trục từ khu dân cư xuống đến ruộng đồng đảm bảo cho xe công nông chở thóc lúa về, hoặc các máy cày, bừa, gieo gặt đập lúa phục vụ thay sức người.
Trụ sở cơ quan công quyền xã được xây dựng mới với quy mô từ hai đến ba tầng bên vững, khang trang đẹp đẽ. Trung tâm xã là nơi cơ quan chính quyền, Đảng ủy xã đóng.
Bên cạnh trụ sở UBND là nhà văn hóa để sinh hoạt vui chơi, đọc sách báo cho người lao động, thanh thiếu nhi thoải mái tinh thần sau một ngày làm việc và học tập mệt nhọc. Trong nhà văn hóa có thư viện với những cuốn sách phổ biến khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phổ biến pháp luật, kế hoạch hóa gia đình.

Xã có Nhà trẻ, Trường Mầm non, Trường Tiểu học và Trường Trung học cơ sở được xây dựng hai đến ba tầng theo tiêu chuẩn quốc gia, có sân chơi rộng rãi thoải mái. Có Trạm y tế, tuy là một tầng, được xây dựng khá kiên cố, có y, bác sỹ phụ trách khám và chữa bệnh thông thường cho dân, có vườn cây thuốc và vườn hoa, cây to bóng mát. Xã có trung tâm mua bán trao đổi hàng hóa nông sản ở nông thôn - đó là chợ sáng. Quy mô tuy không lớn nhưng cũng khá khang trang sạch đẹp. Ngoài ngôi chợ có mái xây bán kiên cố, còn lại xung quanh là chợ ngoài trời dành cho những hàng rau, hàng cá, gà vịt. Ngoài ra, xã còn có khu công nghiệp hóa: Nhà máy xi măng Tam Điệp với quy mô 1.4 triệu tấn/năm, nhà máy xi măng 207 quy mô tuy không lớn nhưng cũng đủ cấp cho địa phương xây dựng. Công nghiệp nhẹ có Xí nghiệp Giày da, Công ty May mặc xuất khẩu, Xí nghiệp sản xuất bơm kim tiêm…
Xã Quang Sơn tuy chưa được nghiên cứu xây dựng là xã nông thôn mới nhưng so với 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới thì cũng là bước đầu đạt được một số tiêu chí đáng khích lệ.

Nguyễn Văn Thực

Các tin khác