Phát biểu Lễ khai mạc, GS. TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức, cho biết: Ban Tổ chức đã nhận được 118 công trình gửi tới dự thi ở 6 lĩnh vực, bao gồm: Công nghệ thông tin, Điện tử và Viễn thông; Cơ khí và tự động hóa; Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ vật liệu; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Sau khi thẩm định và xét duyệt kỹ lưỡng, Ban Tổ chức đã quyết định trao 04 giải Nhất, 08 giải Nhì, 15 giải Ba và 14 giải Khuyến khích cho các công trình xuất sắc nhất với giá trị ứng dụng thực tiễn và hiệu quả đã được chứng minh.
Giải Nhất lĩnh vực cơ khí tự động hóa thuộc về công trình nghiên cứu phát triển mới các dây chuyền tự động, hiện thực công nghệ tiên tiến sản xuất sữa gạo, đóng gói màng co tự động inline phục vụ công nghiệp hóa chế biến nông sản của nhóm tác giả Trần Văn Trà, Hoàng Công Khang và Quách Văn Kiên - Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao thưởng cho tác giả các công trình đoạt giải Nhất
Giải Nhất lĩnh vực công nghệ vật liệu thuộc về công trình nghiên cứu thiết kế chế tạo sản phẩm mới ống khuyếch đại ánh sáng (EOP) thế hệ 2+ đường kính 36,7 mm có tính năng tự động điều chỉnh độ sáng màn hình, của nhóm tác giả Nguyễn Bình Nguyên, Lê Hải Ninh và các cộng sự đến từ Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Điện tử Sao Mai - Nhà máy Z181 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng).
Giải Nhất lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới được trao cho công trình nghiên cứu áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng giàn chống tự hành có cơ cấu thu hồi than nóc độc lập để nâng cao năng suất khai thác tại Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin. Công trình của nhóm tác giả Lê Minh Chuẩn, Đặng Thanh Hải, Trần Mạnh Cường và các cộng sự đến từ các Công ty Cổ phần Than Hà Lầm, Tập đoàn than Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin, Công ty cổ phẩn Than Núi Béo và Công ty tư vấn Mỏ.
Giải Nhất lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thuộc về công trình xây dựng các giải pháp công nghệ xử lý axit H2SiF6 dây chuyền sản xuất supe phốt phát nhằm giảm chi phí xử lý môi trường. Công trình của nhóm tác giả Phạm Quang Tuyến, Văn Khắc Minh và các cộng sự - Công ty Cổ phần supephotphat và hóa chất Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Nhóm được trao giải Nhất sẽ nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ; Bằng khen và cúp của Ban Tổ chức; Bằng lao động sáng tạo; Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo; và tiền thưởng trị giá 40 triệu đồng.
Cũng tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã thay mặt Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trao Giải WIPO cho 2 công trình xuất sắc thuộc lĩnh vực Cơ khí - Tự động hóa và Công nghệ sinh học cho các công trình:
- Công trình CK.03: “Nghiên cứu cải tiến xe thiết giáp bánh lốp BTR - 152 thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình” của tác giả TS Trần Hữu Lý - Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự - Tổng cục kỹ thuật - Bộ Quốc phòng.
- Công trình SH.07 “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gen kháng kháng sinh” của tác giả PGS.TS Lê Hữu Song - Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - Bộ Quốc phòng.
Những công trình này góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Sau cùng, để kết thúc buổi lễ, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã phát động giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2019.
Đông Hà