Banner chính
Thứ Năm, 21/11/2024
Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình

GS.TS. Ngô Kiều Nhi: Khoa học để giải quyết những bức xúc rất đời thường

Thứ Hai, 18/10/2021
Xông xáo bước vào lĩnh vực trước nay vẫn được coi là dành riêng cho phái mạnh - chế tạo máy và gắn bó với nó như một lựa chọn chung thân, GS.TS Ngô Kiều Nhi đã cho thấy sự vô nghĩa của những định kiến thông thường về giới hạn của tuổi tác và giới tính.

Sinh ngày 03/11/1945 tại Sài Gòn nhưng từ nhỏ, GS.TS Ngô Kiều Nhi đã tập kết ra Bắc cùng gia đình. Sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ học ở Liên Xô, bà trở về Việt Nam, làm việc tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, bà quay lại thành phố quê hương, giảng dạy ở trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Trong hơn 40 năm công tác, GS.TS Ngô Kiều Nhi không chỉ biên soạn giáo trình, trực tiếp đào tạo, hướng dẫn hàng nghìn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc các ngành cơ điện tử, cơ kỹ thuật, chế tạo máy, mà còn là tác giả/đồng tác giả của rất nhiều thiết bị kỹ thuật cao, góp phần cải thiện năng suất lao động và đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho xã hội. Vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt dịu dàng, nhưng người phụ nữ ấy đã khiến không ít người kinh ngạc và cảm phục vì ý chí, bản lĩnh và đam mê dành cho khoa học, vì đã vượt lên trên những trắc trở của cuộc sống riêng và khó khăn chung của đất nước để tạo ra các thành tựu mang tính đột phá cho ngành cơ khí - chế tạo máy nước nhà.

Nhìn lại chặng đường mà GS.TS Ngô Kiều Nhi đã đi, có thể thấy hầu hết các công trình khoa học của bà đều xuất phát từ những bức xúc rất đời thường. Dường như đó cũng chính là định hướng làm việc suốt đời của người phụ nữ này: khoa học phải gắn liền với thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn. Bởi vậy, từ những năm 1970, bà và các đồng nghiệp đã ấp ủ dự định áp dụng phương pháp quản lý giáo dục của các nước tiên tiến vào Việt Nam để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý giáo dục nước nhà. Thành công của đề tài Sử dụng máy tính điện tử trong công tác tuyển sinh (1976-1979) đã khiến mô hình này được triển khai rộng dần ở các tỉnh phía Nam và đến năm 1979 thì được Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Bằng khen của trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho nhóm thực hiện có ý nghĩa như một nguồn động lực để bà và mọi người tiếp tục tiến bước, triển khai thí điểm việc quản lý 70.000 lao động ở Phú Nhuận bằng máy tính (Đề tài cấp Thành phố, 1987). Những bước đi tiếp theo của TS Ngô Kiều Nhi càng cho thấy nhà khoa học đó luôn tích cực bám sát các tiến bộ của thế giới và chủ động xây dựng những đề tài khoa học đáp ứng nhu cầu bức thiết của đời sống.

Thực vậy, ngay từ năm 1986, sau chuyến tham quan nước Pháp, bà đã có ý tưởng ứng dụng kỹ thuật số vào việc thiết kế chế tạo máy. Bấy giờ, Việt Nam chưa tự sản xuất được các thiết bị như bộ điều khiển tự động (CNC), cảm biến từ… mà phải nhập khẩu từ Đức, Trung Quốc… với giá đắt cắt cổ nên hầu như rất ít doanh nghiệp có thể mua nổi, công nhân đa phần phải thao tác thủ công nên độ chính xác của sản phẩm không cao, khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Nỗi bức xúc trước tình trạng đó đã thôi thúc TS Ngô Kiều Nhi bắt tay thực hiện một số đề tài khoa học như Thiết lập các chương trình tính toán động học cơ cấu phẳng dùng trên vi tính (1987), Cân bằng các chi tiết quay và khử rung các máy và thiết bị trong sản xuất (1991-1993), nhưng thành quả nghiên cứu của bà và đồng nghiệp không được áp dụng, nhân rộng vào thực tiễn sản xuất vì khi đó, máy vi tính vẫn còn là “của hiếm” ở nước ta.

Đến năm 1992, có một nhà máy cần xuất khẩu vô lăng, bánh đà nên đã chấp nhận thử nghiệm máy cân bằng động do nhóm nghiên cứu của trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh chế tạo. Không những đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn trong nước, máy cân bằng động của TS. Ngô Kiều Nhi và đồng nghiệp còn được sản xuất trên cơ sở vật tư kỹ thuật có giá thành không cao, chỉ bằng 1/8 giá hàng nhập. Thành quả của nhóm đã được các đơn vị sản xuất hưởng ứng nhiệt tình, sau đó, xưởng sửa chữa A41 của sân bay Tân Sơn Nhất cũng sử dụng những chiếc máy nội địa này để cân bằng tuốc bin máy bay. Giờ đây, máy cân bằng động mang thương hiệu Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh gần như độc chiếm thị trường Việt Nam và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Từ năm 1996-1997, bà chủ trì đề tài Chế tạo mô hình CNC trên máy tiện vì nhận thấy thị trường Việt Nam đang rất cần máy tiện, máy phay CNC. Bà nhờ các thuyền trưởng tàu viễn dương mua xác máy CNC ở nước ngoài về với giá rẻ, rồi thay thế, sửa chữa phần cơ khí và phát triển hệ thống điều khiển điện tử cho máy. Thay vì nhập một chiếc máy mới từ Đức giá hàng tỷ đồng, máy tiện CNC của GS.TS Ngô Kiều Nhi chỉ mất hơn 100 triệu đồng, và theo đánh giá của các thợ tiện lành nghề, chất lượng của CNC Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh không hề thua kém CNC của Đức. Với những đóng góp to lớn của mình cho ngành cơ khí chính xác của đất nước, TS Ngô Kiều Nhi đã được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 2002.

Không dừng lại ở đó, Phòng thí nghiệm Cơ học ứng dụng do bà làm Trưởng phòng vẫn tiếp tục nghiên cứu, chế tạo các thiết bị kỹ thuật cao để phục vụ đời sống. Gần đây, GS.TS Ngô Kiều Nhi và cộng sự đã giới thiệu hệ thống giám sát sức khỏe cầu (Structural health monitoring - SHM) và thuyết phục được cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng để kiểm định chất lượng của khoảng 500 cây cầu ở đây. Thông thường, có hai biện pháp để đánh giá “sức khỏe” của cầu: một là đơn vị bảo vệ cầu thường xuyên kiểm tra hình thức để phát hiện những bất thường về kết cấu; hai là kết hợp kiểm tra hình thức và đo đạc để nắm được khả năng chịu tải của cầu; song cả hai biện pháp này đều khá tốn công, tốn của nên số cầu được kiểm định và số lần kiểm định của mỗi cầu đều rất hạn chế. Trong khi đó, SHM không chỉ bao gồm một hệ thống cảm biến lắp đặt trực tiếp trên cầu cho phép liên tục cập nhật biên độ dao động của nhịp, trụ, mố…; biến dạng cầu; hệ số xung kích; hệ số giảm chấn; tần số cưỡng bức; biến dạng động… của cầu do lượng xe cộ đang lưu thông gây ra; mà còn có hai phần mềm phân tích, lưu trữ số liệu để từ đó, kỹ thuật viên có thể đánh giá bước đầu tình trạng, khả năng chịu lực của cầu và xác định bộ phận nào cần được sửa chữa ngay. Hệ thống đo tự động này của GS.TS Ngô Kiều Nhi được đánh giá rất cao cả về ý nghĩa khoa học lẫn ý nghĩa kinh tế khi ứng dụng vào thực tiễn và đem lại hiệu quả to lớn cho xã hội.

Giờ đây, GS. TS Ngô Kiều Nhi đã ngoại thất tuần, nhưng bà vẫn miệt mài làm việc ở Phòng thí nghiệm Cơ học ứng dụng trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh vào cả những ngày nghỉ. Đã thực hiện 15 đề tài khoa học và sáng tạo hàng chục thiết bị đo, song bà vẫn không nguôi trăn trở về việc ngành cơ khí nước nhà chưa tự sản xuất được máy CNC. Ý thức về trách nhiệm của một nhà khoa học đối với đất nước khiến bà ngày càng tâm huyết với công tác giảng dạy và truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Có thể kỳ vọng rằng những chiếc máy CNC cỡ nhỏ mà sinh viên của GS.TS Ngô Kiều Nhi chế tạo trong phòng thí nghiệm sẽ được cải tiến và nhanh chóng có mặt ở các doanh nghiệp Việt Nam, giải quyết bài toán khó cho ngành công nghiệp nặng và cơ khí chính xác của nước ta.

Mai Huyền

Các tin khác