Đồng chí Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, phản biện đề án chủ trì hội thảo. Cùng tham gia hội thảo có các chuyên gia đại diện Hội Di sản Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Ninh Bình, Chi hội Di sản Ninh Bình…
Nghệ thuật hát Xẩm là một loại hình ca hát dân gian. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, hát Xẩm đã có thời gian phát triển ở khắp các chốn thôn quê, đặc biệt là vùng Ninh Bình nổi tiếng cả nước với nghệ nhân Hà Thị Cầu. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các phường Xẩm dần tan rã. Các nghệ sỹ hát Xẩm bước dần vào tuổi xế chiều và lần lượt ra đi vĩnh viễn, mang theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ lưu giữ và thực hành. Trong khi đó, các trường đào tạo nghệ thuật âm nhạc cổ truyền ở nước ta không đưa nghệ thuật hát Xẩm vào chương trình nghệ thuật. Vì vậy, nghệ thuật Xẩm đã và đang có nguy cơ bị thất truyền, cần bảo vệ khẩn cấp.
Trước thực trạng đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình phê duyệt Đề án số 04 ngày 14/11/2011 về việc “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm” với mục tiêu bảo tồn, lưu giữ và phát triển loại hình văn hóa đang có nguy cơ bị thất truyền trong dân gian. Thực hiện Đề án trong giai đoạn 2011-2012, Nhà hát Chèo Ninh Bình phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Yên Mô tổ chức một số buổi biểu diễn nghệ thuật hát xẩm tại các khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, sưu tầm và bổ sung một số làn điệu hát xẩm vào các vở diễn sân khấu truyền thống, nâng cao trình độ chuyên môn cho một số nghệ sỹ trẻ.
Đồng thời, đã mở một số lớp năng khiếu ở xã Yên Phong do cố nghệ nhân Hà Thị Cầu trực tiếp truyền dạy. Tuy nhiên, quy mô các lớp dạy hát Xẩm chưa được mở rộng. Kết thúc đề án, mới chỉ mở được 6 lớp cho học sinh và hai lớp cho giáo viên.
Để bảo vệ khẩn cấp nghệ thuật Xẩm, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã đề xuất thực hiện giai đoạn 2 của Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm giai đoạn 2 (2019-2021)”. Một mục tiêu khác của đề án này nhằm phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong đời sống đương đại, truyền dạy cho thế hệ trẻ, đồng thời phát huy thế mạnh của nghệ thuật truyền thống để phát triển du kịch với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững và xây dựng nông thôn mới, làm tiền đề cho việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO Nghệ thuật hát Xẩm là di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp.
Phạm vi đề án là toàn bộ không gian tồn tại, không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư và có các hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đến huyện Yên Mô. Đề án cũng đề cập cụ thể đến kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2019-2021 và phân rõ trách nhiệm cho từng đơn vị chủ trì.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, có những ý kiến đóng góp thiết thực vào từng nội dung cụ thể nhằm hoàn chỉnh Đề án để sớm trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét trong thời gian sớm nhất.
Đinh Liên