Mẹ Hiệp là cô giáo tiểu học còn bố em làm ruộng. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn thiếu thốn song bố mẹ em lúc nào cũng động viên và tạo điều kiện cho con cái học hành. Ý thức được hoàn cảnh của gia đình mình, chị em Hiệp bảo ban nhau thường xuyên giúp đỡ bố mẹ những việc gia đình, hơn hết các em không quên nhiệm vụ chính của mình là học tập với thành tích tốt nhất. Từ nhỏ Hiệp đã say mê môn vật lý. Những bài học thầy giáo giảng trên lớp, em luôn chăm chú lắng nghe, ghi nhớ rồi về nhà lại mày mò, áp dụng những kiến thức đã được học vào công việc hàng ngày. Cũng chính vì niềm đam mê đó mà em thường xuyên tháo các loại máy móc, đồ điện tử trong nhà để xem xét, nghiên cứu nguyên lý hoạt động.
Hàng ngày, nhìn bố phải trèo cây rồi dùng kéo để cắt tỉa cành cây ăn quả vừa nguy hiểm, vừa vất vả, mà chỉ có thể cắt tỉa được những cành nhỏ có đường kính 1cm trở xuống. Những mùa mưa bão, em thấy nhà trường phải thuê thợ để cắt cành cây trong khu vực trường. Xuất phát từ thực tế đó, Hiệp đã nghĩ đến mô hình cắt tỉa cành cây nhằm khắc phục được những hạn chế của những dụng cụ đã dùng. Sau nhiều ngày nghiên cứu, thực hiện vẽ mô hình trên giấy, em đã thành công. Được sự động viên của gia đình và sự tư vấn, ủng hộ của các thầy, cô giáo trong trường, Hiệp quyết định đưa mô hình vào thực tế. Nguyên liệu để thực hiện mô hình đơn giản chỉ là một lưỡi cưa, một ít sắt …Sau một thời gian, mô hình của em đã hoàn thiện và thực nghiệm thành công, công việc tỉa cành cây được tiến hành dễ dàng, tốn ít công sức và đảm bảo an toàn lao động.
Sản phẩm của Hiệp thể hiện tính sáng tạo của dụng cụ cưa tỉa cành hơn hẳn những loại kéo tỉa cành và cưa tay khác:
- Kéo tỉa cành trên thị trường dùng lực lớn hơn, độ lớn của lực sử dụng trực tiếp lực của cơ tay và phải trèo lên cao. Còn ở dụng cụ tỉa cành của em Hiệp, thay đổi cả hướng của lực và độ lớn của lực nhờ hệ thống ròng rọc và đòn bẩy, nên lực của tay lắc cũng như lực của tay hãm được tăng gấp ba lần nhờ lực đòn bẩy nên cưa nhẹ hơn mà không phải trèo lên cao.
- Móc giữ cành còn có tác dụng giữ cưa trên cây sau khi đã cưa xong, tránh cưa rơi xuống đất gây nguy hiểm, chỉ khi muốn lấy cưa ra khỏi cành cây mới tháo chốt hãm.
Hiệp cho biết, sắp tới em sẽ tập trung cải tiến một số chi tiết của sản phẩm. Theo đó, thay vì dùng sức người để cưa, em sẽ sử dụng điện năng. Khi sử dụng điện năng thì việc cắt tỉa cành sẽ được thực hiện nhanh và phạm vi rộng hơn. Mong rằng niềm đam mê khoa học và những dự định của “nhà sáng chế nhí” Vũ Hoàng Hiệp sẽ sớm được thực hiện trong một tương lai không xa.
Thảo Ngọc